Câu đối trong giai thoại dân gian có danh tính nhưng chưa rõ tiểu sử nhân vật

Giai thoại và Câu đối liên quan đến Trạng Ếch sửa

Xưa có ông quan lấy một vợ lẽ rất đẹp, nhưng vì vợ cả ghen tuông, quan phải cho người vợ lẽ đi lấy chồng khác. Người vợ lẽ đi đường, gặp một anh câu ếch, hai bên thương nhau lấy làm vợ chồng. Một hôm, anh câu ếch câu được một con ếch vàng rất to, làm thịt thấy trong mình có một hòn ngọc. Cách đó ít lâu, có chiếu trong triều ban ra nói nhà vua bị đau mắt, ai có ngọc ếch đem dâng để vua nhỏ mắt, nếu khỏi vua sẽ phong làm quan. Anh câu ếch đem ngọc đến chữa khỏi, vua cho làm một chức quan nhỏ. Năm sau, có đại hạn, vua ban chiếu ai cầu được mưa thì phong làm trạng nguyên. Anh câu ếch quen xem chân ếch, biết trời gần mưa nên ra ứng chiếu tình nguyện đứng ra cầu đảo. Sáng làm lễ cầu đảo, thì quả nhiên chiều mưa to, dân gian gọi là "Trạng Ếch". Vua sai Trạng Ếch đi sứ sang Tàu, sang đến nơi, gặp ba ông sứ nước khác cùng đến, vua Tàu đãi tiệc chung cả bốn sứ. Trên bàn có bốn chiếc bánh, ba ông sứ kia chưa kịp ăn, thì Trạng Ếch đã xơi hết cả bốn. Viên quan Tàu ngồi tiếp khách, giơ ra bốn ngón tay. Ba viên sứ kia không hiểu ra sao cả. Chỉ có Trạng Ếch tưởng viên quan Tàu chê mình ăn ít, chỉ có bốn chiếc bánh thôi, nên đưa cả hai bàn tay lên, xòe ra tám ngón, ý nói: "Tám chiếc bánh, ta đây ăn cũng hết". Một chốc lại thấy viên quan Tàu lùa một ngón tay vào giữa bụng, ba viên sứ kia cũng chẳng hiểu gì cả. Chỉ có Trạng Ếch tưởng viên quan ấy chế mình ăn nứt bụng ra, liền sè bàn tay ra mà vỗ vào bụng, có ý bảo: "Bánh ăn nhỏ bằng lòng bàn tay, có gì mà nứt bụng". Yến tiệc xong, vua Tàu cho vời đến phong cho làm "Lưỡng quốc trạng nguyên". Khi về đến nước nhà, vua quan đều trọng vọng, không ai dám khinh nhờn gọi là "Trạng Ếch" nữa mà cung kính gọi là "Quan Trạng hai nước". Nhưng cả nước vẫn không ai hiểu tại sao chỉ vì ăn bánh, giơ ngón tay, vỗ bàn tay mà khiến cho người Tàu phải tôn kính đến như thế. Mãi về sau mới có người Tàu diễn ra rằng: "Viên quan Tàu giơ bốn ngón tay là ra vế đối":

Tứ di lai tân (Bốn rợ khách đến)
Trạng An Nam giơ tám ngón tay là để đối lại: Bát man tiến cống (Tám man dâng cống)

Còn khi viên quan Tàu lùa một ngón tay vào bụng là ra vế đối:

Hung trung binh giáp (Binh giáp ở trong bụng)

Trạng An Nam vỗ tay, là đối lại:

Chưởng thượng kinh luân (Kinh luân ở bàn tay)

Những câu đối của Nguyễn Hòe sửa

Vào thời Hậu Lê có một người học trò tên là Nguyễn Hoè (không rõ tiểu sử) nổi tiếng tinh nghịch từ nhỏ. Gần nhà anh có một nhà sư, tiếng là đi tu nhưng chưa “thoát tục”, còn vướng nhiều “bụi trần”, và cũng có tính...hợm chữ. Lần ấy, Nguyễn Hoè và một số bạn bè rủ nhau đi vãn cảnh chùa, họ thấy nhà chùa có hai câu đối, treo ngay trên cột, gần bàn thờ:

Khuyến thiện trừng dâm (Làm việc thiện để diệt dục)
Cứu nhân độ thế (Cứu người độ thế)

Nhóm nho sĩ này len lén viết vào mỗi câu đối, thêm mấy chữ kèm theo sau:

Khuyến thiện trừng dâm, con đâu đẻ tháng tư mồng tám? (Đã diệt dục, thì làm sao có Đức Phật sinh ra ngày mồng tám tháng tư?)
Cứu nhân độ thế, của ai vay mất một đền mười (Đã cứu nhân độ thế, mà lại cho vay, mất một đền mười)

Nhà sư thấy vậy tức giận đọc luôn 1 câu:

vế ra: Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ! (ý nhà sư chẳng coi học trò ra gì vì không có cái ăn thì nông nghiệp lại trở thành quan trọng nhất)
Đám học trò còn đang suy nghĩ thì Nguyễn Hoè đã đối: Trên sư dưới vãi, ngoảnh lưng trở lại, trên vãi dưới sư! (Các Ni Cô ngày xưa người ta còn gọi là các bà vãi. Nghĩa là trong chùa trên có Sư cụ, dưới có các Ni Cô, nhưng nghĩa đen của câu đáp là Sư cụ ngồi vãi ra. Vế đối xỏ ngọt ở các chữ "trên" và "dưới" khiến nhà sư tím mặt, từ đó chỉ lo kinh kệ mà không dám khoe chữ nghĩa nữa)
  • Khi Nguyễn Hoè đi thi thì gặp phải vị quan chủ khảo cùng tên, vị quan kia rất khó chịu, vì vậy khi ông vào thi, người xướng danh gọi chệch đi là "Huề". Nguyễn Hoè nhất định không vào, mãi tới khi người xướng danh phải gọi "Hoè" anh mới chịu vào. Quan chủ khảo bực mình, muốn trị tội bướng bỉnh của anh học trò, liền ra 1 vế thách đối:
vế ra: 蘭相如司馬相如名相如實不相如 Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, danh tương như, thực bất tương như (Lạn Tương Như, Tư Mã Tương Như, hai người cùng tên nhưng công danh sự nghiệp khác nhau). Ý của quan là tuy Nguyễn Hoè trùng tên với quan nhưng không thể nào bằng quan được. Cái khó là Tương Như vừa là tên, vừa có nghĩa là giống nhau – Lạn Tương Như là tướng quốc nước Triệu đời Xuân Thu, nổi danh khi đi sứ nước lớn là Tần mà không làm mất mặt vua, sau đó còn vì nghĩa lớn nhường nhịn sự tỵ hiềm của Liêm Pha. Tư Mã Tương Như là một tài tử đất Thục đời Hán, nổi danh vì khải bài Phượng cầu hoàng mà cầu thân được với quả phụ Trác Văn Quân.
Nguyễn Hoè đối lại: 魏無忌長孫無忌彼無忌我亦無忌 Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, bỉ vô kỵ, ngã diệc vô kỵ (Ngụy Vô Kỵ, Trưởng Tôn Vô Kỵ, ông tên vô kỵ, tôi cũng tên vô kỵ). Ngụy Vô Kỵ tức Tín Lăng Quân, công tử nước Ngụy, cũng nuôi tân khách, nổi danh khi cướp binh phù của Tấn Bỉ để đi cứu nước Triệu đang bị Tần vây. Trưởng Tôn Vô Kỵ là em vợ Đường Thái tôn Lý Thế Dân, một trong những công thần bậc nhất thời Sơ Đường từ lúc khai quốc cho đến lúc lập nền thịnh trị, ở đây Nguyễn Hòe dùng chữ Vô Kỵ còn có nghĩa khác là không sợ.
  • Sau đó quan ra một câu đối khác có ý khuyên răn: Xỉ tính cương, thiệt tính nhu, cương tính bật như nhu tính cửu (Răng tính rắn, lưỡi tính mềm, tính rắn sao bằng tính mềm bền lâu)
Nhưng Nguyễn Hoè nào chịu, đối lại ngay rằng: Mi sinh tiền, tu sinh hậu, tiền sinh bất nhược hậu sinh trường (Lông mày sinh trước, râu sinh sau, sinh trước chẳng bằng sinh sau dài). Ngụ ý bảo quan chủ khảo tuy đẻ trước, nhưng dại, thì sao bằng đẻ sau mà khôn, Ðến đây, quan chủ khảo biết Hoè là tay thông minh mà bướng bỉnh, không còn dám vặn vẹo gì nữa. Có thuyết khác lại nói vế đối này là của Nguyễn Bá Lân (1701 - 1785) ở Quốc Oai Hà Nội đối đáp với một vị quan đại khoa

Câu đối của Vương Toán sửa

Vương Toán (không rõ tiểu sử) thông minh, học giỏi nhưng nhà nghèo, lại thích con gái nhà quan họ Bạch. Quan ra vế đối:

Trai họ Vương đầu đội nón trúc, tuổi hai mươi, hà túc toán dã
Câu này chắp chữ vương, chữ trúc và chữ trấp (là hai mươi) thành chữ Vương Toán, nhưng có ý coi thường vì hà túc toán dã, trích từ sách Luận ngữ, nghĩa là có gì đáng kể.
Vương Toán đối: Gái họ Bạch lưng thắt dây tơ, tuổi mười tám, bất diệc lạc hồ
Câu này ghép chữ bạch, chữ ty (tơ) và chữ thập bát (là mười tám) thành chữ Bạch Lạc là tên cô gái, lại có ý cự lại câu trên vì Bất diệc lạc hồ, cũng trích từ sách Luận ngữ, nghĩa là sao lại không vui…

Những câu đối của Văn Quế sửa

Xưa ở làng Cổ Am thuộc huyện Vĩnh Bảo, tỉnh Hải Dương có cụ tú mở trường dạy học. Trong số học trò có Văn Quế là người xuất sắc, văn bài bao giờ cũng được thầy khen bạn phục. Quế không những hay chữ Hán mà còn có tài Nôm. Một hôm thầy ra một câu rằng:

Trai Cổ Am học trường Cổ Am
Văn Quế ứng khẩu đối ngay một câu thật chọi: Gái Hà Nội bán hàng Hà Nội

Gần trường có ông phủ về hưu, có một tiểu thư kiều diễm đã đến tuổi lấy chồng. Học trò bên cụ tú thường vẫn ngấp nghé. Quế ta vẫn thầm yêu trộm nhớ, ngặt vì thân phận hàn sĩ nên "đũa mốc" chẳng dám chòi "mâm son" vẫn rụt rè chưa dám gì. Tình cờ một buổi tối nọ, quan phủ sang chơi. Cụ tú liền đem bài của học trò ra khoe. Quan xem xong, quay ra đám học trò nói: "Con bé Sen nhà tôi cũng đã theo đòi được ít nhiều nghiên bút đang muốn kén bạn trăm năm. Nó có ra một vế đối, nếu ai đối được thì nó xin nâng khăn sửa túi", cả bọn học trò đều nhao nhao xin đối.

Ông phủ liền đọc: Cô Sen mặc yếm hoa sen, đứng ở hồ sen chờ người quân tử
Các trò khác đều ngẩn người, kẻ tính bằng, người nhẩm trắc còn đang bí thì Văn Quế đã mau lẹ đáp: Cậu Quế mặc đồ cánh quế, trèo lên cung quế bế chị hằng nga
Ðối xong, cả trường đều cười ầm, quan phủ cũng cười rồi tấm tắc khen và hứa nếu Quế học thành tài thì sẽ gả con gái cho.

Câu đối của Đinh Thời Trung sửa

Đinh Thời Trung (chưa rõ tiểu sử) chỉ biết sống thời Lê Mạt, học cùng Lê Quý Kiệt (con của nhà bác học Lê Quý Đôn)

Tửu là rượu
Đăng là đèn
Vế ra là của một thầy đồ, vế đối của Đinh Thời Trung (lúc 8 tuổi). Chữ “tửu” [酒] (rượu) gồm “ba chấm thuỷ” [氵] và chữ “dậu” [酉] (vị thứ mười trong 12 chi); chữ “đăng” [燈] (đèn) gồm bộ “hoả” [火] và chữ “đăng”[登] (lên), gần âm với “đinh” [丁] (bậc thứ tư trong 10 can). Nghĩ là, khi chiết tự, vế đối đã dùng “hoả” để đối với “thuỷ” (thuộc ngũ hành), “đinh” để đối với “dậu” (thuộc can chi)
  • Câu đối của Lê Trọng Du:
Gái vờ vịt lấy trai không ra mặt
Bạc đá gà chơi đĩ lại sát xương
“Vịt”, thành tố của từ láy “vờ vịt” (giả vờ để che giấu), cùng âm với “(con) vịt”.
  • Câu đối của 2 ông nghè Nguyễn Duy Thiện và Trần Văn Thống:
vế xuất: Hùm thét La Hà
vế đối: Bò đi Đá Nhảy
Vế 1: Nguyễn Duy Thiện; vế 2: Trần Văn Thống. Ông nghè Thiện (làng Lí Hoà, tỉnh Quảng Bình) và ông nghè Thống (làng La Hà, tỉnh Quảng Bình) rủ nhau đi chơi, đến đoạn đường Đá Nhảy (thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), vừa nhảy vừa bò qua các tảng đá, và kẻ thách người đối như trên. Chơi chữ theo cách cùng trường nghĩa: hùm, hét, la, hà (các hoạt động của miệng); bò, đi, đá, nhảy (các hoạt động của chân)

Giai thoại đối đáp của Văn Bình sửa

Chuyện rằng có môt nhà nho nọ văn hay, chữ tốt, thi đậu cao, nhưng không chịu ra làm quan mà chỉ về vườn vui thú việc dạy học. Có một anh học trò nọ rất hay chữ và tự cao về tài của mình. Anh ta tên là Văn Bình. Anh đi tìm nhà nho nọ để thi thố tài đối đáp của mình. Trong lúc đi trên các con đường quê quanh co, anh ta gặp một ông câu cá, anh ta hỏi thăm lối đi. Ông câu hỏi tìm gặp nhà nho làm gì? Anh sinh viên đáp là để đối đáp văn chương. Ngư ông nói nếu anh sinh viên đối được câu đối của ông thì ông sẽ dẫn đến nhà của nhà nho. Ông giao điều kiện là khi ra câu đối, ông chỉ nói ra từng chữ một và anh sinh viên phải đối lại từng chữ một. Anh sinh viên bằng lòng.

Những chữ của vế ra là: Võ trắc đáo nam cô
Anh sinh viên đối từng chữ là: Văn bình lai bắc cụ
Vì khi đối là đối từng chữ một nên anh sinh viên không thể biết nội dung của cả câu. Khi xong, ngư ông bảo anh sinh viên đọc cả hai câu xem nghĩa là gì và giải thích cho ông nghe. Đọc lại, thấy câu đầu vô nghĩa. Nhưng đọc câu thứ hai xong, Văn Bình vốn rất thông minh, biết ông câu dùng lối chơi chữ lái để nhạo anh ta. Anh ta cũng nhận ngay ra rằng chính ông câu là nhà nho mà anh đang tìm

Câu đối của thầy đồ đáp lại lời mai mỉa của dân vạn chài làng Tiến Thủy sửa

Tiến Thủy là xã ven biển thuộc vùng bãi ngang của huyện Quỳnh Lưu. Nằm trong tọa độ địa lý từ 19 độ 00’56’’đến 19 độ 05’50’’ vĩ Bắc và từ 105 độ 40’44’ kinh đông, cách trung tâm huyện lỵ 13km theo quốc lộ 37A,37B, cách thành phố Vinh khoảng 50km về phía Bắc theo đường chim bay. Có một điều rằng ở xã Tiến Thủy này không có ông chủ và người làm thuê, ở đây những người bỏ tiền ra để đầu tư vào phương tiện đánh bắt gọi chung là “nhà nghề” và “bạn ngang”-không phân biệt đẳng cấp và tuổi tác, họ cùng chí hướng, cùng chung trí lực để vận hành con tàu ra khơi an toàn tạo nên nhiều cái “được” cho xã nhà. Không chỉ đưa về sản lượng khai thác cao mà từ nó còn đem lại những giá trị vô hình to lớn khác. Trước đây, ngư dân có quan điểm sinh nhiều con, nhất là con trai để lớn lên đi biển và khi bố mẹ già dựa vào con cái. Thời đó, dân Vạn Chài có xuất:

Chữ nghĩa văn chương không bằng xương con cá lẹp

Sau này có 1 ông Thầy Đồ (chưa rõ danh tính) đối: Khéo chài khéo lái không bằng hòn dái học trò

Giai thoại câu đối làng Đò Diễn Lộc huyện Diễn Châu tỉnh Nghệ An sửa

Làng Đò có hai xóm, xóm trên có tên chữ là Vĩnh Yên, xóm dưới có tên chữ là Phúc Nhãn. Nói là xóm nhưng dân trong vùng quen gọi là làng Đò Trên và làng Đò Dưới. Làng còn có một tên Nôm nữa là Bến Kiềng. Bởi lẽ nơi đây xưa kia dân Nho Lâm thường đem kiềng sắt, dao, rựa, lưỡi cày, cuốc, vét xuống đây để bán buôn, bán sỉ cho phường buôn đường sông. Nơi đây còn lưu lai câu chuyện: Một anh học trò họ Đậu lúc qua đò, ông lái đò ra cho vế đối:

Họ Đậu đi thi là đậu

Anh ta đối lại: Làng Đò lội nước không đò

Thấy hay hay, ông lái đọc tiếp vế đối nữa: Cụ Bộ Khoan ra

Anh ta đối lại vừa nhanh, vừa chuẩn: Ông Trưởng Chớ đến

Cụ Bộ Khoan, ông Trưởng Chớ đều là người Nho Lâm. Cái hay ở đây là cả hai bên đều dùng lối chơi chữ đồng nghĩa kép. Khoan, Chớ vừa là danh từ, tên riêng, vừa là phó động từ: khoan ra, chớ vào.

Giai thoại đối đáp giữa quan huyện và 5 vị hương lý xứ Quảng Nam sửa

Năm đó mất mùa, 5 lão hương lý nọ “gặt hái” không nhiều lắm. Cuối năm, đi Tết quan trên mà đi riêng thì quá tốn kém nên cả bọn mới tính toán đi chung cho vừa “rẻ” vừa “hoành tráng”. Đi Tết, tất nhiên phải nằng nặng một chút, kẻo lại mất lòng quan trên, nhưng đã “đưa ra” rồi thì cũng phải tìm cách “lấy lại” chút nào hay chút đó cho đỡ... phí! Thế là các hương lý hẹn nhau đi vào buổi trưa, cà rà một lát thì thế nào quan cũng phải mời cơm nước, rượu thịt. Đúng hẹn, cả bọn có mặt ở nhà quan. Quan trên thì theo dõi, quản lý cấp dưới bao nhiêu năm nay rồi, còn lạ gì tính nết chúng nữa, nên bấm bụng định chơi khăm chúng một mẻ tất niên. Chờ cho 5 kẻ thuộc hạ khúm núm yên vị vào cái trường kỷ khảm xà cừ bóng loáng, quan bảo cuối năm làm câu đối cho vui nhà vui cửa, rồi xuất ngay vế đối:

Bay sống, văn lợi giấy (Ý quan nói, lũ bây mà sống thì viết văn cũng lợi giấy, bởi bây quá hà tiện).
Vì văn của quan thuộc hạng quá “xuất chúng” nên thoạt đầu nghe qua, cả bọn ngơ ngác chẳng hiểu ất giáp gì. Một lát ngẫm nghĩ, ai nấy mướt mồ hôi, nhỏ to bàn nhau đối lại không thì... chết. Đã đi chung thì đành phải đối chung vậy, mỗi người một chữ. Nghe thiên hạ bảo, đối là chữ đối phải cùng tiếng với chữ ra đối nên lão thứ nhất ra chữ tung (đối với chữ bay). Lão thứ hai: Chết (đối với sống). Lão thứ ba: Điển (đối với văn). Lão thứ tư: Tốn (đối với lợi). Lão thứ năm: Tờ (đối với giấy).
Vậy vế đối là: Tung chết điển tốn tờ
Vế đối lại thoạt nghe có vẻ không có nghĩa gì, tuy từng chữ đối nhau chan chát. Nhưng khi lái lại theo kiểu Quảng Nam thì...tuyệt tác: "Tết chung, đỡ tốn tiền!" Nó tuyệt ở chỗ, tuy có “lắp” từng chữ nhưng lại nói lên tình cảnh dở khóc dở cười của cả bọn. Đến thế này thì quan đành... bó tay và vui vẻ mời cả bọn ở lại ăn bữa trưa tất niên.

Cô gái ở Cầu Cậy và ông lão Hàng Mây sửa

Ở Cầu Cậy, có một cô hàng nước độ tuổi mười bảy, mười tám, con nhà khá giả, xinh đẹp vô cùng. Có lẽ vì xinh đẹp, khá giả mà từ kiêu hãnh quá hóa kiêu căng chăng? Cô thường chê bai trai làng ít học, quê mùa. Có chút chữ nghĩa, học đòi người xưa, cô viết vế đối, treo ở quán, nói với trai làng có đối được thì đem cau trầu đến hỏi cô, đừng đến tán vớ va vớ vẫn. Vế thách đối của cô là:

Con gái Cầu Cậy má đỏ hồng hồng, muốn đi lấy chồng để mà trông cậy

Cầu Cậy là địa danh, cậy còn là một loại cây có quả như quả hồng nhưng nhỏ hơn, chữ cậy cuối vế ra lại có nghĩa là nhờ. Trai làng không ai đối đươc, "ức" lắm. Có chàng trai quyết cưới cô cho "bõ tức", bèn sang huyện bên, nhờ một ông đồ hay chữ chỉ bảo. Nghe chuyện, thầy đồ hứa là chỉ làm cho cô gái gỡ vế đối xuống thôi, còn anh có cưới được cô hay không là phải do tài năng của chính mình. Đúng hẹn, thầy đồ trong vai một ông lão bán mây, vào quán cô uống nước khi bọn trai làng tụ tập đông đủ. Ông đọc vế đối khen hay về ý tứ, chữ viết đẹp. . .đẹp như cô chủ. Nghe giọng điệu ông không khác đám trai làng, cô bực mình: "Khen làm gì, ông có đối được không?" Ông lão nói: "Tôi đối được thì sao?" Cô gái đáp: "Thì mang trầu cau đến nhà cha mẹ tôi hỏi tôi làm vợ. Tôi là con gái nhưng "Nhất ngôn cửu đỉnh tứ mã nan truy". Ông lão nói: "Tôi không tốn tiền trầu cau để hỏi người kiêu ngạo, đối được, chỉ cần cô cất vế đối. Vế đối của tôi cô nghe cho rõ nhá:

Ông lão hàng mây da xanh mai mái, thích chơi con gái sướng tràn cung mây

Bọn trai làng vỗ tay cười như chưa bao giờ được cười, mặt cô chủ quán đỏ rực chứ không phải "má đỏ hồng hồng', bỏ cả quán xá; và sau đấy không lâu cô trở thành vợ anh chàng mượn thầy đồ huyện bên "trị" cô.

Giai thoại đối đáp của 3 thầy đồ Vượng - Cần - Hinh sửa

Ba thầy đồ Vượng, Cần, Hinh rủ nhau ra đằng ngoài tìm nơi dạy học. Thầy Hinh ít tuổi, nên hai thầy kia có vẻ coi thường. Ra đến Nam Định, vào nghỉ một nhà hàng, họ chạm trán đám thầy nho xứ Bắc. Một trong bọn họ nói: "Được gặp các bác trong Nghệ ra, thật là hân hạnh. Chúng tôi mạn phép xin ra một vế đối, nếu đối được thì anh em chúng tôi xin chịu mọi phí tổn nhà hàng. Nếu không, xin các bác lo dùm cho tất cả". Tất nhiên, các thầy đồ Nghệ không dám từ chối. Câu đối ra khá hiểm hóc, vì lại là một đoạn hát dặm:

Dăm ba thầy đồ Nghệ, chuyện ngũ đế tam hoàng, ô lục soạn nghênh ngang, khăn nhiễu phùng bóng bẩy…
Không chỉ vần vè, câu đối còn chơi chữ: năm, ba, ngũ, tam, lục, bảy! Thầy Vượng nhìn thầy Cần. Hai người ngớ ra, tái mặt. Nhưng thầy Hinh bình tĩnh, mỉm cười nói: "Dạ thưa các vị, tưởng là phải tìm chuyện nghĩa địa thiên kinh gì, chứ các vị chỉ cho nghe mấy câu nôm na như vậy, thì xin không phải phiền đến hai bác tôi. Phận tôi là đàn em, xin mạo muội đối:
Một hai chị đào Thanh, nói nhất duyên nhì phận, nhiễu tam giang chít vấn, quai lụa đậu dóc tư…
Vế đối cũng là một đoạn hát dặm, cũng chơi chữ : một, hai, nhất, nhì, tam, tứ…thật tài tình sắc sảo. Đám thầy nho xứ Bắc phục lăn. Hai thầy Vương, Cần từ đó cũng không dám coi thường thầy Hinh trẻ tuổi nữa.

Quan huyện và nho sinh đào Kênh Hạc sửa

Một anh nhà nho sinh phải đi đào kênh Hạc (Đông sơn - Thanh Hóa). Hôm đó quan huyện cũng ra công trường thị sát. Quan nằm trên chiếc cáng, khi vén diềm màn nhìn thấy một thanh niên đang so vai rụt cổ gánh lèo tèo mấy cục đất. Quan cho gọi anh thanh niên lại mắng: "Mày nhác nhưởi, không chịu làm việc, gồng gánh như thế thì đáng phải ăn đòn". Anh thanh niên thưa: "Bẩm quan lớn con là học trò, chưa quen gồng gánh xin quan lớn xá cho". Quan là tay hay chữ nên khi nghe đên hai tiếng học trò, quan liền bảo: "Nếu là học trò thì thử đối lại câu này. Đối được thì ta sẽ tha cho". Rồi quan đọc:

Gia công đào kênh Hạc, giang vai gánh đất cổ cò
Vế ra lấy việc đào kênh Hạc mà làm đề để vịnh cảnh anh học trò giang vai rụt cổ gánh đất và dụng ý của quan là nhân có tên Hạc là tên loài chim nên đã lấy tên một số loài chim: gia, công, hạc, giang, cò để vận dụng vào câu đối.
Anh nho sinh đối lại: Cáng phượng mắc màn loan sáo rũ khách nằm kêu két két
Vế đối lại cũng vận dụng đủ năm loại chim: Phượng, loan, sáo, khách, két để đối lại năm loại của vế ra, vế đối vịnh cảnh quan thảnh thơi nằm trên cáng ngược với cảnh người đang lao động vất vả. Quan lập tức hạ lệnh cho anh nho sinh về

Quan huyện Thạch Thành và cậu học trò sửa

Một hôm, quan huyện Thạch Thành qua bến đò Thạch gặp một thằng bé cắp sách đi học. Thằng bé nhìn quan, vẻ lơ láo. Quan gọi lại bảo: "Mày đã cắp sách đi học, hẳn phải biết đối, bây giờ tao ra cho một vế, nếu mày đối được thì có thưởng mà không đối được thì tao sẽ đánh đòn tội vô lễ, nghe !" Thằng bé nhơn nhơn gật đầu.

Quan bèn đọc: Quan huyện Thạch sang bên đò Thạch.
Thằng bé gãi gãi tai: "Bẩm quan à có cho phép thì tôi mới dám đối". Quan giục: "Cứ đối xem".
Thằng bé mới mạnh bạo đọc: Con chó vàng ăn cục cứt vàng.
Quan huyện giận tím tái cả mặt vì bị ví với chó, nhưng đã trót hứa trước mặt nhiều người ở quanh bến đò rồi vẫn buộc phải rút tiền thưởng cho thằng bé học trò.

Quan thừa ty và nho sinh tên Lỗi sửa

Có anh học trò tên Lỗi, tính tình rất ngang bướng. Anh ta đi thi, viên quan thừa ti được cử làm sơ khảo kì thi ấy, thấy Lỗi có vẻ ngông nghênh, bèn ra vế đối:

Lỗi kia đã nặng bằng ba thạch
Lỗi ta trả miếng ngay: Ti nọ xem khinh đáng nửa đồng
Viên thừa ti biết gặp phải tay chẳng vừa, đành nuốt giận làm ngơ. Vế ra dùng cách tách ghép chữ: chữ “lỗi” [磊] (phạm lỗi, cùng âm với tên anh học trò), do ba chữ “thạch” [石] (đá) viết chồng lên. Đồng thời, cũng có ý cảnh cáo về sự ngang ngạnh đáng phạt của anh học trò. Vế đối lại dùng cách chuyển hóa chữ: chữ “ti” [司] (cơ quan cấp ti, cũng hàm ý chỉ chức thừa ti của quan sơ khảo), bằng nửa chữ “đồng” [同] (cùng). Do “nửa (chữ) đồng” và “nửa đồng (bạc)” cùng âm, nên có ý xem thường viên quan thừa ti làm sơ khảo. Bên cạnh cách chơi chữ theo lối tách ghép, chuyển hóa chữ, ở đây, còn có cách chơi chữ khoán nghĩa (Lỗi, tên người học trò, và Ti, chỉ viên quan, được nêu trên văn bản, vừa theo cách cùng âm, vừa có vẻ trực tiếp).

Quan phủ và người phu xe ở Thuận Thành - Bắc Ninh sửa

Có 1 vị quan phủ, một hôm kinh lý ở vùng Thuận Thành (Bắc Ninh) dừng chân lại ở chợ Chì (thuộc huyện Quế Võ bây giờ) để chờ đò qua sông Đuống. Quan nghỉ trong hàng nước, có đông đủ kẻ hầu người hạ và khách qua lại cùng vào giải khát. Vốn tính hay khoe khoang tài văn chương chữ nghĩa của mình, qua liền ra câu đối nói rằng ai đối được sẽ trọng thưởng:

vế ra: Chị chờ em ở chợ Chì
Câu đối cũng khéo, có thể nói là hay. Quan dụng ý dùng tiểu xảo: chị chờ nói lái là chợ chì. Lối ra câu đối này rất thường. Cái khó là tìm ra một tên riêng để đối với chợ Chì, chuyển ra nói lái vẫn có nghĩa. Thành ra cả đám đông nghĩ mãi chẳng có ai đối được. Bỗng có tiếng nói từ bên vệ đường vọng vào: "Bẩm quan lớn, con xin đối". Ai nấy nhìn ra. Người kia vừa nói vừa đặt đôi càng xe xuống đất, vụng về bước vào trong quán. Thì ra đó là một anh phu xe quần áo xuềnh xoàng, chiếc nón rách ngoắc bên vai. Anh ta ngồi đấy đã lâu đón khách, đang định kéo xe đi thì như sực nhớ ra, rời xe vào để...hưởng ứng câu chuyện văn chương của quan phủ. Mọi người đều ngạc nhiên! Cái anh chàng khố rách này, chắc gì đã biết chữ nhất là một, mà dám vào đối đáp. Quan phủ chừng như cũng khó chịu, hất hàm: "Được, muốn đối thì cứ đối. Nhưng ta bảo trước, đối phải cho đúng phép tắc văn chương chứ không phải nói lảm nhảm vu vơ như các anh nói chuyện với nhau ở đầu đường đâu nhé. Sai phép tắc ta nọc cổ ra đánh ngay, đừng có bảo là ác nghiệt đấy". Anh phu xe lễ phép: "Dạ, con đâu dám. Con làm nghề phu xe, chỉ xin lấy nghề nghiệp ra mà nói thôi. Quê con bên Gia Lâm, có cái thôn tên nôm dân dã là Keo Táo. Con xin được lấy cái tên ấy mà ghép vào câu".
Con xin đối là: Tao kéo mày về Keo Táo
Câu đối hay quá! Keo Táo nói lái cũng là tao kéo. Quan phủ điếng người, bà con ngồi chung quanh bụm miệng không dám cười to, nhưng đều hể hả thấy anh phu xe văng mày tao vào mặt quan mà quan phải chịu phép. Sau đó, quan phủ có giữ lời hứa, thưởng cho anh phu xe.

Trọc phú họ Tạ và bà vợ Thu Sương sửa

Có một trọc phú họ Tạ kia tuy giàu tiền, nhưng ít chữ nghĩa. Đầu ông ta hói, và nổi tiếng là hà tiện.. từng xu. Tết đến, ông ra chợ nhờ cụ đồ nho viết câu đối trên giấy đỏ để treo ở nhà. Cụ đồ đề nghị viết chữ "họa" giống như vẽ cho đẹp và đề ra giá công viết là một đồng. Phú ông kỳ kèo trả giá năm cắc thôi. Ông đồ chịu và viết cho 2 câu sau đây :

Hiền Tạ Thu Sương tâm tắc kiết
Thiên Tường tác biệt thị Châu đài
Ông đồ giải thích đại khái là bà phú hộ tên Thu Sương, còn ông tên Tường. Họ Tạ hiền hậu, bà nhà có tấm lòng tốt (kiết). Còn ông nhờ trời (thiên) ban cho cách riêng nên giàu có như con cháu nhà Châu thời xưa. Trọc phú nghe xuôi tai, vui vẽ trả năm cắt và đem tấm giấy đỏ về dáng trước cửa. Một hôm bạn ông, một người giỏi chữ nho, ghé thăm. Trọc phú khoe câu đối, bạn của ông ta đọc lui đọc tới hai câu trên, thấy chẳng có nghĩa gì cả. Sau một lúc ông ta phá lên cười vì trọc phú đã bị ông đồ nho chơi xỏ. Hai câu trên chẳng phải chữ nho với điển tích gì cả mà chỉ là hai câu gồm một số từ tiếng lái và một số không phải tiếng lái, viết ra như sau:
Hà tiện thương xu, tâm tiếc cắc (tâm tiếc từng cắc bạc)
Thương tiền, tiếc bạc thị chai đầu (chỉ đầu hói)
Trọc phú nghe câu giải thích mới, xé câu đối và chắc lưởi hít hà, vừa rủa cụ đồ, vừa tiếc đã mất năm cắc, nên quên mời ông bạn vào nhà xơi..."nước mát".

Đối đáp ở miền quê sông Hậu sửa

Ở miền đồng quê sông Hậu, nhân có buổi gặp gỡ của các thân hào trong làng, trong câu chuyện qua lại, người ta nói về thời sự, đồng án, và văn chương. Có một chàng nọ, trong câu chuyện về văn chương với một cô, đã nói:

vế ra: Nguyệt lão xe tơ, chỉ vàng tốt mối
Nàng đã trả lời là: Đế Thích nhấp chén rượu trắng tái môi
Mới nghe qua, tưởng là chuyện câu đối với các điển tích. Nhưng thực sự Nguyệt lão và Đế Thích chẳng "ăn nhậu" (liên quan) gì đến hai người nầy. Họ chỉ hẹn ngày gặp nhau mà thôi. Chàng hẹn nàng tối mốt (tốt mối). Nàng không chịu, bảo là tối mai (tái môi).

Giai thoại đối đáp của cô gái tên Ba sửa

Tại một vùng quê có một cô gái rất giỏi chữ nho tên là cô Ba, con một thầy đồ. Cô thường ra câu đối để kén chống. Nhân ngày mùng 5 tháng 5, một thanh niên đem lại tặng cô mấy cái bánh rồi giở trò tán tỉnh. Cô Ba đặt điều kiện với chàng thanh niên: "Nếu cô ra câu đối sau đây mà anh ta đáp cân xứng, cô sẽ thuận lòng".

vế ra: Ngày Năm tháng Năm, anh Năm cầm năm cái bánh
Thanh niên ấy liền đáp lại: Ba giờ canh Ba, anh Ba ôm hôn chị Ba
vế đối chưa chuẩn lắm nhưng cô gái có vẻ đã xiêu lòng, cô bèn ra câu khác: Một mặt người, bằng mười mặt của
Chàng trai đối lại: Mảnh chồng quan, hơn đàn chồng dân

Lần này thì cô gái đã thực sự ưng ý, và họ kết duyên làm chồng vợ

Chú rể làng Cổ Đô và cô dâu làng Trình Xá sửa

Làng Cổ Đô thuộc phủ Quảng Oai, Sơn Tây, Hà Nội, thường có nhiều gia đình thông gia với làng Trình Xá thuộc phủ Lâm Thao, Phú Thọ. Hai làng đối diện nhau ở giữa là sông Đà. Một lần đoàn nhà trai Cổ Đô đi thuyền sang Trình Xá đón dâu. Cập bến, đoàn gặp ngay dây lụa hồng chắn lối. Họ nhà gái đã đặt án thư, trên để nghiên bút và vế đối chữ Hán:

Đồng sàng tự cổ, đô tây tịch (từ xưa cái giường phía đông, vẫn trải chiếc chiếu phía tây)
Câu đối rất hay và rất khó. Nghĩa đen như thế nhưng nghĩa bóng là con trai bên đông vẫn hay lấy vợ bên tây. Chữ Cổ Đô nhắc đến làng nhưng lại bị cắt làm hai, không còn là một cụm từ nữa. May mắn, họ nhà trai đã dự phòng, mời được một cụ đồ hay chữ.
Cụ nói nhỏ vào tai chú rể, chú đường hoàng cầm giấy bút ghi nốt vào mảnh giấy rồi đọc to lên: Nam nhạn qui trình, xá bắc thôn
Thật là tuyệt vời! Nghĩa đen là chim nhạn ở phương nam bay về, đỗ ở làng phía Bắc. Nghĩa bóng có nghĩa là con trai bên này đi đâu thì đi, vẫn về xây tổ ấm bên ấy. Cái tên Trình Xá cũng bị cắt làm đôi, đúng như tiểu xảo thủ thuật của nhà gái.

Thời kỳ Hợp Tác Xã sửa

Năm 1960, sau Đại hội Đảng, hiệu sách nhân dân Tràng Tiền có một câu đối:

Người tìm sách, sách tìm người, sách với người thân yêu bầu bạn
Đảng vì dân, dân vì Đảng, Đảng cùng dân khăng khít chân tay

Giai thoại đối đáp ở nông trường Thanh Mai sửa

Ở Nông trường Thanh Mai trước đây có ông Khanh làm bí thư đảng uỷ ở đó, ngoài ra có một cô cấp dưỡng tên là Hảo. Có hôm lớp công nhân nghịch ra vế đối:

Bố Khanh ăn bánh khô
Ông Khanh đối lại: Cô Hảo uống cao hổ

Câu đối xuất hiện trong chiến khu sửa

Trong kháng chiến có đơn vị Thanh niên xung phong có cô tên là Dang được phân công lên rừng chặt nứa làm lán. Một anh xuất đối:

vế ra: Dang lên rừng chặt nứa
Cả đại đội không ai đối được. Hai tuần sau đơn vị bổ sung một số chiến sỹ mới có anh tên là Chạch. Anh này hay làm ống nứa đi đặt lươn thế là đôi câu đối hoàn chỉnh không chê được:
vế đối: Chạch xuống ruộng mò lươn