Hồ Đắc Di (11 tháng 5 năm 1900 – 25 tháng 6 năm 1984), sinh ra tại Hà Tĩnh, quê ở làng An Truyền, xã Phú An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam. Ông là hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Y Hà Nội của nước Việt Nam độc lập.

Các câu nói sửa

Bài diễn văn tại lễ khai mạc hội nghị y tế toàn quốc năm 1949 sửa

Nguồn:[1]

  • Sự khô cằn của trái tim không thể dung hoà được với tiếng nói của Y học. Đó là vinh dự đặc biệt, nhưng cũng là nghĩa vụ cao quý, thiêng liêng.
  • Khoa học nghĩa là nghệ thuật, và văn hoá cũng cần thiết cho nghề nghiệp như lương tâm. Nghĩa là, việc coi nhiệm vụ trên lợi lộc, danh dự trên tiền tài rất cần thiết cho sự nghiệp của người thầy thuốc.
  • Bất cứ nền Y học nào nếu muốn được tôn trọng đều phải cung cúc phục vụ, dù điều đó là cái luỵ cho người thầy thuốc. Nếu như họ có thể thề nguyền giữ thanh bạch được, thì ngược lại, họ cũng cần phải thề nguyền giữ phẩm cách. Họ cũng cần hiểu rằng để kho tàng khoa học trong y học được phong phú thêm, bao giờ cũng bắt đầu từ cảnh nghèo nàn của họ.
  • Nghệ thuật trong y học là óc tinh tế được gọi là năng khiếu lâm sàng, là do sự tổng hợp của logic, phương pháp và lẽ phải mà hình thành.
  • Sự có mặt của người thầy thuốc, bằng một sự khai sinh lần thứ hai, đã làm sống lại tất cả những gì sắp trở thành bất động.
  • Đây đôi mắt của người bị hôn mê, của người mới bị mổ vừa hé ra, thì ánh mắt đầu tiên bỗng bắt gặp cái nhìn thân thương của người thầy thuốc; đây một người mới lành bệnh đang từ giã bệnh viện với nụ cười lần đầu tiên hé mở đáp lại lời chúc mừng của người thầy thuốc. Nụ cười ấy, đáng buồn thay, có thể lại là nụ cười cuối cùng, vì sau khi khỏi bệnh có nghĩa là trở lại cuộc sống thấp hèn, mất lòng tin.
  • Rất hiếm có người dám nói lên lòng biết ơn của mình trong một thế giới mà sự bội bạc và những lời dèm pha phỉ bang lại được tôn thành đạo đức. Nhưng đối với người thầy thuốc đã làm tròn nhiệm vụ, cái đó có sá chi. Và vì thế khoa học và lương tâm đã kết tinh những tia sáng mà chúng toả ra thành một vòng hào quang chói lọi trên vầng trán của người thầy thuốc để an ủi vỗ về và làm cho người bệnh được yên tâm; và Y học là một người yêu khó tính và tàn nhẫn chỉ dành ân huệ cho những ai biết yêu thương say đắm và phục vụ mình hết mực.
  • [Cuộc đời người thầy thuốc là] một khoảng mờ ảo ở đó nổi lên những mũi tên là lòng tận tuỵ, là những hành động quên mình của họ. Cũng như số nóc chuông nhà thờ và chiều cao các ngọn tháp làm ta đoán được từ xa sắp đến gần một thành phố lớn, số lượng và chiều cao của những mũi tên ấy chứng minh giá trị nghề nghiệp của người thầy thuốc.
  • Nghề Y không thể dung nạp cuộc sống đều đều và những thủ tục, những con đường hẻm cỏ mọc rêu phong, những đáy thung lũng - nó có tham vọng vươn lên những đỉnh cao ở đó luồng gió của tinh thần lồng lộng thổi và cũng ở đó nổi lên những tư tưởng siêu việt nhất của loài người. Y học tránh xa những chỗ thấp hèn, ở đó những cái xấu xa của bản năng vốn dĩ nằm lì và cũng ở đó những thèm muốn man rợ nhất của thú tính lại nổi lên.

Cách mạng tháng Tám và chiến tranh Đông Dương sửa

  • Nghe ba chữ Nguyễn Ái Quốc tôi rất xúc động. Thì ra, Người mà mình vẫn hằng nghe tiếng, vẫn được nghe bạn bè hỏi đến, người đó đã cất tiếng nói đanh thép đòi quyền lợi chính đáng của đất nước Việt Nam, làm cho bất cứ người Việt Nam nào cũng cảm thấy tự hào ấy chính là người ngồi trước mặt tôi kia. Thời ấy, một số anh em sinh viên chúng tôi tham gia bán báo “Người cùng khổ” và “Việt Nam hồn” cho thợ thuyền ở khu Latinh. Bấy giờ lính thợ Việt Nam ở Paris cũng nhiều, anh em rất quen biết hai tờ báo trên và tên ông Nguyễn Ái Quốc.
    • Hồi ký của GS Hồ Đắc Di - Kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954-1975), bản đánh máy năm 1975, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr.4.[2]
  • Trước mặt tôi là con ngòi Quẵng, nước lũ đục ngầu, vỗ vào hai bờ đá réo ào ào. Cả một vùng hoang vu chỉ thấy trơ trọi một mái nhà. Còn người địa phương lúc ấy cũng chỉ thấy một mình người lái đò. Tôi nhìn vợ con, nhìn núi rừng, lòng buồn man mác. Tôi đã quyết định ra đi theo kháng chiến, theo tiếng gọi của lương tâm; nhưng thực ra ra đi trong lòng cũng chưa hoàn toàn yên tĩnh. Nhìn sông nước mênh mang trước mặt, tôi cảm thấy mung lung, ái ngại.
    • Hồi ký của GS Hồ Đắc Di - Kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954-1975), bản đánh máy năm 1975, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr.4.[3]
  • Chết thì chết chứ không để bọn Pháp bắt lại một lần nữa.
    • Hồi ký của GS Hồ Đắc Di - Kỷ niệm 20 năm ngày giải phóng Thủ đô (1954-1975), bản đánh máy năm 1975, lưu trữ tại Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, tr.4.[4]

Sau Chiến tranh Đông Dương sửa

  • Trường đại học không phải là trường phổ thông cấp 4 [mà là nơi] biến quá trình người học từ chỗ được đào tạo thành quá trình người học từ chỗ được đào tạo thành quá trình họ có thể tự đào tạo [5]

Tham khảo sửa

 
Wikipedia
Wikipedia có bài viết về:
  1. ^ danviet.vn (1 tháng 7 năm 2020). “GS Hồ Đắc Di: Tình thương là hơi thở của cuộc đời người thầy thuốc”. Dân Việt. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  2. ^ “Bài diễn văn lịch sử”. Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  3. ^ “Bài diễn văn lịch sử”. Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  4. ^ “Bài diễn văn lịch sử”. Bảo tàng Di sản các nhà khoa học Việt Nam. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.
  5. ^ “Giáo sư Hồ Đắc Di”. tonghoiyhoc.vn. Truy cập ngày 15 tháng 3 năm 2024.