Đặng Thân
Đặng Thân (sinh 1964) là nhà thơ song ngữ, nhà văn nổi tiếng ở Việt Nam về tiểu thuyết hư cấu, truyện ngắn và tiểu luận.
Quan niệm
sửa- ""Về nguồn" là một công cuộc sáng tạo mới lạ. Sự trở về với chân-thiện-mỹ tôi thấy nó khác hẳn cái sự không cần biết chân-thiện-mỹ là gì mà lại cứ đòi khư khư giữ lấy nó. Vậy nên tôi ủng hộ mọi sự bứt phá, dù là đi trên con đường chưa ai từng bước hay là trên những lối mòn đã có người đi mà vẫn vô cùng lạ lẫm... Cái tục hay cái "cấm kỵ" muốn đưa vào nghệ thuật càng cần phải có những thủ pháp nghệ thuật công phu, không phải cứ thích là "làm tới" được. Nhưng trước hết, phải loại bỏ khái niệm "cấm kỵ" ra khỏi sáng tác văn học. Thực tế cho thấy chính các đại văn hào là những người viết về cái "cấm kỵ" nhiều nhất và hay nhất. Vì có thể đó chính là những khu vực sâu kín, tiềm ẩn và đầy sức sống nhất làm hoàn thiện con người... Tôi nhận thấy tất cả những gì thuộc về con người đều cao quý. Vậy thì nên chăng chỉ cần đánh giá một tác phẩm là: "có hay không?", "có người không?"..."[1]
- "Văn chương thì lại càng hơn lúc nào hết phải thoát khỏi cái tình trạng "tam đại tiện" (là ba cái đại đê tiện của người cầm bút; xin đừng nhầm với đại tiện/ỉa là việc thiết yếu/sung sướng với mọi con người lành mạnh, là một trong "tứ khoái") là: nhạt như thể đang là nghề chính của bọn bán ốc luộc (úng thủy – tượng bí bách, hiểm trở); suốt ngày cúng cụ như bọn bán vòng hoa, hương, vàng mã và cờ phướn (hoả quá vượng nên nặng về lễ nghĩa xằng), dốt nát như bọn buôn hũ (thổ trung hoả/hoả nhập vào lòng đất thì là tượng của quẻ Địa Hoả Minh Di – tình trạng đau thương, ngu tối, điên dại, gãy đổ, nát bét). Tức là phải làm làm sao để cho độc giả luôn được vừa bốc lửa vừa chảy nước! Như thế mới được quẻ Thủy Hoả Ký Tế. Tế là vượt qua sông, là nên; ký tế là đã vượt qua, đã nên, đã thành. Quẻ này trên thủy dưới hoả; lửa có tính bốc lên mà ở dưới nước, nước thì chảy xuống, thế là nước với lửa giao với nhau, giúp nhau mà thành công..."[2]
- "Sự sâu sắc của văn chương phải có sự hồn nhiên. Đó là điều bình thường của người làm văn. Bây giờ tôi ít nghĩ về sự thách thức. Cách đây cũng lâu tôi cũng có ý muốn nào đó, là khao khát mình có cách viết nào có thể chuyển tải thông tin đa chiều nhất, huyền nhiệm nhất, vượt qua giới hạn ngôn ngữ ba chiều chỉ luẩn quẩn trong đúng-sai. Bây giờ tôi không đặt ra vấn đề gì với mình, tôi cứ kệ ý tứ nó có thì nó sinh ra."[3]
- "Không ai dám đẩy bất kỳ sự việc gì đến tận cùng? Văn chương sẽ còn lùng bùng đến bao giờ? Phải chăng đến hư cấu (hay "bịa") mà chúng ta cũng vẫn còn sợ bị đánh thuế? Hình như cái gọi là trí tưởng tượng mà vẫn còn đầy rẫy những lớp lớp hàng rào kẽm gai?"
- "Những biểu tượng đều có gốc. Mọi hình ảnh dường như đều có sẵn trong vô thức và tiềm thức. Nhà văn muốn khai thác được cả mỏ vàng hay mỏ kim cương nào phải đi tìm đâu thật xa. Khi 'tâm' đã 'linh' thì chỉ cần một 'niệm'."[4]
- "Đừng đem những lý tưởng, dù hay hớm đến tuyệt đỉnh, ra làm giàn lửa tự thiêu mình."[5]
- "[N]hư một sáng thế cụ, văn chương không nên và không cần copy thô bạo tôn giáo và triết học. Nó có "con mắt thứ ba" của riêng mình. Độc đáo giữa vũ trụ."
- "Bậc "Trí" cao nhất lại thường chủ trương "vô học". Trên đời này toàn những vĩ nhân tạm bợ. Vĩ nhân bậc nhất phải có máu cờ bạc, những kẻ dám ăn chia "tứ-lục" hay thậm chí chơi bời "lục-cửu" với Thượng đế. Bậc nhất mực anh hùng phải có gan xọc vào đúng tim đen của Thượng đế."
- "Chúa Lời, nếu có, là một tên ác dâm. Tên này rất khoái trá hành hạ con người… Kẻ có [...] đạo chẳng khá bàn về đạo; tất nhiên, bọn vô [...] đạo mới thường nói về đạo. Lạy Chúa, những kẻ đắc đạo đều vô đạo…"[6]
Phê bình
sửa- Trong tập truyện Ma Net tôi đặc biệt chú ý đến truyện "ma nhòa [net ii]", cách kể ở đây gần với cách kể thông thường, có thể gọi là cách kể "tuyến tính". Đặc sắc của truyện này là ở giọng kể, một u-mặc (humour) hóm hỉnh hòa lẫn xót xa. Ở hầu hết những truyện còn lại, tác giả "phá cách", Đặng Thân kể theo cách "phi tuyến tính" (non-linear)... Đặng Thân đọc tốt văn học tiếng Anh, tác giả có điều kiện lĩnh hội tự sự phi tuyến tính và trong sự thể nghiệm vào sáng tác của mình không bị sống sượng, có lẽ một phần ở anh có sự quan tâm đến văn hóa phương Đông. Về tính hài hước, Đặng Thân còn vượt cả Nguyễn Huy Thiệp.
- Nếu cứ cần phải có một định nghĩa thì tôi xin mạn phép gọi lối viết đó là phương pháp "phi thực"... Loại văn chương mà tư tưởng của nó không nằm ở phía "thực" của cốt truyện, lại nằm ở phía "hư". Việc phá bỏ cái giới hạn "3 chiều" của văn chương tự nó đã tạo ra một khung trời sáng tạo mới có thể tiệm cận tới… vô cùng. Chẳng khác nào đang từ trong các ao hồ phóng thẳng ra biển cả. Điều này đúng với cả người viết lẫn người đọc. Có khi viết như một kẻ đứng ngoài cuộc và đọc như chính mình là… nhân vật chính. Thử xem Đặng Thân bay lượn ngôn từ thỏa chí tang bồng trong các truyện "Hiếp", "Yêu", và đặc biệt với thiên truyện ngắn đặc sắc có cái tên nửa nôm nửa… bồi là "ma net". Phải ghi công đầu cho y là người đã thực sự sáng tạo ra những nhân vật "phi thực"... Ôi cái "thực" mênh mông vô cùng vô tận, đời một con rùa bò đáng kể vào đâu. Huống chi một tí ti sự thật không bao giờ là sự thật. Vậy nên mới phải "phi thực". Đó là phương pháp của… đại bàng. Bay lượn trên cái "thực", vượt ra khỏi cái "thực" (may ra) mới có thể nhìn rõ toàn bộ hình hài của nó. Nói cách khác, phải ra khỏi cái "chuồng người" (ngôn theo kiểu Nietzsche) mới nhìn rõ con người... Một thứ văn chương "tươi" đến như thế, thoắt "tiên", thoắt "tục" đến như thế, tất cả chỉ do ngôn từ và giọng điệu của y tạo ra cả. Đến truyện ngắn "ma net" thì tính chất cực kì phóng khoáng của lối viết phi thực đã thăng hoa thành một luồng gió tươi mát tràn ngập cả cõi "thực" lẫn cõi "hư", xoá nhoà ranh giới giữa "hư" và "thực". "ma net" (và cả "ma nhòa" nữa) hoà tan cả thế giới "ảo" vào thế giới "thực". Và Đặng Thân đã đặc biệt thành công. Chỉ cần giọng văn thôi, đã hình thành "tứ" truyện; nói cách khác, "tứ" nằm ở giọng văn thì đó chính là một đặc sắc "ma quỷ" kiểu Đặng Thân. Câu chuyện về những sự dan díu giữa cõi Thực và cõi Ảo trong một cõi Ảo khác quay cuồng như cơn lốc, dào dạt như sóng biển, tươi mát đến rợn người... Vậy y là "đại bàng" chăng?[7]
- Có không ít sinh linh cần phải bị hiếp như thế, để "thoát khỏi thảm kiếp trường cửu". Và cần có những "đại sư" như thế. Một cú hiếp ngoạn mục... Như Đặng Thân đã bạo động hiếp tiếng Việt, cú hiếp đầy ý thức nghệ thuật. Không dừng lại ở đó, Đặng Thân hình như còn làm cú hiếp thứ ba: hiếp thể loại... Chính ba [có thể nhiều hơn] cú hiếp này đã tạo nên cái độc đáo của Ma Net. Và có thể nói, Đặng Thân là nhà văn đầu tiên dám động đến. Không phải không nặng trĩu ý nghĩa, thú vị... Bị hiếp và được giải thoát! Đây là điểm sáng đẫm tính nhân văn của Ma Net. Bởi văn chương làm gì, nếu nó thiếu mất khoảnh khắc đột biến khả năng làm trong suốt khoảng mờ đục của ý thức, đánh thức giác quan, và chuyển hóa tâm hồn.[8]
- Trong những dòng văn chương ông theo đuổi, Đặng Thân được ca ngợi nhờ có giọng văn rất độc đáo (idiosyncratic) và phong cách nổi loạn.[9]
- Đặng Thân là điển hình của văn chương hậu-Đổi mới.[10]
- Đặng Thân tìm lối diễn đạt cực kỳ riêng trong lối kể chuyện lê thê, có vẻ sặc mùi báo chí (trong tiểu thuyết). Nếu không nhận ra sắc diện thiên tài thông minh khủng khiếp của Đặng Thân từ các nhận định đôi khi rất có vẻ tình cờ giữa các đoạn văn, người ta cứ tưởng Đặng Thân đang viết báo, hoặc cao hơn một chút, đang tổng hợp tư liệu kiến thức... Có một cách đọc Đặng Thân: nếu cần hãy gạch đít những câu hoặc những đoạn văn, những ý văn mình ưa thích. Sau một thời gian đọc, bắt đầu hiểu ra tên cầm bút thiên tài mênh mang này với khối tư liệu và ý tưởng đồ sộ miên mang này muốn gì.[11]
- Người đọc có thể tìm thấy ở 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] vô vàn điều "khác biệt" với tư duy tiểu thuyết Việt đương thời và trước đó... Theo đó, với lối tư duy trác tuyệt của mình, Đặng Thân đã biến ngôn ngữ thành phi ngôn ngữ, biến khả năng giao tiếp thành thảm họa, biến lịch sử thành hư cấu và hư cấu thành lịch sử, biến khoa học thành trò chơi, biến chuyện tình yêu thành xác thịt và xác thịt thành tình yêu, biến bạn thành thù và thù thành bạn, biến nhà thông thái thành kẻ ngốc và kẻ ngốc thành thông thái, biến tri thức thành phản tri thức, biến vĩ nhân thành thành cuồng nhân ngay trong chính "cái vĩ" của mình... Một cái nhìn đa diện, đầy chất chơi về cuộc đời như thế đã cho thấy sự bất an về bản thể, về hành trình sống của nhân loại. Một bất an ngẫu nhiên, không xuất phát từ thực tại mà dường như tự khi cái được gọi là trái đất hình thành và khi cái được gọi là con người ra đời... Và văn chương Việt muốn thoát khỏi cái bóng của tiền nhân, của những trung tâm trước đó, thì cần phải viết theo lối Đặng Thân hoặc khác đi là theo tinh thần cách tân đáng nể này.[12]
- Nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam chúng ta thấy giai đoạn nào cũng có những tác giả, tác phẩm xuất sắc, thế nhưng không phải giai đoạn nào cũng có tác giả tạo ra được một bước ngoặt trong lịch sử văn học dân tộc. Trước năm 1945 chúng ta thấy có hai tác giả tạo ra bước ngoặt cho lịch sử văn xuôi là Nam Cao và Vũ Trọng Phụng. Văn chương sau Vũ Trọng Phụng, Nam Cao và Nguyễn Tuân dường như một thời gian rất dài không có gì thay đổi, mãi đến khi Nguyễn Huy Thiệp xuất hiện, theo tôi, nó đã tạo ra một cái sự khác, và đến khi Đặng Thân xuất hiện với những tác phẩm như Ma Net, 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] thì lại bắt gặp một bước ngoặt khác. Bước ngoặt mà Đặng Thân tạo ra chính là bước ngoặt của văn học hậu hiện đại bằng cách tạo ra những không gian trò diễn kiểu khác, những chủ thể với những cấu trúc khác. Đặng Thân thực sự đã tạo ra một tác phẩm đa thanh phức điệu, xây dựng được một khung truyện kể giản đơn để tạo ra ở bên trên một cấu trúc ngữ nghĩa vô cùng phong phú, phức tạp. Với ý nghĩa ấy thì tác phẩm 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] là một sự kiện văn học cực kỳ quan trọng trong đời sống văn học của chúng ta.[13]
- Hiện tượng giới thiệu cuốn sách Dị-nghị-luận Đồng-chân-dung của Đặng Thân – một tên tuổi mới trong làng phê bình […] thì phải nói đây là một sự kiện lớn, rất lớn trong đời sống học thuật của dân tộc Việt đầu thế kỷ XXI. Rõ ràng cuốn sách có nhiều cái lạ trong nội dung và cách viết – gần như trước đây chưa hề có ở bất kỳ tên tuổi nào làm nên gương mặt phê bình của thế kỷ XX. Phần tôi, tôi hy vọng nó có được sự sống lâu bền trong tiếp nhận của công chúng đông đảo, như sự khẳng định của ba đồng nghiệp: “Một cách tiếp cận vừa từ bên trong vừa từ bên ngoài, vừa khoa học vừa nghệ thuật, với tri thức phong phú từ các nền văn hóa khác nhau và hệ phê bình khác lạ nhưng không quên tri thức khu vực truyền thống. Những góc nhìn vừa mới lạ, vừa trẻ trung đối với các tác giả đương đại của văn học Việt Nam.” (Nhà phê bình, GS.TS Trần Ngọc Vương). “Đọc văn Đặng Thân, có lẽ phải bỏ thói quen dung túng ngôn ngữ chuẩn tắc, mà phải “xuyên” qua cái vỏ của nó, bằng bất cứ giá nào, để thấu tận lõi, phải “sang sông”.” (Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân) “Đặng Thân là một chủ thể khác; vượt lên trên những chủ thể chấn thương. Đặng Thân là một vũ trụ khác; vũ trụ vượt ra ngoài mọi cõi buồn vui. Đặng Thân là một tiếng nói khác; tiếng nói không lẫn vào dàn sắc giọng đám đông.” (Nhà phê bình Lã Nguyên [PGS.TS La Khắc Hòa])[14]
Cảm tưởng
sửa- "Truyện của Đặng Thân cực kỳ ấn tượng và có một lối viết điêu luyện."[15]
- "Đặng Thân có sở trường đưa ra những sự việc thường nhật giản dị nhưng lại thể hiện rõ một đầu óc nhậy cảm, sâu sắc và mang tính triết học. Tác giả đã phản ánh những đặc tính cơ bản nhất của cuộc sống và những mối quan hệ của con người; đồng thời cũng tìm tòi và thể hiện rõ được giá trị, chiều sâu và tầm quan trọng của chúng đối với đời sống chúng ta bằng một ngôn ngữ vừa dễ đọc vừa sâu xa và giàu cảm xúc."[16]
- "Cái độc đáo nằm sâu bên trong văn của Đặng Thân là cách nhìn. Vẫn chính là mọi sự của đời sống với đi học, đi làm, vui chơi, tán tỉnh, yêu đương, có cả chiến tranh, sống, chết... nhưng được nhìn theo cách không-quan-trọng, bình-thường-thôi. Không sử thi, không anh hùng ca, không lãng mạn, không bi kịch. Mà không phải chỉ một con mắt. Có nhiều con mắt cùng nhìn trong truyện của Đặng Thân. Nhiều cái nhìn, tất thảy đều bình đẳng như nhau trong việc ghi nhận/phô bày hình ảnh và thái độ. Không có cái gì được ưu tiên hơn, không có cái gì bị đánh giá thấp. Mọi thước đo, mọi xếp loại đều được miễn trừ trong miền không gian truyện của Đặng Thân."[17]
- Nhà thư pháp Ngọa Sơn Trịnh Tuấn viết trong bài "Thư [hộ] ngôn" (2008): "Sức hút của một cái đầu có nhiều ma lực bởi chứa nhiều kênh kiến thức tạp hỗn Đông-Tây làm cho chữ [thư] bị bãi miễn tước nhiệm vinh dự là vỏ của âm thanh [ngôn] hay xiêm y lộng lẫy ngoài cùng của tư duy. Thứ chữ này tiệm biên với [họa] để giãi bày những lập ngôn mới... Ma Net là một cuốn lý thuyết cho những nhà thư pháp khi bàn về âm/hình/nghĩa trong một giới hạn của "trung lộ tư tưởng". Và là một phác thảo mang trong mình cái nhìn "một mắt" về những chật chội văn chương đương đại..."[18]
- Nhỡ quây một đóa vuông tròn
- Ngữ ngôn hiệp triển vẫn còn ngác ngơ
- Lồng xưa nhốt kẻ bây giờ
- Thâm u tư tưởng nghẹn chờ hóa long...
- "Một nền văn học nào đó là nền văn học thiếu máu và chết nếu như nó thiếu vắng những nỗ lực tự làm mới mình, và, điều quan trọng hơn, là nếu nó không có khả năng dung chứa những kẻ "nổi loạn", "chẳng giống ai" kia."[19]
- "Cái tài của Đặng Thân là anh thể hiện rất linh hoạt trong việc chuyển đổi các trạng thái đối lập của những câu chuyện kể. Một điều tưởng như là thiêng liêng có khi lại là điều tầm thường. Và một sự ngớ ngẩn có khi lại chứa đựng nhiều ý nghĩa, triết lý... Ma Net có tất cả 12 câu chuyện. Mỗi chuyện là một giọng điệu. Đó là sự biến ảo của cách viết Đặng Thân. Anh không chơi chữ trong viết văn mà anh viết văn như một tay đánh cờ lão luyện. Đánh kiểu gì cũng thắng. Sự biến ảo của văn phong ấy khiến cho bạn đọc phải phát sốt."
- Nhà văn Thế Dũng (CHLB Đức) viết về các truyện ngắn của Đặng Thân (đã in trong tập Ma Net, Nhà xuất bản Văn học 2008) trong trường ca Lục bát lên đồng (Nhà xuất bản Lao động 2010):
- Mất bao đêm trắng đỏ đen
- Hóa thùng thuốc nổ, huých em về nguồn
- Thử nhập vai Nam Việt Vương
- Hiếp như làm phúc? Âm Dương kinh hồn…
- Ma nhòe, Ma net như cồn
- Văn ngôn hun hút bông lơn cay người
- Yêu sao cho đặng thân tôi?
- Nhân Thiên hợp lực thì Người thành Văn!
- "Chơi-với-Chữ (chứ không chỉ là chơi chữ – tất nhiên chơi chữ không mới), nhưng chơi chữ kiểu Đặng Thân có nhiều cái đáng nghĩ. Dương Tường cách tân trên âm. Nhưng Đặng Thân phá chữ. Chữ nghĩa không phải là cái gì nên được tôn sùng quá, vui với nó chẳng làm cho đầu óc được tự do hơn ư?"[20]
- "...Các biểu hiện được xem là khuynh hướng hậu hiện đại… được ông vận dụng nhuần nhuyễn tới mức ma ảo để làm thành sự xô lệch cố ý về câu chữ, tạo những trường nghĩa nhòe mờ, đa hướng. Thơ Đặng Thân là lời bông đùa đa nghĩa, tiếng va đập dây chuyền của đời sống này… Ông càng đi càng xa với ‘lâu đài thi ca’ mà các vị làm thơ ‘đạo mạo’ vẫn tôn thờ từ xưa đến giờ. Nó giống như sự phản biện đến từ dòng cảm thức trái chiều, đối trọng với lối tư duy và biểu hiện phổ biến, một ‘kẻ phá đám’ để nhìn nhận lại những giá trị nguyên bản trong một chiều kích mới..."[21]
- Hà Minh (Australia) viết (2010):
- vừa đọc vừa rên
- là anh Ma Net
- vừa xem vừa rét
- Những Mảnh Hồn Trần
- đọc phải lên gân
- là thơ Âm Phụ
- đọc như còi … hụ
- là món … Hài Ku[l]
- triết lý suy tư
- Từ điển X Loại...
- "Những cái thư như "Thơ phụ âm", "[Ngồ] ngộ Ngôn Sư" hay "Mộc Dục luận" v.v... là những tư tưởng xa xỉ được nắn nót bằng những ngôn từ tinh tế, tuyển lựa và tài hoa nhất. Những thứ ấy, dẫu có làm cho Thân đoạt giải Nobel thì cũng phải đợi cả trăm năm nữa may ra có mặt trong giáo khoa thư."[22]
- "Đặng Thân là kiểu nghệ sĩ nổi loạn. Anh viết nhiều nhưng sung sức và vạm vỡ nhất ở các sáng tác mang phong cách hậu hiện đại. Ở thời điểm hiện nay, Đặng Thân là chất liệu phong phú bậc nhất cho những người quan tâm nghiên cứu văn xuôi hậu Đổi mới ở nước ta. Người nghiên cứu có thể tìm thấy trong sáng tác của Đặng Thân nhiều vấn đề có ý nghĩa lịch sử và lý thuyết liên quan tới việc vẽ bản đồ văn học, nguồn gốc của một hiện tượng văn học, cách viết và cách đọc một tác phẩm văn học."[23]
- "Một ông vua của ngôn ngữ hiện đại. Là tay tổ của việc sử dụng ngôn từ."[24]
- "Một con chim đầu đàn trong phong trào cách tân văn học của Việt Nam cũng như của thế giới... Mình cũng khoái Mạc Ngôn (Nobel Văn học năm 2012), nhưng thích cái uyên bác, thâm sâu, phiến loạn... của Đặng Thân hơn Mạc Ngôn."[25]
- Nhà văn Thế Dũng (2013): "Đặng Thân - người làm mới và khác dung mạo và sinh lực tiểu thuyết Việt Nam."
Tham khảo
sửa- ^ "Tôi ủng hộ mọi sự bứt phá", bài phỏng vấn trên Văn chương Việt 2006.
- ^ "Tú Xương & những con giòi [bò trong... tủy]", Đặng Thân, talawas 2008.
- ^ "Thế giới [văn chương] luôn có nhiều con đường...", bài phỏng vấn trên Da Màu 2008.
- ^ "Những góc nhìn...", Đặng Thân, Văn Chương Việt 2011.
- ^ "Trò chuyện cùng Đặng Thân", Nam Dao phỏng vấn, Văn Chương Việt 2012.
- ^ "Bài học tiếng Việt mới" Lưu trữ 2012-03-31 tại Wayback Machine, Đặng Thân, Da Màu.
- ^ Nhà văn Phạm Lưu Vũ viết về tập truyện Ma Net.
- ^ "Ma Net, từ hiện đại đến hậu hiện đại", nhà phê bình Inrasara viết về tập truyện Ma Net.
- ^ "Demilitarized Zone: Report From Literary Vietnam", nhà văn - nhà báo Stephen Morison Jr. (Mỹ) - Poets & Writers, Sep/Oct 2009 (New York, USA).
- ^ "Đặng Thân: điển hình của văn học hậu-Đổi mới" Lưu trữ 2011-03-01 tại Wayback Machine, nhà lý luận phê bình PGS.TS Đỗ Lai Thúy.
- ^ "Ghi sau khi đọc Đặng Thân", nhà văn - nhà thơ - dịch giả Nguyễn Hồng Nhung (Hungary).
- ^ GS.TS Lê Huy Bắc, "Trung tâm - ngoại biên: Lưu trữ 2012-12-31 tại Wayback Machine vua thất thế sãi làm vua", 2013.
- ^ "Sàn diễn 'đa thoại' của Đặng Thân" Lưu trữ 2013-01-27 tại Wayback Machine, nhà lý luận phê bình Lã Nguyên.
- ^ “GS Phong Lê, "Nghĩ về tương lai của phê bình", 2013”. Bản gốc lưu trữ ngày 23 tháng 9 năm 2017. Truy cập ngày 23 tháng 9 năm 2017.
- ^ Nhà văn - nhà báo James W. Borton Lưu trữ 2010-12-12 tại Wayback Machine (Mỹ).
- ^ Học giả - điêu khắc gia Stavros Carapetis (Australia).
- ^ "Bung phá sáng tạo và vượt thoát", nhà văn Lê Anh Hoài (Đọc Ma Net của Đặng Thân) - Tiền phong cuối tuần, trang 10, số ra 1-7/12/2008.
- ^ "Thư (hộ) ngôn", nhà thư pháp Ngọa Sơn Trịnh Tuấn.
- ^ Nhà báo Thụ Nhân viết về tập truyện Ma Net.
- ^ Nhà thơ, nhà phê bình Nhã Thuyên viết về thơ Đặng Thân.
- ^ Nhà thơ Mai Văn Phấn viết về thơ Đặng Thân.
- ^ "Đặng Thân:Bản mẫu:Liên kết hỏngBể dâu sót MỘT KẺ THỪA...", nhà thư pháp Trịnh Tuấn.
- ^ "Siêu thị chữ của Đặng Thân", nhà phê bình Phùng Gia Thế.
- ^ "Phát hiện tác giả bài thơ CAPSTAN", Lý Quốc Vinh.
- ^ Lê Thuận Nghĩa, "Cướp biển".