Câu đối khắc tại các đình, chùa, đền, miếu, phủ, điện khu vực Bắc Trung Bộ (Việt Nam)

Những câu đối liên quan đến Đền thờ Khương Công Phụ xã Định Thành, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hoá sửa

Khương Công Phụ người xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa - Việt Nam ngày nay, được vua Đường phong chức Hiệu thư lang, thăng dần đến chức Gián nghị đại phu, rồi Tể tướng. Đây quả là trường hợp "có một không hai" trong lịch sử Việt Nam, một người Việt lại cầm đầu bộ máy cai trị của cả đất nước Trung Hoa thiên tử! Sự kiện hai anh em họ Khương đất Việt cùng đỗ Tiến sĩ và cùng làm quan bên Trung Quốc, đã được người đời sau phản ánh trong đôi câu đối:

"Nhất triều trung huynh đệ đồng khoa
Thiên tải hạ Bắc Nam khởi kính

Tạm dịch:

Đỗ cao nhất triều anh em cùng khoa
Nghìn năm sau cả Trung Quốc và Việt Nam đều kính trọng

Nhưng rồi đến lần trên đường chạy loạn, người con gái vua là công chúa Đường An chết. Vua Đường ra lệnh xây tháp, cử hành tang lễ cho con thật trọng thể, tốn kém. Khương Công Phụ đã can ngăn. Ông nói: "Sơn Nam (là miền đất vua đang lánh nạn tạm thời) không phải là chỗ lâu dài. Làm ma cho công chúa nên để về kinh đô. Trên đường hành quân cần tiết kiệm tiền bạc để lo việc trước mắt đã...". Vua Đường nổi giận, viện cớ, nói với viên quan là Lục Chí rằng: Công Phụ chỉ muốn vạch điều lầm lỗi của trẫm để cầu tiếng trung thực....". Lúc Chí thấy Công Phụ giữ chức Gián nghị, Tể tướng, làm việc can gián điều sai trái của vua là đúng, bèn tâu trình, song vua Đường nhất quyết không nghe, cho biếm chức ông Khương, rồi sau đấy lại đày ông ra tận miền Tuyên Châu, tỉnh Phúc Kiến bây giờ. Cử nhân Đốc học Miễn Am Lê Văn Thạc (1782- 1876), đã có đôi câu đối rất hay khi bình luận về sự kiện trên:

"Phong vũ dĩ tồi công chúa tháp
Hải vân trường chiếu Trạng nguyên từ"

Tạm dịch:

Tháp công chúa gió mưa chốc đổ
Đền Trạng nguyên "mây biển" mãi soi

Từ "mây biển" tác giả dùng ở đây có ý nhắc đến tác phẩm "Mây trắng rọi biển xuân" bất hủ của Khương Công Phụ. Cái hay, cái tài của câu đối này là tác giả chỉ dùng có 14 chữ, nhưng đã thể hiện được đầy đủ những nét đặc trưng tài, đức của nhân vật lịch sử Khương Công Phụ, vị thần mà nhân dân địa phương thờ phụng. Sử sách xưa ghi chép rằng có lần vua nhà Đường bên Trung Quốc trên đường chạy loạn thì công chúa Đường An chết. Nhà vua ra lệnh tổ chức tang lễ long trọng, xây mộ tháp đồ sộ. Với tư cách là vị quan đầu triều, Khương Công Phụ đã thẳng thắn khuyên vua vì đất nước đang loạn lạc, chưa nên xây mộ to, tháp lớn, phung phí tiền của. Vua Đường đã nổi giận giáng chức và lưu đày ông Khương ra vùng biên ải. Nhưng rồi tháp công chúa đã đổ nát từ bao giờ, còn khí tiết và tài năng của Khương Công Phụ thì vẫn tồn tại mãi với thời gian. Chữ “Hải vân”, ông Miễn Am dùng là ngụ ý chỉ bài phú “Bạch vân chiếu xuân hải” (mây trắng rọi biển xuân), một tuyệt tác của Khương Công Phụ, mà các nho sĩ Việt Nam và Trung Quốc bao thế kỷ qua vẫn hết lời ca ngợi.

  • Ngày nay ở thôn Cẩn Cầu, xã Định Thành còn đền thờ Khương Công Phụ. Trước cửa đền, có đề ba chữ Trạng Nguyên Từ'" (Đền thờ Trạng nguyên) và đôi câu đối sau:
Quế hải nhân văn vân phiến ngọc
Phấn hương tướng chỉ bút song phong

Dịch là:

“Biển quế (chỉ nước ta) văn chương sáng ngời như phiến ngọc
Quê tướng công có hai ngọn bút chỉ lên trời”
Câu đối này gợi nhớ bài phú của tiến sĩ họ Khương có tiêu đề “Bạch vân chiếu xuân hải” (Mây trắng rọi xuống biển xuân) rất nổi tiếng, hiện còn chép trong các sách Trung Quốc và Việt Nam được nhiều thế hệ đánh giá là một tuyệt tác. Câu đối cũng mô ta quê hương ông - thôn Cẩm Cầu, xã Định Thành có ngọn núi Sơn và ngọn núi Chúa mọc cao vút lên tựa hai chiếc bút lông, tượng trưng cho vùng đất sinh thành người tài.

NHỮNG CÂU ĐỐI KHẮC TẠI NGHÈ LÀNG KIỀU - Thanh Hóa sửa

Nghè Làng Kiều được xây dựng từ thời vua Lê Cung Hoàng (1526), tôn ngài Khương Tử Nha - một nhà chính trị - quân sự lỗi lạc giúp Văn vương diệt vua Trụ (nhà Thương), lập nhà Chu - một thời đại huy hoàng của Trung Hoa thời xưa. Trước năm 1945, làng Kiều thuộc xã Tứ Thôn gồm các làng: Yên Cát, Làng Thông và Hòa Chúng là các làng lớn của Tổng Cung Thượng thuộc vùng Đông Bắc huyện Quảng Xương. Ngày nay, dọc Quốc lộ 47 từ Thành phố Thanh Hóa xuống Sầm Sơn, tới km 13 rẽ trái tới trụ sở UBND xã Quảng Châu, rẽ trái khoảng 300 m là đến. Nghè nằm trên khu đất cồn rộng phía Tây Nam Làng Kiều. Từ việc chọn lọc thần hoàng trí tuệ đề cao học vấn, xây dựng những tư tưởng tiến bộ, độc đáo của làng xóm, tôn vinh sự học, lấy thành đạt trong khoa cử làm chuẩn mực như câu châm ngôn của địa phương:

“Chu Khương Tôn Tử nghè ghi tại
Sử Sỹ phong lưu chiếm đắc nhàn”

Tạm dịch:

Khương Tử Nha Tô Đông Pha Nghè thờ phụng
Nho sinh mới về thành người đỗ đạt

Phần trung đường là thần linh được hiện ra thành tượng, là những vị thần có lai lịch: đó là 3 pho tượng của Khương Tử Nha, Đinh Công Nhân Tín, Đinh Huy Nghiêm, những Thần Hoàng làng với câu đối:

“Hoàng triều Đại Việt phong tam thánh
Cố lý Tiên Trang hợp nhất từ”

Tạm dịch:

Các vua nước Việt phong ba Thánh
Làng cổ Tiên Trang thờ một Nghè

2 câu đối được bố trí trang trọng 4 góc phía trước:

“Lập đức, lập công dich dịch năng thanh bất hủ
Vị thần, vị tổ du du linh tích trường tồn”

Tạm dịch:

Tạo đức lập công vời vợi tiếng thơm không ngớt
Là thần là tổ rõ ràng linh tích còn dài

Và:

“Thành dân công đức lưu phương viễn
Dịch thế cơ cưu hữu cốc di”

Tạm dịch:

Nên công đức tiếng thơm để mãi
Nối đời nền nếp thóc gạo để về sau

Những câu đối khắc tại đền thờ bà Triệu ở Hậu Lộc - Thanh Hóa sửa

Triệu Thị Trinh sinh năm Bính Ngọ (226) ở Quân An, Cửu Chân (nay là Thiệu Hóa - Thanh Hóa). Năm 248, Triệu Thị Trinh xuất quân dựa theo một câu trong Binh pháp "xuất kỳ bất ý, công kỳ vô bị" nghĩa là "ra quân bất ngờ, đánh lúc giặc chưa phòng bị thì tất thắng". Khi ra trận, bà ngồi trên bành voi một ngà, trông rất oai phong nên tướng sĩ tôn bà là "Nhụy Kiều tướng quân". Bà dẫn quân xông pha trận mạc, hữu đột, tả xông oanh oanh liệt liệt khiến bọn giặc Đông Ngô rất khiếp sợ. Chúng bảo nhau:

Hoành qua đương hổ dị,
Đối diện Bà vương nan.

Dịch:

"Múa gươm chống cọp thì dễ
giáp mặt với vua bà thì thật khó".

Chúng không dám gọi thẳng tên bà mà gọi là "Lệ Hải Bà Vương". Nghĩa quân của bà Triệu đánh đâu thắng đó, khi đến Giao Chỉ, nhân dân nhất tề hưởng ứng. Bọn giặc phương Bắc lo sợ, sai Lục Dận sang làm thứ sử Giao Châu, đem tám ngàn quân sang nước ta. Tương truyền, Lục Dân ngán sợ sức mạnh của nghĩa quân do một người con gái chỉ huy, hắn nghĩ ra mưu kế để cho quân tướng lõa thể khi xáp trận với Triệu Thị Trinh. Kinh tởm trước chiến thuật hèn hạ ấy, bà cho lui voi, giặc lập tức đuổi theo. Đến núi Tùng Sơn (thuộc Phú Điền, Hậu Lộc - Thanh Hóa) bà không muốn bị rơi vào tay giặc nên quỳ xuống khấn với trời đất "sinh vi tướng - tử vi thần" rồi rút gươm tự sát. Hiện nay tại núi Tùng Sơn (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc - Thanh Hóa) vẫn còn lăng mộ và đền thờ bà Triệu và một câu đối ca ngợi công đức của bà lưu truyền trong dân gian:

Trông bành voi, Ngô cũng lắc đầu, sợ uy Lệ Hải Bà Vuơng, những muốn bon chân về Bắc quốc
Ngồi yên ngựa, khách còn hoài cổ, khiếp danh Lạc Hồng Nữ Tướng, có chăng thẹn mặt đấng Nam nhi
Câu đối cũng được các tác giả sử dụng để phê phán, châm biếm những thói hư tật xấu ở đời.

Cho đến nay trong đền bà Triệu có 29 đạo sắc phong, trong đó có 5 đạo của triều Lý, 15 đạo sắc của nhà Lê và 9 đạo sắc của triều Nguyễn, phía trước lăng mộ bà còn ghi hai câu đối:

Giang sơn hữu chủ
Phong nguyệt vô biên.

Có nghĩa:

Sông núi có chủ
Trăng gió không cùng.
  • Câu đối của Chí Sĩ Dương Bá Trạc:
Một đầu voi chống chọi với quân thù, sau Trưng nữ rạng danh bà Lệ Hải
Ba thước vú tử sinh cùng đất nước, cho Ngô hoàng biết mặt gái Giao Châu
  • Câu đối liên quan khác:
Cửu Chân trăm trận gan hơn sắt
Lục Dận nhiều phen mắt đã vàng

Câu đối khắc tại đền thờ Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ Dương Đình Nghệ ở Thanh Hóa sửa

Đền thờ Dương Đình Nghệ tại làng Giàng (thôn Dương Xá, Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Trận Đại La năm 931 đánh bại cuộc xâm lược lần thứ nhất của nhà Nam Hán đã thắng lợi giòn giã. Đôi câu đối ở đền thờ Anh hùng Dương Đình Nghệ trước đây tại làng Giàng (Dương Xá) đã chính xác ca ngợi vị chủ tướng và mô tả đầy hào sảng trận thắng này:

“Dưỡng tam thiên nghĩa tử dĩ phục thù, hằng hằng kinh khí
Chưởng bát vạn hùng sư nhi xuất chiến, lẫm lẫm oai thanh”

Dịch nghĩa:

Nuôi ba nghìn nghĩa tử để phục thù, khí phách kinh hồn
Cầm tám vạn hùng binh mà ra trận, uy danh lừng lẫy
Sách "TƯ TRỊ THÔNG GIÁM của Tư Mã Quang đời Bắc Tống có đoạn: ”Dương Đình Nghệ người Ái Châu, nuôi ba nghìn giả tử, mưu đồ khôi phục Giao Châu. Viên tướng cai quản Giao Châu người Hán là Lí Tiến đã biết, nhưng ăn hối lộ của Nghệ nên làm như không nghe thấy. Năm Tân Mão (931), Đình Nghệ dấy quân bao vây Giao Châu, vua Hán sai Thừa chỉ Trình Bảo sang cứu, chưa đến nơi thành đã nguy ngập. Tiến bỏ trốn về bị vua Hán giết chết. Bảo vây Giao Châu, Đình Nghệ ra đánh, Bảo thua và tử trận.” Dương Đình Nghệ tự xưng làm Tiết độ sứ, vua Nam Hán ”biết chẳng thể tranh với ngài được nữa, đành bái tướng Tiết độ sứ châu Giao”

NHỮNG CÂU ĐỐI KHẮC TẠI ĐỀN PHÚC xã Quảng Nham huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa sửa

Di tích tọa lạc trên địa phận làng Cự Nham, xã Quảng Nham, làng Cự Nham là tên chữ, nhân dân còn gọi là làng Mom là tên Nôm. Một bộ phận lớn dân Cự Nham đến lập nghiệp hành nghề (đánh cá) ở mỏm đất đã được bồi này, từ đó có tên mới là "Làng Mỏm Cự Nham". Đôi câu đối nhà thờ trung đường đền Phúc ghi:

“Hương hỏa ức niên âm tích Tống
Phong ba nhất trận mặc phù Trần”

Tạm dịch:

Hương khói muôn năm nhớ âm hồn người Tống
Bão tố một trận ngầm phù hộ nhà Trần

Năm 1285, giặc Nguyên xâm lược nước ta, vua Trần giao cho Chiêu Văn vương Trần Nhật Duật thống lĩnh thủy quân và chọn Biện Sơn, Lạch Bạng, Lạch Mom là nơi tập trận và hội quân thủy bộ. Vua Trần cùng thủy thủ đoàn bí mật xuôi thuyền vào Nam đánh chặn Toa Đô đến lạch Mom hết gió đông, gió nam thổi mạnh, vua Trần lên bờ hội quân thủy bộ, vua cùng quần thần vào đền Mom dâng hương cầu khấn. Thần nhân ứng nghiệm đã có gió đông, vua Trần cùng đoàn thủy binh Đại Việt đánh quân thủy Toa Đô một trận đại bại. Khi giang sơn thu về một mối, vua Trần giữ lời hứa đã cấp sắc xây dựng đền Mom to lớn nguy nga, tự tay tặng các Hoành phi câu đối:

“Xã tắc phát phu bất ư Mông Cổ đồng thiên địa
Xuân thu trữ đậu trường giữ ly thiêng vạn cổ kim”

Tạm dịch:

Toàn dân cắt tóc xin thề không đội trời chung với giặc Mông Cổ
Quanh năm cúng giỗ giữ niềm tin trong trời đất muôn đời

Những câu đối khắc tại đền Xuân Phương và đền Đông Hải Đại Vương - Thanh Hóa sửa

Đền Xuân Phương tại làng Xuân Phương, xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, thờ một nhân vật lịch sử đó là Nguyễn Phục. Ông quê ở xã Đoàn Tùng, huyện Gia Lộc (nay là huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương), thi đỗ Hoàng giáp đời vua Lê Nhân Tông; làm quan đến chức Hàn Lâm Viện, nắm chức Phi vận Tướng quân. Năm 1467, ông được bổ nhiệm chức Tham chính sứ, xứ Thanh Hóa (được quyền định đoạt mọi việc ở xứ Thanh Hóa) khi vua Lê Thánh Tông đi đánh giặc Chiêm Thành, ông được giao làm Đốc vận quân lương. Do chậm trễ thời gian, quân thiếu lương ăn, nhà vua nghe theo cung nhân xúi giục, khép tội bắt trói ông và ghép ông vào tội chết. Hiện đền thờ ông có khắc đôi câu đối như sau:

“Lân giao hữu đạo thanh xuân hiếu
Môn quán vô tư bạch nhật nhàn”

Và:

“Tượng Lĩnh tây hồi chung thọ mạch
Mã giang bác dẫn chấn phong ba”
  • Đền thờ Đông Hải Đại Vư­ơng - Nguyễn Phục còn có tên gọi là Đền thờ quan Hoàng Giáp, hay Đền đức Thánh tôn thần. Ngôi đền được xây dựng trên khoảnh đất ven biển xã Quảng Đại, huyện Quảng X­ương, cách Thành phố Thanh Hóa khoảng 15km về phía Đông Nam. Tước hiệu đầy đủ của Thành Hoàng Nguyễn Phục là: “Đông Hải Đại Vương, Uy Linh Hiển Ứng Dực Thánh Hộ Quốc Phù Tộ, Thượng Đẳng Phúc Thần, Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng, Bảo Dực Trung Hưng, Thành Hoàng Nguyễn Phục”. Có hai đôi câu đối bài trí trong đền:
"Khoa giáp ức niên l­ưu Việt quốc
Miếu đ­ường thiên cổ lãm thần uy"

Tạm dịch:

Khoa giáp vạn năm l­ưu nư­ớc Việt
Miếu đ­ường nghìn thuở vẫn lẫm liệt uy danh bậc thần

Và:

“Vạn đại thần từ tồn tại bản
Thiên niên phụng sự phúc ph­ương dân”

Tạm dịch:

Vạn đời đền thờ Thần vẫn tồn tại trong bản xã
Nghìn năm phụng thờ thần để phúc lại muôn dân

NHỮNG CÂU ĐỐI KHẮC TẠI NGHÈ ĐỆ TỨ - Thanh Hóa sửa

Nghè Đệ Tứ nằm ở địa phận làng Hòa Chúng, xã Quảng Thọ. Trước năm 1945, Hòa Chúng thuộc xã Cung Thượng, tổng Cung Thượng, huyện Quảng Xương. Giai đoạn 1947, huyện đã hợp nhất 3 xã Lê Viêm, Bạch Đằng và Lãnh Phiên thành xã Quảng Châu. Năm 1954, xã Quảng Châu chia thành 3 xã: Quảng Thọ, Quảng Châu và Quảng Vinh...làng Hòa Chúng thuộc xã Quảng Thọ. Làng có 4 nghè, gồm Nghè Đình Thượng (đệ nhất), Nghè Ròng (đệ nhị), Nghè Thông (đệ tam) và Nghè Đệ Tứ. Nghè Đệ Tứ có treo câu đối:

“Quần sinh đắc thiên thu vọng
Lạc sự hoan đồng vạn chúng sinh”

Dịch nghĩa:

Sống quần tụ được ngàn thu trông cậy
Làm việc vui cùng muôn vạn chúng sinh.

Câu đối ở cột nanh:

“Xa mã vãng lai huyền đại đạo
U minh xuất nhập diện huyền cơ”

Dịch nghĩa:

Xe ngựa đi về theo đường đạo nghĩa cả
Vào ra sáng tối, kỳ diệu máy then trời

Và:

“Tế tụng chưng thường thu tổ đức
Lễ tuân chiêu mục trọng nhân luân”

Dịch nghĩa:

Tế dùng theo phép thông thường, thi hành đức độ tiên tổ
Lễ tháng tuần bên chiêu mục, tôn trọng luân lý con người

Những câu đối khắc tại 2 đền Đồng Cổ - Thanh Hóa sửa

  • Khu di tích Núi và Đền Đồng Cổ đứng trên ngọn núi cao nhất thả tầm mắt về hướng Bắc ta bắt gập thành nhà Hồ. Chính diện hướng Đông là chùa Dáng, phía Nam là động Hồ Công, một phong cảnh đẹp của huyện Vĩnh Lộc. Dưới quán Triều Thiên là chùa Thanh Nguyên. Trong lòng ba quả núi có động Ích Minh xuyên núi ra sông Mã, Mùa hè, trong động nhiệt độ thấp hơn bên ngoài khiến ta dễ chịu. Phía hữu có hang Nội mát không kém. Phía Tây có hồ bán nguyệt nằm trong thung lũng núi Tam Thai quanh năm gợn sóng lăn tăn, có những câu đối khen rằng:
Hồ bán nguyệt lung linh hổ phách
Ấn tam thai giữ mạch long bài

Và:

Sơn trĩ tam thai vân tụ tán
Hồ loan bán nguyệt thủy thăng trầm
  • Nguyễn Văn Giai (1553 - 1628) là một Tam nguyên Hoàng giáp, từng giữ chức Tể tướng, tước Thái Bảo, Quận công. Ông nổi tiếng chính trực, biết giữ nghiêm pháp luật triều đình. Sau ngày ông mất, dân làng Đan Nê phụng thờ ông ở một ngôi nhà phía bên trái đền Đồng Cổ. Mùa xuân 2011, dân làng Đan Nê trùng tu đền Phúc nằm ở trung tâm làng. Người dân Đan Nê thờ Nguyễn Văn Giai như vị Thành hoàng vì ông không chỉ là vị khai quốc công thần mà chính ông đã nối nền văn hóa của người Đan Nê giữa xưa và nay. Đền Đồng Cổ có khắc câu đối quá hay như sau:
Thiên vi anh, địa vi linh, tất mã giang tây thanh miếu cổ
Thần đương trung, tử đương hiếu, Thăng Long thành Bắc thệ đàn cao
Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa theo ý câu đối trên đã nói : “Quân đội ta, Trung với Đảng, Hiếu với Dân nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”

Hiện trên bia mộ của ông tại quê nhà vẫn còn khắc rõ đôi câu đối do chính vua Lê Kính Tông ban tặng trước lúc ông tạ thế:

"Quốc thạch trụ tam triều danh tướng
Địa giang sơn vạn cổ phúc thần"

Tạm dịch nghĩa:

Trải ba triều thuộc hàng danh tướng trụ cột của nước nhà
Vạn năm sau là bậc phúc thần nơi sông núi quê hương)
  • Đền Đồng Cổ làng Mỹ Đà còn một tên gọi khác ít phổ biến hơn là Liên Hoa linh từ. Do địa thế của làng và vị trí ngôi đền toạ lạc giống hình một đoá hoa Sen nên nhân dân gọi như vậy (tức đền linh Hoa Sen). Làng Mỹ Đà ngày nay thuộc xã Hoằng Minh huyện Hoằng Hoá tỉnh Thanh Hoá. Vùng đất này xa xưa gọi là Kẻ Cổ, thời Lý - Trần thuộc trang Mỹ Cụ, giáp Cổ Đằng, phủ Hà Trung, đạo Thanh Hoa. Thời Nguyễn làng Mỹ Đà có tên là xã Mỹ Đà, tổng Từ Minh, huyện Hoằng Hoá, phủ Hà Trung, tỉnh Thanh Hoá. Đôi câu đối ở đền có nội dung như sau:
Anh linh trợ Lý bình Chiêm tặc
Hiển ứng phù Lê phạt Ngô quân
Tương truyền, khi Lý Thái Tông còn đang là Thái Tử, đem quân đi dẹp giặc Chiêm. Qua địa giới trang Mỹ Cụ, huyện Cổ Đằng, phủ Hà Trung lúc giữa trưa, bỗng thấy trời nổi mưa gió, sấm chớp dữ dội. Trong khoảnh khắc thì trời quang mây tạnh trở lại, nhà vua nhận ra địa hình của bản trang như một đoá hoa sen, lập tức cho lập đàn tế ngay tại chỗ và đốt hương ngầm khấn. Đến nửa đêm bỗng thấy một vị thần nhân dáng hình uy nghi, đứng ở trên đàn tế tự xưng: "Ta là Sơn Thần Đồng Cổ, theo vua đi dẹp giặc". Nhà vua bèn cấp tốc cử giá tiến quân vào đồn giặc, giữa trận tự nhiên nổi lên ba tiếng trống đồng lớn vang như tiếng sấm dậy, quân giặc thấy vậy tưởng như trời đang trợ giúp cho quân ta, bèn cùng nhau bỏ chạy tan tác, thế là nhẹ nhàng mà giặc lui quân. Nhà vua khải hoàn trở về triều, lệnh cho đình thần đem sắc chỉ về bản trang, truyền cho dân dựng đền thờ trên chỗ đất Hoa Sen xưa từng là nơi lập đàn tế làm nơi hương khói phụng thờ

Hai bên hương án treo đôi câu đối có nội dung:

Mạch dẫn từ Càn uyển chuyển hành sơn bệ
Khí chung vu Tốn trùng hưng quá thuỷ đài

Những câu đối khắc tại Nghè Sày - Thanh Hóa sửa

Nghè Sày thuộc địa phận làng Bình Hòa, xã Quảng Châu, huyện Quảng Xương. Nghè Sày nơi thờ ông Quản Di Đài thời Lê Trung hưng; ông từ nơi khác đến, xin làng một miếng đất ngụ cư, cuối cùng làng cũng thương tình cho ông một khu đất bỏ hoang toàn cát ở phía Bắc. Vào khóa thi cuối thời hậu Lê ông thi đỗ Tiến sĩ, trong làng một số vị quan lại chức sắc do sĩ diện với quê hương nên tỏ ý đố kỵ ghen ghét, coi thường ông chỉ là một nho sinh nghèo vừa phiêu bạt đến đây mà đã sớm được xứng bảng đề danh. Do vậy họ tỏ ý khinh rẻ và bày ra cái trò đem ghế nhổ mạ ra làm kiệu khênh, lọng bằng nón sổ vành, cờ bằng khố cho làng đi trước. Thấy cảnh trái ngang, dân làng miệt thị mình, ông quá uất hận liền tự vẫn. Việc ông Quản Di Đài thi đỗ Tiến sĩ khoa nào cho đến nay chưa có tài liệu nào ghi chép, chỉ thấy hiện nay một số các tài liệu thành văn hiện trong nghè nơi thờ ông có đề cập đến việc ông là Tiến sĩ được gọi là ông Nghè. Nội dung câu đối như sau:

“Tiến sĩ tôn ông thiên cổ tại
Quan nghè tưởng niệm quốc gia phong”

Nghĩa là:

Quí ông tôn quí đổ Tiến sĩ nghìn năm vẫn ở chốn này
Tưởng niệm về quan nghè được đất nước phong tặng

Câu đối khắc ở đền Lạch Bạn - Do Xuyên xã Hải Thanh huyện Tỉnh Gia tỉnh Thanh Hóa sửa

Cuối thế kỷ 13, nhà Tống bị quân Nguyên Mông đánh bại. Hoàng hậu và công chúa Tống đã nhảy xuống biển và trôi đến vùng biển Việt Nam, trong đó có Do Xuyên. Ngưới dân ở đây đã tôn họ làm thần, lập bàn thờ. Các vua phong kiến Việt Nam là “Tứ vị thánh nương”. Truớc kia có đền thờ riêng, nay nhập lại thành đền Lạch Bạn, thờ cả những nhân vật lịch sử Việt Nam thởi Lý, Trần như Tô Hiến Thành, Hoàng Minh Tự và các thiên thần như Sát hải Đại Vuơng. Trong đền có câu đối cổ:

“Thế cụ kỷ tang điền, chung cổ sùng từ tồn cố Tống
Linh thanh tế hải quốc, nhất phuơng hữu hưởng tự tiền trần”

Dịch nghĩa:

Cuộc thế đổi thay, muôn cõi vẫn thờ thời Tống cũ
Tiếng thiêng tỏa khắp, một phuơng còn lễ thuở Trần xưa

Câu đối ở đình Hào Lương tỉnh Thanh Hóa sửa

Đình Hào Lương xã Xuân Lam, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hoá, nằm cách trung tâm khu di tích lịch sử Lam Kinh 3km về phía Đông Nam. Đình lập để thờ cúng bảy vị Thất tính tiên công và ba vị khai quốc công thần triều Lê Sơ: Lê Sao, Lê Bị, Lê Nhị.

  1. Lê Sao là người xã Đoạn Lương, huyện Lương Giang, thời Trùng Quang giữ chức Vũ hiển đại phu Thiên Ngưu vệ tướng quân, quản lĩnh ngự tiền Bình chương quân, gia phong Quang Lộc Đại phu xa vệ Đại tướng quân thượng trí.
  2. Lê Bị là người xã Đoạn Lương, huyện Lương Giang (nay là làng Hào Lương xã Xuân Lam). Ông sớm tham gia khởi nghĩa Lam Sơn cùng bình Định vương Lê Lợi. Sau khi chiến thắng giặc Minh Lê Lợi lên ngôi, vua luận ban thưởng cho ông tước Huyện thượng Hầu, Bảo Chính công thần, Nhập nội Thiếu uý.
  3. Lê Nhị là một tướng giỏi được xếp vào hàng thứ 42 trên 125 bậc khai quốc công thần. Năm Thuận Thiên thứ 1(1428) được vua sai cho làm Tổng quản Hà Nam phụ trách về quân binh.

Bốn cột hiên được xây bằng gạch xi măng, hai cột giữa đắp nổi hai câu đối chữ Hán như sau:

Tự tích hào lưu thắng địa (Từ xưa nét hào hoa còn lưu mãi nơi đất đẹp)
Nhi Kim lương bống bí tiền công (Mà nay bậc lương đống toả mãi công lao)

Những câu đối khắc ở đình làng Bồng Trung tỉnh Thanh Hóa sửa

Làng Bồng Trung, xã Vĩnh Tân (Vĩnh Lộc) có dân cư sinh sống từ đầu thế kỷ XV. Đến năm Hồng Thuận thứ 2 (1510) dân cư ở khu vực Mã Mốc đã đông đúc, phồn thịnh, nên dân làng xin và được triều đình cho lập làng mới đặt tên là làng Đông Biện. Dưới triều vua Đồng Khánh (1866 - 1888) đổi tên làng Đông Biện là làng Bồng Trung (vì Biện là húy của mẹ vua Đồng Khánh). Làng Bồng Trung có ngôi đình 5 gian thuộc loại đình to, chiều dài 17 m, chiều rộng 9 m, làm toàn bằng gỗ lim. Dưới đây là những câu đối được khắc tại đình:

Tụ thành ấp, hữu nho gia, hữu nông gia, hữu thương gia, Lam Điền ước tứ
Thăng ư hương, vi tú sĩ, vi tiến sĩ, vi tạo sĩ, Chu lễ tân tam

Dịch nghĩa:

Tụ thành ấp, có nhà nho, nhà nông, nhà buôn, giàu có gấp bốn lần vùng Lam Điền
Tiến lên lập làng, làm nên tú sĩ, tiến sĩ, tạo sĩ, có văn hiến lễ nghĩa gấp ba lần nhà Chu
Chú giải: Tú sĩ: Người đỗ tú tài thời xưa. Tạo sĩ: Người đỗ tiến sĩ võ. Lam Điền: Một huyện của Trung Quốc. Chu: Một triều đại phong kiến Trung Quốc xưa kia nổi tiếng có kỷ cương. Đôi câu đối này đã nêu lên quá trình thành lập làng Bồng Trung từ ấp tiến lên làng, sự phát triển rực rỡ về kinh tế và văn hóa, giáo dục, nhiều người hiển đạt.
Sinh khí thủy ư Đông thập nhật hạng phồn du đô thị
Thái bình nghi cư Biện tứ bách niên văn hiến vu tư

Dịch nghĩa:

Sinh khí tốt lành xuất phát từ phương Đông, mười một xóm của quê hương vui như thành thị
Thái bình nên tụ cư về đất Biện có bốn trăm năm văn hiến
Chú giải: Phương Đông là nơi mặt trời mọc, người xưa cho là nguồn gốc của sự sống. Biện là Biện Kinh, kinh đô nhà Tống Trung Quốc. Ở đây tác giả mượn điển tích cũ để nói quê hương Đông Biện với dụng ý đối Đông với Biện.
Bách niên tượng mã am quy bộ
Tứ cố giang sơn nhập họa đồ

Dịch nghĩa:

Trăm năm voi ngựa qua lại đường làng
Bốn mặt núi sông như chầu về làng
Chú giải: làng Đông Biện - Bồng Trung có nhiều người làm quan, lại gần làng Bồng Thượng còn gọi là làng Báo, quê của các chúa Trịnh, nên có nhiều xe ngựa qua lại. Đương thời thường truyền tụng: “Ngựa xe về Bồng Báo” (Bồng là Bồng Trung, Báo là làng Báo). Quanh làng có nhiều núi, trong đó có núi tiến sĩ ở phía Đông Nam, trước làng có sông Mã. Câu đối trên ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên của quê hương và cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của làng Bồng Trung.

Câu đối khắc tại khu Nghĩa Trũng huyện Quảng Xương tỉnh Thanh Hóa sửa

Khu Nghĩa Trũng còn gọi là khu nghĩa trang chôn cất những vong hồn vô thừa nhận do Tri huyện huyện Quảng X­ương Đặng Huy Trứ xây dựng năm 1860. Khu Nghĩa Trũng được tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 2ha, nằm trên địa phận làng Nang thuộc tổng Cung Thượng, nay thuộc địa phận của thôn 10, thôn 11, xã Quảng Cát. Đối diện với nghĩa địa là phần đền miếu thờ cúng, nằm ở phía Đông rộng chừng 500m2, có t­ường rào bao quanh và cổng ra vào. Các đàn còn lại xây nhỏ hơn, nằm cách đều 4 góc ở đàn chính, kích th­ước mỗi đàn chiều dài 2m; chiều rộng 1,5m, có bức đại tự câu đối:

“Hiền ngu, quý tiện, giai thiện cổ
H­ương hoả đ­ường đàm tự ­ước niên”

Nghĩa là:

Khôn dại, sang hèn, đều phải chết
Nhà đàn thờ cúng mãi không thôi

Câu đối khắc tại LĂNG MỘ SƯ BÀ NGỌC NỮ ĐẠI VƯƠNG MAI THỊ TRIỀU sửa

Mai Thị Triều người con gái làng Mai xã Hào Môn huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia trấn Thanh Hoa (tên Thanh Hóa thời xưa). Chúa Trịnh Tráng (1623-1657) mến tiếng muốn vời vào cung để sớm hôm đỡ đần bên mình. Bà vui vẻ nhận lời nguyện làm bạn tri âm cùng chúa, nhưng không vào cung, bởi vì bà đã sớm nặng lòng với con dân làng của bà, còn bao người đói cơm rách áo, không được học hành, ốm đau không được chạy chữa thuốc thang. Chúa phải nể lòng chấp nhận cùng bà kết ngãi vợ chồng Tiên Thánh Tiên Thần, phá cách thói tục trần gian mà vẫn vui lòng và hân hạnh. Kíp khi bà mất dân làng làm sớ tâu về triều, vua liền phong cho bà làm phúc thần thượng đẳng cùng nhiều mỹ hiệu: Sư bà Huyên Từ - Ngọc Nữ, Mẫu Hương Phu Nhân. Người đời sau tặng đôi câu đối thờ về cuộc tình duyên thanh cao đẹp đẽ và khúc triết giữa bà với Chúa Vương họ Trịnh mà cổ kim đông tây chưa từng thấy bao giờ:

Tấm thân dâng nước ghi truyền sử
Tình Vương tâm sự đọng ly quỳnh

Những câu đối khắc tại Lương Y Minh Từ - Thanh Hóa sửa

hà thờ Lương y minh từ ở thôn Tân Thượng (thị trấn Quảng Xương, thường gọi là Lưu Vệ) thờ lương y Cao Văn Tân - người đã được vinh danh ở mục “Danh nhân đất nước, quê hương” trong cuốn “Địa chí huyện Quảng Xương” - NXB Từ điển Bách Khoa năm 2010. Tại Lương y minh từ các bức đại tự, hoành phi, câu đối được bố trí ở 3 nơi: Cổng nhà thờ, cửa nhà thờ và trong nhà thờ. Phía trên cổng, chính giữa có tên nhà thờ Lương y minh từ (nhà thờ ánh sáng Lương y). 2 cột ngoài cùng đắp nổi đôi câu đối:

“Đất mẹ có sen, sen mãi thắm
Trời quê ươm nắng, nắng luôn tươi”
Câu đối ca ngợi một vùng quê tươi đẹp, luôn ấm áp ánh nắng mặt trời, cỏ cây tươi tốt, hương sen ngát thơm, tràn đầy vượng khí, nhắc nhở cháu con cố gắng giữ gìn cho quê hương luôn xanh, sạch, đẹp. Yêu quê hương càng phải vượt qua gian khổ rèn luyện để “Đất có sen, sen lại mọc”.

Hai cột giữa treo đôi câu đối:

“Phụ tử lương y kế thiên niên quảng nghiệp
Nhi tôn đức dược truyền vạn đại lưu cơ”

Nghĩa là:

cha con, cháu chắt nối tiếp nhau lưu truyền, quảng bá sự nghiệp lương y, đức dược
con cháu phải luôn tu dưỡng, phấn đấu để giữ gìn y đức, y đạo, y thuật, kế thừa, phát huy truyền thống “Lương y như từ mẫu” của tổ tiên
  • Câu đối của Cao Bá Quát khắc phía trong cột cổng nhà thờ:
“Kinh thế hữu tài giai bách luyện
Độc thư vô tự bất thiên kim”

Nghĩa là:

Có tài giúp ích cho đời đều phải trải qua trăm lần tôi luyện gian khổ
Đọc sách hay, sách tốt thì chữ nào cũng quý như ngàn vàng

CÂU ĐỐI KHẮC TẠI ĐỀN THẠCH TRỤ ĐẠI VƯƠNG sửa

Làng Ngọc Đới, xã Quảng Phúc đã bao đời nay vẫn tôn thờ một vị thần. Đó là vị thần Thạch Trụ Đại Vương, là một hòn đá hấp thụ khí anh linh trời đất từ thuở khai thiên, lâp địa. Tương truyền, Thần thích ngao du sơn thủy, khi qua chơi miền sông Yên, thấy quang cảnh kỳ lạ thì dừng lại, xóm làng thưa thớt nhưng kiểu đất rất đẹp, dòng sông Yên xuôi về đến đây bỗng vòng lượn lại như lưu luyến không muốn trôi đi, giống hình cái Đai Ngọc của bậc Khanh tướng. Vì kiểu đất ấy, người có chữ đặt tên làng là Ngọc Đới, nghĩa là làng Đai Ngọc. Năm 1045, Lý Thái Tông thân chinh bình định phía Nam, đang mùa xuân, mùa nước cạn, đến khúc sông lượn thắt cổ bầu, thuyền ngự to nặng không tiến lên được, quân lính phải dùng dây kéo nhích từng bước. Thái Tông khấn: “Xin thần linh hiển thánh âm phù hộ cho dân đánh giặc Chiêm Thành, giữ yên bờ cõi, được như lời, vua sẽ ban sắc phong và sai dân lập đền thờ”. Thuyền nhà Vua lập tức rẽ nước đi băng băng, không cần ai kéo lôi chèo chống gỡ cả. Trận ấy thắng to, bắt được tướng giặc Chế Củ và năm vạn người Chiêm. Trước ban sắc phong làm Thạch Linh thần tướng, sau sai dân lập đền thờ với đôi câu đối:

“Chiêm Thành trận Lý linh thanh chấn
Ngọc Đới giang đào Thánh Thạch lưu”

Câu đối tại đền thờ danh nhân Phan Vân ở Nghệ An sửa

Phan Vân sinh năm Giáp Thìn (1364) tại xã Bắc Thành, Yên Thành, Nghệ An. Năm 1400, Hồ Quý Ly chiếm ngôi nhà Trần. Ông rời Thăng Long vào Kẻ Rộc, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu khai khẩn đất hoang. Sau gần 20 năm khai phá diện tích đã lên tới 600 mẫu và lập được chánh sứ đông vui trên một ngọn đồi thoai thoải phía đông đập Bàn Trang. Ngoài sáu trăm mẫu ruộng thượng đẳng điền, Phan Vân còn tổ chức khai hoang một số cánh đồng và trang trại khác như Lôi Thị, Trại Chợ, Trại Dâu, Đồng Lầm, Đồng Cận...Tại đây Phan Vân đã tổ chức việc chiêu dân khai hoang, sau gần 20 năm khai phá diện tích đã lên tới 600 mẫu và lập được chánh sứ đông vui trên một ngọn đồi thoai thoải phía đông đập Bàn Trang. Phan Vân là người có nhiều đóng góp lớn cho cuộc khởi nghĩa của nghĩa quân Lam Sơn. Để nhớ ơn Phan Vân, người có công khai hoang lập ấp và dựng nên khu Chợ Rộc sầm uất, người dân nơi đây đã lập đền thờ ông. Tại đền thờ ông có đôi câu đối:

"Lục bách mẫu long hưng cửu kế, chiến tích quân lương, khởi tự triệu cơ khai sơn phá thạch
Kỷ thiên dân lạc nghiệp an cư, thuần phong hậu tục tòng lai kế thế, ngương huệ hàm ân"

Nghĩa là:

Sáu trăm mẫu kế lâu dài hưng thịnh, chiến tích quân lương, trước tự dựng nền đào núi, phá đá
Mấy ngàn dân cùng lạc nghiệp an cư, thuần phong hậu tục, đời sau nối trước, muôn đội ơn sâu.

Những câu đối nói nên nguồn gốc họ Hoàng Nghĩa ở Nghệ An sửa

Gia phả họ Hoàng Nghĩa ở Nghệ An ghi lại Tổ tiên xưa quê quán xã Hoàng Vân, huyện Kim Động, tỉnh Sơn Nam (nay là thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên). Ngài thủy tổ là Hoàng Thế Chân, sống thời Lê Thái Tổ (1428-1433) và Lê Thái Tông (1434-1439). Thế kỷ XVI, trong cuộc chiến tranh Nam Bắc triều giữa nhà Lê Trung Hưng và nhà Mạc, ngài Hồng Quốc công Hoàng Nghĩa Kiều (1540-1587) làm Đô đốc tổng binh ở Nghệ An, lấy bà Phan Thị Má ở làng Dương Xá, huyện Hưng Nguyên, sinh ra Phú Quận công Hoàng Nghĩa Lương. Đền thờ Phú Quận công ở làng Hoàng Nghĩa, nay thuộc xã Hưng Lĩnh, Hưng Nguyên, cạnh đê tả ngạn sông Lam, được con cháu xây dựng từ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845), quay mặt ra sông Lam và núi Thiên Nhẫn, gồm 2 nhà thượng và hạ. Hiện tại ở đền còn câu đối:

Gia tiên Kim Động, Hoàng Vân, Nam thiên thế phiệt
Miếu ngật Hưng Nguyên, Dương Xá, Hoan địa linh từ

Nghĩa:

Tổ tiên ở Kim Động, Hoàng Vân dòng dõi danh tiếng dưới trời Nam
Đền miếu ở Hưng Nguyên, Dương Xá linh thiêng trên đất Châu Hoan - tức đất Nghệ An

Và:

Kinh quốc cựu phần lăng, Kim Động Hoàng Vân phát tích
Quận thành kim miếu mạo, Hồng Sơn Lam thủy tăng huy

Nghĩa:

Kinh xứ cũ, nơi đặt lăng mộ. Kim Động, Hoàng Vân là nơi phát sinh gốc tích
Quận thành mới, chỗ xây đền miếu, núi Hồng Lĩnh, sông Lam là chỗ sáng dọi càng tăng

Nhà thờ họ ở Hoàng Trù còn ghi câu đối nói lên nguồn gốc họ hàng:

Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ
Chung Cự hùng thanh chấn ức niên

Nghĩa là:

Chính khí Hoàng Vân truyền muôn thuở
Tiếng hùng Chung Cự dội ngàn năm

Câu đối ở nhà thờ Vân Hồ, Hà Nội:

Triệu tích vu Kim Động Hoàng Vân, vương viết tứ tước liệt quận thập tước
Phân chi vu Nghệ An Dương Xá, nhất thôn tại tư diệc nhất thôn

Những câu đối khắc tại đền Ngọc Điền thị trấn Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An sửa

Đền Ngọc Điền được nhân dân xây dựng ngay trung tâm của làng Ngọc Điền thuộc khối 4, thị trấn Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đền Ngọc Điền là nơi thờ Thành hoàng Cao Sơn, Cao Các và Thánh mẫu Liễu Hạnh, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân làng Ngọc Điền ở Thị trấn Hưng Nguyên và các vùng lân cận. Hai bên tượng Mẫu Liễu Hạnh đặt đôi nến gỗ sơn nâu, hai cột hai bên treo câu đối chữ Hán:

Bảo quốc hộ dân chiêu thánh đức
Trừ tai giáng phúc hiển thần công

Hệ thống cửa Hậu cung được làm theo kiểu bàn khoa gồm 1 cửa và 4 cánh, có kích thước, kiểu dáng như nhau. Hậu cung là nơi thờ Cao Sơn, Cao Các, hai trụ hai bên có câu đối:

Công cao hộ quốc vạn niên trường
Đức đại an dân thiên cổ thịnh
Cao Sơn tên thật là Cao Hiển, tự là Vân Trường, quê ở Bảo Sơn, Trung Quốc. Vua nhà Tống cử Cao Hiển sang làm Tuyên phó sứ An Nam, ông giúp nhân dân An Nam diệt trừ sâu keo, thú dữ, tìm cách phát triển sản xuất. Khi ông mất, vua Tống phong cho ông làm An Nam quốc vương và giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ.
Cao Các người làng Châu Ái, Cao Xá, huyện Thọ Xuân, phủ Anh Đô. Khi gặp Đinh Bộ Lĩnh, thấy ông tư chất thông minh hơn người. Hỏi về học vấn đều đáp trôi chảy nên đã phong ông làm Giám Nghị Đại Phu. Sau trận đại thắng quân Chiêm, ông lâm bệnh và mất đột ngột tại quê nhà.

Câu đối khắc ở nhà thờ Nguyễn Bá Lai tại xã Quỳnh Giang - Quỳnh Lưu - Nghệ An sửa

Nhà thờ họ Nguyễn Bá Lai tại xã Quỳnh Giang - Quỳnh Lưu - Nghệ An. Nguyễn Bá Lai được phong là Bình Ngô Khai Quốc Bảo chính công thần, hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn khi vây hãm thành Thăng Long, vua Lê truy tặng là Thái Phó Thuần quận công, dân làng Cao Hậu Đông lập đền thờ. Nhà thờ này làm theo kiểu chữ nhị. Hậu cung ba gian, gian giữ thờ Quan Thái phó Thuần quận công và các con cháu Bái Dương hầu. Hai gian bên thờ các bà chúa, con gái của Nguyễn Bá Lai. Tiền đường 3 gian cách hậu cung 1 sân hẹp. Nhà thờ họ cụ Nguyễn Bá Lai trước đây đều có câu đối nói lên công tích của Cụ đối với dân làng trong việc mở mang làng Đăng Cao cũ cả thôn Đồng và thôn Đoài:

“Quỳ Câu thác tích nguyên lưu viễn
Vin lĩnh khai cơ cổ chí kim”

Những câu đối khắc trong đền Vạn Lộc ở Cửa Lò - Nghệ An sửa

Nguyễn Sư Hồi, tên lúc nhỏ là Nguyễn Đình Khôi, con trai trưởng của Thái sư Cương Quốc công Nguyễn Xý, sinh ngày 26/5/1444 - mất ngày 21/5/1506. Nguyễn Sư Hồi mất, triều đình cho mai táng ông tại Lùm Cò, gần đồn tiền tiêu Cửa Xá, tôn là Bản cảnh Thành hoàng và cho lập đền thờ ở làng Vạn Lộc, để nhân dân nhớ ơn, quanh năm thờ cúng. Các triều vua đều có sắc phong cho thần Bản cảnh Thành hoàng Nguyễn Sư Hồi. Đền có 3 tòa: Thượng, trung, hạ điện, nằm trên mặt bằng có diện tích 270 m2. Trong khuôn viên này còn có đền thờ 3 cha con Quận công họ Nguyễn, với bia đá 4 cạnh dựng thời Lê Trung hưng; có bia ghi công của danh y Phạm Đức Dụ; có mộ cá Ông và một số cây bàng cổ thụ hàng trăm năm, mặt trước cột nanh hoa biểu có ghi đôi câu đối Nôm:

Chi biển Long giang, muôn dặm phong lôi lừng Xá Hải
Đề tên thanh sử, nghìn năm hương hỏa rạng Lô Sơn

Mặt sau có ghi câu đối:

Tiền Gấm thủy, hậu Lô sơn, vạn cổ lý nhân văn vật địa
Đông Xá hải, tây Tượng phục, thiên thu miếu vũ đức linh thanh

Trung điện có thờ hai vị Thành Hoàng (Đông vị chính thần và Tây vị chính thần) và các vị Chánh Ngự y Phạm Đức Dụ, ba cha con quận công họ Nguyễn. Ở tòa này có câu đối:

Khai cơ lập ấp lưu đại đức
Phù bang bình tặc hiến anh linh

Thượng điện, trên khám thờ có đặt hai long ngai thờ hai vị chính thần của đền. Gian bên trái thờ Chiêu Trưng vương Lê Khôi. Gian bên phải thờ Thái úy Quận công Nguyễn Sư Hồi.

Những câu đối khắc ở đền Diên Nhất, Cửa Lò - Nghệ An sửa

Đền Diên Nhất ở phường Nghi Hương, thị xã Cửa Lò thờ Hoàng hậu Hoàng Thị Lê và phối thờ các vị thần phật: Thành hoàng đức Bảo Cảnh Nguyễn Công Chính; Dương Cảnh Thành hoàng Lý Vực; Trung tín chính trực Trung đẳng thần; Tam tòa Thánh mẫu và 5 vị Tiên ông. Phường Nghi Hương, phía Bắc giáp P. Nghi Thu, phía Nam giáp P. Nghi Hòa, phía Tây giáp xã Nghi Thạch (huyện Nghi Lộc), phía Đông là bãi tắm Cửa Lò, trước Cách mạng tháng 8 thuộc xã Hiếu Hạp, tổng Thượng Xá, huyện Nghi Lộc. Bà Hoàng Thị Lê ở Văn Trung lúc còn trẻ là một cô gái vừa xinh đẹp, vừa giỏi giang việc nội trợ. Bà đã lọt vào mắt của vua Lê Chân Tông trong một lần nhà vua hành quân đi đánh chúa Nguyễn, dừng nghỉ chân ở bãi biển Cửa Lò và trở thành hoàng hậu của vua Lê Chân Tông (1643-1649). Sau khi nhà vua mất, bà về quê tổ chức giúp dân mở mang, phát triển nghề đi biển và nông trang, trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải...Sau khi mất (1690), bà được dân tôn thờ tại đền Diên Nhất (Văn Trung), mặt trước cổng chính của đền có ghi đôi câu đối cổ:

“Thượng Cầu Ngã, Hạ Bồi Mao, chiếu chỉ Lê Triều sáng nghiệp
Bắc Lan Châu, Nam Lập Thạch, thần dân Đông Bái yên cư”

Các câu đối khác:

“Nghi trượng bảo lưu linh tự cổ
Miếu từ tu tạo hiển như sơ”

Tạm dịch nghĩa:

Nghi trượng còn bảo lưu được dấu thiêng từ xưa
Đền miếu tu tạo lại hiển linh như buổi đầu

Và:

“Cổ kim hữu đức năng tỷ phúc
Thượng hạ vô tư khả đạt thiên”

Tạm dịch:

Xưa nay có nhân đức mới được hưởng nhiều phúc
Trên dưới nếu vô tư sẽ cầu thấu tới trời

Hoặc:

“Thần chi vi đức kỳ thịnh
Dân giả trực đạo nhi hành”

Tạm dịch:

Thần là làm đức nên phát thịnh
Dân theo đường thẳng mà cùng đi

Những câu đối khắc tại từ đường Thái Nhạc Quận Công Đặng Hiệt (1730 - 1777) sửa

Ðặng Hiệt (1730 - 1777), người thôn Văn Liêu, xã Uy Viễn, người thôn Văn Liêu, xã Uy Viễn. Ðặng Hiệt tên chữ là Sỹ Hàn, hiệu là Bác Ái Ðường. Khoa thi năm Quý Dậu (1753) đời Cảnh Hưng thi đỗ Tam trường, được bổ chức Tri châu Kỳ Sơn (Nghệ An). Dưới triều vua Cảnh Hưng, Ðặng Hiệt giữ chức Minh Nghị tướng quân táo trung tước đội thuỷ ngân, Tổng Binh sứ thăng làm Tổng Binh đồng trị, phong hàm Anh liệt tướng quân, tước Thái Nhạc hầu. Tiếp đó lại được thăng chức Ðô chỉ huy sứ tước Thái Nhạc quận công, giữ chức Tổng binh trấn thủ Nghệ An kiêm đốc vận quân lương cho chúa Trịnh đi đánh dẹp chúa Nguyễn ở Thuận Hoá. Ðặng Hiệt mất đột ngột tại nhiệm sở Vĩnh Doanh khi mới 47 tuổi. Hiện nay tại từ đường Thái Nhạc quận công ở xã Tiên Điền huyện Nghi Xuân tỉnh Nghệ An có câu đối ngoài cổng:

Xa Tứ đình lư tri tổ đức
Y quan môn hộ kiến tôn công

Mặt tiền từ đường: trên cùng có 3 chữ Hán: "Nam Dương Quận” và phía dưới có 3 câu đối:

Sơn Vi Chương Ðức cựu môn phong
Hồng Lĩnh Lam Giang tân địa quyết
Phụ quốc huân danh thùy trúc bạch
Yên nhưng tích tự bá hà sơn
Võ lược anh huy sinh thụ tướng
Văn khoa bảng giáp tử tôn thần

Bên trong có câu đối:

Tước long triều trụ thiên ân đại
Cảnh đối Hồng Sơn địa vọng cao

Những câu đối khắc ở đền thờ thân mẫu Mai Hắc Đế và đền thờ Mai Thúc Loan sửa

Mẹ vua Mai Thúc Loan người huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) lưu lạc đến vùng rú Dẻ (xã Nam Thái ngày nay), hằng ngày kiếm củi hái rau sinh sống và sinh ra người con trai duy nhất. Khi bà mất, người con được dân làng cưu mang, lớn lên thành một thanh niên khỏe mạnh, vạm vỡ, trở thành Mai Hắc Đế sau này. Khu mộ của bà được xây dựng ngay trên đỉnh rú Dẻ, rất thiêng. Hai câu đối ở 2 cột trong đền thờ:

天祿梅林為舊貫 Thiên Lộc Mai Lâm vi cựu quán (Thiên Lộc: tên cũ của huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Mai Lâm: làng Mai Lâm xã Mai Phụ thuộc huyện Thiên Lộc xưa kia, nay thuộc huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Vi: là. Cựu quán: quê quán cũ, quê hương cũ. “Thiên Lộc Mai Lâm vi cựu quán” nghĩa là: “Làng Mai Lâm huyện Thiên Lộc xưa kia là quê hương cũ, quê hương gốc gác ban đầu (của thân mẫu vua Mai và vua Mai)”
東烈玉澄是新鄉 Đông Liệt Ngọc Trừng thị tân hương (Đông Liệt: xã Đông Liệt ngày xưa, nay là xã Nam Thái, huyện Nam Đàn. Ngọc Trừng là thôn Ngọc Trừng ngày xưa, nay là xóm 1 xã Nam Thái, huyện Nam Đàn. Thị: là. Tân hương: quê hương mới, quê hương thứ hai. “Đông Liệt Ngọc Trừng thị tân hương” nghĩa là “Thôn Ngọc Trừng xã Đông Liệt là quê hương mới, quê hương thứ 2 (của thân mẫu vua Mai và vua Mai)”
Về nội dung, hai câu đối này đã giúp cho nhiều người biết và nhớ được rằng mẹ của vua Mai đã rời quê hương bản quán từ huyện Thiên Lộc (Can Lộc) tỉnh Hà Tĩnh đến huyện Nam Đàn tỉnh Nghệ An để làm ăn sinh sống trên quê hương thứ hai. Từ đó suy ra, chúng ta biết được rằng một số tinh hoa ở tỉnh Hà Tĩnh đã kết hợp với một số tinh hoa ở Nghệ An rồi sinh ra một nhân tài lỗi lạc từ trong một gia đình nông dân nghèo khổ cách đây 13 thế kỷ

Hai câu đối ở hai cột quyết phía trước đền thờ:

小時滅虎為母報深讎 Tiểu thời diệt hổ, vị mẫu báo thâm thù (Tiểu thời: khi còn nhỏ bé. Vị: vì. Vị mẫu: vì mẹ. Báo: báo thù, trả thù. Thâm thù: mối thù sâu nặng. “Tiểu thời diệt hổ, vị mẫu báo thâm thù” nghĩa là “Khi còn nhỏ bé Mai Thúc Loan đã diệt hổ để báo mối thù sâu nặng cho mẹ”)
大時平賊為民除大辱 Đại thời bình tặc, vị dân trừ đại nhục (Đại thời: khi khôn lớn. Bình tặc: dẹp giặc, đánh giặc. Vị dân: vì nhân dân. Trừ: trừ khử, tiêu trừ. Đại nhục: nỗi nhục lớn. “Đại thời bình tặc, vị dân trừ đại nhục” nghĩa là “Khi khôn lớn (Mai Thúc Loan) đã lãnh đạo nhân dân ta đánh giặc Đường, trừ bỏ được nỗi nhục lớn cho dân tộc”)
Mai Thúc Loan mới lên 10 tuổi thì mẹ ông chẳng may bị hổ vồ, cậu bé đã dũng cảm xông tới chém con hổ bị thương nặng, rồi sau đó diệt được nó. Qua sự kiện này, chúng ta thấy rằng khi còn nhỏ, Mai Thúc Loan đã vô cùng dũng cảm và hiếu thảo, trả được mối thù sâu nặng, cho mẹ yên lòng nơi suối vàng. Vế thứ hai đã ca ngợi và ghi nhớ công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc vĩ đại Mai Đại Đế trong sự nghiệp đánh giặc Đường, rửa được nỗi nhục nhã to lớn cho dân tộc, lập nên triều đại nhà Mai oanh liệt trong gần 10 năm

Đền thờ Mai Hắc Đế ở khu vực Ngọc Đái Sơn, trước thuộc làng Hương Lãm, tổng Nộn Liễu, nay là thị trấn Sa Nam. Đây là ngôi đền cổ uy nghi và nổi tiếng linh thiêng mà ngày xưa được coi là tổng hành dinh cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan. Khi vua xưng đế, lập quốc hiệu Vạn An thì nơi đây được coi là quốc đô. Trong đó có câu đối nổi tiếng liên quan đến lòng dân ngày ấy:

Một dạ như cha con cầm tay mà đánh giặc
Ngàn năm tựa vua tôi, sát cánh để lên trời

Những câu đối khắc tại lăng mộ Nguyễn Trường Tộ ở huyện Hưng Nguyên tỉnh Nghệ An sửa

Nguyễn Trường Tộ (1828 – 1871) còn được gọi là Thầy Lân, sinh tại làng Bùi Chu, thuộc huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Năm 27 tuổi, ông được giám mục Gauthier đưa vào chủng viện Tân ấp thuộc xứ đạo Xã Đoài để dạy chữ Hán cho giám mục, và được giám mục dạy lại cho chữ Pháp cũng như kiến thức khoa học châu Âu. Năm 1858, giám mục Gauthier đưa Nguyễn Trường Tộ sang Pháp để tạo điều kiện học tập, nâng cao kiến thức nhiều mặt. Năm 1861, Nguyễn Trường Tộ trở về Tổ quốc, Trí tuệ lỗi lạc của Nguyễn Trường Tộ đã vượt hẳn lên trên tầm thời đại giữa thế kỷ 19 ở Việt Nam. Ông chết âm thầm ở làng quê Bùi Chu ngày 10 tháng 10 năm Tự Đức thứ 24, tức 23 tháng 11 năm 1871. Bia đá ghi chép tiểu sử của Nguyễn Trường Tộ và lăng của ông được làm vào năm 1943 ở xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên. Ở bia đá ghi chép tiểu sử của Nguyễn Trường Tộ có hai câu đối bằng chữ Hán như sau:

忠 君 正 策 光 前 史
愛 國 精 神 起 後 人
Trung quân chính sách quang tiền sử
Ái quốc tinh thần khởi hậu nhân

Giải nghĩa từng từ như sau: 忠: trung thành, 君: vua; 忠 君: trung thành với vua; 正: chính xác, đúng đắn; 策: sách lược, mưu kế; 正 策: sách lược đúng đắn, mưu kế đúng đắn; 光: sáng ngời, 前 史: thời kỳ lịch sử trước kia; 愛 國: yêu nước; 愛 國 精 神: tinh thần yêu nước; 起: cổ vũ, khích lệ; 後 人: các thế hệ sau, các lớp người sau. Nghĩa của cả 2 câu này là: “Những sách lược đúng đắn, trung thành với vua (do ông Nguyễn Trường Tộ nêu ra) đã sáng ngời trong thời kỳ lịch sử trước kia (tức là thời kỳ ông Nguyễn Trường Tộ sống ở thế kỷ XIX). Tinh thần yêu nước (của ông Nguyễn Trường Tộ) đã cổ vũ các thế hệ sau ông”.

Hai câu đối chữ Hán ở lăng Nguyễn Trường Tộ như sau:

一 失 足 成 千 古 恨
再 回 頭 是 百 年 基
Nhất thất túc thành thiên cổ hận
Tái hồi đầu thị bách niên cơ

Dịch nghĩa: “Một lần không thành công, để hận cho mãi mãi. Quay đầu nhìn trở lại, cơ đồ mất trăm năm”. Câu này vó nguồn gốc từ 1 điển cố Trung Hoa như sau: ông Dương Nghi đời nhà Minh đã dẫn 2 câu thơ của ông Dần đậu giải nguyên đời nhà Đường như sau:

一 失 腳 成 千 古 笑 再 回 頭 是 百 年 人

Nhất thất cước thành thiên cổ tiếu

Tái hồi đầu thị bách niên nhân

Nghĩa là “vừa lỡ bước, phạm sai lầm nên (mình) đã gây nên một trò cười muôn thuở (cho mọi người). Ngoái đầu lại (nhìn) thì (mình) đã là một người trăm tuổi”. Người trăm tuổi tức là người già hom hem, cuộc đời tàn lụi rồi, không còn gì nữa. Hai câu thơ trên lưu hành rộng rãi, trở thành 2 câu thơ dân gian, ít người biết tác giả của nó là ai. Nhân dân Trung Quốc sửa lại hai câu thơ trên như sau:

一 失 足 成 千 古 恨

再 回 頭 是 百 年 人

Nhất thất túc thành thiên cổ hận

Tái hồi đầu thị bách niên nhân

Giải nghĩa từng từ như sau: 一: vừa mới, 失 足: lỡ bước, phạm sai lầm, 成: trở thành, gây nên; 千 古: mãi mãi, muôn thuở; 恨: nỗi hối hận (danh từ); 再: lại, 回 頭: quay đầu, ngoái đầu nhìn, 是: là. Nghĩa của hai câu là “Vừa mới lỡ bước, phạm sai lầm mà (mình) đã tự gây nên sự hối hận mãi mãi. Quay đầu lại nhìn thì (mình) đã là người trăm tuổi rồi”. Tôi xin nói thêm để một số độc giả biết như sau: 腳 (cước) và 足 (túc) đều có nghĩa là cái chân để đi, để chạy, để nhảy của người và động vật. Vì thế, 失 腳 (thất cước) cũng đồng nghĩa với 失 足 (thất túc), nghĩa là lỡ bước, phạm sai lầm. Chữ 腳 và 足 đều là danh từ và đều là thành trắc như nhau. 笑 (tiếu) và 恨 (hận) cũng đều là danh từ và đều là thanh trắc như nhau. Thế là chúng ta thấy rằng Từ điển Từ Nguyên của Trung Quốc giải thích thật sáng sủa và dễ hiểu.

Những câu đối khắc tại đền Bạch Mã - Nghệ An sửa

Đền Bạch Mã nằm trên địa bàn thôn Tân Hà xã Võ liệt huyện Thanh Chương tỉnh Nghệ An, cạnh đường Hồ Chí Minh về quê Bác, cách cầu Rộ về phía Tây khoảng 3km. Theo truyền thuyết và đền phả thì Đền Bạch Mã được lập để thờ danh tướng Phan Đà người thôn Chi Linh xã Võ Lỉệt, một trong những người đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Minh ở thế kỷ 15. Phía trước cổng được đắp hình 2 voi chiến và 2 quản voi, hai bên mặt đối diện cột nanh ghi 2 câu đối được dịch là:

“Trời rung đất chuyển công lao vĩ đại, triều đình khen thưởng khí sắc phong.
Nước biếc non xanh, chuông thật linh thiêng, vũ trụ khua vang yên cảnh phúc”

Một câu đối khác có nội dung như sau:

Phù quốc lộ ư La Thành, vạn cổ uy thanh truyền mã tích
Ngật tôn từ vu giang tứ, thiên thu vượng khí trấn Long Biên

Tạm dịch:

Giúp nước thịnh ở La Thành, muôn thuở uy danh truyền dấu ngựa
Bến sông nước, nghìn năm vượng khí giữ Long Biên

Những câu đối đề ở Đền Thánh Hoàng Mười - Nghệ An sửa

Đền Thánh Hoàng Mười được xây dựng dưới Triều vua Lê Thần Tông, niên hiệu Đức Long (năm 1634). Đây là ngôi đền nổi tiếng ở Nghệ An thờ đạo Mẫu Tứ phủ, vị thần được thờ chính là ông Hoàng Mười. Đức Thánh Hoàng Mười là con trai thứ mười của vua Thần Long Bát Hải Đại Vương và Đệ Nhất Thánh Mẫu Tiên Thiên Công chúa ở hồ Động Đình. Bát Hải Đại Vương vốn là Thiên Quan Đào Nguyên, vậy Hoàng mười là Hoàng tử thứ mười của Thiên Quan Đại Vương Bát Hải. Tương truyền rằng, ông là một vị tướng có công trong cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, ông hy sinh trong trận Âm Công đánh vào thành Lục Niên, Âm Công là một trận voi giã chiến, thuyền giả, ngài kéo quân đánh tập hậu làm quân Minh kinh hồn bạt vía. Ngài bị thương nặng chỉ kịp phi ngựa về đến quê nhà thì mất. Chính môn, với đôi cột quyết cao, trên mỗi đỉnh có hình con nghê ngước lên trời thẳm. Hai mặt ngoảnh ra đường khắc hai câu đối:

Lê triều hiển hách Trung lương tướng
Nam Quốc phương danh Thượng đẳng thần

Tả, Hữu cũng là những chiếc cổng thấp hơn nhưng vẫn đường bệ với hàng hiên uy nghi ôm giữ lấy bức tạc môn có voi chầu, hổ phục với đôi câu đối:

Linh khí tại thiên, danh tại sử
Huân công ư quốc, đức ư dân

Từ đó đi vào ta gặp Tả vu, Hữu vu; Lầu cô, Lầu cậu. Rồi bước dần lên Hạ điện, Trung điện và Thượng điện. Khu vực nào cũng được chạm trổ mỹ thuật, sơn son, thiếp vàng. Đôi câu đối ở hàng hiên của Hạ điện:

Cao sơn hải hoạt sinh thành đức
Nghĩa cửu, thiên trường hiếu kính tâm

Đôi câu đối phía trong của tòa thờ này:

Đế thích Long Vương khai thái vận
Thiên sinh thần vũ dực hồng đồ

Những câu đối khắc tại Phủ thờ Trần Đăng Dinh - Nghệ An sửa

Phủ thờ Trần Đăng Dinh, trước Cách mạng tháng Tám 1945, nằm ở thôn Phúc Thọ, tổng Quan Hóa, phủ Diễn Châu, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An. Sau năm 1945, đền thuộc vùng đất của xã Giai lạc, huyện Yên Thành. Từ năm 1953 xã Giai Lạc chia thành ba xã Đồng Thành, Phúc Thành và Hậu Thành, di tích thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành và tồn tại cho đến ngày nay. Trần Đăng Dinh (1691 - 1620) húy Càn, tự là Cương Nghị, còn tên gọi khác là Doanh Doanh. Trần Đăng Dinh là vị tướng có công đánh giặc an dân, chiêu dân, lập làng, mở chợ. Ông được người đời coi là "Liêm dũng tử", vị phúc thần và được nhiều làng lập đền thờ nhưng đền thờ chính được đặt ở làng Nam Sơn, xã Phúc Thành ngày nay. Trên các thân trụ đều được khắc câu đối với nội dung nhắc lại công đức của các vị thần được thờ trong đền:

“ Nhật nguyệt chiếu tiền quang”
“Sơn hà thùy hậu dụ”
“Danh phù quốc trụ quang tiền sử”
“Kiến lập cư dân thế hữu từ”

Những câu đối khắc tại đền thờ Chiêu Trưng Đại Vương và đền Vọng làng Dương Luật sửa

Lê khôi, thụy là Võ Mục, con ông Lê Trừ là anh thứ hai của Lê Lợi. Lê Khôi làm quan 3 triều (Lê Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông) lên tới chức Khâm sai Tiết chế thủy lục như Dinh, Hộ vệ Thượng tướng quân. Năm 1446, ông phụng mệnh vua Nhân Tông đi đánh Chiêm Thành ở châu Thuận Hóa. Trên đườngvề, đoàn chiến thuyền đến chân núi Long Ngâm của dãy Nam Giới thì ông mất. Nhà vua cho lập đền thờ, phong tặng “ Chiêu Trưng Đại Vương”. Ở Hạ điện có đôi câu đối:

Thượng đẳng hiển anh linh thiên hạ huyền công bang hải đạo
Quốc triều long tự tải nhân bằng thịnh đức phát tài nguyên

Lăng mộ của Đại vương ở phía sau thượng điện, không cao to, đồ sộ nhưng trang trọng, uy nghiêm. Sau hương án là lối vào có hai hổ chầu hai bên. Ở hai cột nanh có khắc đôi câu đối:

“Yên chức hào kiệt
Chiến tích anh hùng”

Đền Chiêu Trưng Đại vương trầm mặc, thấp thoáng trong rừng xanh để quanh năm ngắm non trông bể, lắng nghe âm thanh của tạo hóa, hòa âm của sóng biển với gió rừng. Đúng như câu đối khắc ở đền vọng làng Dương Luật:

Vạn cổ thanh danh tùy bất hủ
Tam triều lãm vọng lẫm như sinh

Dịch nghĩa:

Tiếng tăm, công đức của Người mãi trường tồn
Ba triều vua ngóng trong vẻ lẫm liệt oai hùng như Người còn đó

Những câu đối khắc tại nhà thờ Nguyễn Bá Lân xã Cổ Đạm - Hà Tĩnh sửa

Thượng thư Nguyễn Bá Lân (1700 - 1785) quê làng Cổ Đô, phủ Tiên Phong, trấn Sơn Tây (nay là thôn Cổ Đô, xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, TP Hà Nội). Ông là người văn võ kiêm toàn, nhiều lần được chúa Trịnh cử đi trị loạn...đặc biệt, ông có công lớn trong đợt trấn ải ở biên cương Cao Bằng. Năm 1760, nhân dân Cao Bằng đã làm một bức trướng gấm vẽ hoa rồng để mừng Cụ và một bức trướng văn gửi lên chúa với tiêu đề: "Cao Bằng đất khách hạ trướng văn". Nhà thờ Nguyễn Bá Lân nằm trong khu dân cư thôn 11 xã Cổ Đạm huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh. Hiện có đôi câu đối nội dung như sau:

Muôn đời hương khói làng có minh đình nhà có miếu
Chín bệ ban ơn rạng rỡ từ họ Nguyễn gốc đời Lê

Phía trên cao gian giữa tường sau hạ điện treo bức đại tự gồm 3 chữ Hán: Đức – Lưu – Quang (Đức dáng chảy mãi), phía dưới treo bức cửa võng thêu rồng và đôi câu đối chữ Hán:

祖功宗德千年盛 Tổ công tông đức thiên niên thịnh (Tổ tiên công đức ngàn năm thịnh)
子孝孫賢萬代榮 Tử hiếu tôn hiền vạn đại vinh (Con cháu hiếu hiền muôn thuở vinh)

Giữa cửa chính lên trung điện đặt hương án gỗ và lư hương, hạc thờ. Hạ điện và trung điện cách nhau 1,60m được che bởi mái tôn cuốn vòm để sử dụng không gian hành lang. Trung điện có 3 gian rộng 25m2, kết cấu vì kèo và bố trí gian theo kiểu hạ điện nhưng kích thước có nhỏ hơn chút ít. Mái lopự ngói âm dương; bờ nóc, bờ chảy đắp kiên cố, giữa bờ nóc đắp hình mặt trời trong vòng tia lửa. Hai trụ giữa khắc đôi câu đối:

Dương vũ hùng uy danh bất dẫn
Hồi phong linh ứng trạch như tân

Nghĩa là:

Uy hùng vũ dũng danh còn mãi
Oai phong đã ứng trạch như mới.

Hai trụ gian bên khắc câu đối:

Thiên thu vĩnh điện cương thường trụ
Nhất tự vinh đàn cáo mệnh hoa

Nghĩa là:

Ngàn thu bền vững cội cương thường
Một chữ vua ban cũng là hoa đẹp

Thượng điện là nơi thờ cao nhất nên được tập trung bố trí cẩn trọng. Nơi cao nhất gian giữa đặt 2 giá ngai trong khảm gỗ lồng kính thờ Nguyễn Bá Lân và thủy tổ Nguyễn Biến. Đặc biệt trước bàn thờ gian trong treo đôi câu đối chữ Hán:

Tổ đức tôn công lai dã viễn
Xuân thường thu tự phụng duy tư

Nghĩa là:

Công đức tiên tổ đến nay đã xa
Xuân thu thường kỳ phụng thờ ghi nhớ.

Gian ngoài treo đôi câu đối chữ Hán:

Thế phả tương truyền Nguyễn gia đệ tam phái
Tổ tôn hợp tự Bảo Đại kỷ nguyên niên

Nghĩa là:

Thế phả tương truyền họ Nguyễn chi ba
Tổ tôn hợp tự Bảo Đại năm đầu.

Câu đối khắc tại đền thờ Đặng Hữu Cán ở Thạch Tiến - Hà Tĩnh sửa

Đặng Hữu Cán sinh năm Mậu Ngọ 1738, con một vị quan quê vùng Vân Tán (Da Dù) Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh. Ông gia nhập quân đội nhà Lê giữ chức Chánh suất đội và phụ trách nhiều đội quân nên gọi là Chánh suất đội trưởng. Nhà Lê suy yếu, Ông đưa quân lính tìm đến nghĩa quân Tây Sơn. Đặng Hữu Cán được Bắc Bình Vương - Nguyễn Huệ cử đi trấn ải ở bờ Nam sông Lam-Hà Tĩnh. Trong chiến dịch tiêu diệt 29 vạn quân Thanh xâm lược (1789), Đặng Hữu Cán đã góp phần đáng kể trong việc giúp Quang Trung - Nguyễn Huệ tuyển mộ thêm được hàng vạn binh sĩ ở Nghệ An, góp phần vào thắng lợi cuối cùng. Năm 1802, Đặng Hữu Cán bị bệnh mất tại Phú Xuân, tại đền thờ Đặng Hữu Cán ở xã Thạch Tiến huyện Thạch Hà tỉnh Hà Tĩnh còn giữ câu đối được khắc trên 2 tấm gỗ sơn son thếp vàng, nội dung:

Tổ khảo thiên thần thiên cổ tụy
Xuân thu thường tự ức niên tân.

Tạm dịch:

Tinh thần của ông cha ngàn đời nhóm tại đây
Cúng tế hai mùa Xuân Thu muôn năm vẫn cứ làm mãi.

Câu đối khắc tại miếu Biện Sơn - Hà Tĩnh sửa

Miếu Biện Sơn Còn goi là miếu bà Chúa Sơn, một trong Tam toà Thánh mẫu. Tại xóm Biện Sơn, làng Thượng Yến, xã Hồng Lộc, huyện Can Lộc. Thời Hậu Lê (Thế kỷ XVI) được sắc phong Thượng đẳng thần. Hai cột trụ trước miếu đắp câu đối nội dung như sau:

“Tướng nữ thần cung giai phát tích
Biện Sơn cung ứng mạch tăng uy”

Những câu đối ở làng Lệ Sơn thuộc xã Văn Hoá huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình sửa

Câu đối của Lệ Sơn phần lớn được sáng tác dành để thờ ở các công trình kiến trúc văn hóa của làng và các họ, những câu đối này chính là những thông điệp mà các thế hệ tiền nhân nhắn gửi lại cho lớp hậu thế của Lệ Sơn. Những câu đối này do 1 bô lão cự phách của làng là Nhà Nghiên Cứu Hán Nôm Lê Doạn (sinh 1920) cung cấp:

  • Câu đối tại miếu thờ Ngài Sơ tổ Lê tộc đại tôn:
Sơn hà phong cảnh đại quan (Sông núi, phong cảnh Lệ Sơn thể hiện tầm nhìn rộng lớn)
Lễ nhạc y quan sở túy (Làng có nghi thức lễ nhạc, y phục đẹp: muốn nói phong tục tập quán thể hiện tính văn hóa cao)
Cư tiên bát đại tính (Họ Lê định cư ở Lệ Sơn sớm nhất trong số 8 họ lớn của làng)
Vi thủ tứ danh hương (Lệ Sơn là làng đứng đầu trong số 4 làng văn vật của phủ Quảng Trạch)
Vạn thế sinh nhân tổ (Hàng vạn thế hệ con cháu được tổ tiên sinh ra)
Ức niên bản thổ thần (Ngài Sơ tổ được tôn thờ làm thổ thần của Lệ Sơn đã hàng trăm năm)
  • Câu đối tại miếu thờ Ngài Thủy tổ Lê tộc đại tôn:
Thần sơn ngật ngật đề phong tráng (Núi Thần Vì (99 chóp) thẳng đứng trước gói bão nhờ có chân vững chãi, hùng mạnh)
Sinh thủy nguyên nguyên phái dẫn trường (Rào Nước Mội do nước khắp nơi tụ hội về nên không bao giờ cạn)
Rào mước mội là một con suối nước chảy ra từ trong lòng núi đá vôi ra một hang đá chỉ đủ một người nằm rồi chảy ra một cánh đồng tạo thành một bàu nước ngọt. Do nước chảy từ trong núi đá ra nên khi chảy ra hang đá thì nước trọng sạch và mát lạnh Nhiệt độ của nước về mùa hè chỉ vào khoàng 18-20 độ C. Nhờ dòng nước mát lạnh này Rào Nước mội trở thành một nhà tắm lý tưởng của làng Lệ Sơn giữa ngày hè oi bức. Rào có thể khai thác để làm nơi tham quan và du lịch tắm nước mát lạnh trong lành kết hợp với leo núi và câu cá.
Sơ sinh nhân sỹ đội nông canh bất ngoại (Con người lúc ban đầu phải lấy việc học tập và sản xuất nông nghiệp để tồn tại không gì ngoài 2 vấn đề điều này)
Cứu yên trạch cao khoa hiển hoạn kỳ trung (Nghiên cứu để giữ yên mồ mả sẽ giúp con cháu đỗ đạt cao, làm quan to đều là ở trong đó cả)
Nhân xuất sơ, thủy lục lam sơn chung thụy khí (Tài trí người Lệ Sơn trước hết là nhờ khí thiêng sông núi chung đúc nên)
Thiên tác thỉ, Linh nam Thần bắc triển hồng cơ (Trời sinh ra vùng đất phía Nam sông Gianh (Linh giang), phía bắc núi Thần Vì phát triển từ đời Hồng Đức)
Triệu bồi đức hợp Càn Khôn đạt (Việc xây dựng làng Lệ Sơn là phù hợp với đạo lý của Trời, Đất)
Khai tịch nhân tồn vũ trụ gian (Khai canh lập ấp nên làng xóm cho con người sinh sống là để tình thương yêu bao la cho hậu thế)
  • Câu đối tại miếu thờ Trần tộc đại tôn:
Hồng Đức khai canh tổ (Thủy tổ là đấng khai canh thời Hồng Đức)
Duy Tân dực bảo thần (Đến đời vua Duy Tân được phong “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”)
Như vậy, cặp câu đối này ca ngợi Thủy tổ họ Trần - Cố Trần Cảnh Hựu là người tham dự việc khai canh làng Lệ Sơn; đến đời vua Duy Tân được sắc phong thần.
Phái hệ ức niên, tiên lĩnh cổ (Một dòng họ lâu đời tốt đẹp)
Phạm mô thiên tải bút phong cao (Một nhà sư phạm mẫu mực có văn chương cao siêu)
Câu đối này nhằm ca ngợi cố Trần Cảnh Huống - Sơ tổ họ Trần là một thầy giáo từng giữ chức Thái học mô phạm đường quan là người học rộng văn chương uyên bác.
Tiếp mạch Thần sơn Tiên chỉ cựu (Nhà thờ tổ họ Trần ở vị trí tiếp được mạch núi Thần Vì nên Trần tộc có người làm Tiên chỉ làng Lệ Sơn)
Án thừa Linh thủy hộ chân tân (Phía tiền án nhà thờ Trần họ có nước sông Gianh giúp khí tốt luôn đổi mới)
Tam chi huyết thống lưu trường đại (Ba chi cùng huyết thống do Thủy tổ sinh ra giữ được sự lớn mạnh lâu dài)
Nhất bản tồn dư ngũ bách niên (Từ một gốc sinh ra mà cả dòng họ đã lưu truyền lớn mạnh ở Lệ Sơn trên năm trăm năm)
  • Câu đối rại miếu thờ họ Lương:
Nước sông xanh mát bởi nguồn sâu
Cành lá xum xuê nhờ gốc vững
Chúng ta có thể hiểu rằng: "con cháu trong họ tộc thành đạt là do công đức tổ tiên. Con cháu phát triển rường rạt là nhờ tổ tiên đã tạo nên gốc rễ vững chắc".
Tiên tổ khai canh ngời hậu thế (Công đức khai canh của thủy tổ sáng ngời mãi với các thế hệ sau)
Tử tôn kế nghiệp rạng tiền nhân (Con cháu kế tục được truyền thống làm sáng ngời sự nghiệp của cha ông)
Thủy tổ khai canh lập ấp miếu (Ngài thủy tổ có công khai canh lập ấp, dựng tôn miếu)
Trung hưng dực bảo linh phù thần (Được Triều đình sắc phong là “Dực bảo trung hưng linh phù chi thần”)
Công minh thạch bảng Bảng sơn cao (Phẩm chất công minh cứng rắn cao vời như lèn Bảng)
Đức dụ nhân sinh Sinh thủy tú (Người sống có đức thì sẽ sinh được con cháu tốt đẹp)
  • Câu đối ở miếu thờ họ Phan:
Công cao thùy vạn cổ (Công lao của tổ tiên cao vời vợi)
Đức hậu hiển ức niên (Đức lớn của tổ tiên để lại vinh hiển cho con cháu hàng vạn năm)
Tổ tông công đức bách thế bất thiên (Công đức của tổ tiên muôn đời không thay đổi)
Tử hiếu tôn từ vạn đại như kiên (Con hiếu cháu hiền vạn đời hưng thịnh)
  • Câu đối tại miếu họ Bùi:
Tiên tổ phúc dày lưu hậu thế
Cháu con đức sáng rạng tiền nhân
  • Câu đối trên Đình thánh (Văn chỉ thờ Khổng tử) của Lệ Sơn Thượng:
Thánh đạo nhật trung thiên hưng giận phi quan Tần dự Hán (Đạo thánh giống như mặt trời lúc 12 giờ trưa tỏa ánh sáng khắp bán cầu)
Tư văn vị trụy địa lưu hành hà hãn Á di Âu (Văn minh là của chung lưu hành cả địa cầu không chỉ riêng của Á, Âu)
  • Câu đối của hậu duệ đời thứ 12 của Lê Văn Hành là Lê Bính - người chủ trì việc trùng tu đình làng đầu thế kỷ XX:
Khí tác sơn hà công minh chính trực nhi nhất (Núi sông hun đúc nên con người nơi đây cái khí chất công minh chính trực được xếp hàng đầu)
Đức hợp thượng hạ cao minh bác hậu vô cương (Từ quan, viên, chức dịch đến đinh tráng, lão hạng; từ trên xuống dưới đồng lòng hòa hợp thì sáng suốt, uyên bác vô biên)
  • Câu đối tại miếu thờ Đức ông Mạnh Linh:
Cửu trùng hoa tuấn thiên thân Mệnh (Dưới gầm trời này những người tài giỏi tuấn tú vẫn không thể vượt qua số phận (Thiên mệnh) ý của vế đối này còn muốn nói Đức ông Mệnh Linh qua đời là do số trời định sẵn vì ông “ngộ phải cuồng phong độc vũ”)
Giang sơn chung tú địa dị Linh (Đất Lệ Sơn kỳ lạ và linh thiêng bỡi sông núi tươi đẹp. Đất Lệ Sơn linh dị vì sau khi Đức ông qua đời bên lùm cây lập tức được mối đùn đất lên thành một ngôi mộ tự nhiên. Mộ của Đức ông người xưa thường gọi là “mộ thiên táng”. Câu đối này lấy chữ cuối cùng trong mỗi vế ghép lại sẽ được tên của Đức ông là Mạnh Linh)
  • Câu đối do nhà giáo Lê Ngọc Di sáng tác được viết trên cổng chào thôn Phúc tự:
Quê hương cẩm tú sinh nhân kiệt
Quần chúng cần lao dưỡng anh hùng
  • Câu đối của nhà nghiên cứu Hán - Nôm Lê Doạn:
Núi Vải tiềm tàng đầy quả ngọt
Vườn Chùa ấp ủ đủ hoa thơm
  • Câu đối của tác giả Đào Nguyên:
Vui xuân cùng bè bạn viếng động Chân Linh
Đón tết với cháu con thăm chùa Phúc Tự
  • Câu đối của tác giả Lê Hữu Nguyên:
Lệ Sơn linh địa truyền muôn thuở
Văn Hóa tài nhân nối vạn thời
  • Câu đối của tác giả Lê Bảo:
Tiền bối khai canh dựng làng Lệ Sơn văn hiến
Hậu sinh kế nghiệp xây xã Văn Hóa anh hùng

Những câu đối khắc ở đình làng Cao Hạ xã Hạ Trạch huyện Bố Trạch tỉnh Quảng Bình sửa

Làng Cao Lao Hạ thuộc xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ban đầu từ những người di cư lập ấp từ thời Lý, đến thời hậu Lê, đặc biệt sau khi vua Lê Thánh Tông (1470) xuống chiếu mộ dân vào lập ấp ở châu Bố Chính; thì Cao Lao Hạ - Hạ Trạch mới chính thức hình thành.

Câu đối thứ nhất: Hướng về phía Bắc: Tức là 2 vế, mặt trước cổng, từ ngoài đi vào Đình, tả phong cảnh trước mặt làng, mỗi vế đối có 11 chữ:

泠 水 外 潮 內 一 河 溪 來 活 水
橫 山 遠 供 近 三 沙 阜 作 平 山
Linh thủy ngoại triều nội nhất hà khê lai hoạt thủy
Hoành Sơn viễn cung cận tam sa phụ túc bình sơn

Tạm dịch:

Ngoài Gianh có nước thủy triều, trong đồng Hói Hạ nước theo nhịp nhàng. Xa xa có dãy núi Hoành, Gần ba động cát tạo thành bình phong.

“Linh thủy ngoại triều” nghĩa là bờn ngoài nước thủy triều Linh Giang, “Nội nhất hà khờ” là bờn trong một con húi, “lai hoạt thủy” là nước về vào ra, “Hoành Sơn viễn” Hoành Sơn ở xa, “cung 供” là cung cấp (nếu không có bộ nhân đứng 亻là chữ cộng 共như nhiều người đọc), “cận tam sa phụ” gần 3 cồn cát lớn, “tác bình sơn” là tạo bình phong, “tác” có nghĩa là tạo nên, sáng tác, nếu đọc chữ túc là không đúng, chữ túc (sung túc) viết 足hoặc lưu lại, tá túc viết 宿không phải chữ trên cột Đình “sa” cát, cồn cát, phù sa, “phụ” là gò, động, cồn cũng có nghĩa to lớn. Câu đối này như đoạn phú tả cảnh, nghĩa là: Ngoài thủy triều Linh Giang trong một khe nước chảy vào ra, Xa dãy Hoành Sơn gần 3 cồn cát tạo thành bình phong. Hay ở chỗ chữ thứ hai của câu tả là chữ thủy thì chữ cuối cùng cũng chữ thủy, chữ thứ hai của câu hữu là chữ sơn thì chữ cuối cùng cũng chữ sơn. Khi các cụ viết câu đối này thì chưa có đê như bây giờ, nên đứng ở làng nhìn thấy 3 cồn đất giữa sông Gianh rất rõ là cồn Hác, cồn Soi, cồn Văn Phú thẳng chính giữa minh đường đình làng. Cũng có thể hiểu câu hữu là: Dãy Hoành Sơn ở xa cung cấp 3 dòng phù sa (tam sa) bồi đắp tạo nên cồn Hác làm bình phong trước mặt đình. Minh đường đình làng là nơi tụ thủy, tụ sơn. Câu đối này đã xác định vị trí địa lý của Làng Cao Lao Hạ, phía Bắc tiếp giáp với dòng sông Gianh, ôm lấy làng quê trù phú, phía trước mặt đình có Hói Hạ một con Hói tự nhiên chảy qua cánh đồng phía Bắc Làng. Hói chảy từ Thượng Cầu phía Tây làng chảy về phía Đông của Làng, nối hào xung quanh thành Khu Túc, xuống Sác Biền, ven theo Đồng Phố, Hậu Hà, Đuồi Cùng rồi xuống cửa Hói Hạ, nhập lưu vào sông Gianh, theo thủy triều lên xuống. Ngày xưa thuyền bè từ sông Gianh đi vào Thành Chiêm đi qua hói Hạ, vùng này có địa danh Đồng Phố, chứng tỏ nơi vùng này hai bên Hói Hạ có Phố xá, nhưng do chiến tranh Trịnh Nguyễn nên phố xá không còn. Câu đối vừa tả phong cảnh Đình làng quay về hướng có phong thủy, địa lý rất đẹp, có sông, có núi, có động cát, tạo nên một bề thế vững vàng, sừng sững uy nghi.

Câu đối thứ hai: Phía trong lòng 2 trụ cổng đông, tây đối diện, nói lên vị trí dựng đình, nếp sống thuần phong mỹ tục của làng, việc thờ cúng tổ tiên của làng đã lừng danh, 2 vế đối mỗi vế có 11 chữ:

立 示 凖 中 上 下 古 今 開 宇 庙
為 之 標 表 高 清 信 美 艶 江 山
Lập thị chuyển trung thượng hạ cổ kim khai vũ miếu
Vi chi triêu biểu cao thanh tín mỹ diệm giang sơn

Tạm dịch:

Quê hương lừng lẫy danh hiền, thuần phong Mỹ tục vững bền giang sơn. Đình làng dựng giữa quê nhà, xưa nay trên dưới phụng thờ tổ tiên.

“Lập” nghĩa là đứng, “thị” là tỏ rõ, đích thị, “chuẩn trung” là chính giữa, thượng hạ cổ kim” là trên dưới xưa nay, “khai vũ miếu” là dựng đình làng. Trong câu này nếu đọc “Lập cá chuyển trung…” tôi thấy không đúng, vì chữ cá 个, hoặc 個 nghĩa là cái, quả, con.., chữ “chuyển” có nghĩa là chuyển đổi, luân chuyển nhưng viết thế này 轉, 転 hoặc 转 không giống nơi cột đình, theo tôi chữ thứ 2 câu này là chữ thị viết theo kiểu dị dạng phồn thể của bộ thị. Có điều tôi không hiểu chữ miếu 庙có bộ nghiễm 广che chữ do 由, nhưng trên cột đình là bộ nạch疒che chữ do, chắc ở đây vì chữ miếu có nghĩa là đình làng khác với miếu thờ bình thường nên viết như vậy. “Vi chi” là làm nên, “tiêu biểu” là sự tiêu biểu, chữ biểu có nghĩa là bên ngoài (đối với chữ trung là ở giữa câu tả), cao-thanh-tín-mỹ-diễm là các tính từ tốt đẹp về tiếng tăm, diễm lệ không có từ nào hay hơn, “giang sơn” là sông núi. Trong bài Văn tế Đình Trung đọc tại đình trong ngày lễ Xuân Thủ đầu năm, đã mời các vị tiền hiền khai khẩn, các vị thành hoàng có công với làng với nước, là những danh Hiền. Ngôi đình làng dựng giữa quê nhà, toàn bộ giàn trò ngôi đình lần này làm bằng gỗ Dạ Hương khai thác tại Lòi Tuần rừng của làng. Cùng với các công trình tâm linh như: 24 nhà thờ Họ, Nghĩa trũng Cồn Cui, các miếu thờ như miếu thờ thần hoàng tướng quân Cần Vương Lê Mô Khải. Các gia đình, các dòng Họ vẫn giữ gìn tục lệ của Ông cha là thờ cúng tiên tổ Ông bà và cha mẹ…

Câu đối thứ 3: Hướng phía Nam , tức là 2 mặt trong của 2 cột cổng, từ Đình làng nhìn ra, mỗi vế có 7 chữ, nói lên con đường giàu sang rộng mở, phong cảnh quê hương cầm tú, sinh nhiều danh hiền.

天 開 晟 會 光 強 井
地 出 名 賢 閱 古 今
Thiên khai thạnh hội quang cường thịnh
Địa xuất danh hiền duyệt cổ kim

Tạm dịch:

Trời xanh mở hội mạnh giàu, xóa đói dân giàu văn minh. Đất lành sinh trưởng danh hiền, xưa nay truyền thống cổ truyền sử xanh

“Thiên khai” là trời mở, “thịnh” là nhiều, to, rực rỡ, “hội” là hội hè, đô hội, quang là sáng, hào quang, “tỉnh” là cái giếng nhưng hiểu là khu dân cư, còn có nghĩa là ruộng tịch điền vua cày hoặc là ngôi sao Tỉnh một trong 28 vì sao sáng nhất trên trời (nhị thập bát tú). “Địa xuất” là đất sinh, “danh hiền” là người hiền tài,“duyệt” nghĩa là từng trải hoặc xem xét quyết định, “cổ kim” là xưa nay, lịch sử. Câu đối này có tính triết lý cao, như một câu sấm khẳng định nhưng rất khó dịch. Nếu hiểu chữ tỉnh là cái giếng có nghĩa bóng là khu dân cư, làng xã, chữ duyệt có nghĩa là từng trải, nghĩa bóng là thời nào cũng có. Mặc dù một nắng hai sương, khó khăn thiếu thốn, nhưng các bậc tổ tiên vẫn không quên tổ chức vui chơi, lễ hội, để động viên an ủi nhau tạo cho cuộc đời tươi vui, cầu mong yên ổn. Bởi vậy những ngày tết đến xuân về, những ngày lễ hội làng thường tổ chức các Hội thi: Thi thơ tại Đền Văn Thánh, Thi võ tại Đền Thánh Võ, thi chằm nón để văn ôn võ luyện, luyện nghề để chọn người tài. Tổ chức các trò chơi dân gian như: Cướp cù, Bài Chòi, đánh đu, kéo dây..vv . Qua đó để giúp nhau làm giàu, mở mang trí tuệ để có kiến thức đi thi khi triều đình mở khoa thi. Từ thời xa xưa, sống trong tình làng nghĩa xóm, các bậc tiền nhân đã có chủ trương giúp nhau xóa nghèo, xóa đói, xây dựng làng xã đổi mới văn minh.

Câu đối thứ 4: Bố trí ở phía Đông, Tây, mặt ngoài của 2 cột trụ cổng, mỗi vế có 9 chữ đối nhau; nội dung ý nói truyền thống tốt đẹp của làng và cầu chúc cho sự bình yên của dân làng.

鄉 积 万 千 年 官 安 民 乐
里 成 二 十 邑 美 俗 纯 風
Hương tích vạn thiên niên quan yên dân lạc
Lý Thành nhị thập ấp Mỹ tục thuần phong

Tạm dịch:

Ngàn năm Cao Hạ thơm hương, quan yên dân lạc quê hương vững bền. Hai mươi xóm của làng ta, thuần phong mỹ tục tiếng đà lừng danh

Chữ “hương tích” là quê hương tích tụ, lưu giữ lại, “vạn thiên niên” là 10 triệu năm. Chữ “lý thành” là thành làng xã, “nhị thập ấp” là 20 xóm. Lời ca ngợi nhưng như là câu khấn (cầu khẩn) mong ước cho quan dân của làng mãi mãi bình yên, hưởng lạc, giữ gìn bản sắc, truyền thống của cha ông.

Những câu đối ở Nghĩa Trũng Đàn huyện Triệu Phong tỉnh Quảng Trị sửa

Nghĩa Trũng là tên gọi của một nghĩa trang được xây dựng vào năm 1872, Ông Hoàng Hữu Lợi là một Bô lão làng Bích khê - Triệu Long mua một mảnh đất 7 sào của cư dân làng Thạch Hãn, trong đó, ông đã giành riêng 3 sào để lập nghĩa trang và tiến hành cho di dời những mồ mã vô chủ ở bờ sông Thạch Hãn và nhiều nơi khác trong Tỉnh về qui táng.

Hoàng Hữu Lợi tự là Hoà Nghĩa, hiệu là Ngu Hồ Tiên Sinh, ông sinh năm Kỷ Tỵ (Gia Long thứ 8), mất năm Bính Tý (Tự Đức thứ 29) là một con người nho học uyên thâm, là thầy dạy hầu hết con cháu trong gia đình mà về sau đều là những tài năng xuất chúng, đỗ đạt cao, đức hạnh tốt đem tiếng thơm cho dòng họ. Tuy nhiên khi chiến tranh nổ ra, những người con trong Hoàng tộc phải tha hương, lánh nạn mưu sinh nên không còn mấy ai nhớ đến nghĩa trang này. Trong đống đổ nát hoang tàn đó, ông Nguyễn Đình Ngữ và Phạm Bá Trai là hai cư dân sinh sống tại làng Thạch Hãn thường xuyên chăm sóc, hương khói tại đền đã tiến hành công tác tái thiết Đàn Nghĩa Trũng và tìm thấy hai câu đối ở 2 cột chính điện có nội dung như sau:

“ Ân Đức thiên thu tại
Hương yên vạn cổ tồn ”

Dịch là:

“ Ân đức ngàn thu sẵn
Khói hương vạn cổ tồn ”

Ở mặt trước nghĩa trang là cổng tam quan với Long, Lân, Quy, Phụng, ở hai cột chánh điện là 2 câu đối :

“ Thạch Hãn thơm nguồn đức hạnh
Hồng Khê vững trọn nghĩa tình ”

Tháng 9.2007, tại Nghĩa Trũng Đàn đã khánh thành một công trình là Cổng tam quan và dãy tường rào bề thế, hai bên cổng tam quan được khắc hai câu đối bằng chữ hán với nội dung như sau:

“ Lịch tích thiên thu bằng thử địa
Tâm hương nhất niệm tưởng anh hồn ”

Câu đối khắc ở đình làng Văn Quỹ xã Hải Tân huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị sửa

Làng Văn Quỹ nằm thuộc Xã Hải Tân, Huyện Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị, sông nước hữu tình, là vùng đất địa linh nhân kiệt, Con người ở đây sống chan hòa mến khách Làng có nhiều cảnh đẹp với sông Ô Lâu thơ mông. Đình làng Văn Quỹ có câu đối được đưa vào văn học CỔ HỌC QUẢNG TRỊ: (chú ý khởi đầu câu có chữ VĂN và chữ QUỸ):

VĂN CHƯƠNG THIÊN CỔ THƯỜNG TỒN, THIÊN NHẬT NGUYỆT ĐỊA SƠN HÀ, Á VŨ ÂU PHONG NAN HỐI TẮC

文章千古常存天日月地山河亞雨歐風難匯塞

QUỸ PHẠM BÁCH NIÊN BẤT DỊCH, QUỐC QUÂN THẦN GIA PHỤ TỬ, HÁN HƯNG TẦN DIỆT KHỞI LONG Ô

匱範百年不昜國君臣家父子漢興秦滅豈隆汚 TẠM DỊCH:

VĂN CHƯƠNG MUÔN THUỞ HÃY CÒN ĐÂY, ĐẤT SÔNG NÚI, TRỜI NGÀY ĐÊM, GIÓ Á MƯA ÂU... KHÔNG LẤP NỔI
QUỸ PHẠM TRĂM NĂM ĐÂU ĐỔI ĐƯỢC, NƯỚC VUA TÔI, NHÀ ÔNG CHÁU , SUY TẦN THỊNH HÁN... NHỤC ĐÀNH SAO

Những câu đối trong các chùa chiền ở thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên sửa

  • Câu đối khắc ở chùa Diệu Đức - Huế:

Chùa Diệu Đức ở số 29/6/4 đường Điện Biên Phủ, thuộc phường Trường An, thành phố Huế. Chùa do một ban sáng lập gồm các sư bà Diệu Hương, Diệu Không, bà Công Tôn Nữ Thi Bàn, các ông Ưng Bàn, Ưng Uý, Tôn Thất Tùng vào năm 1932. Phần lớn các vị trụ trì các chùa ở miền Trung đều xuất thân từ Diệu Đức. Các sư Thể Yến, Viên Minh đã ra Hà Nội để dạy Phật pháp ở Ni viện Bồ Đề Gia Lâm năm 1942. Sau khi sư bà Diệu Hương viên tịch năm 1971 các sư trụ trì kế tiếp là sư Thể Yến và Diệu Trí.

Đăng minh phạm vũ hồi tam giới
Nguyệt lãng thiền quan phổ thập phương
  • Câu đối khắc ở chùa Thuyền Tôn - Huế:

Chùa Thuyền Tôn là một tổ đình lớn ở Huế, lúc đầu chỉ là một am tu của ngài Liễu Quán được dựng vào khoảng năm 1708 ở núi Thiên Thai, ngày nay thuộc thôn Ngũ Tây, xã Thuỷ An. Trong thế kỷ 20, ngài Giác Nhiên thuộc đời thứ 8 dòng thiền Liễu Quán, là người có công chấn hưng Phật Giáo, đồng sáng lập An Nam Phật Học Hội, Viên Âm Nguyệt San, lập trường đại học Phật Giáo ở chùa Tây Thiên, góp phần đào tạo các vị cao tăng như Thích Trí Thủ, Thích Đôn Hậu, Thích Mật Nguyệt, Thích Mật Hiển, và hai vị từ trong nam về sau trở thành danh tăng là Thích Thiện Hoa và Thích Thiện Hoà.

寶 鐸 長 鳴 不 斷 門 前 流 綠 水 Bảo đạc trường minh, bất đoạn môn tiền lưu lục thủy (Tiếng mõ vang dài, trước cửa không ngừng dòng suối biếc)
法 身 独 露 依 然 坐 裏 看 青 山 Pháp thân độc lộ, y nhiên tọa lý khán thanh sơn (Pháp thân một lối, trong phòng cứ vậy ngắm non xanh)
  • Câu đối ở chùa Trường Xuân - Thuận Hóa:

Chùa Trường Xuân ở số 11/11 đường Chi Lăng, gần bến đò chợ Dinh, thuộc Phường Phú Hiệp, thành phố Huế. Thoạt đầu chùa có tên là Kỳ Viên Am. Năm 1804 thời Gia Long, thời ngài Đạo Trung Chánh Định trú trì chùa được Cẩn Thận Hầu Hoàng Văn Cẩn và một số quan khác cúng dường trùng tu và am được gọi là Xuân An Tự. Năm 1909 phật tử đóng góp trùng tu và ngài Phước Hậu, thuộc đời thứ 42 dòng thiền Lâm Tế trụ trì, nhưng sau khi ngài viên tịch không có quí thầy kế tục. Năm 1975 thầy Tịnh Quang về trụ trì và gần đây năm 2001 đã tu sửa thành một kiến trúc mới, nhưng còn giữ lại trên lầu các khám thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế, Thánh Mẫu và Quan Công.

Ngọc chất giáng Hoàng cung, thổ thủy cửu long tề mộc dục
Kim thân tu Tuyết lĩnh, hàm hoa bách điểu cạnh triều tham
Từ câu đối này ta có thể giảng lại toàn thể lịch sử Đức Phật từ khi đản sinh đến khi thành đạo
  • Câu đối khắc ở chùa làng La Chữ:

Chùa ở làng La Chữ, được xây dựng từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần (1645-1687). Năm 1942 được Võ Vương Nguyễn Phúc Hoạt ban sắc tứ gọi là Chúc Thánh Đạo Tràng. Chùa được trùng tu năm 1838 dưới thời vua Minh Mạng. Ngoài tượng Phật, chùa còn thờ Quan Vũ, Quan Bình, Châu Xương, và bài vị tướng quân thời Tây Sơn là Võ Văn Dũng và vợ là Lê Thị Vi. Hiện chùa còn giữ được chuông đồng do tướng Võ Văn Dũng và vợ cho đúc để cúng dường.

Viễn quan sơn hữu sắc
Cận thính thủy vô thanh
Câu đối diễn tả cảnh thực: xa xa về phía tây và phía nam là hình thế núi non hiện ra rất nhiều màu sắc, màu đất của đồi núi thấp ở gần; màu xanh đậm cây lá của núi ở xa, màu xanh dương đậm của những chỏm núí ở xa hơn và cao hơn. Lại thêm màu xanh da trời, màu trắng của từng đám mây xa, cao lơ lững… Cảnh đẹp thực khó tả. Bên sau vườn chùa rộng rải, ở dưới chân vùng đất cao có ngôi chùa tọa lạc ấy, lại có dòng nước chảy. Dòng nước nhỏ ôm bọc lấy cuộc đất, nước chảy thường xuyên nhưng lại không nghe tiếng róc rách. Câu đối vận dụng cảnh thực tế, và qua cảnh thực tế của một ngôi chùa mà nói lên bao nhiêu là giáo pháp của Đạo Phật. Các khái niệm “hữu, vô, thanh, sắc” ở đây không bao hàm nội dung có thiên hướng đòi lý giải; mà chúng chỉ cùng ứng với toàn bộ mười chữ của hai vế đối để nói lên cái ở sau văn tự, tức là lối diễn tả “ý tại ngôn ngoại”. Ở đây là muốn diễn tả Thiền đạo, thấy được cái không thấy. Ở xa thì núi có sắc tướng như vậy; nhiều màu khác nhau, hình thù cao thấp uốn lượn khác nhau; tròn, nhọn, lài lài khác nhau; nhưng núi đâu có phải thế! Cho nên người tu đạo Thiền, thấy được cái mà thiên hạ không thấy, tức là cái thực chất của núi; cao hơn là cái Thực của Đạo, của Giải thoát… Nghe được cái không nghe. Nghe tiếng nước róc rách là cái nghe vọng động. Nghe cái không nghe được mới thật là biết nghe.
  • Những câu đối khắc ở chùa Từ Hiếu:

Chùa tọa lạc ở thôn Dương Xuân Thượng III, xã Thủy Xuân, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa ban đầu là am An Dưỡng do Hòa thượng Nhất Định dựng vào năm 1843. Chùa được Vua Tự Đức ban tấm biển "Sắc tứ Từ Hiếu Tự". Cổng tam quan xây kiểu vòm cuốn hai tầng có mái, phía trên thờ tượng Hộ Pháp. Bên trong cổng là hồ bán nguyệt thả hoa sen, hoa súng xây năm 1931. Chùa là một ngôi Tổ đình ở Huế. Trước đây, chùa là một trong những nơi ấn hành kinh, luật của Phật giáo. Trong vườn tháp có tháp mộ của những danh tăng Nhất Định, Diệu Giác, Cương Kỷ...Chùa Từ Hiếu là danh lam thắng cảnh xưa nay của đất Thần Kinh (Theo Thư viện Hoa sen)

慈孝錫嘉名勸天下之為父為子 Từ Hiếu tứ gia danh, khuyến thiên hạ chi vi phụ, vi tử (Từ Hiếu tạo tiếng thơm, khuyên thiên hạ tròn đạo hiếu)
楊春成淨土忘斯世之如秋如冬 Dương Xuân thành Tịnh độ, vọng tư thế chi như thu, như đông (Dương Xuân thành cõi Phật, giúp thế gian vẹn cảnh xuân)
移孝為忠得其門而入 Di hiếu vi trung, đắc kỳ môn nhi nhập (Lấy chữ hiếu làm trung vào cửa Phật)
緣慈悟脫于彼岸先登 Duyên từ ngộ thoát, vu bỉ ngạn tiêu đăng (Theo lòng từ ngộ đạo vượt bến mê)
四海名人題古寺 Tứ hải danh nhân đề cổ tự (Danh nhân bốn bể đề cổ tự)
一山風物媚禪深 Nhất sơn phong vật mỵ thiền thâm (Phong cảnh một đồi đẹp thiền môn)
翠竹黃花霑法雨 Thúy trúc hoàng hoa triêm pháp vũ (Trúc biếc hoa vàng mưa pháp gội)
長松細草蔭慈雲 Trường tùng tế thảo ấm từ vân (Tùng cao cỏ thấp mây từ che)
慈孝表徽稱人心世道有關梵宇鐘聲宣大覺 Tứ Hiếu biểu huy xưng, nhân tâm thế đạo, hữu quan Phạm Vũ chung thanh tuyên đại giác (Từ Hiếu dậy danh thơm, đạo đời hòa hợp; Tiếng chuông chùa đưa vào đại giác)
楊春多美景古剎名藍所在如來慧日照中天 Dương Xuân đa mỹ cảnh, cổ sái danh lam, sở tại Như Lai tuệ nhật chiếu trung thiên (Dương Xuân nhiều cảnh đẹp, chùa núi êm đềm; Trí Như Lai chiếu đến trung thiên)
兜率天高京國同佛國 Đâu Suất thiên cao kinh quốc đồng Phật quốc (Đâu suất trời cao, đất vua, đất Phật là một)
上方月出前溪肖後溪 Thượng phương nguyệt xuất tiền khê tiếu hậu khê (Thượng phương trăng tỏ, khe trước, khe sau chẳng hai)
善信有良緣佛恩似海 Thiện tín hữu lương duyên, Phật ân tự hải (Thiện tín có lương duyên, ơn Phật như biển rộng)
孝慈皆福果帝澤如春 Hiếu Từ giai phúc quả, để trạch như xuân (Hiếu từ là quả, lộc vua tựa xuân)
福果自圓成妙覺得聞丞佛力 Phúc quả tự viên thành, diệu giác đắc văn thừa Phật lực (Phúc quả tự tròn đầy, đạo giác diệu kỳ nhờ Phật lực)
善根皆偉應慈航濟渡荷天恩 Thiện căn giai vĩ ứng, từ hàng tế độ hà Thiên ân (Thiện căn đếu ứng nghiệm, thuyền từ tế độ bởi Thiên tôn)

法雨頻施天地蒼生咸霑德澤

慧燈遍照普天世界共沐恩光

“Pháp vũ tần thi, thiên địa phương sinh hàm triêm đức trạch (Mưa pháp thường tuôn, mọi vật đều thấm ơn đức trạch)
Tuệ đăng biến chiếu, phổ thiên thế giới cộng mộc ân quang” (Đèn tuệ chiếu khắp, ba ngàn thế giới gội ơn sâu)

Phép của Phật luôn được thi hành đối với chúng sinh nên mọi vật đều được hưởng ơn từ đức Phật. Ngọn đèn sáng trí tuệ của Phật đã phá tan tối tăm hắc ám, chiếu sáng khắp cả tam thiên thế giới, khiến cho mọi vật được tắm gội ơn sâu.

石碑只在春山上
金錫授飛樂國中
“Thạch bi chỉ tại xuân sơn thượng
Kim tích thụ phi lạc quốc trung.”

Dịch nghĩa:

Dương Xuân trên núi trồng bia đá
Tây Phương trong cõi truyền trượng vàng)

Câu đối trên khắc ở tháp hòa thượng Nhất Định

  • Những câu đối khắc tại chùa Linh Mụ:

Chùa Thiên Mụ hay còn gọi chùa Linh Mụ tọa lạc trên đồi Hà Khê, bên dòng sông Hương cách trung tâm thành phố 5km về phía tây, bây giờ thuộc xã Hương Long. Chùa được xây theo hình chữ nhất, theo đúng với hướng của kinh thành Phú Xuân, từ bến thuyền với bậc cấp, dẫn lên các bốn trụ biểu, rồi nhiều bậc cấp nữa dẫn lên nền cũ của đình Hương Nguyện, tháp Phước Duyên, điện Đại Hùng, điện Địa Tạng, điện Quan Âm.

開發菩提心而化統萬類 Khai phát bồ đề tâm, nhi hóa thống vạn loại (Mở tâm bồ đề để hóa thông vạn vật)
弘施方便力以覺悟群生 Hoằng thi phương tiện lực, dĩ giác ngộ quần sinh (Làm các phương tiện để giác ngộ chúng sinh)
法雨弘施萬木昆虫沾利益 Pháp vũ hoằng thi, vạn mộc côn trùng triêm lợi ích (Mưa pháp ban hành mọi chốn, cây cỏ, côn trùng hưởng lợi ích)
身雲變滿虛空世界放光明 Thân vân biến mãn, hư không thế giới phóng quang minh (Thân Phật biến hóa khắp nơi, hư không , thế giới tỏa hào quang)
心即佛濟人歸萬善 Tâm tức Phật, tế nhân qui vạn thiện (Tâm tức Phật, cứu người về vạn thiện)
色是空闡教定一心 Sắc tức không, xiển giáo định nhất tâm (Sắc tức không, truyền giáo hướng nhất tâm)
永留勝跡睹碑文而金碧曾暉 Vĩnh lưu thắng tích, đổ bi văn nhi kim bích tăng huy (Thắng tích lưu truyền, thấy văn bia, vàng ngọc sáng láng)
圓滿善緣聽鐘響而寶朱覺悟 Viên mãn thiện duyên, thính chung hưởng nhi bảo châu giác ngộ (Thiện duyên đầy đủ, nghe chuông ngân, châu báu rỡ ràng)
Hằng hà sa giới Nam vô Phật
Bác nhã kinh văn Cực lạc Thiên
  • Câu đối dán trước Đại giới đàn chùa Thiền Lâm:

釋氏持律,儒者理中,總要修身誠意,自然徑値乎內,義方乎外

君子敕機,禪人習定,同歸見性明心,端由戒慎不覩,恐懼不聞

Thích thị trì luật, Nho giả lý trung, tổng yếu tu thân thành ý, tự nhiên kính trực hồ nội, nghĩa phương hồ ngoại;
Quân tử sắc cơ, thiền nhân tập định, đồng quy kiến tánh minh tâm, đoan do giới thận bất đổ, khủng cụ bất văn.

Nghĩa:

Cửa Phật giới luật nhà Nho trung dung, chỉ cốt thành ý chính tâm, tự nhiên ngoài có nghĩa phương, trong có chánh trực;
Quân tử cơ vi, Thiền sư nhập định, đều để minh tâm kiến tánh, bởi vì răn chỗ chẳng thấy, sợ chỗ chẳng nghe.

Những câu đối khắc tại chùa Linh Quang thành phố Huế sửa

Chùa Linh Quang (靈光寺) tọa lạc trên đỉnh bằng của dốc Bến Ngự, xưa kia gọi là núi Ngũ Bình làng Phú Xuân nay là phường Trường An Tp. Huế. Chùa Linh Quang vốn là do hai chùa Viêm Quang và Linh Giác hợp lại. Viêm Quang nguyên là thảo am của Tăng cang Đoàn Thiện Thụ dựng vào năm 1852. Còn Linh Giác được Thượng thư Bộ Hộ Tôn Thất Dương thành lập năm 1855 thờ tượng Quan Công. Từ ngoài đường Phan Bội Châu, đoạn gần khu lưu niệm nhà yêu nước Phan Bội Châu rẽ sang đường Ấu Triệu chúng ta sẽ bắt gặp tam quan chùa Linh Quang đề hai câu đối:

靈瑞鷄園燈點聰傳門般若
光開鷲嶺月輪明炤地伽藍
Linh thụy Kê Viên đăng điểm thông truyền môn bát nhã
Quang khai Thứu Lãnh nguyệt luân minh chiếu địa già lam

Dịch nghĩa:

Linh thụy Kê Viên đèn sáng dọi truyền cửa Bát Nhã
Quang khai Thứu Lãnh trăng tỏ chiếu khắp đất Già Lam

Đi chừng 150m, cuối đường Ấu Triệu, chùa Linh Quang hiện ra với vẻ đẹp của một ngôi danh lam cổ tự của chốn thần kinh. Tam quan trong của chùa ghi câu đối:

庭外設三關即俗即真無違此道
藏中開四教於頓於漸在乎當人
Đình ngoại thiết tam quan tức tục tức chân vô vi thử đạo
Tạng trung khai tứ giáo ư đốn ư tiệm tại hồ đương nhân

Dịch nghĩa:

Ngoài sân thiết tam quan, là tục, là chân không trái đạo này
Trong kho khai tứ giáo, nơi đốn nơi tiệm chính ở người đây

Câu đối đề ở đền thờ Huyền Trân công chúa tại thành phố Huế tỉnh Thừa Thiên sửa

Đền Huyền Trân công chúa nằm trong khuôn viên rộng khoảng 28ha, nằm dưới chân núi Ngũ Phong thuộc P.An Tây, TP. Huế. Địa hình khu đất thoai thoải, kéo dài từ chân núi lên đến đỉnh, có rừng thông xanh mướt, giữa bốn bề là đồi núi trùng điệp. Đứng trên đỉnh núi nhìn xuống, du khách có thể thu vào tầm mắt một khoảng không gian bao la, sơn thủy hữu tình, phía xa xa là TP. Huế bên dòng sông Hương thơ mộng .Giữa không gian bảng lảng của vùng đồi núi Ngũ Phong, đền thờ Huyền Trân công chúa như uy nghiêm và huyền bí hơn với những nét văn hoá kiến trúc tiêu biểu của thời Trần. Trong đền có đôi câu đối nội dung như sau:

Ô châu hoang địa biến tác Thuận Hoá Thần Kinh, nhất đới sơn hà cẩm tú.
Nhân Tông doãn hứa thành vi đạo, tải quyết sách thiên trùng ân nghĩa khắc minh.

Phần tiếng Việt:

Ô châu vùng đất hoang biến thành Thuận Hoá Thần Kinh, một dải núi sông gấm vóc,
Nhân Tông hứa gả trở nên đạo, tải quyết sách ngàn trùng ân nghĩa khắc ghi.
Chuyện kể, vua Chiêm Thành Jaya Simhavarman III (Chế Mân) để cưới được Công chúa Huyền Trân đã đem hai châu Ô, Lý dâng lên vua Trần sính lễ. Vâng mệnh vua cha là Trần Nhân Tông và vua anh Trần Anh Tông, Huyền Trân đã gác tình riêng, gạt lệ xuống thuyền theo chồng, lập mối hòa hiếu và mở mang bờ cõi của đất nước về phương Nam. Đất Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế cũng được khai sinh từ đó, đến nay đã hơn 700 năm. Để ghi nhớ công ơn của Công chúa Triều đình nhà Nguyễn (1802 - 1945) đã lập miếu Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, TP Huế, thờ các vị khai quốc công thần, trong đó có Công chúa Huyền Trân.

Những câu đối khắc trong cung điện nhà Nguyễn tại thành phố Huế sửa

  • Những câu đối ở điện Thái Hòa:
厚澤深恩遐夷慕 Hậu trạch thâm ân hà di mộ (Nghĩa cả ơn sâu, xa gần mến)
神功聖德史書垂 Thần công thánh đức sử thư thùy (Thần công thánh đức, sử sách truyền)
霧散陰消清宇宙 Vụ tán âm tiêu thanh vũ trụ (Hết mưa, khí âm tan, trời đất sáng)
雲開日曜麗山河 Vân khai nhật diệu lệ sơn hà (Mây bay, ánh dương rạng, núi sông tươi)
閭閻醇厚民風美 Lư diêm thuần hậu dân phong mỹ (Xóm thôn thuần hậu phong tục đẹp)
天氣溫和室宇春 Thiên khí ôn hòa thất vũ xuân (Khí hậu ôn hòa gia đình vui)
萬物氣和齊發育 Vạn vật khí hòa tề phát dục (Khí hòa, vạn vật phát triển)
九州光備自和勻 Cửu châu quang bị tự hòa quân (Trời sáng, chín châu hòa đồng)
陶功渙零千秋似 Đào công hoán linh thiên thu tự (Ngàn năm còn mãi công giáo hóa)
華政仁輪萬世傳 Hoa chính nhân luân vạn thế truyền (Muôn kiếp chẳng mờ nếp nhân luân)
新圍湖水環青帶 Tân vi hồ thủy hoàn thanh đới (Một dòng nước chảy như giải ngọc)
三面雲山列錦屏 Tam diện vân sơn liệt cẩm bình (Ba mặt núi bao tựa bình phong)
倚院新梅升壁白 Ỷ viện tân mai thăng bích bạc (Mai nở vươn mình trên tường trắng)
從簷古樹入階青 Tùng thiềm cổ thụ nhập giai thanh (Cây xanh tỏa bóng theo hiên nhà)
  • Những câu đối ở Thái Bình lâu:
一統山河重光日月 Nhất thống sơn hà trùng quang nhật nguyệt (Đất nước thống nhất, nhật nguyệt hội tụ)
八荒户牖六合庭除 Bát hoang hộ dũ lục hợp đình trừ (Nhà cửa xa xôi, sân vườn hợp hòa)
殫心萬歲勞神百姓 Đàn tâm vạn tuế, lao thần bách tính (Gắng sức vạn năm vì trăm họ)
希蹤二帝換美三王 Hy tung nhị đế, hoán mỹ tam vương (Bắt chước hai vua ( Nghiêu Thuấn) bởi ba vua)
大同之世外户不閑 Đại đồng chi thế ngoại hộ bất bế (Đời Đại Đồng cửa ngoài không đóng)
三代之民直道而行 Tam đại chi dân trực đạo nhi hành (Dân tam đại đạo phải cứ theo)
  • Câu đối khắc ở Triệu Tổ miếu (tức miếu thờ Nguyễn Hoằng Kim)
四面光凝瓊闥日林千載樹 Tứ diện quang ngưng quỳnh thát, nhật lâm thiên tải thụ (Bốn mặt sáng cửa ngọc, mặt trời ngàn năm chiếu rừng cây)
九霄風定蘭庭香滿百枝花 Cửu tiêu phong định lan đình hương mãn bách chi hoa (Tám cõi gió lặng sân lan, hương thơm trăm hoa tỏa cành lá)

Câu đối khắc trong Văn Miếu - Võ Miếu ở thành phố Huế sửa

Dưới thời các vua Nguyễn, triều đình Huế thiết lập Văn miếu, Võ miếu ở phía Tây Bắc kinh thành thuộc ấp Nội Súng, huyện Hương Trà gần đồi Thiên Mụ đối chênh với gò Long Thọ. Chính sử gọi Văn miếu, Võ miếu nhưng trong tâm thức người Huế quen gọi Văn Thánh, Võ Thánh. Ở đây có khắc đôi câu đối sau:

“Tứ hải vi gia trường tuế nguyệt (Bốn biển là nhà theo năm tháng)
Nhất thân thị đảm tác sơn hà” (Một thân trí dũng giữ sơn hà)

Câu đối khắc tại ngôi miếu “Miếu Thổ Thần” trong Dinh Phủ Doãn Thừa Thiên sửa

Tại khuôn viên tỉnh lỵ Thừa Thiên, nguyên trước có lập hai miếu (một cái thờ văn ban, một cái thờ võ ban). Nhơn sự kiến thiết lại Tòa tỉnh trưởng nên phải làm chung lại một miếu để hiệp tự cho được trang hoành tráng lệ phụng thờ vĩnh viễn muôn năm. Dinh Phủ Doãn trước ở trong Thành Nội, cuối đường Trần Quốc Toản, năm 1899 mới dời sang đây… Ngày đó, phía sau Dinh còn là vùng cây cối rậm rạp, nên các quan cho lập am thờ linh vật như thế. câu đối phía trước miếu:

Nhất niệm nhân dân tư chuẩn đức
Tam Xuân trở đậu nhạ tân hương

Tạm dịch nghĩa:

“Muốn làm hướng về nhân dân lấy đức làm trọng”…

và:

Trung nghĩa thiên thu lưu chính khí
Anh linh vạn cổ sùng thần uy

Những câu đối khắc tại tháp của Thiền Sư Tổ Liễu Quán (1670 - 1742) sửa

Tổ Liễu Quán sanh tại làng Bạch Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Năm 1682, theo cha đi chùa Hội Tôn lễ Phật, gặp thiền sư Tế Viên, ngài cảm mến và xin phụ thân xuất gia tại đây. Năm 1690, vượt Trường Sơn ra đất Thuận Hóa, đầu sư với Giác Phong lão tổ ở chùa Thiên Thọ, núi Hàm Long (tức Phật học đường Báo Quốc bây giờ). Ở khoảng 3 cây số về phía Nam đàn Nam Giao có một ngôi tháp đến nay còn được giữ gìn hoàn hảo, đẹp đẽ ở trên một thửa đất có tường thành bao quanh, có tam cấp và hồ sen. Đó là ngôi tháp của Tổ Liễu Quán. Có thể nói đây là ngôi tháp hùng vĩ, cổ kính, uy nghiêm nhất từ xưa còn lại ở miền Trung và Nam Việt. Tháp có hai lớp tường thành bằng đá bao quanh. Lớp trong hình bát giác, cao độ 0m60 ở gần tháp. Lớp ngoài hình tứ giác cao độ 1m80, dày 1m. Trước tháp có tam cấp danh dự ngang 4m gồm 10 bậc, ở ngoài nhìn trên cổng tường vào tháp có hai câu đối:

寶鐸長鳴不段門前流綠水
法身獨露依然坐裏看清山
Bảo đạc trường minh bất đoạn môn tiền lưu lục thủy
Pháp thân độc lộ y nhiên tọa lý khán thanh sơn

Dịch nghĩa:

Tiếng mõ vang lừng trước ngõ không ngừng dòng suối biếc
Pháp thân vòi vọi, quanh tòa cao ngất dãy non xanh

Phía trong tường thành là ngôi tháp dựng ở chính giữa, hình bát giác hồ vôi, cao 7 tầng độ 6m, mặt trước có bia đá, hai bên có hai câu đối:

棒喝眞豐家繼述
新良美化國包崇
Bổng hát chân phong gia kế thuật
Tân lương mỹ hóa quốc bao sùng

Dịch nghĩa:

Chân phong của phép Thiền đánh hét được Ngài kế thừa truyền thuật
Đất hòa tốt đẹp của bậc thầy hướng đạo được cả nước khen ngợi tôn sùng

Những câu đối khắc tại Phủ thờ Hồng Y Thụy Thái vương - Thành phố Huế sửa

Phủ Thụy Thái ra đời năm 1847 là năm cuối của vua cha (Thiệu Trị) và năm đầu của vua anh (Tự Đức). Nam 1847, Hồng Y lên 15 tuổi (1833-1847), có lẽ là thời điểm Hồng Y được xuất các đi lập Phủ ở ấp Đông Trì để ở riêng. Ba mươi năm sau, ông qua đời, nhà riêng của ông trở thành nhà thờ ông. Hai mươi năm sau (1897), cháu nội của ông là vua Thành Thái cho xây dựng lớn nhà thờ của ông. Công trình có hai kiến trúc: Tiền đường phía trước và điện thờ phía sau. Thi công trong ba năm. Tháng Tám năm Canh Tý (1900) khánh thành. Từ đó nhà thờ được vinh danh là “Thụy Thái Vương Từ”. Trên các cột Phủ thờ treo 4 câu đối:

Câu 1: Giữa trước: (hai bên án thờ vua Thiệu Trị)

寵樹蚤升瑞盎東藩桐削葉
靈根式固芬流兌野棣穠花
Sủng thụ tảo thăng thụy áng đông phiên đồng tước diệp
Linh căn thức cố phân lưu đoài dã đệ nùng hoa

Tạm dịch:

Nhờ ơn vua mà sớm được thăng chức như cây đồng nảy lá ở hàng rào phía đông
Gốc thiêng liêng thì sẻ giữ vững như cây đệ nở hoa rườm rà ở phía tây.
Câu này do cháu gái thứ 8 là công chúa Châu Hoàn kính dâng

Câu 2: Giữa sau: (hai cột hai bên án thờ Thụy Thái Vương)

若木分光桐葉圭猶傳帝子
皇枝藉慶梅花粧幸列天孫
Nhược mộc phân quang, đồng diệp, khuê, do truyền Đế tử
Hoàng chi tạ khánh, mai hoa, trang hạnh liệt Thiên tôn

Tạm dịch:

Ánh sáng ngầm đời trước còn rực rỡ truyền lại cho con vua
Cành lớn phúc lành tô điểm mai hoa tràn đầy cho cháu chúa
Câu này do cháu gái là Tốn Tùy tức Công chúa Mỹ Lương kính dâng

Câu 3: Ngoài trước:

藩邦祥開棠棣有花皆昔樹
仙源慶衍沁園一水是餘波
Phiên bang tường khai, đường lệ hữu hoa giai tích thụ
Tiên nguyên khánh diễn, thấm viên nhất thủy thị dư ba

Tạm dịch:

Đất phên dậu mừng sinh con quý nhờ cây xưa nay đã nở hoa
Dòng hoàng tộc càng đông đúc dòng nước vườn hoa có sóng thừa
Câu này do cháu gái là Môn Gia tức Công chúa Phúc Lâm kính dâng

Câu 4: Ngoài sau:

振振艷說麟之趾
挺挺榮看竹有筠
Chấn chấn diễm thuyết lân chi chỉ
Đĩnh đĩnh vinh khán trúc hữu quân

Tạm dịch:

Vui đẹp cháu con (quyền quý) ngày phấn chấn
Tre trúc lại sinh măng thật vẻ vang

Những câu đối khắc tại đình, chùa, đền, miếu xã Thủy Dương huyện Hương Thủy tỉnh Thừa Thiên Huế sửa

Thủy Dương là một xã nằm ở phía nam thành phố Huế, được hình thành từ những cuộc nam tiến của người Việt mà cụ thể ở đây là cuộc nam chinh thảo phạt Chiêm Thành diễn ra dưới thời Lê Thánh Tông năm 1470, mặc dù mảnh đất Thuận Hoá đã sát nhập vào bản đồ Đại Việt từ rất lâu trước đó. Dưới đây là những câu đối khắc tại đình, chùa, đền, miếu trong xã:

  • Đình Thanh Thuỷ Thượng

Trụ biểu, mặt ngoài

清也若水靈也若仙鶴表琴亭玄光自在
水之有源木之有本祖功尊德終古長留
Thanh dã nhược thủy, linh dã nhược sơn, hạc biểu cầm đình huyền quang tự tại
Thủy chi hữu nguyên, mộc chi hữu bản, tổ công tôn đức chung cổ trường lưu

Tạm dịch:

Trong như nước, thiêng như núi, trụ biểu mái đình sáng tươi tự tại
Cây có cội, nước có nguồn, công đức tổ tông lưu mãi muôn năm
精靈得造化高清濯濯洋洋萬古猶流正氣
英秀對岑山香水煌煌赫赫千秋共拜神清
Tinh linh đắc tạo hóa, cao thanh trạc trạc dương dương, vạn cổ do lưu

chính khí

Anh tú đối Sầm sơn, Hương Thủy hoàng hoàng hách hách, thiên thu cộng

bái thần hưu Tạm dịch:

Thiêng liêng nhờ tạo hoá, thanh cao rực rỡ mênh mông, muôn thuở lưu

truyền chính khí

Anh tú đối diện với đụn Sầm, Hương Thuỷ sáng trong mát mẻ, ngàn năm

cùng đội ơn che chở của Thần. Mặt trong

清氣清天高彌來後箕尾托

水泉在地翰公南海榜碑靈

Thanh khí vi thiên, cao di lai hậu Cơ Vĩ thác
Thủy tuyền tại địa, Hàn công nam hải bảng bi linh

Tạm dịch:

Khí lành là của trời, về sau lại càng cao như sao Cơ, sao Vĩ
Suối nước tại đất, tiên Hàn Tương Tử ở biển nam linh thiêng ở bảng bia đây
得一以靈滾滾清泉一脈
有三不朽巍巍岑嶺三峰
Đắc nhất dĩ linh, cổn cổn thanh tuyền nhất mạch
Hữu tam bất hủ, nguy nguy sầm lĩnh tam phong

Tạm dịch:

Được một đã linh, cuồn cuộn một mạch suối trong lành
Có ba bất hủ, nguy nga ba ngọn núi Sầm

Bình phong, mặt trước

清立清亭迎瑞氣
風來水面送奇香
Bình lập thanh đình nghênh thụy khí
Phong lai thủy diện tống kì hương

Tạm dịch:

Bình phong đứng ở trước đình sáng đón mời khí lành
Gió thổi tới mặt nước toả ra mùi hương lạ

Bình phong, mặt sau

文武常班列
江山足護持
Văn võ thường ban liệt
Giang sơn túc hộ trì

Tạm dịch:

Văn võ thường xếp bày;
Non sông đủ hộ trì.

Nội điện

護國庇民澤同香水潤
調元贊化功等象山高
Hộ quốc tí dân, trạch đồng Hương thủy nhuận
Điều nguyên tán hóa, công đẳng Tượng sơn cao

Tạm dịch:

Bảo vệ nước che chở dân, ơn trạch thấm đẫm như sông Hương
Điều nguyên chuyển hóa, công lao cao lớn sánh với núi Voi
Vi đức kỳ thịnh hỹ
Hữu công tắc tự chi

Tạm dịch:

Việc làm công đức thật là thịnh;
Có công thì thờ phụng.

Nhà truyền thống

聖道千秋留越地
師傳萬世照南天
Thánh đạo thiên thu lưu Việt địa
Sư truyền vạn thế chiếu Nam thiên

Tạm dịch:

Đạo của thánh nhân ngàn năm lưu ở đất Việt
Bậc thầy của muôn đời sáng mãi ở trời Nam
岑嶺巍巍山錦清
清泉滾滾水文章
Sầm lĩnh nguy nguy sơn cẩm tú
Thanh tuyền cổn cổn thủy văn chương

Tạm dịch:

Núi Sầm vời vợi ấy là núi tươi đẹp
Suối trong xanh cuồn cuộn ấy là nước văn chương
  • Chùa Diệu Viên

Gian ngoài (Lễ khánh thành đại trùng tu ngày tốt giữa xuân năm Tân tị, Phật lịch năm 2545. Các Phật tử chùa ni Diệu Viên cùng phụng cúng)

拜手灼玄香三千世結祥雲奉獻如來蓮座上
信心持佛號百八聲成正念清生淨土寶花中
Bái thủ chước huyền hương, tam thiên thế kết tường vân, phụng hiến Như

Lai liên tòa thượng

Tín tâm trì Phật hiệu, bách bát thanh thành chính niệm, tức sinh tịnh thổ

bảo hoa trung Tạm dịch:

Lạy đốt hương thơm, Ba ngàn thế giới kết thành đám mây lành, phụng dâng lên đức Phật trên tòa sen;
Tâm tin giữ hiệu của Phật, một trăm lẻ tám tiếng chuông thành chính niệm, lập tức sinh vào cõi tịnh thổ trong cõi hoa báu.

Phật tử Hoàng Văn Liên và Hoàng Công Minh phụng cúng. Lễ khánh thành đại trùng tu chùa Diệu Viên ở kinh đô Phú Xuân

妙義如來廣含藏行深了悟能體了
圓修正玄戒定慧清凡心化作聖心
Diệu nghĩa Như Lai quảng hàm tàng, hành thâm liễu ngộ năng thể liễu
Viên tu chính huyền giới định tuệ, tức phàm tâm hóa tác thánh tâm

Tạm dịch:

Làm mầu nhiệm đạo nghĩa Như Lai thấm nhuần rộng lớn, thực hiện sâu sắc việc giác ngộ mới có thể giác ngộ được;
Tu một cách tròn đầy giới định trí tuệ chân chính huyền diệu, lập tức tâm phàm tục biến thành tâm của bậc thánh nhân.

Gian giữa

五峰山境人緣已定會聚修學佛
當吉地名祖道住錫初興逢玄場
Ngũ phong sơn cảnh, nhân duyên dĩ định, hội tụ tu học Phật
Đương cát địa danh, tổ đạo trú tích, sơ hưng phùng huyền tràng

Tạm dịch:

Cõi núi Ngũ phong, nhân duyên đã định, hội họp mà tu học Phật
Địa danh tốt lành, đạo tổ dựng thiền trượng, khi mới hưng gặp cõi nhiệm màu.
Phật tử Vũ Thiên Ngọc phụng cúng. Lễ khánh thành đại trùng tu chùa Diệu Viên ở kinh đô Phú Xuân

Gian trong cùng

將此深心奉塵清
是則名清報佛恩
Tương thử thâm tâm phụng trần sát
Thị tắc danh vi báo Phật ân

Tạm dịch:

Đem cái thâm tâm này phụng ngôi chùa trần thế
Ấy là danh để báo ơn Phật
人依法法依人頓妙隨机聞妙現
佛清心心清佛古今不異合清宗
Nhân y pháp, pháp y nhân, đốn diệu tùy cơ văn diệu hiện
Phật tức tâm, tâm tức Phật, cổ kim bất dị hợp chân tông

Tạm dịch:

Người nương pháp, pháp dựa người, nhanh chóng tuỳ cơ nghe mà hiện ra mầu nhiệm
Phật là tâm, tâm là Phật, xưa nay chẳng khác hợp với chân tông
掌上明珠光攝大千之界
手中金錫振開地獄之門
Chưởng thượng minh châu, quang nhiếp đại thiên chi giới
Thủ trung kim tích, chấn khai địa ngục chi môn

Tạm dịch:

Quả minh châu nắm trên tay, soi sáng cả trăm ngàn cõi
Gậy tầm xích vàng giữ trong tay, nâng mở cửa địa ngục

Hậu điện

五峰金地叢林孤同光含空清色
當吉山頭寶清群巒翠鎖古猶今
Ngũ phong kim địa tùng lâm, cô đồng quang hàm không tức sắc
Đương cát sơn đầu bảo sát, quần loan thúy tỏa cổ do kim

Tạm dịch:

Rừng rậm nơi đất vàng ở núi Ngũ Phong, lẻ loi ánh sáng ngậm không tức là sắc
Chùa báu đầu non là nơi tốt đẹp, những ngọn núi biếc vây quanh từ xưa đến nay

Miếu

五行列位仙娘
外境外乾英靈
Ngũ hành liệt vị tiên nương
Ngoại cảnh ngoại càn anh linh

Tạm dịch:

Các vị tiên nương ngũ hành
Anh linh ngoại cảnh ngoại càn

Lăng hội chủ Hoàng Công Viết

佛護持名標淨域
神清覺地赴蓮城
Phật hộ trì danh tiêu tịnh vực
Thần tẩm giác địa phó liên thành

Tạm dịch:

Phật hộ trì danh hiệu, nêu cao cõi tịnh thổ
Thần tẩm giúp đỡ đất giác ngộ, đi đến thành hoa sen

Mộ hiển khảo, nhận bồ đề giới chùa Từ Nghiêm hội chủ Hoàng Công Viết, tên tự là Tâm Minh. Lập xuân năm Tân Hợi. Tịch vào ngày 16 tháng tám năm Tân Hợi. Con cả Hoàng Công Do cùng thân quyến trong và ngoài chùa phụng lập

Liên kết sửa