Câu đối của các sĩ phu yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX

Phan Thanh Giản sửa

Phan Thanh Giản tự là Đạm Bá, Đạm Như, hiệu là Lương Khê, biệt hiệu là Mai Xuyên, sinh tại làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, tỉnh Vĩnh Long, nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre. Năm 1826, Phan đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ. Năm 1836, Phan được Tự Đức cử làm Chánh sứ sang Pháp xin chuộc lại 3 tỉnh miền Đông, nhưng không thành. Ngày 20-6-1867, Pháp chiếm tỉnh thành Vĩnh Long lần thứ hai. Phan Thanh Giản tuyệt thực, rồi tự tử vào ngày 4-8-1867. Sau khi ông mất, có rất nhiều gửi câu đối phúng điếu như sau:

  • Sĩ phu Nam Kỳ điếu Phan công:
九泉未釋羣戎憾 Cửu tuyền vị thích quần nhung hám (Suối vàng còn giận quân giặc dữ)
一忍能全六省民 Nhất nhẫn năng toàn lục tỉnh dân (Nhẫn nhục cho yên đám dân lành)
  • Sĩ phu Trung Kỳ phúng Phan công:
三朝耿耿敦從事 Tam triều cảnh cảnh đôn tùng sự (Gắn bó ba triều lo việc trọn)
一老哀哀不憗遺 Nhất lão ai ai bất ngận di (Xót thương một lão chẳng sống lâu)
  • Sĩ phu Bắc kỳ phúng điếu Phan công:
南中再覩文承相 Nam trung tái đổ Văn thừa tướng (Trong Nam lại thấy Văn thừa tướng)
北地驚魂郭子儀 Bắc địa kinh hồn Quách Tử Nghi (Ngoài Bắc càng kinh Quách Tử Nghi)
  • Những câu đối khắc ở ngoài lăng mộ:
江山鍾秀氣 Giang sơn chung tú khí (Sông núi đúc khí tốt)
歐亞慕威靈 Âu Á mộ uy linh (Âu Á mến oai linh)
節義留天地 Tiết nghĩa lưu thiên địa (Tiết nghĩa truyền trời đất)
精神貫斗牛 Tinh thần quán Đẩu Ngưu (Tinh thần cao tận Đẩu, Ngưu)

Những câu đối của Cử Nhân Đốc Học Miễn Am Lê Văn Thạc (1782 - 1876) sửa

Lê Văn Thạc hay còn gọi là Lê Quốc Thạc, hiệu là Miễn Am, người làng Phùng Cầu, nay thuộc xã Thiệu Thịnh (Thiệu Hóa). Năm ông 11 tuổi, trong kỳ thi sát hạch ở trấn, viên quan triều Tây Sơn bấy giờ là Trấn thủ Trung Khuông quận công đã ra cho ông một vế đối chữ Hán:

“Quan trung trở sơn đái hà, tứ tái địa khả đô dĩ bá” (Giữa ải quan hiểm trở núi sông, thu đất bốn phương ắt nên nghiệp lớn)
Ông đã đối: “Túc hạ thâm câu hào lũy, lưỡng tướng đầu khả trí ư huy” (Dưới chân mình cao sâu hào lũy, hai tướng đầu quyết lập công to)

Viên Trấn thủ thấy vế đối của cậu bé còn nhỏ tuổi vừa hay, lại tỏ ra có chí, nên giữ lại làm bạn học với con mình.

Đương thời, ông Miễn Am còn được giới nho sĩ và nhân dân Thanh Hóa ca ngợi là người làm câu đối hay. Người ta thường truyền nhau câu nói: “Văn trướng Cát Xuyên, đối liên Phùng Cầu”. Nghĩa là về văn hay thì có ông Nhữ Bá Sĩ, người Cát Xuyên, Hoằng Hóa. Sau khi nghỉ hưu ở tuổi 70, ông Miễn Am về nhà còn mở trường dạy học, ông đã làm đôi câu đối, dán ở chỗ thường ngồi trong nhà:

Tam tỉnh thư học quan cam lãnh, hoạn thành phi lợi khí
Thất tuần phụng tân cáo bất dược, dã diệc thị tường kim”

Nghĩa là:

“Lạm giữ đốc học ba tỉnh cam phận nghèo khổ thầy đồ, vẫn tin chức chẳng hóa giàu
Kính dâng sắc phong lúc bảy mươi đâu dám rạng rỡ mặt mày, đúng là vàng khối đúc nên đẹp”

Về cuối đời thấy cảnh đất nước đang bị thực dân Pháp thôn tính dần, mà triều đình không có quốc sách hữu hiệu để đối phó, còn bạn bè, người thân thì đều đã lần lượt khuất núi, nên ông tỏ ra buồn rầu, chua xót trước thời cuộc, thể hiện ở đôi câu đối điếu người bạn tâm giao Nhữ Bá Sĩ: “Ông viết trát nhi phản chân, đế truyền dĩ hải Bộc viết mạo nhi do tại, trần ba vị thanh”. Dịch là:

“Ông tám chục cõi thật trở về, nút trời đã cởi
Tôi chín mươi bến mê còn ở, sóng dữ chưa êm”

Câu đối về danh nhân Nguyễn Khắc Trạch (1797 - 1884) sửa

Nguyễn Khắc Trạch tự An Phủ, hiệu Nhuế Xuyên, người làng Bình Hồ, huyện Đông Yên, trấn Sơn Nam, nay thuộc huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Năm 1849 ông làm Bố chính (quan đầu tỉnh) Gia Định, khi đó còn có tên là Phiên An. Khi tình hình Gia Định ổn định ông được điều về làm Tuần phủ Vĩnh Long. Năm 1855, ông được triệu về triều giữ chức Hàn lâm trực học sĩ, sung Biên tu Quốc sử quán. Năm 1864, ông về quê sống một cuộc đời dân dã, khuyến khích mở mang nông nghiệp, trồng dâu, nuôi tằm, quan tâm đến việc học của lớp trẻ. Nguyễn Khắc Trạch mất, Tôn Thất Thuyết khi đó là Thượng thư bộ Binh, phụ chính đại thần gửi câu đối viếng:

“Cố địa vô song, cộng đạo Phiên An di cựu khách
Tiên Sinh hà khứ trùng khan Hàm Tử chính đường niên

Dịch:

Đất cũ không quên, những tưởng cũng đương đến, Phiên An còn lại khách cũ
Tiên sinh về đâu, xem sao được nữa trận Hàm Tử diễn lại ngay trong năm nay

Nguyễn Văn Siêu (1799 - 1872) sửa

Nguyễn Văn Siêu tên khác là Định, tự Tốn Ban, hiệu Phương Đình và Thọ Xương cư sĩ, thuỵ Chí Đạo, người làng Kim Lũ, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông. Ông làm quan đến Kiểm thảo viện Hàn lâm, rồi trải qua các chức vụ Chủ sự bộ Lễ, Thị giảng học sĩ...Tương truyền khi Nguyễn Văn Siêu được cử về giữ chức án sát ở Hà Tĩnh, các nho sĩ vùng này lập mẹo để thử tài Thần Siêu xem như thế nào. Họ bố trí cho một người chạy ra đường, đón võng ông đi qua để xin câu đối. Ông hỏi hoàn cảnh, người ấy nói là gia đình có hai bố mẹ cùng chết một lúc, nay xin câu đối về thờ chung, hỏi thêm hành trạng người đã khuất thì chẳng ai có công tích hay tài năng gì đặc biệt cả, người ta bày giấy bút ra trước mặt ông, để xin …có ngay! Nguyễn Văn Siêu hơi lúng túng. Đầu đề “khô khan” như thế này, thì phải có thời gian suy nghĩ. Ông nói với người kia: "Được, ta sẽ viết ngay. Có điều giấy bút này xấu quá ta không quen viết. Anh chịu khó chạy đi đổi cho ta thứ khác". Thời gian người kia chạy đi kiếm giấy bút tốt là thời gian ông cấu tứ. Và đôi câu đối được viết ra:

Đình tiền đồng trúc giao phù, xưng cô diệc xưng ai, bất thắng địa thảm thiên sầu, cửu tự chi ân vị báo (Trước sân gậy vông gậy trúc chống xen nhau, hết xưng cô rồi lại xưng ai, xiết bao trời thảm đất sầu, chín chữ cù lao chưa chút báo)
Tuyền hạ sắt cầm tịnh cổ, bất quan diệc bất quả, ý giả sơn minh hải thệ, bách niên chi ước mạc vong (Dưới suối, đàn sắt đàn cầm cùng hòa hợp, thôi nỗi quan và thôi nỗi quả, ý hẳn non thề biển hẹn, trăm năm nguyện ước quyết không quên)
Đám tang xưa, khi cha mất, con chống gậy vông tự xưng là cô, khi mẹ mất con chống gậy tre tự xưng là ai. Quan là người chết vợ, quả là người chết chồng. Trong hoàn cảnh như vậy mà Nguyễn Văn Siêu viết được câu đối ý tình tha thiết nói đúng cảnh ngộ chung và cảnh ngộ riêng một cách thanh thoát và thật tài tình.
  • Câu đối bày tỏ sự thương tiếc của Nguyễn Văn Siêu với gia đình họ Cao:
Tối liên tai, quán cổ tài danh, nan đệ cánh nan huynh, bất thế ngẫu sinh hoàn ngẫu tử (Thảm thương thay! nức tiếng tài danh, anh giỏi em giỏi, đời dễ mấy người cùng sống thác)
Khả tích dã, đáo đầu sự thế, thử nhân nhi thử ngộ, hỗn trần lưu xú diệc lưu hương (Khá tiếc nhỉ! đến nơi sự thế, người này cảnh ấy, đời lưu một tiếng để danh thơm)

Những câu đối ca ngợi Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị (1805-1884) sửa

Phạm Văn Nghị là người ở xã Tam Đăng, tổng An Trung, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng (nay là thôn Tam Quang, xã Yên Thắng, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định). Ông lần lượt đỗ: Tú tài, Cử nhân và Hoàng giáp nên được người đời gọi là Hoàng Tam Đăng. Hiệp ước Giáp Tuất được ký vào ngày 15 tháng 3 năm 1874, triều đình Huế phải giao đứt toàn bộ Nam Kỳ cho Pháp. Phạm Văn Nghị buồn bực, viện cớ tuổi cao, xin về dưỡng lão. Năm ông 70 tuổi, học trò của ông là Tống Duy Tân viết câu đối như sau:

Phong lãng kỉ hồi, đại nghĩa ná tri đầu phát bạch
Giang sơn vô dạng, cố viên nhưng hữu cúc hoa hoàng

Dịch:

Sóng gió nhiều phen, nghĩa lớn sá chi đầu tóc bạc
Giang sơn yên ổn, vườn xưa còn đấy luống hoa vàng
  • Ngày 25-12-1873, ông dẫn 100 dân binh lên lập căn cứ An Hoà, chuẩn bị lực lượng chiếm lại thành Nam Định. Sau 3 ngày, hơn 7000 người đã tới ứng nghĩa.Tháng 3-1874, Pháp rút khỏi Bắc Kỳ ông mới cho giải tán nghĩa quân An Hoà, thật đúng như câu đối:
Vì quốc báo ân hiệp kháng Tây nhung bình quốc nạn
Bảo dân cao khí phách anh tài Nam Việt cứu dân sinh
  • Phạm Văn Nghị mất, Tống Duy Tân viết câu đối:
Phu tử tiên thiên hạ chi ưu, kỷ độ thăng trầm thân thế
Đệ tử thị tiên sinh do phụ, bách niên tồn một thủy chung

Tạm dịch:

Tiên sinh lo việc trước người đời, thân thế nổi chìm ôi mấy độ;
Đệ tử coi thầy như cha, mất còn chung thủy mãi trăm năm.

Trong lễ tang hoàng giáp Phạm Văn Nghị trước đông đảo các bậc khoa bảng chức sắc và quyền quý đến dự với đồ phúng viếng và câu đối viết sẵn. Bỗng có một ông già dáng vẻ nghèo khó nhưng cốt cách tĩnh tại, không đem lễ vật gì, chỉ xin một nén hương vào viếng. Mọi người có vẻ coi thường. Vái xong ba vái ông già ứng khẩu đọc đôi câu đối:

Tích yên, nghĩa lỗ nhân can, Độc Bộ ba đào câu nộ sắc
Kim dã, nghiêm sương hàn lộ, Hoa Lư thảo thụ đối sầu nhan

Tạm dịch:

Xưa chèo nghĩa buồm nhân, Độc Bộ cồn cồn sóng giận
Nay băng đông sương giá, Hoa Lư ảm đạm cây sầu
Câu đối hay quá, chỉnh quá, ý tứ cao đạo mà sâu sắc, có cả tâm sự và thế sự, tình người và tình đời khiến quan khách đều lộ vẻ kính phục trân trọng mời ngồi, nhưng ông già chỉ cúi đầu đáp lễ rồi lặng lẽ ra đi

Bùi Hữu Nghĩa (1807 - 1872) sửa

Bùi Hữu Nghĩa tên thật là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi, sinh tại Bình Thuỷ – Cần Thơ. Năm 1835, ông đỗ Giải nguyên kỳ thi hương ở Gia Định. Ít lâu sau, ông kết duyên với bà Nguyễn Thị Tồn. Ông được bổ làm tri huyện ở Phước Long (Biên Hòa), rồi tri huyện Trà Vang (tức huyện Trà Vinh – tỉnh Vĩnh Long). Khi làm Tri Huyện Trà Vang, ông dưới quyền quản lý của Tổng đốc Trương Văn Uyển và Bố chánh Truyện. Ở nơi mới, Bùi Hữu Nghĩa cũng không được lòng quan trên bởi có lần ông cho đánh đòn em vợ bố chính Truyện bởi thói xấc láo. Cho nên nhân vụ Láng Thé, ông bị họ khép tội chết. Nguyễn Thị Tồn là người ở thôn Mỹ Khánh, tổng Chánh Mỹ Thượng, huyện Phước Chính, phủ Phước Long, tỉnh Biên Hòa (nay thuộc tỉnh Đồng Nai). Khi nghe tin chồng bị bắt bà đã lặn lội ra kinh đô Huế để đánh trống kêu oan cho chồng, bà được Thái hậu Từ Dụ (mẹ vua Tự Đức), ban cho tấm biển chạm 4 chữ vàng "Tiết phụ khả gia". Tuy cứu được chồng, nhưng khi trở về đến quê nhà ở Biên Hòa, thì bà lâm bệnh mất và được an táng ở nơi đó... Nghe tin vợ mất, nhưng lúc bấy giờ Bùi Hữu Nghĩa đang ở biên trấn xa xôi, nên khi đến Biên Hòa thì việc an táng đã xong, ông làm đôi câu đối, 1 Hán 1 Nôm để tỏ lòng thương tiếc:

我貧卿能助我冤卿能明朝郡皆稱卿是婦 Ngã bần, khanh năng trợ; ngã oan khanh năng minh, triều dã giai xưng khanh thị phụ (Ta nghèo, mình hay giúp đỡ; ta tội, mình biết kêu oan, trong triều ngoài quận đều khen mình mới thật là vợ)
卿病我不藥卿死我不喪江山膺笑我非夫 Khanh bệnh, ngã bất dược; khanh tử ngã bất táng, giang sơn ưng tiếu ngã phi phu (Mình bịnh, ta không thuốc thang; mình chết, ta không chôn cất; non sông cười ta chẳng xứng gọi là chồng)
Nơi kinh quốc mấy hồi trống dóng, biện bạch này oan nọ ức; đấng hiền lương mắt thấy thảy đau lòng
Chốn tỉnh đường một tiếng hét vang, hẳn hoi lẽ chánh lời nghiêm, lũ bằng đảng tai nghe đều mất vía

Nguyễn Hàm Ninh (1808 - 1867) sửa

Nguyễn Hàm Ninh tự là Thuần Chi, hiệu Tĩnh Trai, Anh Toàn tử, quê làng Phù Ninh; sau dời sang làng Trung Ái (sau đổi thành Trung Thuần) phủ Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Năm Kỉ Sửu (1829), ông đỗ Tú tài, đến năm Tân Mão (1831) đỗ Giải nguyên tại Thừa Thiên. Ông nhiều lần bị thăng giáng trên quan trường, kết cục bị đổi về Huế làm Trai đàn hiệu lực tại chùa Thiên Mụ.

  • Lúc còn là học trò, các bạn của Nguyễn Hàm Ninh ra cho ông vế đối:
Vinh Sơn, Ngưu Sơn, sơn sơn xuất anh hùng hào kiệt
Ông Nguyễn đối lại: Tràng Hải, Ngoại Hải, hải hải đa liệt nữ anh thư
Vế ra nhằm thể hiện niềm tự hào về quê hương (vùng dưới chân đèo Ngang) của bạn. Cách ghép chữ “sơn” [山] (núi) + “sơn” [山] = “xuất” [出] (ra). Vế đối lại cũng biểu thị niềm vinh dự được sống trên mảnh đất có nhiều “liệt nữ anh thư”, để sánh cùng “anh hùng hào kiệt” của bạn. Ở đây, cũng dùng cách ghép chữ: khung chữ bên bộ “thủy” [氵] của chữ “hải” [海] (biển), được xem là “đa” [多] (nhiều).
  • Ngày ấy, có một chàng trai làng Trung Ái cưới một cô vợ người làng Phan Long. Phan Long là phố huyện cũng lắm bậc hay chữ kỳ tài. Người Phan Long biết hôm ấy trong đám đón dâu của làng Trung Ái có ông Tiến Sĩ Nguyễn Hàm Ninh, nên họ tổ chức bày một hương án chặn ngang đường vào làng, đoạn đầu cầu Kênh Kịa. Trên hương án họ đặt một vế đối kèm theo điều kiện nếu họ nhà trai đối được thì sẽ cho qua, bằng không thì...quay về.
vế ra là: Chân giậm tay mò bơn hói Kịa (Bơn là loại cá thờn bơn mình dẹp, dẹt hình như cái lá đa, có nhiều ở con ngòi nước mặn chảy dưới cầu Kênh Kịa. Từ cái ý thực ấy, vế đối muốn ám chỉ việc người con trai về đất này tìm vợ)
Đoàn người đi đón dâu còn ngơ ngác, lúng túng chưa biết xử trí thế nào thì Nguyễn Hàm Ninh đã vượt lên ứng khẩu: Má kế miệng ngậm bống Khe Giang
Vế đối thực hợp cả ý thực lẫn ý lỡm. Khe Giang là con suối lớn chảy ngang cuối làng Trung Ái, nơi có nhiều cá bống nước ngọt. Còn ý lỡm đối lại cũng rất đạt, nói bóng nói gió việc người con gái về lấy chồng ở đất Khe Giang...!
  • Có người phụ nữ chồng là người Tàu sang Việt Nam buôn bán bị bệnh mà chết phải đưa linh cửu về Trung Quốc trong khi bà có thai, Nguyễn Hàm Ninh có viết đôi câu đối viếng, một câu chữ Nho 1 câu chữ Nôm như sau:
結髮訂吾緣誰謂今朝鴻北去 Kết phát đính ngô duyên, thùy vị kim triêu hồng bắc khứ (Kết tóc hẹn duyên ta, một phút ai xui hồng về bắc)
茫心憑客地吁嗟何日雁南歸 Mang tâm bằng khách địa, hu ta hà nhật nhạn nam quy! (Ôm lòng nương đất khách, bao giờ còn thấy nhạn sang nam?)
Câu này tác giả dùng ngô, khách, mang để nói việc bà lấy chồng Tàu, có mang.
Trước cũng tưởng Tấn Tần một nhà, vậy phận bạc phải nhờ đất khách
Nào có biết Bắc Nam đôi ngả, đem gánh vàng đi đổ sông Ngô
  • Câu đối của vua Thiệu Trị tặng Nguyễn Hàm Ninh khi ông làm Hành tẩu bộ Lễ:
野外秀才齊天大聖 Dã ngoại tú tài, Tề thiên đại thánh (Tú tài ở làng to như Tề thiên đại thánh)
部中行走陸地神仙 Bộ trung hành tẩu, lục địa thần tiên (Hành tẩu trong bộ khoẻ như lục địa thần tiên)

Lê Kim Ứng - Tôn Thị Chiên và Lê Văn Kỳ sửa

Lê Kim Ứng sinh năm 1814 (năm Giáp Tuất, Gia Long thứ 13) mất năm 1885 (ngày 22 tháng 8 năm Ất Dậu, Hàm Nghi thứ nhất). Ông thuộc thế hệ thứ tư của dòng họ Lê Kim Huy - ông tổ họ Lê Kim, thờ ở đền Nguyệt Bổng từ thời Tây Sơn (Làng Nguyệt Bổng thuộc nay thuộc xã Thanh Nam, huyện Thanh Chương, Nghệ An). Trong khoảng từ năm 1874 đến 1875, ông ủng hộ tiền bạc và lúa gạo cho phong trào Văn Thân chống Pháp. Vì vậy lúc ông mất, Văn Thân đã có hai câu đối điếu ca ngợi lòng yêu nước và tính khẳng khái của ông. Đôi câu đối thứ nhất của Hoàng giáp Nguyễn Hữu Chính:

Hiếu nghĩa thuỳ dự đồng, nan đắc y ông, khuynh xi trợ quốc
Tiễu bình hạt thiểu đãi, thăng quan khánh điển, tặng cỗn bao hiền

Dịch:

Ham việc nghĩa không ai bằng ông, nghiêng gia tài giúp nước
Sao không chờ ít lâu nữa, đợi bình định xong giặc, thăng quan ăn mừng, tặng cổn bào, khen người hiền
Nhưng rồi phong trào thất bại, nói chi đến chuyện nhận áo gấm ghi công giúp nước! Mà chiếc áo gấm báo ơn từng có lúc sinh thời thì cuối cùng đã dành để liệm người con trai thứ

Đôi câu đối thứ hai của Cử nhân Nguyễn Văn Đỉnh:

Đắc phú, đắc thọ, hữu thị phụ thành chi thị tử
Hằng sản, hằng tâm văn kỳ ngữ do kiến kỳ nhân

Dịch:

Được giàu, được thọ, có cha như vậy thì con như vậy
Có của nhiều có lòng tốt, nghe tiếng nói như còn thấy được con người

Sau khi ông mất, người con trưởng là Lê Văn Tường vẫn kế thừa truyền thống yêu nước của cha, quyên góp tiền của giúp đỡ Văn Thân, tham gia phong trào Cần Vương, bị Pháp bắt giam chết trong nhà lao Vinh khi mới ba mươi tuổi (1894). Bà Tôn Thị Chiên (vợ ông Tường lúc đó mới hai mươi bảy tuổi) vẫn tiếp tục nối chí của chồng, nhà bà vẫn là nơi qua lại hoạt động của các yếu nhân phong trào Đông Du và Duy Tân. Năm 1913, sau khi bà qua đời, cụ Phan Bội Châu đang hoạt động ở nước ngoài có gửi câu đối về phúng viếng bà:

Ưc diệc cân quắc hào, hải ngoại hợp truyền tam liệt phụ
Thả ư tần tảo sự, khuê trung nan hoạ, nhất hiền nhân

Phan Đăng Tài dịch:

Cũng là nữ anh hào, hải ngoại lừng danh ba liệt phụ
Nói về đường tần tảo, phòng khuê khôn vẽ một hiền nhân

Cũng như nhiều dòng họ khác trên mảnh đất Lam Giang, cuộc đời và gia thế họ Lê Kim gắn liền với các biến cố của dân tộc. Chuyện thế sự gia sự còn thấp thoáng đằng sau những bài thơ, câu đối mà tiền bối trong họ để lại. Trong đó có câu đối ông Lê Văn Kỳ viếng cử nhân Nguyễn Tài Tốn:

Đại khoa hiển cánh đắc đại khoa vinh nhất gia trung, tác thuật tất vô ưu nhập thế quả nhiên hoàn phúc khách
Giáp Ngọ tiền dĩ phi Canh Ngọ hậu cửu tuyền hạ, nghiêm từ như kiến vấn thử tình ưng tận thuyết sơ chung

Dịch:

Đậu đại khoa lại làm quan lớn trong một nhà tác thành cho nhau thật hanh đạt, vào đời như vậy thật là trọn vẹn
Năm Giáp Ngọ trước không phải Canh Ngọ bây giờ nữa, dưới suối vàng cha tôi có gặp thì dượng hẵng nói rõ tình hình cho hết đầu đuôi

“Giáp Ngọ tiền” tức năm 1894 ông Bá Lê Văn Tường bị thực dân Pháp giam chết trong nhà lao ở Vinh. Còn “Canh Ngọ hậu” ấy là năm 1930, phong trào Xô-Viết Nghệ Tĩnh bùng phát. Thực dân Pháp đàn áp, nhà cửa Lê Văn Kỳ bị đốt phá.

  • Phong trào Văn Thân diễn tả trong đôi câu đối viếng thân phụ ông Kỳ là cụ Lê Kim Ứng:
“…hữu thị phụ thành chi thị tử
…văn kỳ ngữ do kiến kỳ nhân

Dịch:

có cha ấy thì có con ấy; tiếng nói truyền nghe thấy lại người
nghe tiếng nói còn thấy người xưa

Mỗi một dòng họ là một phần của lịch sử dân tộc cũng như mỗi một miền quê hương là một phẩn của địa lí quốc gia. Hai hàng câu đối của cụ Tôn Huy Thân (ông ngoại Lê Văn Kỳ) đề nhà thờ hạ họ Lê Kim còn vẽ lại trong mơ hồ phong cảnh quê nhà:

Đình khuy dư địa nghi lan ngọc
Môn chẩm thanh lưu hợp tụng tuyền

Dịch:

Nhìn miếng đất trống trước nhà có cây lan, cây ngọc
Gối đầu lên bậu cửa sổ nằm nghe nước sông Rộ sông Lam hòa thành bản đàn

Năm 1949, ông Lê Văn Kỳ tiến thêm vào nhà thờ hạ đôi câu đối:

Tư phồn tộc loại nhân do tổ
Khắc tráng sơn hà địa tự nhiên

Dịch:

con cháu phồn vinh là do tổ
ở chỗ núi non hùng vĩ là bởi trời

Cuộc đối đáp giữa Nguyễn Văn Giao (1811 - 1863) và Nguyễn Đức Đạt (1824 - 1887) sửa

Nguyễn Văn Giao tên huý là Tao, hiệu Quất Lâm, tự là Đạm Như. Ông là người xã Trung Cần, tổng Nam Kim, huyện Thanh Chương, phủ Anh Sơn (nay là xã Nam Trung, huyện Nam Đàn), tỉnh Nghệ An. Sau khi thi đỗ, ông được bổ thụ Hàn lâm viện Trước tác, nhận chức vụ Hành tẩu ở Nội các. Tháng 8 năm Ất Sửu 1855, được thăng thụ Hàn lâm viện Thừa chỉ. Năm Mậu Ngọ 1858, được thăng nhiệm Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ kiêm chức Hành tẩu Nội các. Tháng 6 năm Kỷ Mùi 1859, thăng thực thụ Thị giảng học sĩ, tháng 1 năm Nhâm Tuất 1862, thăng thụ Thị độc học sĩ, vẫn kiêm chức Tham biện Nội các.

Nguyễn Đức Đạt tự Khoát Như, hiệu Nam Sơn Chủ Nhân, Nam Sơn Dưỡng Tẩu, Khả Am Chủ Nhân. Ông sinh tại làng Hoành Sơn, xã Nam Hoa Thượng, tổng Trung Cần (nay là xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Năm 1863, ông làm Đốc học tỉnh Nghệ An. Năm 1885, vua Hàm Nghi ra chiếu Cần Vương. Ông dựng cờ nghĩa khởi binh, chiến đấu chưa được bao lâu thì thất thế nên nghĩa quân phải rút lên vùng miền núi Thanh Chương. Do tuổi cao sức yêu không đi được, nên Nguyễn Đức Đạt ở ẩn tại quê nhà và mất.
  • Tương truyền, khoa thi năm Quý Sửu (1853), Tiến sĩ chỉ lấy đậu hai đệ nhất giáp Thám hoa, thì cả hai cùng ở một tổng (Nam Kim, Nam Đàn) là Nguyễn Đức Đạt và Nguyễn Văn Giao. Sau ngày vinh quy bái tổ, Nguyễn Đức Đạt qua thăm nhà Thám giao, thấy nhà chỗ nào cũng có đậu (đậu mới thu hoạch), liền ra vế đối:
Trong nhà đậu, ngoài sân đậu, cha thi đậu, con học đậu, thi vân: đa đậu thử chi vị dã
Nguyễn Văn Giao nhìn ra ngoài sân, thấy hàng dâm bụt đang trổ nhiều hoa, liền đối lại: Trên cây hoa, dưới gốc hoa, bái vinh hoa, tôi Thám hoa, thi viết: trùng hoa bất diệt ghi hồ
  • Câu đối tại bản chi từ đường ở làng Hoành Sơn do học trò của Thám Hoa Nguyễn Đức Đạt phúng điếu ông:
Thọ khảo tác nhân, Nam Sơn thảo đường trạch vạn thế (Suốt đời đào tạo bao người, ơn muôn đời ngôi nhà cỏ núi Nam Sơn)
Văn chương minh quốc, Hồng Lĩnh ngô châu đệ nhất phong (Văn chương nổi tiếng cả nước, một ngọn núi cao châu ta Hồng Lĩnh)

Đỗ Huy Uyển (1815 - 1882) sửa

Đỗ Huy Uyển húy Mâu, tự Viên Khuê và Tân Giang, ông sinh tại làng La Ngạn, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Ông là con trai cả của Cử nhân Đỗ Huy Cảnh và là cha của Hoàng giáp Đỗ Huy Liêu, thi đỗ Cử nhân tại trường thi Nam Định. Đỗ phó bảng khoa tân sửu, Thiệu Trị I (1841) làm quan đến chức biện lý hộ Hình, nên khi về nghỉ, người ta thường quan gọi là ông Biện Lý La Ngạn . Khi ông ở nhà dạy học, thường tự phụ là hay chữ bậc nhất; văn chương của ai cũng không coi ra gì. Những làng ở quanh miền La Ngạn, phàm có công việc hiếu hỉ, đều đến xin chữ của ông. Một hôm đương buổi học, một thanh niên trạc ngoài hai mươi tuổi, vào nói là học trò lỡ độ đường, xin giúp đỡ. Ông có ý khinh, hỏi: "Anh là học trò thực à, đã học đến sách gì rồi?" Thanh niên thưa: "Cháu mới học hết sách Tam tự tam tiếc, và đã học sang sách Hán sách hiếc". Nghe lối ăn nói hỗn hào, ông giận lắm, nhưng nén tâm, bảo: "Anh đã học đến sách Hán, nay ta ra cho câu đối, đối được sẽ cho năm quan tiền, còn như không đối được thì sao?" Thanh niên thưa: "Nếu không đối được thì xin chịu đánh đòn 30 roi". Ông liền ra:

Đoạt Triệu bích, bạt Triệu kỳ, Triệu tốt bất tri Hàn kích Triệu (Cướp thành nước Triệu, giở cờ nước Triệu, mà quân nước Triệu không biết là Hàn Tín đánh nước Triệu)
Thanh niên đối ngay: Nhập Tần cung, trừ Tần pháp, Tần dân đại hỉ Hán vương Tần (Vào cung nhà Tần; trừ phép tàn bạo nhà Tần, dân nhà Tần rất mừng được Hán làm vua nước Tần)

Câu ra có ý bảo người thanh niên: bị đánh đến nơi rồi mà không biết đấy. Câu đối lại, thanh niên ngầm bảo: ta định vào nhà ông để trừ tính ông hay đánh.

Câu đối liên quan đến danh nhân Nguyễn Mậu Kiến (1818 - 1879) sửa

Nguyễn Mậu Kiến hiệu là Kính Đài, người xã Động Trung (nay là Vũ Trung), huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Gia đình Nguyễn Mậu Kiến vốn đã có truyền thống sưu tập sách vở. Khi ông còn nhỏ nhà đã tàng trữ được hơn 300 bộ sách cổ. Ông là người sáng lập ra một nhà tàng bản và in sách có tiếng thời Nguyễn - Chiêm Bái đường, Chiêm Bái đường được Nguyễn Mậu Kiến dựng nên tại nơi thờ Khổng Tử ở làng ông. Ông cho mời thợ đến khắc in sách, số lượng lên tới hàng vạn cuốn. Căn cứ vào các sách do Chiêm Bái đường in còn lưu giữ lại tại các thư viện lớn trong và ngoài nước ta biết được ít nhất nhà in này cũng đã khắc in những bộ như sau: Ngũ kinh khâm định, Ngũ tử Cận tư lục, Độc thư lạc thú, Thi kinh Quốc âm ca và Tam diệu pháp thiếp. Chính bởi Nguyễn Mậu Kiến có tấm lòng vì nước vì dân như vậy nên khi ông mất, hương thân Thái Bình đã viếng ông đôi câu đối như sau:

不隨死而亡,書板百年伕世教
可謂生者恨,山防一事屈時英
“Bất tùy tử nhi vong, thư bản bách niên phù thế giáo
Khả vị sinh giả hận, sơn phòng nhất sự khuất thời anh”

Dịch nghĩa:

Không theo cái chết mà chết, ván in sách trăm năm còn nâng đỡ nền giáo hóa ở đời
Có thể nói người sống còn hận, một việc sơn phòng làm nhụt chí khí anh hùng của người đương thời

Những câu đối của Cách Mạng Khai Sơn Chi Tổ Hoàng Phan Thái (1819 - 1865) sửa

  • Hoàng Phan Thái, người làng Cổ Đan (tục gọi làng Bo), huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An; hiệu là Đại Hưu; ông nổi tiếng thông minh và học giỏi từ lúc còn nhỏ; lớn lên thi đậu đầu xứ nên được gọi là Đầu Xứ Thái. Sống dưới thời Tự Đức và nhìn xa thấy rộng về thời cuộc, ông có khuynh hướng canh tân, từng đề xuất việc lập tân đảng để đưa nước nhà tiến bộ trên đường văn minh. Phan Bội Châu gọi Hoàng Phan Thái là “Cách Mạng Khai Sơn Chi Tổ”. Nhà ông gần chùa, sư Hóa trụ trì chùa lại là người thích thơ phú. Một lần, Thái đến chùa chơi, sư thầy ra nhìn thấy một con bò chạy lang thang ngoài đường về hướng phía làng Bo liền tức cảnh ra một vế đối: Bò lang chạy vào làng Bo
Phan Hoàng Thái đối: Hoa sứ bay quanh sư Hóa
Về giai thoại trên, có thuyết khác lại kể như sau: Một chú bé chăn bò trên đê Trà Lý ở Thái Bình, con bò lang dứt dây chạy vào làng Bo (ở Thái Bình cũng có làng Bo) gần đấy. Đúng lúc đó cụ Lang Giá (tên riêng) đi chữa bệnh về thấy thế liền cười và đọc ngay một vế đối: Bò Lang chạy vào Làng Bo!. Đang mải đuổi bò chưa được, quay lại thấy cụ Lang Giá đi giày theo sau, chú bé liền đọc luôn: Lang Giá đi giày da láng!. Cụ Lang Giá ngạc thiên kêu lên: "hay quá", rồi gọi mọi người đón bắt chú bò lang cho cậu bé.
  • Lần khác, sư Hóa lại ra một câu: Dầu vương ra đế (lúc đó sư lỡ tay rót dầu rớt ra đế đèn)
Cậu học trò Thái nhìn quanh, đối lại: Ỉa vãi vào sư
Đọc xong cậu ù té chạy… Câu đối rất xược nhưng về mặt câu chữ quả là không chê vào đâu được.
  • Một lần khác sư Hóa lại ra một vế:
Cái là tượng, tượng là voi, voi chầu cửa cái
Vế đối này khá lắt léo. Nguyên chữ Hán cái là tượng – là dáng vẻ, tượng cũng là con voi, chữ cái cuối cùng là chữ nôm – cái là to. Cậu Thái xin phép ra đứng ở tam quan rồi mới đọc:
Tu là hổ, hổ là cọp, cọp bắt thày tu
Đọc xong lại ù té chạy. Vế đối của cậu Thái cũng lắt léo tài tình không kém..Trong Hán tự, tu nghĩa là xấu hổ, hổ cũng là con cọp…Các cặp cùng nghĩa được nêu trực tiếp (cái là tượng, tượng là voi,...) Các cặp cùng âm như sau: HV-HV: “tượng” (tượng mảng) 2 ”tượng” (voi), “tu” tức “hổ” (xấu hổ) 2 ”tu” (thầy tu); HV-TV: “cái” tức “tượng” (HV, tượng mảng) 2 ”cái” (“cửa cái” –TV, cửa chính), ”hổ” (cọp) 2 “hổ” (xấu hổ). Ở đây, có hiện tượng chuyển nghĩa bằng cùng âm, tạo sự vi phạm quy luật đồng nhất về hình thức (giả vi phạm luật đồng nhất), trong lúc thực chất là hợp logic. Có thể mô hình hoá để lí giải hiện tượng này như sau: “Tu (T) là hổ (H), hổ là cọp (C), cọp bắt thầy tu”: T = H , H = C ® C ¹ T Công thức trên biểu thị việc vi phạm luật đồng nhất (lẽ ra, phải suy thành C = T). Nhưng chỉ giả vi phạm, bởi vì “cọp” là “hổ” (con hổ), không phải là “hổ” (xấu hổ); và “hổ” (xấu hổ) này là “tu” (HV), cùng âm với “tu” (HV -trong “thầy tu”). Vì thực chất C ¹ T, “nên cọp bắt thầy tu” là hợp lẽ.

Những câu đối khắc tại lăng mộ Bình Tây Đại Nguyên Soái Trương Định (1820 - 1864) sửa

Trương Định sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi). Trương công ứng mộ công việc khai khẩn đồn điền, được nhận chức Quản cơ Gia Thuận. Năm Quý Hợi, Tự Đức thứ 16 (1863), đồn Gò Công thất thủ, ông lại quay trở về đây và lại khởi binh. Ngày 19 tháng 7 năm Tự Đức thứ 17 (1864), ông tử trận ở rừng Tân Phước, được đem về táng ở làng Thuận Ngãi. Có bài ca ngợi ông rằng "Dòng dõi trâm anh, hành động anh hùng, quyết sống chết nơi sa trường, ngàn năm ngưỡng mộ (...)". "Đây là lăng mộ của Trương công. Triều đình ban sắc phong chức Phó Lãnh binh. Xuất thân từ nhà tướng, tên chữ "Tịnh An", tên thuỵ là "Tráng liệt nghĩa dũng". Vị trí của ngôi mộ hướng về sao Bắc Đẩu". Ở các cột đá còn có 6 câu đối như sau:

"Viên thanh đới vũ sầu" (Vượn kêu trong mưa gợi nỗi buồn)
"Thụ sắc hàm phong lãnh" (Cây xanh trước gió thấm hơi lạnh)
"Ô điểu thiết hà tư" (Tiếng quạ gợi nỗi nhớ khôn nguôi)
"Bạch vân không viễn vọng" (Mây trắng càng nhìn càng vô tận)
"Tiết nghĩa thanh danh cựu" (Thanh danh, tiết nghĩa vẫn như xưa)
"Anh hùng khí tượng tân" (Khí tượng anh hùng luôn như mới)
"Ngưu miên tam xích thố" (Trâu ngủ (nơi) hố sâu ba thước)
"Mã liệt nhất phong hương" (Bờm ngựa (đặt) trên đài thơm)
"Không tư cổ đạo" (Luống nhớ đạo xưa)
"Ý tích phương hình" (Tiếc mãi dáng thơm)
"Sương tàn kinh ám" (Sương tan, đường mờ)
"Thiên lãnh sơn không" (Trời lạnh, núi trơ)

Câu đối ca ngợi ông Bố Chính Vũ Đường sửa

Vũ Đường người xã Đường Thâm, huyện Chân Định, nay là thông Thượng Hòa, xã Hồng Thái, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Khoa Nhâm Dần (1842), ông đỗ cử nhân, được bổ nhiệm các chức tri huyện Đan Phượng, Hà Đông, Giáo thụ phủ Đức Thọ, Thanh Hoá từ năm 1858 đến 1863, rồi làm tri phủ Đoan Hùng, Phú Thọ. Năm 1864, được thăng Án sát sứ Hà Nội. Năm 1868, được thăng chức Thị độc. Năm 1873, Bố chính Vũ Đường bị Pháp bắt giải về Sài Gòn. Sau đó, chúng trao trả cho triều đình Huế và ông lại được sai ra Bắc làm Bang biện ở đồn Thục Luyện, châu Thanh Sơn tỉnh Thanh Hoá (sau thuộc tỉnh Phú Thọ). Tại từ đường thờ ông ở quê còn treo bức hoành phi có 4 chữ "Khâm mông truy tặng" của vua Tự Đức ban năm Kỷ Tỵ (1869). Và đôi câu đối khảm trai của Niếp biện Hoàng Xuân Phúc người phủ Lý Nhân mừng ông năm Kỷ Tỵ (1869).

槐 門 舊 蔭 豊 根 本 Hòe môn cựu ấm phong căn bản (Cửa hòe tươi tốt nhờ gốc cũ)
芝 誥 新 恩 賁 壤 泉 Chi cáo tân ân bí nhưỡng tuyền (Ân mới vua phong rạng cửu tuyền)

Ông Đồ Chiểu (1822 - 1888) sửa

Nguyễn Đình Chiểu (tục gọi là Đồ Chiểu) tự Mạch Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai, sinh tại làng Tân Thới, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, nay là Thành phố Hồ Chí Minh. Năm 21 tuổi (1843), ông đỗ tú tài ở trường thi Gia Định. Năm 25 tuổi, ông trở ra Huế học tập, chờ khoa thi Kỷ Dậu (1849). Chưa kịp thi thì được tin mẹ mất. Trên đường về chịu tang, vì quá buồn lo khóc thương mẹ, ông lâm bệnh và bị mù cả hai mắt. Về lại Gia Định, sau khi mãn tang mẹ, Nguyễn Đình Chiểu chuyển sang học thuốc, chữa bệnh cho dân, mở trường dạy học, vừa sáng tác thơ văn. Năm 1886, vợ ông là bà Lê Thị Điền mất lúc 51 tuổi. Buồn rầu vì vợ mất, vì bệnh tật ngày càng trầm trọng, hai năm sau, ngày 24 tháng 5 năm Mậu Tý (3 tháng 7 năm 1888), Nguyễn Đình Chiểu cũng từ trần tại Ba Tri.

  • Câu đối tự thuật:
Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm
Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà
  • Đối đáp với Thầy Tàng:
Ở xã Trường Bình, có một ông thầy thuốc, tính tình ngay thẳng tới mức ngang bướng, nhân dân vẫn gọi là ông Tàng. Ông này bị nặng tai, hay qua chơi với Nguyễn Đình Chiểu. Một hôm đang ngồi chơi, Nguyễn Đình Chiểu đọc: Thầy Tàng tai không nghe sấm (Nói về con vịt có câu ”Trí lôi thanh ư nhĩ ngoại võng nhiếp thiên uy”; dịch là “Để tiếng sấm ở ngoài tai, chẳng sợ oai trời”. Nguyễn Đình Chiểu vừa có ý trêu chọc thầy Tàng bị nặng tai, vừa có ý nói đến tính ngay thẳng tới mức ngang ngạnh “không sợ trời không sợ đất” của thầy Tàng).
Thầy Tàng đối: Đồ Chiểu mắt chẳng xé mây (Lời Mã Siêu nói khi mới theo hàng Lưu Bị: “Nay giặp được minh chúa khác nào vén đám mây mà mà trông thấy trời xanh”. Thầy Tàng cũng có ý trêu lại Nguyễn Đình Chiểu bị mù lòa, vừa có ý phân bua rằng thời buổi này đâu có ai là minh quân thánh chúa mà tôi phải kính trọng, cũng như ông đó thôi, ông có thấy ai là minh quân thánh chúa không?).
  • Đối đáp với Đoàn Ngọc Thơ (1816 - 1876):

1 - Sau khi triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất (1862) nhường ba tỉnh miền đông Nam Kỳ cho Pháp, để tỏ thái độ bất hợp tác với giặc, Nguyễn Đình Chiểu quyết định tỵ địa về Ba Tri, Vĩnh Long (nay thuộc tỉnh Bến Tre). Trước ngày Nguyễn Đình Chiểu đi Ba Tri, Đoàn Ngọc Thơ - là bạn thân nhất học trước ông một khóa - và nhiều người khác đến thăm để từ biệt, Nguyễn Đình Chiểu cảm cảnh kẻ đi người ở liền ra một câu đối: Sinh ly nhi tâm bất ly, quí huynh quí đệ (Sống xa mà lòng không xa, thẹn anh, thẹn em)

Đoàn Ngọc Thơ cảm động đối lại: Tử biệt kỳ văn hà biệt, vi quốc, vi dân (Chết cách văn anh nào cách, vì nước, vì dân)

2 - Mười ba năm sau, nhân có ghe buôn xuống Ba Tri, Đoàn Ngọc Thơ có gửi một bài thơ hỏi thăm Nguyễn Đình Chiểu:

Vắng người tri kỷ tự ngày đi, nhớ mãi thương hoài bực trí tri, sức khỏe như xưa còn phấn đấu? bàn cờ thế sự sẽ chờ khi…
Đoàn Ngọc Thơ hẳn cũng mong mỏi bàn cờ thế sự sẽ chuyển biến tốt đẹp hơn. Nhưng thế nước đang lúc lâm nguy, Nguyễn Đình Chiểu trả lời Đoàn Ngọc Thơ bằng một bài thơ họa nói lên tấm lòng yêu nước và trăn trở của mình:
Cắt đất đau lòng hận phải đi, nghĩa tình Cần Giuộc mến Ba Tri, tâm can vẫn nóng thân già yếu, tái ngộ như hà… biết mấy khi

Những câu đối của Tổng Đốc Nguyễn Tư Giản (1823 - 1890) sửa

Nguyễn Tư Giản vốn tên là Văn Phú, tự Tuân Húc, sau vua Tự Đức thấy tên đó tầm thường quá, đổi lại là Tư Giản. Người huyện Đông Ngạn, nay là phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ông đỗ tiến sĩ năm 1844; làm quan từ đời Thiệu Trị đến Đồng Khánh thì lên tới chức tổng đốc. Năm 1857 ông đệ bản điều trần về việc trị thủy tiếp đó được cử sung Biện lý Đô chính sự vụ ở Bắc kỳ. Năm 1868 được sung phó sứ phái bộ sang Trung Hoa giao thiệp, có ý muốn nhờ nhà Thanh giúp quân chống Pháp. Sau khi Nam kỳ thành thuộc địa, Nguyễn tư Giản xin sang nước Đức cầu viện song triều đình không cho. Đến năm Ất Dậu (1885) các vị Văn thân đều bị ngờ vực phải trốn tránh. Nên Nguyễn Tư Giản phải chạy về Kim Sơn lánh nạn, ở với linh mục Trần Lục. Linh mục trọng ông là bực hay chữ, nên mời về Phát Diệm mở trường dạy học.

  • Nguyễn Tư Giản có làm 2 đôi câu đối ở Sinh từ, đền thờ sống Kinh lược Nguyễn Hữu Độ như sau:
Tứ hải phong trần chi hậu, doãn tạ hiền lao (Đương lúc bốn bề gió bụi, nhờ cái công khó nhọc của ông mới định được đại cục)
Cửu chân sơn thủy chi linh, đĩnh sinh anh kiệt (Khí thiêng sông núi ở quận Cửu chân ( Thanh Hoá ) sinh ra người anh kiệt)
Tri ngã, tội ngã, thân cư lao oán tri trung (Kẻ biết lòng ta, kẻ đổ tội cho ta, mình ở vào giữa chỗ lao oán)
Dĩ nhân, trị nhân, công tại thị phi chi ngoại (Lấy đạo người mà trị người, công mình ở ngoài chỗ phải trái)

Đôi câu đối dưới: "Tri ngã tội ngã" là lời Khổng Tử, sau Mạnh Tử dẫn lại, nói ngài làm sách Xuân Thu, người đời sau kẻ biết lòng ngài, và kẻ buộc tội ngài, đều vì sách Xuân Thu cả. Chữ "Dĩ nhân trị nhân", ở sách Trung Dung, lời Tư Tử.

  • Cách ít lâu Kinh lược Nguyễn Hữu Độ tạ thế, quan cữu đưa về Huế; đi đường thủy theo sông Đáy qua Kim Sơn rồi ra biển. Bấy giờ Trần Lục là Khâm sai tuyên phủ sứ, sức dân huyện Kim Sơn, làm trạm để đón tế một tuần. Các quan tỉnh Ninh Bình có xin Nguyễn tư Giản làm cho câu đối, ông viết như sau:
Thiên hà vi đoạt chi. Hà sóc tinh kỳ vân biến sắc (Trời sao vội cướp ông, cờ tinh kỳ đất Hà sóc mây đã đổi sắc). Câu này lấy tích Lý quang Bật đời Đường đi đánh giặc về, cờ tinh kỳ rực rỡ. Ý nói nay cờ đã đổi sắc là vị chủ tướng chết.
Công tự thử viễn hỹ, Giang đình phong vũ trúc thành lâm (Ông từ đây đi xa hẳn, mưa gió chốn Giang đình trúc mọc thành rừng). Câu này lấy điển Khâu Chuẩn đời Tống. Khi mất, đưa quan cữu đi, quan dân nhớ ơn làm trạm tế. Những cây tre cắm làm rạp tế, sau mọc thành rừng.

Những câu đối của Tri Huyện Nam Sang Hoàng Văn Tuấn (1823 - 1892) sửa

Hoàng Văn Tuấn còn gọi là Hoàng Văn Liêm, sinh tại làng Phú Khê, huyện Ý Yên (nay là thôn Phú Khê, xã Yên Thành, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Do ông đỗ Tú tài liền ba khoa nên dân gian gọi ông là Mền Liêm. Khoa Bính Tý niên hiệu Tự Đức 29(1876), Hoàng Văn Tuấn đỗ Giải nguyên Cử nhân tại trường thi Thanh Hoá. Cháu ruột gọi ông bằng chú là Hoàng Văn Cẩn cũng đỗ Á nguyên Cử nhân cùng khoa với ông. Nhân sự kiện này, Tam nguyên Hoàng giáp Nguyễn Khuyến nguyên là học trò của thày Hoàng Kim Chung có làm đôi câu đối mừng như sau:

Thí vấn thế huynh, Thanh Hoá sĩ hà như Nam Định sĩ
Đắc ư gia học, điệt Á nguyên duy nhượng thúc Khôi nguyên

Dịch là:

Thử hỏi thế huynh học trò Thanh Hoá so với học trò Nam Định thế nào?
Học giỏi sở đắc ở nhà dạy, cháu đỗ Á nguyên chỉ nhường có chú đỗ Thủ khoa!
  • Câu đối viếng Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị:
Văn vị táng thiên sinh Phạm Lão
Vũ vô dụng địa tử Nhan Khanh

dịch nghĩa:

Trời chửa chôn văn, sinh cụ Phạm
Đất không dùng võ, chết chàng Nhan

Cụ Phạm là Phạm Trọng Yêm đời Tống ở bên Tàu, tác giả ví Phạm Văn Nghị với Phạm Trọng Yêm ý là chôn vùi nền đạo lý nhà Nho. Chàng Nhan tức Nhan Chân Khanh đời Đường cũng ở bên Tàu, khi Lý Hy Liệt làm phản ông phải đi chiêu dụ mà bị sát hại. Đây ý nói Phạm Văn Nghị bị triều đình bắt phải đi ở ẩn tại Hoa Lư cho Tây khỏi ngờ (sau hòa ước 1874)

  • Câu đối viếng ông Thiên Hộ Giảng:

Thiên Hộ Giảng là 1 hào trưởng người dân tộc Mường ở vùng Nho Quan - Ninh Bình có công trong việc giúp dân và chống Pháp nên được triều đình sắc phong chức Thiên Hộ, tên ông là Giảng. Tương truyền khi quân viễn chinh Pháp đến vây nhà ông bắt được 30 lò rèn và 100 cối xay, ông bị bắt và xử tử ở Ninh Bình năm 1888. Nghe dân gian truyền lại hôm xử tử ông trời mưa to sấm chớp đùng đùng...! Dưới đây là câu đối của Tri Huyện Nam Sang Hoàng Văn Tuấn phúng điếu ông:

Thúy Sơn đồng ngã chẩm, nhật thuyết sự dạ đàm tâm, tâm sự bách niên do ký ức
Vân thủy tống quân quy, địa minh lôi thiên thùy vũ, vũ lôi nhất trận bội thê lương

dịch nghĩa:

Núi Thúy cùng ta chung gối, ngày bàn việc tối ngỏ lòng, lòng việc trăm năm ghi nhớ mãi
Sông Vân đưa bác trở về, trời đổ mưa đất dậy sấm, sấm mưa một trận sót thương thêm

Núi Thúy và Sông Vân đều nằm trong địa phận tỉnh Ninh Bình

Phạm Bành (1825 - 1887) sửa

Phạm Bành người làng Trương Xá, nay thuộc xã Hoà Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Ông đậu cử nhân khoa Giáp Tý (1864) làm quan đến chức án sát rồi đốc học Nghệ An. Khi vua Hàm Nghi phát hịch Cần vương, ông bỏ quan về quê cùng Hoàng Bật Đạt chiêu mộ quân khởi nghĩa đánh Pháp. Sau khi rút khỏi căn cứ Ba Đình, Phạm Bành cùng một số tướng lui về củng cố căn cứ Mã Cao. Thành Ma Cao vỡ, Phạm Bành lánh về quê, Pháp dụ dỗ ông đầu hàng không được đã hèn hạ bắt mẹ già và con ông là Phạm Tiên. Vì thương mẹ và con, ông đã tự ra cho giặc bắt, nhưng trong mình giấu sẵn một liều độc dược. Sau khi đã biết chắc mẹ và con trai thoát khỏi tay giặc về quê an toàn, ông uống thuốc độc tự tử. Nguyễn Đôn Tiết nhận được tin Phạm Bành tuẫn tiết, ông làm câu đối khóc:

Quân tử trọn đời lòng tỏ trắng
Tướng quân dẫu chết, mặt còn hồng

Nguyễn Đôn Tiết sinh năm 1836 người làng Thọ Vực nay thuộc xã Hoàng Đức, huyện Hoằng Hoá, tỉnh Thanh Hoá. ông đậu Phó bảng năm Kỷ Mão (1879), được bổ nhiệm làm tri phủ. Tháng 8 năm 1885, ông hưởng ứng Chiếu Cần vương của Vua Hàm Nghi, dựng cờ khởi nghĩa. Năm 1886, ông và các lực lượng nghĩa quân khác ở tỉnh Thanh Hoá tấn công tỉnh thành Thanh Hoá, huyện lỵ Hoằng Hoá, huyện lỵ Đông Sơn. Việc không thành, ông bị giặc Pháp bắt. Câu đối trên ông làm trong tù khi nghe tin Phạm Bành tuẫn tiết

  • Ngô Đình Chí (một văn nhân) khi nghe tin Phạm Bành mất đã làm câu đối viếng sau:
“Xả thân thành nhân báo quốc quyên sinh, sinh bất tử
Di trung vi hiếu cần vương nghĩa tử, tử do sinh”

Dịch là:

“Bỏ mình làm việc nhân đền nợ nước, là còn chẳng mất
Đem trung thay chữ hiếu báo ơn vua, dù mất vẫn còn”

VŨ ĐÌNH PHIÊN (1826 - 1887) sửa

Lãnh Phiên sinh tại làng Xuân Phương (tức làng Lân), xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Tên thật của ông là Vũ Đình Phiên, tên huý là Phúc Ngoạn. Lãnh Phiên đã được bổ làm Trương tuần, Lý trưởng, đến Thanh tra hàng tổng và phó tổng Cũng Thượng, dân trong vùng gọi ông là phó tổng Phiên. Tháng Mười năm Ất Dậu (11/1885), các lãnh tự văn thân của triều đình và Thanh Hóa đã phong cho ông chức Lãnh Binh. Năm 1887, do có kẻ chỉ điểm, giặc đã bắt được Lãnh Phiên tại làng Trường Lệ, xã Quảng Vinh. Không thể khuất phục được ông, thực dân Pháp đã chém ông vào sáng ngày 22 tháng 2 năm Đinh Hợi (tức ngày 3/4/1887) ở thành Thọ Hạc. Nơi thờ Lãnh Phiên Là một nhà gỗ 5 gian, gian giữa là nơi bày hương án và các đồ thờ, có câu đối từ xưa do cụ Đồ Sân để lại:

"Quốc thế dĩ trầm quân thượng phấn
Tướng đầu vị đoạn tạc độ bình"

Dịch nghĩa:

Nước nhà đã đắm thân còn dân
Đầu tướng chưa lìa giặc vẫn kinh

Hoàng Bật Đạt (1827-1887) sửa

Hoàng Bật Đạt hiệu: Tắc Trai, quê ở xã Bộ Đầu, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá, ông là bạn thân và là anh em cọc chèo với Phạm Bành, quê ở làng Trương Xá cùng huyện. Năm Tự Đức thứ 21 (1868), ông thi đỗ Cử nhân, được bổ làm Giáo thụ huyện Phong Doanh (nay là huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Sau, ông được cử làm Tri huyện Lang Tài (nay là huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh). Tháng 7/1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương, ông chiêu mộ quân đánh Pháp ở huyện Hậu Lộc. Ba Đình, sau đó là căn cứ Ma Cao thất thủ, ông bị giặc Pháp bắt đưa về giam ở nhà lao Thanh Hoá và chịu mọi cực hình tra tấn. Giặc Pháp giết ông cắm đầu ông vào ngọn sào đưa về quê ông để uy hiếp nhân dân. Trước khi bị giặc hành hình ông đã làm đôi câu đối tỏ rõ ý chí của mình trao cho các bạn tù:

Cố ý cứu sinh ư phục Việt
Cam tâm thề tử bất thần Tây

Dịch:

Chí cứu muôn dân nên phục Việt
Lòng thề một chết, chẳng hàng Tây

Câu đối của Án Sát Bắc Ninh Nguyễn Ngọc Tương (1827 - 1898) sửa

Nguyễn Ngọc Tương tên tự là Khánh Phủ, hiệu là Trà Phong và Tang Trữ. Quê ông làng Tang Trữ (sau đổi là Hành Quần nay thuộc xã Nam Bình) sau chuyển cư đến làng Cổ Lũng (nay thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Khoa Mậu Ngọ (1858) triều Tự Đức ông đậu Cử nhân. Ông làm quan qua Huấn đạo, Tri huyện rồi Tri phủ Diễn Châu (Nghệ An), Ngự sử đạo Trị Bình, cuối cùng làm Án sát Bắc Ninh. Sau khi thực dân Pháp đặt ách thống trị trên cả nước ta, năm 1885 ông phụng chỉ vào kinh. Trên đường nghe tin vua Hàm Nghi chống Pháp không thành phải xuất bôn, ông không đi theo được, bùi ngùi viết đôi câu đối sau:

Giang sơn vị sái anh hùng lệ
Phong vũ nan tiêu tráng sĩ hồn

Dịch:

Sông núi; anh hùng cần nhỏ lệ
Gió mưa: tráng sĩ khó tiêu hồn

Những câu đối của Tiễu Phong Lệ Ông Ích Khiêm (1829 - 1884) sửa

Ông Ích Khiêm sinh tại làng Phong Lệ, tổng Thanh Quýt, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam (nay là Khu vực Phong Lệ Bắc, Phường Hòa Thọ Đông, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng). Mười sáu tuổi, ông thi đậu cử nhân (1847) trong khoa thi hương ở Bình Định, được bổ làm Tri huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương. Thời gian làm quan ở kinh, ông tỏ ý không phục hai quan phụ chính là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nên bị họ trù dập. Ông bị đày vào nhà lao Bình Thuận, làm một người tù khổ sai. Uất ức, ông nhịn đói mà chết.

  • Một hôm, Ông Ích Khiêm ngồi trong quán, quan huyện sở tại đi ngang: có lính che lộng (2 lộng trước, 2 lộng sau, quan ngồi trên võng do lính khiêng). Ai nấy đều ra đường quỳ mọp để cung kính quan huyện, trừ Ông Ích Khiêm. Ông lấy một chiếc giày của ai bỏ đó, cố ý xỏ hai chân vào. Quan huyện cho lính gọi ra, hỏi làm nghề chi. Khiêm bảo mình là học trò. Quan huyện bèn ra vế đối: Cắc cớ thay, hai cẳng xỏ một giày
Ông Ích Khiêm đối lại: Sung sướng mấy, một đầu che bốn lộng
  • Sau khi vua Tự Đức băng hà, nước ta rất "loạn". Trong bốn tháng, thay ba vua (Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc), quyền hành trong triều đều do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường nắm giữ. Lại thêm quân Pháp chia luôn "Empire d'Anam". Bờ Bắc của sông Hương, thuộc triều đình Huế, bờ Nam do Pháp chiếm. Ông Ích Khiêm có viết câu đối để phản ánh thế cuộc đó sau:
一江兩國難分說 Nhất giang, lưỡng quốc nan phân thuyết (Một sông, hai nước, không làm sao thương lượng chi hết - chữ Thuyết ở cuối ám chỉ Tôn Thất Thuyết)
四月三王兆不祥 Tứ nguyệt, tam vương, triệu bất Tường (Bốn tháng, ba vua, điềm chẳng lành - chữ Tường ở cuối ám chỉ Nguyễn Văn Tường)
Nguyễn Văn Tường (1824 - 1886) xuất thân từ một gia đình lao động nghèo thuộc làng An Cư, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Năm 1862, ông vào kinh đô Huế giữ chức biện lí Bộ Binh, rồi vào Quảng Nam làm án sát. Năm 1874, ông được bổ sung vào Viện cơ mật. Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, cùng với Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường lập rồi phế bỏ 2 vua Dục Đức, Hiệp Hòa. Năm Quý Mùi (1884), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lập vua Hàm Nghi lên ngôi. Năm 1885, Pháp bắt Nguyễn Văn Tường. Năm 1886, tại Papeete, một làng trên quần đảo thuộc địa Tahiti của Pháp, Nguyễn Văn Tường mất.
  • Cha của Ông Ích Khiêm đã mất từ sớm, lúc Khiêm đang cầm quân dẹp loạn thì nghe tin mẹ mất. Không thể bỏ quân sĩ mà về chịu tang mẹ, ông làm câu đối:
Mạc hiềm trần thế Khiêm vô mẫu (Trần thế đừng hiềm Khiêm mất mẹ)
Ưng tiếu tuyền đài phụ hữu thê (Tuyền đài có vợ, hãy mừng cha)
(Cha chết xuống suối vàng trước, giờ mẹ cũng xuống theo...Vợ chồng sum hợp, mừng cho Cha)

Những câu đối của Tổng Đốc Hà Nội Hoàng Diệu (1829 - 1882) sửa

Hoàng Diệu, còn gọi là Hoàng Kim Tích, sinh ở thôn Xuân Đài, xã Phú Tân, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Hiện nay, tại nhà thờ họ Hoàng ở Xuân Đài còn giữ câu đối:

Hải đạo Huệ Trì chi hương bản căn thâm cố
Nam châu Xuân Đài thử địa, dịch diệp hi long

Lời diễn nôm của Hoàng Diệu:

Hiệu Trì xứ vốn là cõi Bắc, do tổ tiên cội gốc vững bền
Xuân Đài châu nay thuộc miền Nam, truyền con cháu giống dòng hưng thịnh.

Tài liệu của gia tộc còn chép lại câu đối trước đây dán trước bàn học của Hoàng Diệu:

Hoành Cừ giáo nhân học mạc tiên nghĩa lợi chi biên
Âu Dương đối khách chí: thường tại sơn thuỷ chi gian

Nghĩa là:

Hoành Cừ dạy người cầu học: phải trước tiên phân biệt nghĩa trọng lợi khinh.
Âu Dương tiếp khách đến chơi: thường nhàn hạ luận bàn sơn thanh thuỷ tú.

Hoàng Diệu đỗ phó bảng khoa Quý sửu (1853), làm quan ở Hà Nội với chức vụ Tổng đốc. Ngày 24-4-1882 Ri vière hạ tối hậu thư buộc Hoàng Diệu phải ra lệnh cho quân đội rời khỏi thành, sau khi hạ hết khí giới và mở cửa thành, đòi ông và các quan văn bõ trong thành phải nộp mình cho chúng. Trong cảnh khói lửa mịt mùng ấy Hoàng Diệu bình tĩnh đi về trong dinh, rồi sau khi khăn áo chỉnh tề, tay cầm thanh gươm tuốt trần, ông nhảy lên mình voi xông pha mưa đạn đi tới hành cung. Rồi lấy chiếc khăn xanh đang bịt trên đầu treo mình lên cành cây tuẫn tiết đúng giờ Ngọ Nhằm ngày 8-3 năm Nhâm Ngọ, tức ngày 25-4-1882. Hoàng Diệu được đông đảo sĩ phu, nhân dân Hà Nội và Bắc Hà khâm phục thương tiếc, cùng với Nguyễn Tri Phương (người lãnh đạo quân dân Quảng Nam đã anh dũng giữ thành và tuyệt thực để giữ tròn danh tiết), Hoàng Diệu được thờ trong đền Trung Liệt trên gò Đống Đa.

  • Câu đối viếng Hoàng Diệu của Tôn Thất Thuyết:
Nhất tử thành danh tự cổ anh hùng phi sở nguyện (Tử mà thành danh, chí anh hùng từ xưa thường không toại)
Bình sinh trung nghĩa đương niên đại cục khả vô tâm (Sinh trọn trung nghĩa, nhìn đại cục có thể chẳng thẹn tâm)
  • Tiến sĩ Nguyễn Chánh, người huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định, điếu:
Công năng bất cầu sinh, khả vô nhượng thập niên tiền tráng liệt
Ngã diệc trường thái tức, như chi hà lục tỉnh thức giang sơn

Bản dịch:

Sống tạm ngài không thèm, so tiền nhân, mười năm trước đâu kém tráng liệt;
Thở dài tôi ngán lắm, nhìn xem non nước sáu tỉnh biết sao đây!

Lại có câu đối Nôm khuyết danh, điếu:

Bạn cũ có chết đâu, bốn biển chín châu nghe tráng liệt
Quê ta đành nhớ mãi, mười năm hai lượt khóc anh hùng
Hai tiếng mười năm trong câu đối của Nguyễn Chánh, trong câu đối Nôm của tác giả vô danh nói lên khoảng cách thời gian giữa cái chết của Nguyễn Tri Phương và cái chết của Hoàng Diệu. Thập niên tiền tráng liệt (người tráng liệt mười năm trước) trong câu đối của Nguyễn Chánh là một cụm từ dùng để chỉ Nguyễn Tri Phương, người đã qua đời trước Hoàng Diệu mười năm. Mười năm trong câu đối Nôm khuyết danh là "mười năm hai lượt khóc anh hùng": lần đầu là năm Quý Dậu 1873 (khóc Nguyễn Tri Phương) và lần sau là năm Nhâm Ngọ 1882 (khóc Hoàng Diệu)".

Những câu đối và giai thoại liên quan đến Thủ Khoa Huân (1830 - 1875) sửa

Thủ Khoa Huân tên thật là Nguyễn Hữu Huân sinh tại làng Tịnh Hà, tổng Thanh Quơn, huyện Kiến Hưng, tỉnh Ðịnh Tường cũ, nay là xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Con của ông Nguyễn Hữu Cầm, tục gọi là ông Cả Cầm, một phú nông ở làng Tịnh Hà. Cuộc khởi nghĩa do Thủ Khoa Huân lãnh đạo đã có ảnh hưởng sâu rộng, nhất là đối với sĩ phu Nam Kỳ. Trong một trận giao chiến tại Bình Cách (Chợ Gạo), Thủ Khoa Huân cùng với người tùy tùng là Ðốc binh Hương rút về Chợ Gạo, bị giặc bắt. Khi đến nơi hành quyết, ông đọc câu đối tuyệt mệnh trước lúc đao phủ khai đao:

Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị
Duy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân

Tạm dịch:

Có chí khó giương ra, luống để trăm năm mang miệng thế
Dầu công không đạt, cũng liều một chết báo ơn Vua

Tại mộ phần của ông có hai bên tạc hai câu đối :

MÃ LIỆP TÀNG BẤT HỦ
NGƯU MIÊN THẢO QUYẾT CƯ

Dịch nghĩa:

Vết ngựa dẫm, mãi không phai nhạt
Chỗ trâu ngủ, cỏ vẫn luôn xanh
Từ NGƯU MIÊN nghĩa là "Trâu ngủ" - ý nói về mồ mả (chắc theo quan niệm của người dân - vì thế, ở Nam bộ, mộ táng thường có hình dạng con trâu đang nằm ngủ)

Câu đối của Tuần Phủ Hưng Hóa Nguyễn Quang Bích (1830 - 1890) sửa

Nguyễn Quang Bích là một nhân vật lịch sử, tên ông được ghi trong Đại Nam thực lục là bộ chính sử của nhà Nguyễn, đồng thời được ghi trong Quốc triều Hương khoa lục và Quốc triều khoa bảng lục cũng như được khắc tên họ trên bia tiến sĩ ở Văn Thánh - Huế. Quê ông ở xã Trình Phố, huyện Châu Định, tỉnh Nam Định nay là xã An Ninh, huyện Tiền Hải tỉnh Thái Bình. Ông đậu cử nhân năm 1861 và đậu Đình Nguyên Hoàng Giáp khoa thi Hội năm Kỷ Tỵ (1869), làm quan tới chức Tuần phủ Hưng Hóa, được vua Hàm Nghi phong là Lễ Bộ Thượng thư sung Hiệp thống Bắc Kỳ quân vụ đại thần mang quốc thư sang nhà Thanh. Tiên tổ ông vốn họ Ngô như ông xác nhận trong hai câu đối như sau:

Tổ tiên ta vốn họ Ngô nối đời chuyên nghiệp nho nông đỗ trước có cụ lưỡng khoa đăng giám
Tằng tổ đổi là họ Nguyễn từ nhỏ nương nhờ bên ngoại văn chương đã ba đời đến nay

Câu đối liên quan đến Tiến Sĩ Lê Khắc Cẩn (1833 - 1874) sửa

Lê Khắc Cẩn sinh tại làng Hạnh Thị, nay là làng Đông Hạnh, xã An Thọ, mất tại Nam Định. Ông thi hương khoa Ất Mão 1855, đậu giải Nguyên trường Nam Định, thi hội khoa Nhâm Tuất tại Huế đậu Hoàng giáp. Ông là tiến sỹ hán học duy nhất của Hải Phòng thời Nguyễn. Ông có viết câu đối mừng Vũ Tuân thi đình đậu đầu trong hàng Phó bảng:

Trích tại Tiên cung do ký nhân gian đệ nhất
Liên đăng ất bảng truyền thử tử song nguyên

Câu đối liên quan đến Tiến Sĩ Bùi Văn Dị (1833 - 1895) sửa

Bùi Văn Dị, còn được gọi là Bùi Dị, tự: Ân Niên, các tên hiệu: Tốn Am, Do Hiên, Hải Nông, Châu Giang; Ông là người làng Châu Cầu, tỉnh Hà Nam. Năm 1882, ông làm Phó Kinh lược sứ Bắc Kỳ. Cuối đời Tự Đức, ông cáo quan về nhà. Năm 1884, ông được triệu về triều làm giảng quan chuyên giảng sách cho vua Kiến Phúc và vua Hàm Nghi. Năm 1889, ông giữ chức Phụ đạo đại thần kiêm Phó Tổng tài Quốc sử quán. Kinh lược Bắc kỳ Hoàng cao Khải có tiễn đôi câu đối:

Tái khởi vị thương sinh, lang miếu giang hồ, lưỡng ưu ái (Ông đã về nghỉ, nay lại phải ra làm quan, ấy là vì dân: ở trong lang miếu hay ở ngoài giang hồ, đều có long ưu quân ái quốc)
Nhất thiên phú hoàng cúc, Trạng nguyên Tể tướng dĩ an bài (Xem bài thơ hoàng cúc, tài Trạng nguyên tể tướng, vận mệnh đã định sẵn)

Những câu đối liên quan đến Ông Nghè Giao Cù Vũ Văn Lợi (1836 - 1884) sửa

Vũ Văn Lợi còn gọi là Võ Hữu Lợi, quê xã Giao Cù, huyện Nam Chân, tỉnh Nam Định (nay là thôn Giao Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Năm Canh Ngọ (1870), ông đỗ Cử nhân, năm Ất Hợi (1875), ông đỗ Tiến Sĩ, tục gọi là ông Nghè Giao Cù (vì quê ông ở làng Giao Cù). Ông làm Đốc học tỉnh Nam Định. Sau khi Pháp chiếm Bắc Kỳ, ông bỏ quan về khởi nghĩa chống Pháp. Ít lâu, ông bị Tổng đốc Nam Định Võ Văn Báo lừa đem nộp cho Pháp. Ông bị chúng xử ở chợ Nam Định trong đêm 30 tết năm Giáp Thân (1884). Trong số các học trò cũ của ông có Đinh Quang Nhường chỉ huy nghĩa quân, sau bắt được Võ Văn Báo đem đốt sống trả thù cho ông.

  • Trước khi lâm hình Vũ Văn Lợi có ngâm nga:
Võ vô dụng địa tương thùy thích? (Võ không còn đất đi đâu được)
Sự đại như thiên nại nhĩ hà? (Việc lớn như trời biết tính sao)

Những câu đối liên quan đến Hàn Lâm Viện Thị Giảng Học Sĩ Trương Vĩnh Ký (1837 - 1898) sửa

Tên Trương Vĩnh Ký sinh tại ấp Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, tổng Minh Lý, huyện Tân Minh, phủ Hoàng An, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre). Tên Pétrus Ký do linh mục đặt năm 1843 (Ất Tỵ) ở trường dòng Sài Gòn. Các tên: Sĩ Tải, Chánh Ký là bút danh tự đặt. Năm 1866, ông làm Giáo sư dạy tiếng Pháp ở trường Thông ngôn Sài Gòn. Năm 1872, Pétrus Ký được Pháp thăng chức Tri huyện hạng nhất, đồng thời được bổ làm Đốc học (Giám đốc) trường Sư phạm dạy người Pháp học tiếng phương Đông, kiêm chức thư ký Hội đồng châu thành Chợ Lớn (1 tháng 6 năm 1872). Ngày 1 tháng 1 năm 1874, Pétrus Ký lãnh chức Giáo sư dạy chữ Việt và chữ Pháp cho người Pháp và người Tây Ban Nha tại trường Tham biện Hậu bổ (Collège des administrateurs stagiaires). Pétrus Ký được bình chọn đứng hàng thứ 17 trong "Thế giới Thập Bát Văn Hào". Năm 1876, Thống đốc Nam Kỳ Duperré cử ông ra Bắc Kỳ tìm hiểu tình hình miền Bắc. Trương Vĩnh Ký được một nhà Nho (khuyết danh) tặng câu đối sau:

Bắc du phong độ nhan như ngọc (Cuộc đi chơi đất Bắc, dáng bộ ung dung, mặt đẹp như ngọc)
Tây vọng dung quang khí tự hồng (Trông về hướng tây, dung mạo sáng sủa, sắc khí tựa cầu vồng)
Trương Vĩnh Ký rất cảm động, nhưng sau đó, về nhà nghiền ngẫm mới biết nhà Nho kia xỏ xiên mình: Câu đối đó còn còn có nghĩa khác là “Chơi đất Bắc, phong độ nhẵn nhụi như đầu ngọc... hành. Hướng theo Tây, mặt mũi ngây ngô như tĩn con... lợn”

Năm 1886, Paul Bert (nghị sĩ, hội viên Hàn lâm, bác học gia sinh vật học) được cử sang Đông Dương làm Khâm sứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Vốn là bạn từ trước, nên Paul Bert mời Trương Vĩnh Ký ra Huế giúp việc. Khoảng đầu tháng 6 năm ấy, Pétrus Ký ra Huế, được vua Đồng Khánh cho lãnh chức trong Cơ mật viện Tham tá, sung Hàn lâm viện Thị giảng học sĩ.

  • Câu đối khắc tại bia mộ:
Văn chương hồi địa trục
Khí phách quán thiên đường
Chính Trương Vĩnh Ký đích thân thiết kế và coi sóc việc xây dựng nhà mồ cho mình (dòng chữ lưu dấu tháng, năm hoàn thành công trình còn được chạm nổi trên nóc nhà mồ “Decembre 1898” - cũng là năm ông mất.
  • Đôi câu đối chữ Hán dọc 2 bên cửa mộ:
Lưu bì văn dự dị thiên địa
Ủy thế linh thần tại tử tôn

Người dịch: Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường

Tiếng thơm ngưng đọng trong trời đất
Ý chí lưu truyền tại cháu con
  • Câu đối của Giáo Sư Nguyễn Phúc Ưng Thiều (1893 - 1975) đắp chữ trên cổng trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký:
孔孟綱常須刻骨 Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt (Tam cương, ngũ thường của đạo Khổng Mạnh nên khắc vào xương cốt)
西歐科學要銘心 Tây Âu khoa học yếu minh tâm (Khoa học Âu Tây cần phải ghi tạc vào lòng)
Nguyễn Phúc Ưng Thiều là cháu đích tôn của Thi bá Tuy-Lý vương Nguyễn Phúc Miên Trinh, con thứ 11 vua Minh Mạng. Ông là thầy học của Vua Duy Tân và là Giáo Sư Hán văn đại học Văn khoa Sàigòn

Những câu đối liên quan đến Tiến Sĩ Tống Duy Tân (1837 - 1892) sửa

Tốg Duy Tân người làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hoá, năm Canh Ngọ (1870), ông đỗ cử nhân, đến năm Ất Hợi (1875), thì đỗ tiến sĩ. Bước đầu, ông được bổ làm Tri huyện, sau làm Đốc học Thanh Hóa rồi Thương biện tỉnh vụ. Tháng 7 năm 1885, hưởng ứng dụ Cần Vương, Tống Duy Tân được vua Hàm Nghi phong làm Chánh sứ sơn phòng Thanh Hóa. Sau đó, ông tham gia xây dựng chiến khu Ba Đình. Chẳng lâu sau, Cao Ngọc Lễ (vừa là học trò cũ, vừa là cháu kêu Tống Duy Tân bằng cậu) đi mật báo cho Pháp đến bủa vây và bắt được Tống Duy Tân vào ngày 4 tháng 10 năm 1892. Không chiêu hàng được, Tống Duy Tân bị thực dân Pháp cho xử tử tại Thanh Hóa ngày 5 tháng Mười năm Nhâm Thìn (tức 23 tháng 11 năm 1892).

  • Lúc Tống Duy Tân còn ở nhà dạy học có câu đối:
Cố bất như: sơn nhi bích, truyền nhi trì, vân thủy tiêu dao trần cảnh ngoại (Không gì bền bằng: lấy núi làm vách, lấy suối làm ao, mây nước nhởn nhơ ngoài cõi thế)
Duy kỳ hữu: dữu khả phong, đình khả nguyệt, cúc tùng tự tại cố châu trung (Chỉ riêng vui có: cửa sổ gió mát, ngoài sân trăng soi, cúc tùng thong thả chốn cố châu)
  • Trước ngày mất, Tống Duy Tân có làm đôi câu đối:
Nhị kim thủy liễu tiên sinh trái (Món nợ tiên sinh nay mới trả)
Tự cổ do truyền bất tử danh (Cái danh bất tử trước còn truyền)
  • Sau khi Tống Duy Tân thọ án, nhân sĩ tỉnh Thanh Hóa có làm câu đối phúng điếu như sau:
Tự cổ anh hùng, thiết thạch can trường nan tận tả (Từ trước anh hùng, dạ sắt gan vàng không xiết tả)
Đáo đầu sự thế, xuyên hà huyết lệ hạt năng lưu (Đến cùng sự thế, máu sông lệ suối chảy sao trôi!)

Bùi Viện (1839 - 1878) sửa

Bùi Viện hiệu Mạnh Dực, quê quán làng Trình Phố, tổng An Hồi, huyện Trực Định, tỉnh Nam Định (nay là Trình Nhì, xã An Ninh, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình). Được phong là Thương Chính Tham Biện, rồi Tuần Tải Nha Chánh quản đốc, ông đã nghiên cứu kỹ càng vấn đề dẹp bọn tầu ô thường dùng thuyền đi ăn cướp các thương thuyền trên mặt bể. Sau hai lần đi Mỹ cầu viện bất thành, trở về nước được vua Tự Đức tin dùng, Bùi Viện đã tổ chức thành công Tuần dương quân (một tổ chức thủy quân có nhiệm vụ tuần tra, canh gác, bảo vệ lãnh hải quốc gia). Những thành quả của ông chẳng những đè bẹp được những cuộc vận động phản đối của phái bảo thủ mà còn làm tăng uy danh của ông trước triều đình Huế. Một số bạn đồng liêu và nhân dân đương thời đã ưu ái dành cho ông những lời ngợi khen:

Chức vụ đương kim suy tuấn kiệt
Thành công tự cổ xuất thư sinh
Câu đối của Biện lý La Ngạn

Tạm dịch:

Biết việc phải chăng trang tuấn kiệt
Thành công xưa vẫn bậc thư sinh

Hoặc:

Nhất kinh bạch nghiệp thiên tương đại
Vạn lý trường phong lục hải bình
Câu đối của Ngự sử Đỗ Duy Diễn

Tạm dịch:

Hai tay ngang dọc xoay trời đất
Muôn dặm xông pha dẹp bể yên

Ngày 1 tháng 11 năm Tự Đức thứ 31 tức năm 1878, Bùi Viện đi dự tiệc. Toà Khâm sứ Pháp mua chuộc kẻ hầu rượu bỏ độc dược vào thức ăn đồ uống. Khi về đến tư dinh, Bùi Việt kêu đau bụng dữ dội và chết ngay trong đêm ấy tại Huế. Lại bộ thượng thư Nguyễn Tư Giản có phúng điếu ông Bùi Viện hai câu đối như sau:

他 生 或 未 忘 家 国 Tha sinh hoặc vị vong gia quốc
壮 志 空 怜 付 海 山 Tráng chí không lân phó hải san

Tạm dịch:

Kiếp sau chưa dứt tình nhà nước
Chí lớn đành đem gửi biển non

Nội các tham biện Bùi Dị cũng có câu đối phúng như sau:

吞 声 莸 草 镫 前 疏 “Thôn thanh do thảo đăng tiền sớ
济 志 难 酬 海 外 游 Tế chí nan thù hải ngoại du”

Tạm dịch:

Thoi thóp sớ dâng còn để lại
Vẫy vùng chí lớn vội đem đi

Những câu đối của Tam Nguyên Vị Xuyên Trần Bích San (1840 - 1877) sửa

  • Đối đáp với Linh Mục Trần Lục (1825 - 1899):

Trần Lục tên thật là Trần Văn Hữu, năm 20 tuổi, được Chúa kêu gọi, Trần Lục lên đường vào Tiểu chủng viện Vĩnh Trị, đổi tên Hữu Thành Triêm. Tháng giêng 1860 thầy Triêm thụ phong linh mục ở Kẻ Trừ (ngay xưa có thói quen gọi linh mục và các Thầy Phó Tế, chức Sáu, là “Cụ” nên từ khi chịu chức Sáu và linh mục “chui” ờ Kẻ Trừ, để tránh tên bộ là Trần Lục, người ta goị tên nôm na vắn tắt là “Cụ Sáu” hoặc “Cụ Sáu Trần Lục”).

Trần Bích San tự Vọng Nghi, hiệu Mai Nham, được vua Tự Đức ban tên là Hy Tăng; ông là người ở xã Vị Xuyên, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định.Nay là phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Năm 1865, ông đỗ đầu thi Hội và thi Đình, cho nên người đương thời gọi ông là Tam nguyên Vị Xuyên. Năm Đinh Sửu (1877), ông được thăng Tham tri bộ Lễ, làm Chánh sứ sang Pháp. Chưa kịp đi, ông đột ngột mất ở Huế.

Tương truyền khi Trần Bích San làm Tuần Phủ Hà Nội, Linh Mục Trần Lục mới được phong làm Khâm Sai Tuyên Phủ Sứ từ Phát Diệm lên thăm. Trong lúc trò truyện, muốn thử tài vị Tam Nguyên, Linh Mục Lục đưa ra một vế câu đối nói thác đi là đã nghe được muốn đối nhưng khó quá, nhân dịp gặp nhà đại khoa nhờ đối giùm. Vế ra như sau:

Ba cụ ngồi một cỗ, cụ đủ điều cụ chẳng sợ ai
Vế ra rất khó vì có tới 3 chữ “Cụ” với 3 nghĩa khác khau. “Cụ” là cụ đạo, tiếng gọi các Linh Mục ở miền Bắc, “Cụ” cũng có nghĩa là sẵn sàng, “Cụ” còn có nghĩa là sợ hãi. Ý và lời tỏ ra vừa ngạo mạn, vừa đắc ý của người đang gặp thời. Trần Bích San từ chối vì e rằng vế đối khiếm nhã. Linh Mục Lục cho rằng Trần Bích San không đối nổi nên càng nài ép, nại cớ đây là chuyện văn chương văn hành công khí, không có gì phải e ngại.
Trần Bích San lúc đó mới bèn ứng khẩu đối lại: Một đạo há hai đường, đạo trộm cắp đạo còn nói láo
Dùng chữ “Đạo” đối với chữ “Cụ” là tuyệt hay. Chữ “Đạo” cũng có 3 nghĩa: “Đạo” là cố đạo tiếng dùng gọi các Linh Mục, “Đạo” cũng có nghĩa là con đường, “Đạo” còn có nghĩa là trộm cắp. Ý và lời mỉa mai kẻ tu hành không giữ được đạo hạnh, xu thời theo thực dân Pháp không biết xấu hổ với đất nước mà còn lên mặt đắc chí.
  • Câu đối mang tính triết lý:
Văn vô sơn thủy phí kì khí (văn hay bởi khí hùng non nước)
Nhân bất phong sương vị lão tài (người gió sương thao lược mới già)
  • Câu đối Tôn Thất Thuyết viết phúng điếu Trần Bích San:
Lân quân độc thủ cô thành, quốc trung thành, gia hiếu tử
Sử ngã kinh qua thủ địa, giang bán dạ, nguyệt trung thu

Dịch nghĩa:

Thương ông riêng tấm lòng thành, con hiếu của nhà, tôi trung của nước
Khiến tôi qua nơi đất cũ, dòng sông đêm vắng, vầng trăng giữa thu

Câu đối của Bắc Kỳ Tán Lý Quân Vụ Nguyễn Cao (1840 - 1885) sửa

Nguyễn Cao sinh năm tại làng Cách bi, tức làng Gạch, huyện Quế Dương, tỉnh Bắc Ninh, giữ chức Tán tương quân vụ chống Pháp, nên thường gọi là Tán Cao. Năm 28 tuổi, Cao đỗ thủ khoa Đinh Mão (1867). Khoa thi Đinh Mão 1867, ông nằm mơ thấy thầy ra đề có điển cố Hán Cao tổ thắng Hạng Vũ, có câu:

“đường đường bát xích thân hà tại
Lẫm lẫm trùng đông thế nhược không”.

Lúc vào thi khảo định cao thấp, gặp đề “Hạng vương đầu”, Nguyễn Cao nhớ đến câu trên mà đỗ Thủ khoa. Đỗ rồi nhưng ông về quê dạy học, tính kế cứu nước theo gương thầy là Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị. Khi thầy Nghị qua đời, Nguyễn Cao có câu đối viếng:

“Phúc trạch nhà đại gia, nhân sĩ chốn kinh kỳ thảy đều ca tụng quế thơm non lĩnh, đào rộ cửa thu.
Danh tiếp của tiên sinh dằng dặc nghìn năm sau còn mường tượng thấy chiến luỹ Bộ giang, dài câu Lư động”.

Năm 1885, vua Hàm Nghi xuống chiếu Cần Vương, Nguyễn Cao tìm đến chiến khu Bãi Sậy phụ lực với Nguyễn Thiện Thuật. Pháp dùng đại binh, thắt chặt vòng vây, Nguyễn thiện Thuật chạy lên Thái Nguyên rồi thuận đường sang Trung Hoa. Nguyễn Cao tìm về nương náu tại làng Kim Giang, phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, mở trường dạy học. Một hôm có một nhà nho đến xin câu đối để mừng một ông đỗ tiến sĩ làm quan to, Nguyễn Cao viết:

大家積德百年而今也高名顯宦 Đại gia tích đức bách niên, nhi kim giã cao danh hiển hoạn (Nhà đại gia tích đức hàng trăm năm, nên ngày nay ông nghè được làm quan to nổi danh lừng lẫy)
聖朝開科取士所求乎子孝臣忠 Thánh triều khai khoa thủ sĩ, sở cầu hồ tử hiếu thần trung (Nhà vua mở khoa thi kén học trò, mong muốn rằng chọn được người làm con có hiếu, làm tôi phải trung)

Không ngờ ông Nghè cạn nghĩa cho rằng câu này dụng ý mỉa mai, ngầm báo quan đến bắt họ Nguyễn về tội phản đối chính phủ. Khi bị giải ra trước quan ta lẫn tây, trong đó có Hoàng Cao Khải, hội đồng dụ dỗ nếu chịu ra làm quan sẽ bổ chức to và còn hậu đãi. Nguyễn Cao không chịu hàng, thò tay vào trong áo lấy mảnh sứ đã dấu sẵn. Rạch bụng, rút ruột ra vứt vào mặt họ Hoàng, rồi thống mạ thậm tệ. Lát sau, ông cắn lưỡi tự tận.

Câu đối của Nguyễn Phạm Tuân (1842 - 1887) sửa

Nguyễn Phạm Tuân người xã Tráng Tiệp, nay thuộc xã Bắc Cử, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ông thi Hương khoa Quý Dậu, Tự Đức thứ 25 (1873). Ông được bổ làm Huấn đạo huyện Bố Trạch, sau thăng tri huyện Tuyên Hóa, sại thăng Tri phủ Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1885, vua Hàm Nghi phong ông chức Tán tương quân vụ quân thứ Quảng Bình, hoạt động quân sự mạnh nhất là ở các huyện Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Bố Trạch. Sáng ngày 9 tháng 4 năm 1887, trong 1 cuộc chiến đấu ác liệt, Nguyễn Phạm Tuân bị trọng thương và bị sa vào tay giặc. Ông không chịu ăn uống, phun nhổ thuốc vào mặt chúng. Ông làm câu đối tỏ rõ ý chí của mình:

Sổ thế quân ân thù nhất tử
Thập niên hoạn nghiệp túc tam sinh

Dịch:

Ơn nước mấy đời, đền một chết
Nghề quan mười tuổi, vạn ba sinh

Những câu đối liên quan đến Tham Tá Nội Các Sự Vụ Đỗ Huy Liêu (1845 - 1891) sửa

Đỗ Huy Liêu tên tự là Ông Tích, hiệu Đông La. Ông sinh tại làng La Ngạn, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên tỉnh Nam Định. Ngày 1 tháng 5 năm Tân Mão (1891), tổ chức xong lễ mãn tang cho mẹ vào buổi sáng thì buổi chiều Đỗ Huy Liêu đột ngột từ trần. Theo Phan Bội Châu, thì ông đã uống thuốc độc tự vẫn.

  • Câu đối viếng Tổng Đốc Nghệ Tĩnh Đặng Toán:

Đặng Toán làm quan có tiếng thanh liêm, đang giữ chức tuần phú Ninh Bình thì có chỉ cử làm tổng đốc Nghệ Tĩnh, nhưng sắp sửa lên đường nhận chức mới thì mất. Đỗ Huy Liêu có câu đối viếng Đặng Toán:

Phương đáo Hoan chi thăng, hồ kị hạc quy, quy Thúy Hạc (Mới nghe tin ông thăng quan lên châu Hoan (Nghệ Tĩnh), sao ông vội cỡi hạc về, về núi Thúy Sơn, núi Hồi Hạc)
Khởi dữ Ninh hữu ước, hưu tương hồng ấn, ấn Lam Hồng (Hay là với tỉnh Ninh có hẹn, nên không đem dấu chim hồng in ở sông Lam Giang, núi Hồng Lĩnh)
“Hạc”, “hồng” là tên hai loài chim lớn (HV), cùng âm với một thành tố của tên gọi địa danh Thúy Hạc, Lam Hồng.
  • Đối đáp với Cử Nhân Phạm Văn Phổ:

Sau khi thực dân Pháp bình định xong Trung và Bắc Việt, Tổng đốc Nam Định Vũ văn Báo, cho mời Đỗ Huy Liêu và cử nhân Phạm Văn Phổ làng Tam Quang, ý muốn để ông làm đốc học Nam Định, Phổ làm tri phủ Nghĩa Hưng. Nhưng hai ông từ chối, nên bị tống giam, bị ngâm vào bể nước, cho lính tráng đứng tắm ở bên bể, cố làm nhục hai ông. Hai ông ngồi trong bể làm câu đối cho đỡ buồn, một ông ra, một ông đối:

vế ra của Pham Văn Phổ: Tại luy tiết chi trung, phi kỳ tội dã (Câu này lấy ý trong Luận ngữ, thiên Công dã Tràng, điển Công dã Tràng, dẫu phải giam trói, nhưng không phải vì tội mình làm ra)
vế đối của Đỗ Huy Liêu: Tuy khỏa trình ư trắc, yên năng nỗi tai (Câu này từ nội dung sách Mạnh Tử, thiên Công tôn Sửu, điển Liễu hạ Huệ vốn có tính khoan hoà nói: kẻ khác làm bậy như là cởi áo chìa vai ở bên ta, cũng không nhơ nhuốc đến ta)
  • Sau được tha về, lấy cớ là có mẹ già, Đỗ Huy Liêu xin ở nhà phụng dưỡng, nhất định không chịu ra làm quan. Được bốn năm thì mẹ mất, ông có câu đối khóc mẹ như sau:
Tằng tứ niên lai, quốc vận gia đình lụy lụy (Đã từng bốn năm nay, vận nước tình nhà, thường gặp gian truân)
Tài tam nguyệt nội, thần tâm tử niệm du du (Vừa trong ba tháng, lòng người bầy tôi, và lòng người con cảm thấy xót xa)
  • Câu đối viếng Đỗ Huy Liêu của Đốc Học Hà Nội Khiếu Năng Tĩnh (1835 - ? ):

Khiếu Năng Tĩnh là người xã Chân Mỹ, tổng Tử Vinh, huyện Đại An, phủ Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định (nay thuộc xã Yên Cương, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định). Năm 1878, ông đỗ Cử nhân (Hương cống). 2 năm sau, ông đỗ đồng tiến sĩ xuất thân. Ông làm quan Đốc học Hà Nội, Tế tửu Quốc tử giám. Sau khi nghe tin Đỗ Huy Liêu mất, ông có gửi đôi câu đối phúng điếu như sau:

Hiển tàng độc dị phùng tam mão (Lúc hiển đạt và lúc mất, một điều lạ là cùng gặp vào ba năm mão)
Tâm sự toàn nghi đối lưỡng thân (Tâm sự như thế là trọn đạo làm con đối với hai đấng thân)
Thân” trong “lưỡng thân” (cũng gọi song thân, là cha mẹ), cùng âm với “thân” (thuộc thập nhị địa chi), do yếu tố “mão” cùng trường nghĩa này, ở vị trí đối ứng chỉ ra 2 Đỗ Huy Liêu đỗ thủ khoa năm đinh mão (1867), đỗ hoàng giáp năm kỉ mão (1879), mất năm tân mão (1891).
  • Câu đối viếng Đỗ Huy Liêu của Đông Các Đại Học Sĩ Cao Xuân Dục (1843 - 1923):
Cái kỳ sinh kỳ cố kỳ tử diệc kỳ, mạc hoặc giả nhân trọc nhi ngã thanh, nhân túy nhi ngã tinh, thuật lai chúc tử sổ ngôn, quát nhãn quan hà lưu thế lệ (Lúc sống vốn kỳ, lúc chết cũng kỳ, có phải chăng người say mà ta tỉnh, người đục mà ta trong, những trối trăng con cháu đôi lời, ngoảnh lại non sông giàn nước mắt)
Duy kỳ hành hiển, cố kỳ tàng diệc hiển, dĩ yên tai tương kiến năng kỷ thời, tương thức năng kỷ nhân, tài khứ đàm thân nhất nhật, hồi đâu thân thế hận ba đào (Khi xuất đã rõ, khi xử càng rõ, rành là thế cùng hiểu nào mấy người, cùng gặp nào mấy độ, vừa xong tang mẹ già một bữa, đoái trông thân thế hận ba đào)
Cao Xuân Dục tự là Tử Phát, hiệu Long Cương Cổ Hoan Đông Cao, sinh tại thôn Thịnh Mỹ (Thịnh Khánh), xã Cao Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1876, ông đỗ Cử nhân. Trong quá trình làm quan, ông đã trải qua những chức: Biện lư Bộ Hình, Án sát Hà Nội, Bố chánh Hà Nội, Tuần phủ Hưng Yên, Tổng đốc Sơn Tây - Hưng Hóa - Tuyên Quang, Khâm sai Chủ khảo trường thi Hương Hà Nam, Tổng đốc Định Ninh, Phong hàm Kiên Giang Quận công, Tổng tài Quốc Sử Quán, Thượng thư Bộ Học.

Những câu đối liên quan đến Kỳ Am Nguyễn Lộ Trạch (1852-1895) sửa

Nguyễn Lộ Trạch tự Hà Nhân, hiệu là Kỳ Am, người làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên. Ông là người học rộng, hiểu biết nhiều về tình hình trong nước và thế giới. Nguyễn Lộ Trạch là đồng hương và cũng là bạn học rất thân thiết với Trần Dĩnh Sỹ. Trần Dĩnh Sỹ học rất giỏi, đỗ Hoàng Giáp khoa Ất Tỵ. Sau khi đỗ, Trần Dĩnh Sỹ tỏ vẻ đắc ý, Nguyễn Lộ Trạch tặng câu đối cho bạn. Kí giả Bồ Cảng quên vế đầu chỉ còn nhớ vế sau:

vế trước:
vế sau: “Phú quý cạnh lương bức hỉ, khán thử độ kị mã khán ba, anh phong lạc lạc, quân ưng bất phụ nhãn trung nhân”

Nghĩa là:

vế trước:
vế sau: Giàu sang khéo quấy người thiệt, xem lúc này cưỡi ngựa ngắm hoa, anh phong ít có, người chắc không thẹn người trong con mắt ta.

Nguyễn Lộ Trạch hiểu biết rộng nhưng không thích việc cử nghiệp, ông làm bài "Thiên Hạ Đại Thế Luận" để nói lên sự hiểu biết của mình trườc thời thế. Ông đưa bài này cho Nguyễn Thượng Hiền vừa đỗ Hoàng giáp xem, Nguyễn Thượng Hiền đọc xong và cho rằng trong đám đỗ đại khoa vừa rồi không có người nào làm được một góc bài ấy. Nguyễn Thượng Hiền nâng bút viết ngay một bài đề hậu để tỏ lòng khâm phục con người đã bị người đời lúc ấy cho là một "cậu ấm tàng tàng". Thượng Hiền còn tặng cho Lộ Trạch một câu đối:

"Ngã đường huề mỹ tửu, đăng cao sơn, tứ cố màng nhiên, hồi thủ đông minh, khang nhật xuất
Quân kim bàng thang giang, kiết mao ốc, sổ bôi túy hậu, nhứt thân lương lộ, bạn hoa miên"

Dịch nghĩa:

"...Ta thường mang rượu tốt lên núi cao, bốn phía mênh mông, một góc vừng đông trời ló mặt;
...Người nay dựa bờ sông, kết nhà lá vài chung say quỵt, đầy mình sương lạnh ngủ cùng hoa".

Những câu đối liên quan đến liệt nữ Nguyễn Thị Trinh (1853 - 1873) sửa

Nguyễn Thị Trinh, con gái quan Vệ úy Nguyễn Kế Hưng coi kho lương ở thành Nam Định. Năm 1873, quân Pháp tấn công ra miền Bắc. Bấy giờ Nguyễn Thị Trinh được giao nhiệm vụ canh giữ kho quân lương, khi nghe tin cha đang bị giặc vây tại Cột Cờ bèn truyền cho một toán thuộc hạ chốt chặt các cửa kho, sau đó dẫn toán quân còn lại tiến ra trợ chiến quyết tử thủ giữ vững lá cờ Nam triều trên đỉnh Kỳ đài. Thành Nam Định thất thủ, nhiều tấm gương hy sinh trong trận chiến bảo vệ tòa thành này đã được sử sách ghi lại trong đó có Nguyễn Thị Trinh. Nhân dân tìm được thi thể bà và chôn cất tại phía đông của Cột Cờ. Triều đình cho lập đền thờ bà dưới chân Cột Cờ (nên được gọi là đền Cột Cờ) và miếu Bản Tỉnh để thờ những nghĩa sĩ đã hi sinh vì nước; dân địa phương còn tôn bà làm Đương cảnh Thành hoàng - Bản xứ Thổ thần, họ còn gọi Nguyễn Thị Trinh là “bà Chúa Cột Cờ”. Tại đền có câu đối ca ngợi:

Nhất niệm hiếu trung như nhật nguyệt
Thiên thu phần mộ lẫm uy danh.

Nghĩa là:

Trung hiếu một niềm ngời nhật nguyệt
Mộ phần ngàn thuở khét uy danh.
  • Ngoài ngôi đền thờ dưới chân Cột Cờ, tại thành Nam Định (nay là thành phố Nam Định) còn có một số nơi thờ bà Chúa Kho - Giám thương công chúa Nguyễn Thị Trinh như đền Nguyên Thương ở phố Hàng Sắt (phường Nguyễn Du), đền Bồng Lai ở đường Trần Hưng Đạo (phường Bà Triệu). Tại đây cũng đều có các câu đối ca ngợi nữ anh hùng thành Nam, như:
Dữ phụ đồng cừu kim diệc hãn
Tồn lương vệ quốc cổ do hy.

Nghĩa là:

Cùng cha chung mối thù, nay cũng hiếm
Giữ lương vì nước, trước đâu nhiều.

và:

Huyền mặc vô ngôn, hoàng thượng biền mông tư Bắc khuyết
Tinh thần bất tử, nữ trung anh kiệt chấn Nam thiên.

Nghĩa là:

Lặng lẽ không lời, hoàng thượng chở che riêng cửa Bắc
Tinh thần bất tử, nữ trung anh kiệt động trời Nam.

Đoàn Chí Tuân (1855 - 1897) sửa

Bạch Xỉ chính tên là Đoàn Đức Mậu rồi đổi là Đoàn Chí Tuân, còn có tên khác như: Đoàn Văn Long, Thầy Đoàn. Ông sinh tại làng Hoà Ninh, xã Quảng Hoà, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Lên 12 tuổi, Đoàn Chí Tuân đã nổi tiếng về văn và thơ. Bấy giờ có người ra câu đối sau:

vế ra:Hoàn quân dĩ đãi tướng quân (cho ông về là đãi ngộ ông)
Bạch Xỉ đối ngay: Sinh tử tất vi thái tử (sinh con ra là đẻ hoàng tử ra)
Lúc đầu, Bạch Xỉ đi theo cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Trong đại bản doanh ở Hương Khê, Đoàn Đức Mậu đã đề xuất hai ý kiến: "Một là tôn quân diệt địch, hai là không sát tả mà chỉ bình tây". Ý của Đoàn Đức Mậu là vua Hàm Nghi đã bị bắt, nghĩa Cần vương không còn chính danh cho công cuộc chiến đấu nữa. Còn Đồng Khánh là vua do Pháp dựng lên, bấy giờ Pháp sợ nhất là một nước có hai vua, chi bằng tôn phò một vua mới, và Đoàn Đức Mậu qua câu tuyên ngôn:
Tướng quân nghĩa liệt văn hoàn vũ (Nghĩa liệt tướng quân vang bốn cõi)
Nguyện hướng viên môn tác chấp chiên (Xin theo bên ngựa đỡ dây cương)
Ý ông muốn nói, không ai xứng đáng hơn Phan Đình Phùng lên ngôi chấp chánh để lo việc quốc gia đại sự. Cả hai đề nghị của Đoàn Đức Mậu đã bị cụ Phan phản đối. Bạch Xỉ đã tách khỏi Phan Đình Phùng mà tự quyết định lên ngôi, lấy niên hiệu là Long Đức Hoàng Đế. Thời đó có câu sấm: “Bạch Xỉ sinh thiên hạ bình” (Ông Bạch Xỉ ra đời là thiên hạ thái bình). Khi Đoàn Chí Tuân tự xưng hoàng đế, ông là người không nhuộm răng đen thời đó. Có lẽ vì vậy mà ông tự lấy làm hiệu hoặc dân gian gán cho ông.
  • Một lần, tổng đốc Hoàng Cao Khải tự động đến gặp Bạch Xỉ trong nhà lao, vừa muốn dụ dỗ vừa muốn thử tài đối đáp của một thần đồng nổi danh từ đất Quảng Bình. Khải nói: "Biết ông hay chữ xin hãy đối lại câu đối của tôi". Bạch Xỉ trả lời: "Tôi văn chương ít, ít được học hành, chỉ đối được từng chữ mà thôi".

Khải xướng: Mạnh mẽ bảy đời cửa tướng

Theo cách phát âm gốc Nghệ Tĩnh, Mạnh đọc thành mẹng, cũng có nghĩa là mồm; mẽ đọc thành âm mẹ (đối với mẹ là cha), bảy đời đối lại là tám kiếp, cửa tướng đối lại là nhà ông. Bạch Xĩ chỉ nêu lên từng chữ để đối. Nghe xong Hoàng cao Khải ngớ ra không hiểu gì cả, còn Bạch Xĩ thì đã ung dung chắp tay sau lưng đi vào nhà ngục. Khải vặn hỏi số người hộ vệ của mình, câu đối được chắp lại như sau:
vế đối: Mồm cha tám kiếp nhà ông
Dù giận tím mặt và thù lên tận cổ, Khải cũng không nói được câu nào với Bạch Xỉ nữa, nên đã bảo bọn cai ngục đem Bạch Xĩ ra bắn ngay cho hả giận. Lúc nầy Pháp chưa nghe lời Hoàng Cao Khải vì Pháp còn muốn dụ dỗ một nhà nho tài giỏi và có uy tín để có thể ổn định được một vùng địa lý rộng lớn từ Quảng Bình ra tới Hà Tĩnh, Nghệ An, đỡ phải hao binh tổn tướng trong nhiều năm mà chưa chắc đã thành công. Nhưng không có gì mua được chí khí cang cường của một nhà nho yêu nước. Dụ dỗ không được, Pháp quay sang sử dụng đòn tra tấn dã man. Bảy lần tra tấn là bảy lần Bạch Xỉ cương quyết phản cung. Sự khảng khái tuyệt đối của Bạch Xỉ đã đưa ông đến cái chết tàn khốc vào ngày 12-5-1897, khi ông đang bị cơn sốt rét hoành hành. Bạch Xỉ mất, tuổi đời mới hưởng được 43 năm.
  • Tương truyền có lần Bạch Xỉ cùng Nguyễn Hàm Ninh đi chơi gặp mưa, ngồi núp ở gốc đa - Nguyễn Hàm Ninh đọc: Đường đất thịt, đi trơn như mỡ
Bạch Xỉ đọc theo liền: Gió gốc da, ngồi mát tận xương
  • Lần khác, Bạch Xỉ đến trường học cụ thám hoa Nguyễn Đức Đạt, gặp lúc cụ ra đề cho học trò, lấy tích ở Kinh Thi nói về một ông vua chăm việc nước, quên mình, quên ăn. Bạn học sinh nhờ ông giúp vài câu, ông lấy bút viết ngay:
Tể phụ tiến thiện, vương viết: vi vi! Nhất đán ky, viết ngã ky chi (Đầu bếp dọn ăn, vua bảo: chưa chưa! Một người dân đói, chính là ta đói đây)
Thuỳ tướng truyền xan, vương viết: phủ phủ! Ngô tuy mạo, thiên hạ tất phi! (Cần vụ đem cơm, vua bảo: khoan khoan! Mặt ta tuy gầy, nhưng mặt người dân được béo!)
  • Câu đối làm giúp một người bạn thờ vợ chết:
Dữ chi tử, cánh đoạt chi thê, ức mệnh, ức vô duyên, duy hướng thiên tào vấn đoạt đích (Cho con răng trắng, cướp quách vợ má hồng, vì mệnh hoặc vì duyên, mới biết lòng trời khôn nhắn hỏi)
Tử dã ấu, nhi tồn dã lão, thị hạnh, thị bất hạnh, mang văn nhân thế thuyết mơ hồ (Mất ả tóc xanh, còn trơ ông đầu bạc, rằng may hay rằng rủi, rối nghe miệng thế nói mơ hồ)
  • Khi nghĩa quân Bạch Xỉ đang đắc thế, dân gian vẫn lưu truyền câu đối sau để ca ngợi công tích của ông như sau:
Một lũ Thầy Tăng ra trị nước (Thầy Tăng nói lái là Thằng Tây)
Có ông Bạch Xỉ mới nên đời

Câu đối của Chánh Quản Hương Binh Lê Trung Đình (1857 - 1885) sửa

Lê Trung Đình hiệu là Long Cang, người làng Phú Nhơn, nay là thôn Trường Thọ Đông, thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh. Ông là chí sĩ yêu nước, kháng Pháp, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Cần Vương đầu tiên trong cả nước. Ngày 5/7/1885, sau vụ đánh úp quân Pháp ở Huế không thành, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Lê Trung Đình cùng các thủ lĩnh hương binh kéo quân về tỉnh thành, nghĩa quân làm chủ tỉnh thành được 4 ngày thì bị Nguyễn Thân đưa lực lượng từ sơn phòng về, bất ngờ tấn công dữ dội. Lê Trung Đình bị bắt, Nguyễn Thân lôi kéo Lê Trung Đình đầu hàng, nhưng ông không nói một lời. Ngày 23/7/1885 (1/6 năm Ất Dậu) Lê Trung Đình bị xử chém ở phía Bắc thành Quảng Ngãi.

  • Năm 18 tuổi, cậu Đình đi thi hương. Cả nhà mừng thầm thế nào Trung Đình cũng đổ thủ khoa. Đình cũng rất tự tin, nhưng không dè quan trường chấm thế nào mà chỉ á nguyên (thứ hai sau thủ khoa). Cử Đình tức lắm, nhân thấy anh chàng thủ khoa tài học kém mình, lúc vào ra mắt trong lễ xướng danh, cử Đình sẵn tay cầm cái quạt giấy liền lấy gióng quạt gõ lên đầu chàng thủ khoa - con một mệnh quan ở triều đình Huế - và nói lớn: "Thứ anh thủ khoa cái nước gì?" Cả quan trường buổi lễ xôn xao, rộ lên bàn tán, cười nói mỉa mai. Quan tuần phủ Điện tức tối, vì năm xưa lúc Trung Đình mới 15 tuổi, có lần theo cha đến dinh tuần phủ ngâm vịnh; nghe Đình hay thơ tuần phủ mới ra câu đối để thử tài:
vế ra: Đình xiêu giữa chợ ăn mày ngủ
Cậu bé Đình xin phép cha, ứng đối lại ngay: Điện tế bên đường chó đói ăn
Câu đối rất chỉnh, lại dùng chữ Điện tên của quan chủ tỉnh để đối với Đình tên mình, hơn nữa Đình và Điện đều là những nơi thờ cúng. Ai ngờ một vị quan đầu tỉnh lại bị cậu bé chơi xỏ một vố quá đau. Nên ông nghè Lê Trung Lượng vờ quở mắng Đình để quan tuần phủ đỡ ngượng, nhưng trong bụng ông cười thầm: "thằng.......phải đo ván".

Câu đối ở đền thờ Cầm Bá Thước (1857 - 1895) sửa

Cầm Bá Thước người dân tộc Thái, sinh tại chòm Lùm Lưa, xã Điền Lư, tổng Trịnh Vạn huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Năm 1885, vua Hàm Nghi xuất bôn, hạ chiếu Cần vương, Cầm Bá Thước lập tức hưởng ứng. Năm 1886, Cầm Bá Thước tham gia hội nghị Bồng Trung, các thủ lĩnh nghĩa quân trong tỉnh giao trách nhiệm cho ông xây dựng Trịnh Vạn thành một căn cứ vững chắc. Do bị quân Pháp vây ép, Cầm Bá Thước phải bỏ Trịnh Vạn rút về cứ điểm Cọc Chẻ. Giặc Pháp tung quân truy kích ráo riết, ngày 13/5/1895, Cầm Bá Thước sa vào tay giặc Pháp ở bản Cà. Chúng tìm mọi cách mua chuộc, ông kiên cường không khuất phục, chúng xử tử ông. Sau khi ông mất, người dân đã lập đền thờ ông ở Cửa Đặt, thị trấn Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá. Trong đền có câu đối khen ngợi ông như sau:

Bất tử đại danh thùy vũ trụ
Như sinh chính khí tạc sơn hà

Nghĩa là:

Danh thơm chẳng mất cùng trời đất
Tiếng tốt còn bền với núi sông

Câu đối tuyệt mệnh của chí sĩ yêu nước Nguyễn Đức Huy sửa

Nguyễn Đức Huy người làng Thái La huyện Vụ Bản tỉnh Nam Định, ông tham gia cuộc khởi nghĩa do Vũ Hữu Lợi và Đỗ Huy Liệu (đều thuộc nhóm văn thân Nam Định) bị bại lộ, kết quả ông bị thực dân Pháp bắt đem ra xử tử năm 1883 (Quý Mùi). Trước lúc lâm hình ông có đọc đôi câu đối như sau:

Sinh bất phùng thời, nan bả hình hài hoàn tạo hóa
Tử đắc kỳ táng, cảm tương tâm huyết báo từ thân

dịch nghĩa:

sống chẳng gặp thời, khó trả hình hài cho tạo hóa
chết may được táng, dám đem tâm huyết báo mẹ già

Lê Ninh (1857-1887) sửa

Lê Ninh hiệu Mạnh Khang, sinh tại làng Trung Lễ, xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn (nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ) tỉnh Hà Tĩnh. Là con cả của nguyên Bố Chánh Bình Định Lê Khanh, được tập ấm, nên gọi là Ấm Ninh. Ông là người đầu tiên hưởng ứng chiếu Cần Vương ở vùng Nghệ An-Hà Tĩnh. Quân Pháp phối hợp với quân triều đóng ở Vinh, bất ngờ tập kích. Lê Ninh chỉ huy nghĩa quân chống trả quyết liệt cho đến khi không thể chống ngăn được nữa đành phải rút quân lên đóng ở vùng rừng núi Bạch Sơn (huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh). Ở nơi nhiều sơn lam chướng khí, Lê Ninh bị ốm nặng và qua đời. Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa Hương Khê là Phan Đình Phùng đã có câu đối viếng ông như sau:

Tuy vận thành bại do thiên, xướng nghĩa tiên thanh tồn Nghệ Tĩnh
Kham thán anh hùng vô địa, phù quân đại tiết hữu Hồng Lam

Nghĩa là:

Tuy rằng thành bại tự trời, tiếng xướng nghĩa trước tiên còn truyền Nghệ Tĩnh
Than nhẽ anh hùng bạc mệnh, tiết phù vua cao cả bất tử với Hồng Lam

Mai Xuân Thưởng (1860 - 1887) sửa

Mai Xuân Thưởng lúc nhỏ tên là Phạm Văn Siêu, là người thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Năm 1878, Xuân Thưởng thi đỗ tú tài nhưng lại trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ ở Hòn Sưng (nay thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn). Ngày 21 tháng 4 năm 1887, Trần Bá Lộc cho quân bao vây căn cứ Hầm Hô, Linh Đổng và cuối cùng đã chiếm được căn cứ, bắt được mẹ Mai Xuân Thưởng. Đau lòng, ông ra nạp mình để cứu mẹ, đối phương đã đưa ông cùng các thuộc hạ ra xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Đoàn quân áp giải theo nam ngạn sông Côn mà đi, Nguyên soái ngồi trên ngựa, hai tay bị trói. Mai phu nhân khăn gói theo chồng, thoăn thoắt đi trước đầu ngựa. Ngoài ra, không còn ai là người thân. Xúc cảm, Nguyên soái ứng khẩu đọc:

Giang thượng đông lưu vô tử đệ
Mã tiền tây hạ hữu giai nhân

Nghĩa là:

Trên bờ nước chảy về đông, con em ngoảnh lại tịnh không mống nào
Riêng thương chút phận má đào, thoăn thoắt trước ngựa anh hào đưa chân

Danh nhân Nguyễn Bá Trác khi lên truy điệu Mai Xuân Thưởng tại phần mộ và gửi hai câu đối thờ đầy trân trọng:

Bại trận nhi bất hàng, hùng tâm phiêu võ trụ, đáo để chiến công lực kiệt, binh tán thế cô, túng sử quốc vận phương long, liệt sĩ hồ cam hàm hận huyết
Đoạn đầu do năng tiếu, nghĩa khí quán càn khôn, tự lai chuyên chế vân loa, nhân vong sự một, ná thức thế tâm mạc đạm, hậu sanh thương vị hích kỳ danh!

Nguyễn Bá Trác hiệu Tiêu Đẩu sinh năm 1881 tại Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông từng hưởng ứng phong trào Duy Tân, Đông Du, sang du học Nhật Bản, khi chính phủ Nhật cấu kết với Pháp trục xuất các nhà yêu nước Việt Nam, ông lặn lội sang Tàu. Có thuyết khác cho rằng câu đối trên là do chí sĩ yêu nước Đồng Sĩ Bình (1904 - 1932) tổ chức viếng mộ Mai Xuân Thưởng Bên quốc âm có câu:

Lệ thảm Bàn thành dòng họ vũ
Khí hùng Linh Đổng ngọn nam phong

Đào Tấn ở Vinh Thạnh (Tuy Phước), khi phong trào Cần Vương Bình Định nổi lên, không hưởng ứng, đến ẩn náu nơi chùa Linh Phong (Phù Cát), sau ra phò vua Đồng Khánh, cũng có một câu đối điếu Mai anh hùng:

Bình tặc chí nan thanh, anh phong Linh Đổng suy cao thọ
Định biên công vị toại, huỳnh khí Côn giang phó bích lưu

Nghĩa là:

Chí bình tặc khôn thành, gió anh dũng dạt dào cây Lộc Đổng
Công định biên chưa toại, khí hùng hào cuồn cuộn nước Côn giang

Đào Công dụng ý tặng Mai Nguyên soái bốn chữ Bình Định Anh Hùng.

Cao Thắng (1864 - 1893) sửa

Cao Thắng sinh ở huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Ông là vị phó tướng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê nổi tiếng thời Pháp thuộc, Cao Thắng đem một ngàn quân từ Ngàn Tươi mở trận tấn công lớn vào tỉnh lỵ Nghệ An. Trên đường hành quân, nhiều đồn trại đối phương bị phá bỏ. Nhưng trận trận tấn công đồn Nu (hay Nỏ) ở Thanh Chương (một huyện miền núi nằm ở phía tây nam thuộc tỉnh Nghệ An), Cao Thắng trúng mưu của viên đồn trưởng tên Phiến. Đền thờ Cao Thắng, danh tướng của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, ở xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Trong đền có khắc câu đối viếng Cao Thắng của Phan Đình Phùng nội dung như sau:

Công cần tất thành, kính tiếp thệ ngôn thanh quốc tặc
Thệ nguyên dự liệu, cứ yên kim dĩ thiểu tư nhân

Dịch nghĩa:

Công muốn lập nên, vang lời thề diệt trừ giặc nước
Việc không tính trước, lên yên nay thấy vắng người

Nguyễn Thiện Sinh sửa

Nguyễn Thiện Sinh là con trưởng Nguyễn Thiện Thuật - lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy, theo Đề Thám lên Yên Thế khởi nghĩa, bị bắt và xử trảm. Nguyễn Thiện Thuật ở bên Trung Hoa được tin gửi đôi câu đối về phúng điều. Bấy giờ em ông là Nguyễn Thiện Kế vẫn đang phù trờ Đề Thám kháng Pháp, câu đối này ghi theo lời kể của cụ Vũ Tố ở xã Tân Hồng huyện Bình Giang tỉnh Hưng Yên:

Đoạn đầu đài thượng, tống liễu tiểu tướng quân, na kham vạn lý cô thần, ca khấp gia nhi phong vũ dạ
Sáp huyết trường trung, mộng tồn hoàng đại lão, dữ ngã đồng bào ái đệ, sanh phù tổ quốc tử sinh thu

Dịch nghĩa:

Đoạn đầu đài nọ, tiễn tướng trẻ về trời, xót thay muôn dặm tôi xa, khóc con cơn gió táp
Uống máu hội này, cùng cụ Hoàng trong mộng, còn có một người em ruột, giữ nước buổi nguy nan

Câu đối của Lê Văn Thức sửa

Lê văn Thức là người làng Nhuận Thạch, nay thuộc xã Đông Tiến, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Ông là cai tổng, thường gọi là Cai Hoà. Năm 1885, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần vương, Cai Hoà hưởng ứng bằng cách vận động con em, gia nhập nghĩa quân. Khi quân giặc đột phá vào làng Triều Xá, Lê Văn Thức chỉ huy nghĩa quân đánh giáp lá cà với giặc. Nhưng thế giặc mạnh, cuối cùng chúng bắt được ông, đã dùng một cực hình tra tấn, song chúng không moi được gì. Ngày 4 tháng 3 năm Bính Tuất (1886), Lê Văn Thức bị giặc Pháp chém rồi treo đầu ở cửa Tả thành Thanh Hoá. Ba ngày sau mới cho người nhà đem xác về chôn. Khi con cháu thay áo thấy trong vạt áo của ông có câu đối viết bằng máu:

Nhất phiên đan tâm ưng bất tử
Bách niên cơ sự phó lai sinh

Dịch:

Một tấm lòng son ưng chẳng chết
Trăm năm cơ sự để người sau

Câu đối mừng Tiến Sĩ Nguyễn Văn Trình thi đỗ sửa

Nguyễn Văn Trình, tự Lục Quang, hiệu Thạch Thất sinh năm 1872 (Nhâm Thân) ở phủ lỵ phủ Bình Giang (Hải Dương). Năm 17 tuổi, cụ được đưa vào Quảng Nam học để tham dự các kỳ thi, vừa kiếm chỗ dạy học để thêm nguồn sinh sống. Cụ đỗ Tú tài hai khoa (1891 và 1895) ở trường Huế, đỗ Cử nhân khoa 1897 và đỗ Đồng Tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1898), năm cụ 27 tuổi. Câu đối “phục cổ tam khoa” khi đón Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình lúc vinh quy:

Tam bách dư niên, Mậu Tuất xuân phục cổ
Nhị thập thất tuế, Nhâm Thân Mệnh kế khoa

Tạm dịch là:

Hơn ba trăm năm, giáp bảng lại đề Mậu Tuất
Hai mươi bảy tuổi, đại khoa vừa mệnh Nhâm Thân
Bằng trí tuệ và nghị lực phi thường, cụ đã chiếm cứ đỉnh cao khoa bảng, ghi danh người Kiệt Thạch vào Bảng Vàng. Đó là kết tinh trí tuệ của cả một dòng họ, là sự nối tiếp xứng đáng trong lịch sử học vấn, khoa cử của cả một nền văn hiến Lam Hồng nói chung, và đất Kiệt Thạch nói riêng. Nếu như đất Kiệt Thạch thời Hậu Lê có Hoàng Hiền, Nguyễn Cung, Thái Kính xứng đáng với câu ca dao xưa “Kiệt Thạch tam khoa tam Tiến sĩ”, thì hơn ba trăm năm sau, năm 1898, lịch sử khoa bảng lại được ghi danh Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình ở đất Kiệt Thạch bằng dấu son trong Bảng Vàng Khoa Cử

Câu đối liên quan đến Tổng Đốc Bình Định Vương Tử Đại sửa

Tương truyền khi quan Tổng Đốc Vương Tử Đại vừa đến Bình Định đã lập tức niêm yết cấm việc hối lộ. Một hôm quan cải trang làm thường dân mướn xe kéo đi chơi quanh ngoài thành, để dò xét dân tình. Quan hỏi người phu xe: "Nghe đồn quan Tổng đốc đương kim thanh liêm chánh trực lắm phải không chú?" Không biết người ngồi xe là quan Tổng đốc, người phu xe đáp: "Dạ, phải, thanh liêm chánh trực. Nhưng ai muốn được việc thì đừng đi ngõ lớn mắc bảng cấm hối lộ, mà phải đi ngõ sau, tìm bà lớn là "hảo tai". Quan liền ghi số xe, về dinh truyền bắt người phu xe tống ngục. Trước vụ người phu xe, lại có chuyện dân làng Đông Lương huyện Phù Cát cũng vì chỉ trích quan tỉnh nên bị bắt giam cả làng. Vợ con đến khóc xin đêm ngày mà vẫn chưa được thả, quan Bố làm bài "Ký Cốc Xa" (xe kéo tay, chạy kêu cọt kẹt) rằng:

Sanh nhai ký cốc nhất xa hành.
Hưu huyết quan gia lãng phẩm bình.
Bất ký Đông Lương đương nhật sự,
Thê hiền nhi khốc đáo tàn canh.

Nghĩa là:

Làm ăn cút kít tay xe,
Miệng mồm khuyên hãy kiêng dè việc quan.
Đông Lương mang vạ cả làng,
Vợ con kêu khóc ngày tàn lại đêm.

Thơ quan Bố vừa làm ra thì tất cả nhân viên ty, tào đều biết, rồi không mấy chốc bay khắp ra cả thành thị thôn quê. Quan Tổng đốc rất căm và để trả thù, quan làm một câu đối Nôm, cho người gởi đến quan Bố, rằng:

"Sóng Âu hải tràn ngang, tràn Hương Cảng, tràn Hoành tân, tràn Mã Lịp Nhĩ Sơn, coi như tuồng dạ sắt gan đồng, một mực giữ gìn dân với nước
Gió Nam Phong thổi ngược, thổi hường lô, thổi binh bộ, thổi Bàn thành cụ Bố, quen những thói vào luồn ra cúi, đôi đường chen chúc lợi và danh"

Nguyễn Tử Mẫn sửa

Nguyễn Tử Mẫn là một nhà địa lý học của tỉnh Ninh Bình và Việt Nam. Ông quê ở ở thôn Đống Cao, xã Giá Hộ, tổng Kỳ Vĩ, nay là làng Thư Điền, xã Ninh Nhất, huyện Hoa Lư. Nguyễn Tử Mẫn là một người rất am hiểu về địa lý Ninh Bình. Ông đỗ cử nhân năm 1841, làm tri các huyện Kim Anh (Vĩnh Phúc), Hiệp Hòa (Bắc Ninh) và Gia Viễn (Ninh Bình), gọi tắt là Ông Huyện Hiệp Hoà.

  • Tương truyền Ông Huyện Hiệp Hòa có câu đối nôm tự vịnh về hoàn cảnh thực tế của mình như sau:
Vợ cả vợ hai không vợ cả
Con trai con gái có con trai
Nguyên là ông có hai bà, khi ấy đều mất rồi, mà con trai con gái đều có cháu trai cả. Câu đối này sau được Nguyễn Đỗ Mục và Dương Bá Trạc chuyển thể để đả kích Tổng Đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu trên tờ báo Trung Bắc.
  • Câu đối viết sau sự kiện "4 tháng 3 vua":
Ngoái cách năm hai đạo chiếu đăng quang, bể Bắc trời Nam, táng khảo tỷ, con nào không nước mắt (Cuối năm ngoái sang năm nay, vua Dục Đức, vua Hiệp Hoà, đều có chiếu đăng quang rồi cùng bị giết. Táng khảo tỷ: vua chết cũng như cha mẹ chết)
Giêng sang độ, bốn ông già mở cảnh, ngày xuân chén hạ (chén mừng) cuộc hương thôn, cái ấy phải non tay (Lệ làng sang tháng giêng, có bốn ông lên lão ăn mừng, ông cho là một cuộc hương ẩm ăn uống phải vừa vừa thôi)
Đôi câu đối trên có dụng ý: Bắc Nam đối với Xuân Hạ, con đối với cái, nước mắt đối với non tay
  • Những câu đối dán chơi:
Sáng sáng ăn sáng rồi; cầm quyển mới, kỳ cui ký cúi viết vài chương, đoạn thu gương mắt, xếp khăn tay; dắt bút vào tam sơn, ngả lưng ngáy khò khò cho tối xuống
Ngày ngày ngủ ngày dậy; vớ câu cũ, phếu pháo phều phào ngâm mấy khẩu, đứng dậy ngắm chậu hoa, nhìn cây thế, rê chân bách bộ, vỗ tay cười khanh khách với trăng lên
  • Khi Biện Lý La Ngạn Đỗ Huy Uyển lên thọ thất tuần, Ông Huyện Hiệp Hòa có câu đối mừng như sau:
Quan trên chữ nhất đứng hai hàng, Thủ khoa Hoàng Giáp (Con trai cụ Biện lý là Hoàng Giáp Liêu, thi hương đỗ thủ khoa, thi đình đỗ Hoàng Giáp đều là thứ nhất)
Cụ tuổi bẩy tuần ngồi một cặp, đầu phát bạch canh (Cụ ông cụ bà cùng 70 tuổi, đầu đã đổi ra tóc trắng . Nhưng cố ý lấy chữ thủ đối với chữ đầu, hoàng đối với bạch, giáp đối với canh)
Đỗ Huy Uyển (1815 - 1882) húy Mâu, tự Viên Khuê và Tân Giang. Ông sinh tại làng La Ngạn, xã Yên Đồng, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Năm 1859, nhân việc soạn chiếu dụ được vua Tự Đức khen ngợi ban hàm Thái thường thiếu khanh, Biện lý bộ Hộ sự vụ (nên được người đời gọi là Biện lý La Ngạn). Năm Canh Thân (1860), ông bị đau mắt nên được về nghỉ. Về ở quê, ông làm nghề dạy học.
  • Khi nghe tin Ông Huyện Hiệp Hoà tạ thế, Đốc Học Ninh Bình Nguyễn Thượng Hiền có câu đối viếng như sau:
Lâm ngoạ hữu dư thanh, tửu tận nhàn hoa do mãn kính (Ông nằm ẩn ở trong rừng, có khí tiết thanh cao, uống cạn chén rượu, mà vườn vẫn còn đầy hoa cúc)
Ngã lai tư nhất kiến, đơn thành tiên hạc hốt lăng không (Ta đến đây mới gặp cụ một lần, mà bài thuốc tiên đã luyện xong, nay cưỡi hạc bay đi mất)
  • Ngoài ra, Hoàng giáp Liêu cũng có câu đối viếng ông, câu đối làm sẵn từ trước, vì Liêu chết trước ông tới 10 năm:
Độc kỳ văn như tinh như sương, như tuấn mã khinh xa, ư thế hữu danh tư diệc túc (Đọc văn ông sáng như sao, như sương, nhanh như ngựa khỏe, xe nhẹ, ông có danh ở đời như thế là đủ)
Giả nhi hóa vi đàn vi luân, vi thử can trùng tí, tùy thiên sở phú hựu hà vưu (Ví ông mất đi, hoá ra cây đàn, ra cái xe, ra gan con chuột, ra càng con sâu tùy ý trời cho không oán trách gì)
Điển tích "thử can trùng tý" lấy ở sách Trang tử, điển tích "tuấn mã khinh xa" lấy ở cổ văn.

Những bài viết khác trong cùng thể loại sửa

  1. Câu đối sử dụng trong từng trường hợp cụ thể và Thơ xướng họa Việt Nam
  2. Câu đối sử dụng chung trong các trường hợp cụ thể cố định
  3. Câu đối chưa rõ sự tích và nguồn gốc xuất xứ
  4. Câu đối liên quan đến Phật giáo
  5. Câu đối liên quan đến Thiên chúa giáo
  6. Câu đối về thời đại Hùng Vương, An Dương Vương và nước Nam Việt
  7. Câu đối về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
  8. Câu đối về cuộc khởi nghĩa Lý Bí và nhà nước Vạn Xuân
  9. Câu đối về các danh nhân thời Ngô, Đinh, Tiền Lê và Lý (938 - 1225)
  10. Câu đối về các nhân vật lịch sử thời Trần, Hồ, Hậu Trần (1225 - 1414)
  11. Câu đối về các danh nhân thời Lê, Mạc (1428 - 1621)
  12. Câu đối về các danh nhân thời Trịnh-Nguyễn phân tranh, Tây Sơn và Nguyễn (1621 - 1858)
  13. Câu đối của các nhà hoạt động cách mạng tiền bối nửa đầu thế kỷ XX
  14. Câu đối về các danh nhân Đương đại
  15. Câu đối khắc tại các Đình, Chùa, Đền, Miếu, Phủ, Điện khu vực Bắc Bộ
  16. Câu đối khắc tại các Đình, Chùa, Đền, Miếu, Phủ, Điện khu vực Bắc Trung Bộ
  17. Câu đối khắc tại các Đình, Chùa, Đền, Miếu, Phủ, Điện khu vực Nam Trung Bộ
  18. Câu đối khắc tại các Đình, Chùa, Đền, Miếu, Phủ, Điện khu vực Nam Bộ
  19. Câu đối khắc tại phủ, điện, đình, chùa, đền, miếu xưa và nay ở thủ đô Hà Nội
  20. Câu đối khắc tại Từ Đường của các dòng họ Việt Nam
  21. Câu đối giao hữu trong Cơ quan đoàn thể và những tổ chức Phi chính phủ
  22. Câu đối không có danh tính và một số giai thoại đối đáp của người Trung Quốc
  23. Câu đối trong giai thoại dân gian có danh tính nhưng chưa rõ tiểu sử nhân vật
  24. Câu đối ghi chép tại sách vở, gia phả hay ban thờ tại một số tư gia Việt Nam
  25. Câu đối cùng giai thoại đối đáp về đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều
  26. Câu đối và những giai thoại đối đáp của các vị vua chúa triều Nguyễn
  27. Câu đối và giai thoại đối đáp của Tam Nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến (1835 - 1909)
  28. Câu đối và giai thoại đối đáp về Sào Nam Phan Bội Châu (1867 - 1940)
  29. Câu đối và giai thoại Thơ xướng họa về Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1969)
  30. Câu đối của những nhân vật định cư ở Hải ngoại
  31. Câu đối của Giáo sư Anh hùng lao động Vũ Khiêu

Liên kết sửa