Trần Văn Thủy

đạo diễn phim tài liệu người Việt Nam

Trần Văn Thủy là một đạo diễn phim tài liệu nổi tiếng người Việt Nam. Ông đã đạo diễn nhiều bộ phim tài liệu nổi tiếng và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân bởi nhà nước Việt Nam vào năm 2001.

Câu nói sửa

Điện ảnh sửa

  • "Tôi có viết rằng điều đáng sợ nhất là trong đầu mình không có gì cả, trong trái tim mình không yêu ghét gì cả, không rung động trước cái gì cả. Điều này còn lệ thuộc vào nhân cách và bản lĩnh mỗi người. Cho nên các bạn làm phim phải làm sao tìm những đề tài an ủi và thức tỉnh con người. Một bộ phim hay không thể nào không thật được, một bộ phim hay nhất thiết phải đi từ thân phận con người. Tôi đố bạn tìm đâu một tác phẩm trở thành kiệt tác đông tây kim cổ mà không bắt đầu từ thân phận con người".[1]
  • "Bất kỳ một sản phẩm văn hóa nào không có tư tưởng thì không nên gọi là tác phẩm. Còn một tác phẩm rời xa thân phận con người không bao giờ có thể thành kiệt tác".[2]
  • "Cái xứ mình có quá nhiều chuyện hay, không phải đóng diễn, bịa đặt. Tôi vẫn thường nói với các học trò của tôi rằng, cái dở nhất của người làm phim tài liệu chúng ta là cuộc đời vốn thật thì ta làm thành giả. Bình thường cuộc đời rất hồn nhiên, ta mang phương tiện, máy móc... đến, hô bật đèn lên, bấm máy đi... thế là tất cả mọi thứ "chết cứng" hết cả lại, nó không thật nữa".[3]
  • "Bạn muốn nói làm phim tài liệu phải có thủ pháp, phải có phương tiện kỹ thuật chứ gì? Những gì tôi vừa được xem lại chứng minh một việc: điều khó nhất không phải là phương tiện, tiền, máy móc hay sự kiểm duyệt hà khắc mà cái đầu của mình muốn nói gì mới là quan trọng".[4][5]
  • "Đúng và đủ là tiêu chí của nghị quyết, của các công trình nghiên cứu khoa học. Hấp dẫn là tiêu chí đầu tiên của tôi. Phim tài liệu muốn hấp dẫn, phải đánh động vào thần kinh của xã hội đương đại, khiến người xem tự soi lại mình, rằng ta đang sống như thế nào, ta phải làm gì để có thể sống tốt hơn, lương thiện hơn, tử tế hơn".[6]
  • "Phim tài liệu không có phi ngựa, bắn súng, không có... cởi quần, cởi áo, không có yêu đương gì cả nhưng người ta vẫn ngồi xem nếu nó phản ánh hiện thực và có sự hấp dẫn nhất định".[7]

Chính trị, xã hội sửa

  • "Một xã hội không cho mọi người tự do trình bày ý kiến của mình là một xã hội chết rồi. Trong quá khứ, chúng ta mắc quá nhiều sai lầm bởi không ai cho chúng ta được tự do trình bày ý kiến riêng của mình, trong tất cả các lĩnh vực, từ lớn đến bé, từ quân sự đến kinh tế. Không phải không biết mà không dám nói, nhiều người biết nhưng không dám trình bày".[8]
  • "Đơn giản thôi, anh thấy Việt Nam chúng tôi đã đổi mới cái gì? Tư nhân thì được kinh doanh, bác sĩ thì được mở phòng mạch, thầy giáo được mở trường tư, in lại sách cũ, trình bày lại một số nhạc phẩm thời xưa, mở rộng một số chính sách về đối ngoại, cho một số được đi du học hoặc du lịch tự túc... thì tôi thưa với anh rằng, Hà Nội trước năm 1954, hay Sài Gòn trước năm 1975, tất cả những cái đó đều là chuyện bình thường. Như thế thì đổi mới, tức là trở lại những cái cũ đã bị vùi dập chớ còn gì nữa".[9]
  • "Tôi cho rằng vấn đề cấp bách nhất là đổi mới hệ thống chính trị. Hiện tại chế độ chính trị ở Việt Nam là toàn trị và nó cản trở sự phát triển của đất nước. Dân chủ là cần thiết, nhưng hiện tại Việt Nam chưa sẵn sàng cho dân chủ".[10]
  • "Đối với người Việt Nam, cái mất mát lớn nhất bây giờ là lòng tin. Giả sử bây giờ nếu có ngoại xâm lần nữa, tôi ngờ chẳng có mấy ai sẵn sàng hy sinh, sẵn sàng đem hết tất cả những gì mình có ra làm chướng ngại vật chống chiến xa như hồi kháng chiến chống Pháp năm 1946. Bởi, người dân đã trải qua nhiều hy vọng, để rồi thất vọng đến tận cùng. Cái khó nhất hiện nay trong xã hội Việt Nam là làm sao khắc phục được lòng người, đó là chữ "tâm"".[9]
  • "Nếu đặt vào địa vị anh yêu dân tộc anh, như anh yêu gia đình của anh, thì khi anh yêu gia đình của anh, thì anh phải tìm thấy những mặt chưa phải, chưa tốt, chưa hay, để anh chấn chỉnh gia đình của anh. Cũng như vậy, khi anh yêu thực sự đất nước anh, thì anh phải biết mặt trái, mà cái điều này chẳng có gì mới cả".[11]
  • "Con người ta mỗi một đoạn lại giác ngộ ra một điều. Mình chẳng thể nào đoán trước được ở tuổi đó mình sẽ ngộ ra điều gì. Nhưng thống nhất trong suốt cuộc đời chính là đạo lý làm người".[12]
  • "Tôi yêu đất nước này và tôi muốn làm cho đất nước ngày trở nên tốt đẹp hơn. Tôi khát khao làm sao cuộc sống của con người phải xứng đáng với sự hy sinh... Tôi có tấm lòng thiết tha với xứ sở đã sinh ra mình. Đó chính là điểm xuất phát của tôi".[13]

Tham khảo sửa

 
Wikipedia
Wikipedia có bài viết về:
  1. ^ Lam Điền (21 tháng 9 năm 2013). “Phải đánh động dây thần kinh của xã hội”. Tuổi Trẻ. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  2. ^ Hiểu Nhân (6 tháng 10 năm 2022). “Đạo diễn Trần Văn Thủy đoạt giải Bùi Xuân Phái”. VnExpress. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  3. ^ Phạm Tuấn (7 tháng 10 năm 2022). “Đạo diễn Trần Văn Thủy và dư âm 'Hà Nội trong mắt ai'. Nông nghiệp Việt Nam. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  4. ^ Nga Linh (12 tháng 6 năm 2012). “Tiếng nói mới từ nhà làm phim trẻ”. Tuổi Trẻ. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  5. ^ Ban Thời sự (25 tháng 9 năm 2023). “Tính thời sự và đương đại trong phim tài liệu Việt Nam”. Báo điện tử VTV. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  6. ^ Kim Yến (9 tháng 4 năm 2010). “Trần Văn Thủy: Hãy bền bỉ đánh thức sự tử tế”. Sài Gòn Tiếp Thị.
  7. ^ Mỵ Lương (13 tháng 10 năm 2015). “Phim tài liệu "Chuyện tử tế": "Quả bom" đến từ Việt Nam”. Dân Việt. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  8. ^ Trọng Thành (10 tháng 7 năm 2013). “Tạp chí xã hội - Chuyện nghề của Thủy: Phỏng vấn đạo diễn Chuyện tử tế. RFI. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  9. ^ 9,0 9,1 “VNTB - Thư số 132a gởi Người Lính Quân Đội Nhân Dân Việt Nam”. Việt Nam Thời Báo. Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. 22 tháng 12 năm 2022. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  10. ^ Sprole, Russell (19 tháng 11 năm 2003). “Vietnamese filmmaker meditates on war, films”. Yale Daily News (bằng tiếng Anh). Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  11. ^ Đinh Tấn Lực (21 tháng 5 năm 2009). “Nghĩ Gì Về Quốc Hội Của Dân Ta?”. Việt Tân. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  12. ^ Ngọc Diệp (2 tháng 1 năm 2018). “30 năm vẫn đau đáu câu hỏi 'Thế nào là sự tử tế'?”. Tuổi Trẻ. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.
  13. ^ Ngọc An (20 tháng 10 năm 2013). “Một nhà làm phim tử tế”. Thanh Niên. Truy cập 10 tháng 10 năm 2023.