Nguyễn Tường Tam

Nhà văn, nhà báo, chính trị gia nổi tiếng người Việt Nam

Nguyễn Tường Tam (chữ Hán: 阮祥三 hay 阮祥叄; 1906[1] - 7 tháng 7 năm 1963) là một nhà văn, nhà báo với bút danh Nhất Linh (一灵[2]), Tam Linh, Bảo Sơn, Lãng du, Tân Việt, Đông Sơn (khi vẽ); và cũng là chính trị gia nổi tiếng của Việt Nam trong thế kỷ 20.

Nguyễn Tường Tam

Ông là người thành lập Tự Lực văn đoàn và là cây bút chính của nhóm, và từng là Chủ bút tờ tuần báo Phong Hóa, Ngày Nay. Về sau, ông còn là người sáng lập Đại Việt Dân chính Đảng, từng làm Bí thư trưởng của Việt Nam Quốc dân Đảng (khi Đại Việt Dân chính Đảng hợp nhất với Việt Nam Quốc dân Đảng và Đại Việt Quốc dân Đảng) và giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến.

Trích dẫn

sửa

Ông bị chính phủ Ngô Đình Diệm gọi ra xử ngày mùng 8 tháng 7 năm 1963. Đêm 7 tháng 7, tại nhà riêng, nghe tin sẽ bị đưa ra tòa xét xử, Nguyễn Tường Tam dùng thuốc độc quyên sinh để phản đối chính quyền độc tài của Ngô Đình Diệm, để lại phát biểu nổi tiếng:

"Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng sản. Vì thế tôi tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu là để cảnh cáo những ai chà đạp mọi thứ tự do."[3]

Tham khảo

sửa
  1. ^ Căn cứ lá số tử vi lập cho cả nhà từ cuối những năm 40, thì ông sinh vào "giờ Dậu ngày 25 tháng 7 năm Bính Ngọ, tức khoảng hơn 17 giờ ngày 13 tháng 9 năm 1906" (Vu Gia, Nhất linh trong tiến trình hiện đại hóa văn học, Nhà xuất bản Văn hóa, 1995, tr. 5). Trong quyển Hồi ký họ Nguyễn Tường của Nguyễn Thị Thế (em ruột Nhất Linh) do Sóng xuất bản năm 1974 tại Sài Gòn cũng ghi ông sinh năm 1906, còn thẻ căn cước số F 13108 (lập ngày 19 tháng 2 năm 1951) ghi ngày 1 tháng 2 năm 1905, là do ông làm lại giấy khai sinh để đủ tuổi dự thi. Tuy nhiên, không biết lấy nguồn từ đâu, trang web của Bộ ngoại giao Việt Nam và sách Lược truyện tác gia Việt Nam (Nhà xuất bản. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1972) đều ghi ông sinh ngày 25 tháng 7 năm 1925. Sách Từ điển văn học (bộ mới, tr. 1255) cũng ghi ông sinh vào ngày 27 tháng 5, nhưng lại là năm 1906.
  2. ^ Phanxipăng. “Tìm mộ Nhất Linh ở Hội An”. Chim Việt Cành Nam. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2022.
  3. ^ Tự điển danh nhân thế giới, phần nói về Nhất Linh - sách của Trịnh Chuyết, Thế giới xuất bản năm 1970 tại Saigon.