Võ Văn Kiệt
chính trị gia người Việt Nam (1922–2008)
Võ Văn Kiệt (1922 – 2008), tên thật Phan Văn Hòa, là chính khách Việt Nam, Thủ tướng Việt Nam nhiệm kỳ 1991-1997.
Câu nói
sửa- "Chiến thắng của chúng ta là vĩ đại, nhưng chúng ta cũng đã phải trả giá cho chiến thắng đó bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát. Lịch sử đã đặt nhiều gia đình người dân miền Nam rơi vào hoàn cảnh có người thân vừa ở phía bên này, vừa ở phía bên kia, ngay cả họ hàng tôi cũng như vậy. Vì thế, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại, có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu. Sau 30/4, khi đồng chí Lê Duẩn vào Sài Gòn, vừa xuống thang máy bay, đồng chí nắm tay đưa lên cao, giọng đầy cảm xúc, nói: "Đây là thắng lợi của cả dân tộc, không phải của riêng ai". Sau 30 năm, tôi thấy không phải dễ dàng làm cho mọi người Việt Nam cảm nhận được điều đó."
- Phát biểu kỷ niệm 30/4/1975. Võ Văn Kiệt (30 tháng 4 năm 2005) "Hòa hợp dân tộc theo tinh thần cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt", Bao Dong Nai
- "Ngày nay, nước ta không còn những kẻ xâm lược. Nhưng kẻ thù vẫn còn. Một trong những kẻ thù đó là sự nghèo nàn, lạc hậu. Lạc hậu thì sẽ tụt hậu. Tụt hậu thì khó thoát khỏi vòng lệ thuộc. Tất cả những ai có thể góp một phần vào việc chống kẻ thù đó đều nên và có thể có mặt trong hàng ngũ của chúng ta. Muốn thế, cần ngồi lại với nhau. Bằng thiện chí, bằng tấm lòng chân thật, hãy cùng nhau xem lại một cách sòng phẳng những chỗ hay, chỗ dở, chỗ nào đã khắc phục được rồi, chỗ nào còn phải hoàn thiện tiếp... Đến nay, 30 năm rồi, những điểm có thể gặp nhau là rất cơ bản, đó là đất nước Việt Nam, là dân tộc Việt Nam, là phát triển, là phồn vinh, là độc lập, tự do, hạnh phúc. Những điểm gặp thì đã có. Nhưng người đến gặp thì chúng ta vẫn mong muốn đông hơn nữa, nhiều hơn nữa."
- Phát biểu kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam 2/9/1945. Võ Văn Kiệt (31 tháng 8 năm 2005) "Đại đoàn kết dân tộc - cội nguồn sức mạnh của chúng ta", Bao Tuoi Tre
- "Hơn 30 năm rồi, năm nay nữa là 32 năm, không có lý do gì giữa chúng ta với nhau không hòa giải được... Tôi đã đặt vấn đề này và cũng viết trong một số bài rằng có một cách nhìn méo mó từ phía một số người cộng sản rằng yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội là đúng, còn những người yêu nước khác mà không yêu chủ nghĩa xã hội thì không yêu nước đủ như mình. Có hàng trăm con đường yêu nước khác nhau. Tổ quốc Việt Nam không của riêng một đảng, một phe phái, tôn giáo nào... chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng... chính phủ không nên áp dụng biện pháp hành chính đi đầu với họ, trừ phi là con người hoặc sự việc đó có nguy hại đối với đất nước, nhưng không được quy chụp người ta"
- Phát biểu kỷ niệm 30/4/1975. Võ Văn Kiệt (30 tháng 4 năm 2007) "BBC phỏng vấn ông Võ văn Kiệt", BBC
- "... Lẽ tất nhiên hoàn cảnh gia đình, xã hội không thể không ảnh hưởng ít hay nhiều đến tư tưởng và tình cảm mỗi con người chúng ta. Nhưng ta phải thấy rằng khi tuổi trẻ đã đi vào cách mạng là bước đầu vượt qua mọi níu kéo, ràng buộc của quá khứ. Bởi vì kinh nghiệm cho thấy số đông bạn trẻ chúng ta dễ tiếp thu cái mới và khi tìm ra lẽ sống, họ dám sống đến cùng. Thế hệ trẻ đang lớn lên ở TP ta, ra đời từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau, chịu ảnh hưởng tinh thần và tín ngưỡng khác nhau. Không ai chọn cửa để sinh ra. Đối với mỗi người trẻ tuổi đang bước vào đời, chúng ta nhìn họ như nhau, cùng là những người chủ tương lai của TP. Xã hội muốn tuổi thanh xuân không mặc cảm và rất thanh thản trong tâm hồn. Không phân biệt đối xử trên con đường đi tới... Xã hội phải đối xử công bằng với tất cả lớp người trẻ đi lên với xã hội này, ai ai cũng có nghĩa vụ và quyền lợi như nhau. Vì lợi ích của toàn xã hội, chúng ta lấy thực tâm, thực học, thực tài làm tiêu chuẩn, không để quá khứ ràng buộc tương lai mà hạn chế chí tiến thủ và hoài bão cống hiến của mỗi người trẻ tuổi”.
- Về phân biệt đối xử. Lê Văn Nuôi (23 tháng 11 năm 2012) "Hãy cứ nói: Sáu Dân ơi, sai rồi!", Tuổi Trẻ Online
- "Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán các em."
- Phát biểu tại Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh lần I (tổ chức từ ngày 3/7 - 10/7/1977).
- "Thủ đô của cả nước, của cả dân tộc và cả của lịch sử. Không nên và không được phép đưa thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì"
- Võ Văn Kiệt (30/4/2008) Không được phép đưa thủ đô ra thí nghiệm (link hỏng), VnExpress.
- "Nghe kỹ, nghe ngược, nghe xuôi các nhà quản lý (nghe xốn lỗ tai cũng được!) trước khi quyết định. Và khi quyết định rồi thì đừng đưa tay ra sau sờ ghế mình đang ngồi".
- Về bí quyết lãnh đạo. Lê Văn Nuôi (23 tháng 11 năm 2012) "Hãy cứ nói: Sáu Dân ơi, sai rồi!", Tuổi Trẻ Online
- "Nhiều người có thể có xu hướng chính trị khác nhau, nhưng cái tâm vì đất nước, vì người nghèo của anh chị em thì chúng ta trân trọng. Hòa hợp, hòa giải dân tộc bây giờ tạo nên sức mạnh lớn lắm!"
- Khi nói với cộng sự của mình về kết quả làm việc với các đoàn Việt kiều. Lê Văn Nuôi (23 tháng 11 năm 2012) "Hãy cứ nói: Sáu Dân ơi, sai rồi!", Tuổi Trẻ Online
- "Sau này lớn lên, cháu làm gì thì làm, nhưng đừng làm Thủ tướng".
- Nói với cháu nội của Lê Duẩn. Lê Kiên Thành (13 tháng 6 năm 2008) Võ Văn Kiệt - "Người dám vượt ngưỡng để làm điều đúng", thuvienphapluat.vn
- "Tôi phải đi để nắm tình hình thực tế"
- Trước khi dành sáu tháng để đi khắp các huyện miền Bắc. Lê Kiên Thành (13 tháng 6 năm 2008) Võ Văn Kiệt - "Người dám vượt ngưỡng để làm điều đúng", thuvienphapluat.vn
- "Đoàn kết tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chính kiến".
- Khi họp mặt Việt kiều ở TP.HCM năm 1993. Lê Kiên Thành (13 tháng 6 năm 2008) Võ Văn Kiệt - "Người dám vượt ngưỡng để làm điều đúng", thuvienphapluat.vn
Về kinh tế
sửa- "Mong anh em hãy coi mình như người học trò, thấy mình làm gì hoặc nói gì chưa đúng thì cứ nói: "Sáu Dân ơi, sai rồi" và phân tích cho mình biết cái sai, tốt hơn nữa là vạch cho mình biết phải sửa ra sao... Tất cả vì lợi ích của đất nước mà. Tinh thần yêu nước của các bạn, và nếu là đảng viên, thì ý thức xây dựng Đảng là ở chỗ đó...Tôi cần nghe những ý kiến phản biện của các bạn. Phát huy chức năng độc lập tư duy và phản biện của người trí thức, theo tôi, là một yêu cầu trọng yếu của đất nước đối với giới trí thức, phải không nào".
- Nói với nhóm chuyên gia tư vấn kinh tế. Lê Văn Nuôi (23 tháng 11 năm 2012) "Hãy cứ nói: Sáu Dân ơi, sai rồi!", Tuổi Trẻ Online
- "Không thể để một người dân nào của thành phố thiếu đói!"
- Lê Kiên Thành (13 tháng 6 năm 2008) Võ Văn Kiệt - "Người dám vượt ngưỡng để làm điều đúng", thuvienphapluat.vn
- "Bà cứ làm tới đi, bà vào tù tôi đi đưa cơm cho bà"
- Nói với bà Ba Thi, giám đốc Công ty lương thực miền Nam. Lê Kiên Thành (13 tháng 6 năm 2008) Võ Văn Kiệt - "Người dám vượt ngưỡng để làm điều đúng", thuvienphapluat.vn