Câu đối khắc tại các đình, chùa, đền, miếu, phủ, điện tại Nam Bộ Việt Nam

Câu đối đặt trước cổng Báo Quốc Từ - Tây Ninh sửa

BÁO QUỐC TỪ thành lập ngày 01-01-1955, cách cửa Chánh Chợ cũ Long Hoa về phía Bắc độ hơn trăm thước Cách Đền Thánh Toà Thánh Tây ninh khoảng hai cây số. Báo: Ðáp lại. Quốc: Nước, quốc gia. Từ: Ðền thờ. Báo Quốc Từ là một Đền thờ, thờ những vị có công lớn đối với đất nước và dân tộc Việt Nam. Nhìn vào sáu mặt Đền thông thoáng, nhất là hai mặt cửa: phía chính Bắc và chính Nam có đắp nổi đôi câu liễn đối viết bằng chữ Hán do Ngài Hiến Pháp Trương Hữu Ðức đặt ra:

保 守 基 圖 英 雄 揚 氣 魄
護 持 國 運 志 士 顯 威 靈
Bảo thủ cơ đồ Anh hùng dương khí phách
Hộ trì quốc vận Chí sĩ hiển oai linh

Nghĩa là:

Bảo thủ cơ đồ, người anh hùng nêu cao khí phách
Hộ trì vận nước, người chí sĩ hiển lộ oai linh

Trong BÁO QUỐC TỪ nơi bàn thờ chánh thì thờ Quốc Tổ Hùng Vương, các vị Cứu quốc công thần, Chiến Sĩ Trận Vong

Những câu đối khắc trong 1 số đình chùa đền miếu tỉnh Bình Dương sửa

  • Câu đối tại đình Dư Khánh, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên:
Thánh đức cập quần lê vạn cổ địa linh nhân kiệt
Thần ân thi chúng thứ thiên thu vật phụ dân khang

Nghĩa là:

Đức của Thánh đến với dân làm cho muôn thủa địa linh nhân kiệt
Ân của thần ban cho dân chúng ngàn năm người, vật trù phú, an khang
  • Câu đối tại đình Tân An, xã Tân An, Tx. Thủ Dầu Một:
Thánh trạch uông dương lục bàng qui ngọc chúc
Thần ân biến phúc vạn cổ tráng kim âu

Nghĩa là:

Ân trạch của thần bao la rộng lớn sáu phía quay về đuốc ngọc
Ân phúc của thần che chở muôn đời rạng rỡ âu vàng
  • Câu đối tại đình Tân Lương, xã Thạnh Phước, huyện Tân Uyên:
Phú quốc cường dân linh thần chi nghiệp dân khả tác
Hưng thôn thịnh ấp tiên tổ chi công tử năng bồi

Nghĩa là:

Dân giàu, nước mạnh, sự nghiệp thần linh dân có khả năng tạo nên
Thôn giàu, ấp thịnh đạt, công lao tổ tiên, con cháu có khả năng vun đắp
  • Câu đối tại chùa Hưng Đức, P. Phú Cường, Tx. Thủ Dầu Một:
Nhược thực nhược hư trúc ảnh tảo giai trần bất động
Thị không thị sắc nguyệt xuyên hải để thuỷ vô ngân

Nghĩa là:

Vừa thực, vừa hư, bóng trúc quét thềm bụi không lay chuyển
Là không, là sắc, trăng soi đáy bể, nước không xao động
  • Câu đối tại chùa núi Châu Thới, xã Bình An, Tx. Dĩ An:
Đại đạo quảng khai, thố giác thiêu đàm để nguyệt
Thiền môn giáo dưỡng, qui mao thằng thụ đầu phong

Nghĩa là:

Đạo lớn rộng mở như lấy sừng thỏ khều bóng trăng đáy nước
Cửa thiền nuôi dưỡng như lấy lông rùa buộc gió vào ngọn cây
  • Câu đối tại chùa Long Sơn, xã Tân Mỹ, huyện Tân Uyên:
Thuỳ dương liễu nhi biến sái cam lộ
Trừ phiền não dĩ đắc thanh lương

Nghĩa là:

Dùng cành dương liễu rãi khắp nơi nước ngọt
Trừ được phiền muộn như nước trong
  • Câu đối tại miếu Bình Nhâm, xã Bình Nhâm, Tx. Thuận An:
Chúa thánh nam bang đãng đãng uy ân nhân hộ quốc
Xứ thần việt địa dương dương thịnh đức nghĩa tí dân

Nghĩa là:

Thánh chúa nước Nam ân to lớn bảo vệ cho đất nước
Công đức to lớn (của Bà) che chở cho nhân dân

Những câu đối khắc ở khu lăng mộ chú Hỏa - núi Châu Thới tỉnh Bình Dương sửa

Chú Hỏa (1845-1901) tên thật là Hoàng Văn Hoa vốn người làng Văn Tang thuộc Gia Hòa Sơn, huyện Tư Minh, tỉnh Phước Kiến nay thuộc khu vực Hạ Môn, tỉnh Phước Kiến, Trung Quốc. Ông sang Việt Nam vào khoảng năm 1863 và sau đó được biết đến với biệt danh là “ông vua nhà đất ở Sài Gòn” hồi cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Sở dĩ, chú Hỏa còn được gọi với tên là Hui Bon Hoa là vì khi nhập quốc tịch Pháp, ông lấy tên Pháp là Jean Baptiste Hui Bon Hoa. Trong đó, họ Hui Bon Hoa chính là tên Hoàng Văn Hoa của ông được ký âm theo phương ngữ Phước Kiến. Các con cháu của ông về sau đều mang họ Hui Bon Hoa nhưng chỉ khác tên Pháp đứng đầu. Khu lăng mộ của gia đình chú Hỏa mà người địa phương quen gọi một cách đơn giản hơn là “mộ chú Hỏa” hiện tọa lạc sát Quốc lộ 1K thuộc phường Bình An, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Tuy mang tiếng là “mộ chú Hỏa” nhưng chú Hỏa không có mộ ở đây vì sau khi mất, chú Hỏa đã được gia đình đưa về Trung Quốc an táng. Hai trụ mộ trong dạng trụ vuông, mặt ngoài có chạm chìm cặp liễn đối chữ Hán:

友 于 兄 弟
卜 共 山 邱
Hữu vu huynh đệ (Hòa thuận với anh em)
Bốc cộng sơn khâu (Trường thọ cùng núi đồi)

Cách khu vực trên khoảng 100m về phía Tây Bắc, ở khu vực chân gò có năm ngôi mộ khác cũng thuộc dòng họ Hoàng tọa lạc liền kề trên một khu đất. Bia mộ và các trụ mộ cũng chạm khắc nhiều chữ Hán rất có giá trị về lịch sử và văn chương:

  • Mộ Hoàng Vĩnh Thái: Trên bia mộ khắc sau chữ Hán: 紫 雲, 黃 永 泰 墓 “Tử Vân, Hoàng Vĩnh Thái mộ” (mộ Hoàng Vĩnh Thái) và trên hai trụ mộ trong có cặp liễn đối:
淒 淒 宿 草
香 香 幽 墳
Thê thê túc thảo (Cỏ non xanh màu mơn mởn)
Hương hương u phần (Mộ phần lan tỏa khói hương)
  • Mộ Hoàng Dương Tố Lan: Trên bia mộ khắc sáu chữ Hán: 黃 楊 素 蘭 之 墓 “Hoàng Dương Tố Lan chi mộ” (mộ Hoàng Dương Tố Lan). Trên hai trụ mộ trong có cặp liễn đối:
空 山 息 影
夜 月 歸 魂
Không sơn tức ảnh (Chốn tịch nhiên an nghỉ)
Dạ nguyệt quy hồn (Đêm trăng sáng nương về)
  • Mộ Hoàng Vương Châu Cần: Trên bia mộ khắc sáu chữ Hán: 黃 王 洲 勤 之 墓 “Hoàng Vương Châu Cần chi mộ” (mộ Hoàng Vương Châu Cần). Hai trụ mộ trong có cặp liễn đối:
空 山 隐 魄
芳 草 斜 陽
Không sơn ẩn phách (Núi cao ẩn phách)
Phương thảo tà dương (Cỏ thơm chiều tà)
  • Mộ Hoàng Vương Loan Hồng: Trên bia mộ khắc sáu chữ Hán: 黃 王 鸞 紅 之 墓 “Hoàng Vương Loan Hồng chi mộ” (mộ Hoàng Vương Loan Hồng). Hai trụ mộ trong có cặp liễn đối:
故 鄉 斷 梦
異 地 歸 真
Cố hương đoạn mộng (Mộng tàn quê cũ)
Dị địa quy chân (Đất Phật hồn về)

Các câu đối khắc tại Khu du lịch Đại Nam của Huỳnh Ngu Công sửa

Khu du lịch Đại Nam (Hay còn gọi là Đại Nam thế giới du lịch, Lạc cảnh Đại Nam Văn hiến hoặc Đại Nam quốc tự). Nơi đây có đủ cả biển, hồ, sông, núi, rừng, muông thú và tường thành đã làm toát lên được vẻ đẹp hùng vĩ của Sơn Hà Xã Tắc nước Nam! Khu du lịch này nằm ở tỉnh Bình Dương, Địa chỉ: Ấp 1, xã Hiệp An, thị xã Thủ Dầu Một, cách thành phố Hố Chí Minh khoàng hơn 1h lái xe! Những câu đối được in trên cột ở cổng chào:

“Đại hải thiên tâm phô nguyệt điện
Nam thiên nhất trụ trổ liên đài”
“Văn tư bút thái kinh long phụng
Hiến ý chương tình đẹp trúc mai”
Tâm đài nhật nguyệt ân quang chiếu
Linh địa giang sơn hỷ khí lâm
“Đại Việt tứ phương tôn chính khí
Nam Bang vạn đại niệm công thần”

Những câu đối khắc tại chùa Đại Giác - Đồng Nai sửa

Chùa Đại Giác tọa lạc tại ấp Nhị Hoà, xã Hiệp Hòa (Cù lao Phố), thành phố Biên Hòa. Đây là vùng đất thanh tịnh giữa cù lao Phố, địa cảnh phong quang. Chùa được khởi dựng năm nào chưa rõ. Tương truyền, chùa do nhà sư Thành Đẳng lập dựng. Nguyên thủy, chùa Đại Giác là một ngôi chùa nhỏ, thấp, vách ván, cột cây, mái lợp ngói âm dương. Đặc biệt ở mặt tiền chùa có hàng hiên rộng rãi. Các cột phía trước đều có câu đối. Các cặp câu đối đều được bắt đầu bằng chữ Đại và chữ Giác ở mỗi vế:

Đại điện huy hoàng ưu bát hoa khai ngưỡng thụy nhựt (Đại điện huy hoàng hoa ưu bát nở đón ngày lành chào bóng dương.)
Giác lâm tịch tĩnh bồ đề thụ trưởng tống xuân phong (Rừng thiền yên lặng, cây bồ đề lớn tiễn gió xuân).
Đại hiệu Di Đà pháp giới tàng thân tùy xứ hiện (Hiện Đại, pháp giới Di Đà ẩn hình, tùy nơi xuất hiện.)
Giác danh cực lạc tịch quang chân cảnh cá trung huyền Tên Giác, cỡi cực lạc tịch quang chiếu bóng, đỏ lối u huyền).
Đại thể Di Đà, kim tướng quang minh chu cực lạc. (Đại thể Di đà, tượng Phật sáng rực miền cực lạc,)
Giác quang Phật Tổ, pháp thân thanh tịnh hóa Sa Bà. (Giác quang Phật Tổ, pháp thân thanh tịnh cõi Ta Bà)

Những câu đối của Hòa Thượng Thích Quang Đạo khắc tại trường TCPH Đồng Nai sửa

Đối tại cổng chính

Cửa từ bi sớm mõ chiều chuông tâm an nhiên trong giải thoát
Nơi điện Phật tối thiền khuya định tánh hiển hiện lẽ huyền vi
Cửa Phật từ bi đón khách thập phương về bờ giác
Thuyền pháp nhiệm mầu đưa kẻ sáu nẻo vượt sông mê
Cửa ra chìm nổi tám gió chẳng Thánh chẳng phàm họa khôn xiết
Đường vào an nhiên một niệm tức tâm tức Phật phước huệ tròn
Trường Phật học đào tạo Tăng tài truyền thừa Phật pháp
Cửa thiền môn tu trì phạm hạnh chứng đạo Bồ đề

Đối tại nhà Tổ

Lịch đại Tổ sư trao đèn chánh pháp độ người lên thánh vị
Chư đức Tăng già nối đuốc trí tuệ làm rạng ấn tông phong

Đối tại Chánh điện

Tam kỳ quả mãn Thế tôn thị hiện khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến
Bách thiên nhơn viên Bồ-tát giáng thần hàng phục ma chướng chứng đạo quả Bồ-đề
Trí Bát-nhã phá tan tham sân si độ người trầm luân lên bờ giác
Hạnh Phổ Hiền thừa đương bi trí dũng đưa kẻ khổ lụy vượt sông mê

Những câu đối khắc ở chùa Bình Điện thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai sửa

  • Chùa Bình Điện còn gọi là chùa Bửu Phong, được Hòa thượng Bửu Phong dựng vào khoảng thế kỷ XVII, lúc đầu chỉ là một am tranh nhỏ thờ Phật. Ngày nay tại chùa này còn tháp của Tổ sư Pháp Thông xây theo hình khối lục giác. Do Hòa thượng Pháp Thông không có đệ tử thay thế, nên Thiền sư Viên Quang là người Minh Hương thuộc Thiền phái Lâm Tế đời thứ 36 được cử về trụ trì chùa Bửu Phong. Năm 1760, Thiền sư Viên Quang đã trùng tu chùa này. Hai câu đối ở hai cột chính nói lên ý nghĩa của tên chùa:
Bửu nhạc phối đề y Thứu Lĩnh (Bửu nhạc dịu dàng như Thứu Lĩnh)
Phong sơn quý mỹ tự Kỳ Viên (Phong sơn đẹp đẽ tựa Ký Viên)
  • Câu đối do 1 du khách khuyết danh viết tặng khi đến vãn cảnh chùa:
Phía sau Bình Điện ngăn phong lãnh
Mé trước Trường Giang nước chảy quanh
Núi Bửu Long nay đã trở thành một quần thể di tích thắng cảnh du lịch của tỉnh Đồng Nai. Du khách đến Đồng Nai không thể không viếng chùa Bửu Phong nằm trong toàn cảnh núi Bửu Long hay núi Bình Điện và sông Trường Giang, tức sông Đồng Nai

Câu đối khắc ở Thiền viện Tuệ Thông tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu sửa

Thiền viện Tuệ Thông, vốn là chùa Bửu Sơn trên núi Tao Phùng, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Chùa theo hệ phái Bắc Tông, trong thiền viện có khắc câu đối như sau:

禪 演 一 乘 開 示 僧 尼 從 鳥 道
宗 開 極 果 伏 為 大 衆 透 牢 關
Thiền diễn nhất thừa khai thị Tăng ni tùng điểu đạo,
Tông khai cực quả phục vị đại chúng thấu lao quan.

Nghĩa:

Thiền diễn bày nhất thừa, khai thị Tăng ni theo lối tắt,
Tông khai mở cực quả mong cầu đại chúng thấu lao quan.

Câu đối độc đáo khắc tại đình Bình Hòa - thành phố mang tên Bác sửa

Đình Bình Hòa là một di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ngôi đình tọa lạc tại số 15/77 đường Chu Văn An, Ngã Năm Bình Hòa, P.12, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Toàn bộ kiến trúc của ngôi đình gồm có: võ ca (vì hư hỏng nặng nên đã dỡ), tiền điện, trung điện, chính điện, nhà túc, nhà kho và nhà bếp. Câu đối thì có nhiều nhưng riêng tiền điện thì có hai cặp (bốn câu) cẩn bằng miểng sành rất đẹp. Hai câu ngoài cùng làm thành một cặp và hai câu ở giữa làm thành cặp còn lại:

Tả vị xương lang, tuyển vạn cổ thánh hiền lễ nhạc
Hữu biên thái thịnh, hanh bách niên thế đại văn chương

Tạm dịch:

Tả vị vẻ vang, chọn lễ nhạc thánh hiền vạn cổ
Hữu biên lừng lẫy, thông văn chương thế đại trăm năm.
Chữ lãng cũng đọc lang, như đã ghi nhận trong Khang Hy tự điển. Ở đây, đọc theo âm này (thanh bằng) để đối với thịnh, thuộc thanh trắc - Hanh: thông; làm cho thông suốt.
Bình thụ bỉnh phong, uy chấn tam giang chân hiển hách
Hòa bang chưởng ấn, ưởng trì bách tính đắc an ninh.

Tạm dịch:

Vỗ dạy cầm quyền, sang sửa ba sông nên sáng chói
Giúp vùa giữ ấn, dắt dìu trăm họ được yên lành.
Bình: vỗ yên - Thụ: truyền dạy - Chữ là một dạng của chữ bỉnh là cầm, nắm - Phong: ở đây là chức, tước (được phong). Tạm dịch là quyền” (thanh bằng) để đối với ấn" (thanh trắc) - Uy (ở đây không phải danh từ mà là động từ): làm cho sợ - Chấn: sửa sang - Tam giang: ba con sông chảy qua (?) hoặc liên quan đến Bình Hòa xã. Ở đây dùng theo hoán dụ để chỉ chính Bình Hòa xã – Ưởng: đánh bằng dây da buộc trâu, ngựa; ưởng trì; điều khiển, dìu dắt. Ta có thể đổi chữ tuyển thành tuân (= nghe theo). Vậy câu đầu hàng ngoài sẽ là: Tả vị xương lang, tuân vạn cổ thánh hiền lễ nhạc, nghĩa là Tả vị vẻ vang tuân lễ nhạc thánh hiền vạn cổ"

Câu đối khắc ở chùa Giác Lâm thành phố Hồ Chí Minh sửa

Chùa Giác Lâm còn có các tên khác: Cẩm Sơn, Sơn Can hay Cẩm Đệm; là một trong những ngôi chùa cổ nhất của Thành phố Hồ Chí Minh. Đây chính là tổ đình của phái Thiền Lâm Tế tông ở miền Nam Việt Nam. Chùa tọa lạc tại số 565 (số cũ 118) đường Lạc Long Quân, thuộc phường 10, quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. Chùa được cư sĩ Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744) đời chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ban đầu chùa có tên là Sơn Can (sơn là núi, cang là gò nông), về sau còn được gọi là Cẩm Sơn do chùa tọa lạc trên gò Cẩm Sơn. Ngoài ra, chùa còn có tên là Cẩm Đệm vì cư sĩ Thụy Long có tên riêng là Cẩm, chuyên nghề đan đệm bán, người địa phương gọi là ông Cẩm Đệm. Năm 1774, Thiền sư Phật Ý-Linh Nhạc (trụ trì chùa Từ Ân) đã cử đệ tử của mình là Thiền sư Tổ Tông-Viên Quang (gọi tắt là Viên Quang) về trụ trì chùa, đồng thời đổi tên chùa thành Giác Lâm.

  • Hoà thượng Trần Bửu Hương có tặng chùa Giác Lâm đôi câu đối như sau:
朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜 Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái (Nhộn nhàng chầu, nhộn nhàng bái, nhộn nhàng chầu bái)
齊齊齋齊齊戒齊齊齋戒 Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới (Lặng lẽ trai, lặng lẽ giới, lặng lẽ trai giới)
Đôi câu đối này cũng có thể dịch là: "Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng sáng chầu lạy" và "Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh". Theo các nhà nghiên cứu thì đôi câu đối này có xuất xứ từ chùa Thanh Vân (nay đã hoang tàn) ở thị trấn Xuân Loan, miền thượng du sông Mạc Dương bên Trung Quốc, nguyên bản như sau:
朝朝朝朝拜朝朝朝拜酬帝泽 Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triêu triều bái thù đế trạch (Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng sáng chầu lạy trả ơn vua)
齊齊齊齊齊戒齊齊齊戒答神恩 Tề tề trai, tề tề giới, tề tề trai giới đáp thần ân (Đều đều chay, đều đều tịnh, đều đều chay tịnh đáp X thần)
Ngoài ra tại đền Thiên Hậu Thánh Mẫu ở Mi Châu, tình Phúc Kiến, cũng có hai câu gần tương tự:
朝潮朝潮朝朝潮朝朝潮音 Triêu triều, triêu triều, triêu triêu triều, triêu triêu triều âm
齊齊齊齊齊齊齊齊齊齊戒 Tề trai, tề trai, tề tề trai, tề tề trai giới
Ở đây, chữ triều 朝 thay cho triều 潮 là thủy triều (chứ không phải chầu lạy) và nghĩa của hai câu là: Thủy triều buổi sáng, thủy triều buổi sáng, thủy triều các buổi sáng, tiếng thủy triều các buổi sáng; Đều chay, đều chay, đều đều chay, đều đều chay tịnh. Ý là: “Triều khởi giới âm” 潮起戒音, tức hễ tiếng sóng triều đánh vào bờ thì mọi người đều im lặng. Tương truyền hai câu này là của Thám hoa Đái Đại Tân đời Minh.
Có một dị bản khác của đôi câu đối trên nhưng vế trên lại đảo xuống vế dưới, xin đưa cả vào để độc giả nghiên cứu:
齊齊齋齊齊戒齊齋齊戒佛恩廣大 Tề tề trai, tề tề giới, tề trai tề giới, Phật ân quảng đại (Đều đều chay, đều đều tịnh, đều chay đều tịnh, ơn Phật rộng lớn)
朝朝朝朝朝拜朝朝朝拜功德無量 Triêu triêu triều, triêu triêu bái, triêu triều triêu bái, công đức vô lượng (Sáng sáng chầu, sáng sáng lạy, sáng chầu sáng lạy, công đức không lường)
Đây là hai câu đối của chùa Phong Ninh ở thị trấn Thạch Loan, tỉnh Quảng Đông và cặp đối này cũng có hai chữ cuối câu (đại, lượng) thuộc vần trắc.
  • Những câu đối khác:

1 - Câu đối do Mộc Ân đệ tử viết tặng:

Vạn pháp đài trung tuyên tứ đế, báo Phật Tổ hồng ân kỳ phong điều vũ thuận. (Trên đài Phật pháp, truyền Tứ đế, đáp hồng ân Phật Tổ, cầu mưa hòa gió thuận.)
Đại hùng bảo điện diễn tam thừa, chúc Hoàng vương thánh thọ nguyện quốc thái dân an. (Nơi điện Phật Tổ, diễn Tam thừa, chúc Hoàng vương sống thọ, nguyện đất nước thái bình dân an.)

2 - Câu đối của Trịnh Hoài Đức

Hiệp Biện Đại học sĩ Trịnh Hoài Đức cũng thường viếng chùa Giác Lâm và đã tặng chùa câu đối mà chính Ngài đã viết kính điếu thầy học của Ngài là “Xử sĩ Võ Trường Toản”:

Sanh tiền giáo huấn đắc nhân, vô tử nhi hữu tử, (Khi sống dạy dỗ được người, không con như có con,)
Một hậu lưu danh tại thế, tuy vong giả bất vong. (Lúc mất lưu danh lại đời, tuy mất nhưng không mất)
Cặp câu đối này vừa mang ý nghĩa hợp với đạo và đời. Một vị “Thầy” (thầy giáo hay thầy tu), lúc còn sống dạy dỗ được người đời, dầu không có con để nối dòng dõi mà cũng như có con vì có học trò nối truyền. Vị thầy này khi mất rồi, danh tiếng vẫn lưu lại trong đời. Tuy thân xác không còn nhưng danh vẫn không bao giờ mất.

Câu đối khắc ở miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân - thành phố Hồ chí Minh sửa

Trên đường Võ Thành Trang, phường 11, quận Tân Bình, TP.HCM, tới khúc quanh gần hẻm số 80 có một ngôi miếu nằm ven đường, sát bờ tường nhà dân. Phía trên ngôi miếu có dòng chữ: Miếu thờ liệt sĩ Mậu Thân. Mặt trước miếu còn có đôi câu đối được viết cách điệu theo mẫu chữ Nho:

“Hết lòng cho nước nghĩa lớn còn lưu
Trăm dạ vì dân hồn thiêng vẫn sống”
Năm 1968 trận Mậu Thân nổ ra, ở cái cua quẹo này bộ đội chết mấy người. Mấy anh chiến sĩ đó đâu có ai biết họ tên hay quê quán gì đâu, chỉ biết là bộ đội ngoài Bắc vô. Thương mấy anh bộ đội, bà con lập cái miếu nhỏ để hương khói.

Những câu đối khắc tại chùa Hoằng Pháp - Thành phố Hồ Chí Minh sửa

Chùa Hoằng Pháp do cố Hòa thượng Ngộ Chân Tử sáng lập năm 1957. Nơi đây xưa kia là một cánh rừng chồi. Sau hai năm khai phá, năm 1959 Hòa thượng mới bắt đầu xây dựng bằng gạch đinh, hai tầng mái ngói, mặt chùa xoay về hướng Tây Bắc. Từ ngoài nhìn vào cổng tam quan, cổng chính đề chữ CHÙA HOẰNG PHÁP, hai cổng phụ bên trái đề chữ TỪ BI, bên phải đề chữ TRÍ TUỆ. Dọc theo hai cột của cổng chính có hai câu đối:

HOẰNG dương đại đạo chỉ bày nhân loại nhận ra chân thật tính
PHÁP Phật nhiệm màu khai thị chúng sinh ngộ được Bồ đề tâm

Dọc theo hai cổng phụ có hai câu đối:

TỪ BI cứu bốn loài qua bể khổ đau
TRÍ TUỆ độ ba cõi đến bờ hạnh phúc

Từ trong cổng tam quan nhìn ra, dọc theo hai cột chính có hai câu đối:

Tri ân Hòa Thượng Tôn sư gây dựng cảnh thiền từ đất Bắc
Báo đáp Cao Tăng Tổ đức vun trồng vườn giác tại miền Nam

Dọc theo hai cổng phụ có hai câu đối:

Đến cửa chùa rũ bỏ trần duyên tính xấu
Vào điện Phật giữ gìn mối đạo tâm lành

Câu đối khắc ở chùa Hội Khánh - Sông Bé sửa

Chùa Hội Khánh là một ngôi chùa cổ Phật giáo được xây vào năm 1741 ở thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Sau cổng Tam Quan có chạm rồng phụng chùa tọa trên một vùng dất yên tỉnh với nhiều cây cối, đặc biệt là có bốn cây dầu đã được trồng hơn một thế kỷ không bao lâu sau khi chùa được xây lại. Trong suốt 250 năm kể từ ngày thành lập chùa đã có 10 vị trụ trì. Đương nhiệm trụ trì là Hòa thượng Thích Huệ Thông, ông cũng là Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương.

若 實若 虚 , 竹 影 掃 堦 塵 不 動 Nhược thực nhược hư, trúc ảnh tảo giai trần bất động (Như thực như hư, bóng trúc quét thềm, bụi trần vẫn tạnh)
是空 是 色 , 月 穿 海 底 水 無 痕 Thị không thị sắc, nguyệt xuyên hải để thủy vô ngần (Là không là sắc, ánh trăng xoáy biển, sóng biển không nhồi)

Câu đối trên bắt nguồn từ 2 câu thơ: "Trúc ảnh tảo giai trần bất động, Nguyệt luân xuyên hải thuỷ vô ngân". Đời Trần Thái Tông, vua cho mở cả khoa thi Tam giáo. Sách Khóa hư lục đã thể hiện quan điểm tam giáo đồng nhất thể:“…Hỏi chi đại-ẩn, tiểu-ẩn, chẳng kể tại gia xuất gia. Không nề tăng tục, chỉ cốt biện tâm. Vốn không gái trai, chẳng nên trước tướng. Người chưa tường còn chia tam-giáo. Liễu được thấu đều ngộ nhất tâm…”. Mở rộng chủ trương này, đoạn 38; quyển Thượng chép: Tăng hỏi Tư Hòa thượng về đại ý Phật pháp, Hòa thượng đáp: "Giá gạo ở Lư Lăng ra sao"?. Đến đây sách nêu câu niêm (đề dẫn) trước khi tụng bài kệ 4 câu. “Trúc ảnh tảo giai trần bất động, Nguyệt luân xuyên hải thuỷ vô ngân”. Dịch thơ: "Bóng trúc quét thềm - không vẩn bụi, Vầng trăng xuyên bể - nước lồng gương".

Cố gò theo vần, câu thơ dịch quốc ngữ chưa thể làm rõ được hết ý thơ song đọc kĩ dòng thơ nguyên tác, suy gẫm ta thấy được chủ ý của hai câu thơ là nêu một thực tế cụ thể, vẽ nên một bức họa phong cảnh dùng làm đề dẫn “Bóng trúc quét qua thềm (mà) chẳng làm vẩn lên chút bụi nào – Vầng trăng xuyên xuống biển (nhưng) mặt biển vẫn phẳng phiu không mảy gợn”. Tả để gợi: Bóng trúc, vẩn bụi trên thềm, vầng trăng, làn nước biển… đều rất sống động. Cảnh ngầm gợi một ý sâu xa về “sắc” và “không”. Bóng trúc lay động trên thềm…vầng trăng xuyên xuống nước là “sắc” - tưởng là hiện hữu đấy nhưng rồi chỉ là hư ảo, là “không”. “Sắc tức thị không”…Ngộ được “sắc là không” thì tâm chẳng động. Tâm không động thì “không vẩn bụi” và “phẳng như nước lồng gương”.

Những câu đối khắc tại đền tưởng niệm liệt sĩ Bến Dược - Củ Chi sửa

Đền Tưởng niệm liệt sỹ Bến Dược là một công trình lịch sử văn hóa của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, được xây dựng để tưởng nhớ công ơn to lớn của đồng bào chiến sỹ đã chiến đấu hy sinh trên vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Chính giữa cổng tam quan là biển đề : Đền Bến Dược và trên các thân cột là những câu đối của nhà thơ Bảo Định Giang :

Trải tấm lòng son vì đất nước
Đem dòng máu đỏ giữ quê hương

và:

Lòng biết công ơn nhang thơm một nén
Đời còn bóng dáng sao sáng ngàn năm

Những câu đối khắc tại các chùa chiền tỉnh Long An sửa

  • Chùa Thiên Khánh:

春 木 千 枝 歸 一 本

長 江 萬 派 總 同 源

Xuân mộc thiên chi quy nhất bổn
Trường giang vạn phái tổng đồng nguyên

Nghĩa:

Cây tươi ngàn cành về một gốc
Sông dài muôn nhánh chung một nguồn.
  • Chùa Hưng Phước:

興 正 教 廣 慈 悲 祝 南 國 皇 圖 鞏 固

福 果 増 盛 道 德 祈 西 乾 佛 日光 晖

Hưng chánh giáo quảng từ bi chúc Nam quốc hoàng đồ củng cố.
Phước quả tăng thạnh đạo đức kỳ Tây Càn Phật nhật quang huy.

Nghĩa:

Hưng khởi Chánh giáo, mở rộng từ bi, chúc cơ đồ nước Nam vững chắc
Phước quả thêm nhiều, phát triển đạo đức, nguyện mặt trời trí huệ Tây Thiên sáng rực

Những câu đối khắc ở chùa Phước Hậu tỉnh Vĩnh Long sửa

Từ Thành phố Cần Thơ, xuôi dòng sông Hậu về phía hạ lưu cách thị trấn Trà Ôm không đầy một cây số, ở làng Tản Nhạn có một ngôi chùa cổ đứng giữa những tán tre già chính là chùa Phước Hậu. Năm 1972, Hòa thượng Thích Thiện Hoa viên tịch, Thượng tọa trụ trì Thích Hoàn Phú đã cho xây tháp Thiện Hoa, thờ linh cốt của Ngài. Tháp Đa Bảo được kiến tạo vào năm 1966, gồm ba tầng. Tầng trên thờ tượng đức Phật nhập niết bàn và Xá lợi Phật. Tầng giữa thờ Pháp Bảo (một bộ kinh Pháp Hoa). Tầng dưới: Phía Đông thờ linh cốt Tổ Khánh Anh, phía Nam thờ linh cốt HT Thích Quảng Đức, phía Tây thờ linh cốt Tổ Khánh Hòa, phía Bắc thờ linh cốt Tổ Huệ Quang, trung tâm thờ đất Phật tại tám Phật tích ở Ấn Độ.

Phước từ trước như bể cả sông sâu, thỏ lội ngập đầu, voi đi ướt đít
Hậu về sau tợ đường dài đất rộng, cò bay thẳng cánh, chó chạy ngay đuôi
Hai chữ đầu hai vế là Phước - Hậu. Đây là câu đối làm riêng cho chùa này, trong đó có thỏ, voi, cò rồi chó, lại còn ướt đít, ngay đuôi. Thật là thoải mái, vô chấp. Ý tác giả muốn lấy những ngôn ngữ thường nhật của Phật tử, là những người dân chân đất để thêm gần gũi, hòa quang đồng trần...

福果多結晶,輻奏人車轟五乘

厚村潮溯水,光煇星月印天江

Phước quả đa kết tinh, bức tấu nhân xa oanh ngũ thặng
Hậu thôn triều tố thủy, quang huy tinh nguyệt ấn thiên giang.

Nghĩa:

Quả Phước kết tinh nhiều, rầm rộ người xe chấn động năm thừa.
Xóm Hậu dòng nước xuôi ngược, ngời sáng trăng sao in giữa dòng sông.

福地擁石衢,普遍叢林森道樹

厚基聳盛立,高朋古寺顯家鄉

Phước địa ủng thạch cù, phổ biến tòng lâm sâm đạo thọ
Hậu cơ tủng thịnh lập, cao bằng cổ tự hiển gia hương

Nghĩa:

Đất Phước đắp đường đá, khắp giáp tòng lâm dầy đặc cây đạo đức
Nền Hậu thành vực cao, bạn đạo chùa xưa nổi bậc xóm quê nhà

福地潤後江,諸水無不潮東,匯納百川歸大海

厚基煇佛日,眾星悉皆栱北,包含萬像應中天

Phước địa nhuận hậu giang; Chư thủy vô bất triều đông, hối nạp bá xuyên qui đại hải.
Hậu cơ huy Phật nhật: Chúng tinh tất giai củng Bắc, bao hàm vạn tượng ứng trung thiên.

Nghĩa:

Đất Phước nhuần thấm Hậu giang, các dòng nước đều chảy về biển Đông, rót nhận trăm sông qui về biển cả.
Nền Hậu sáng ngời ánh Phật, các ngôi sao đều chầu về Bắc Đẩu, bao trùm muôn tượng giữa trời trong

讀兵書懼戰。讀律書懼刑。讀佛書戰刑無懼。

耕禹田優水。耕湯田優旱。耕心田水旱何優。

Đọc Binh thơ cụ chiến, đọc Luật thơ cụ hình, đọc Phật thơ chiến hình vô cụ.
Canh Võ điền ưu thủy, canh Thang điền ưu hạn. Canh tâm điền thủy hạn hà ưu.

Nghĩa:

Đọc sách Binh sợ chiến tranh; Đọc sách Luật sợ hình phạt. Đọc sách Phật chẳng sợ chiến tranh và hình phạt.
Cày ruộng Vua Võ sợ nước lụt; Cày ruộng Vua Thang sợ nắng hạn. Cày ruộng tâm nào sợ nước lụt và nắng hạn

福地見法幢,打倒神權除鬼魅

厚基煇佛日,取消魔障滅邪迷

Phước địa kiến pháp tràng, đả đảo thần quyền trừ quỉ mị.
Hậu cơ huy Phật nhật, thủ tiêu ma chướng diệt tà mê

Nghĩa:

Đất Phước dựng pháp tràng, đả đảo thần quyền trừ quỉ mị
Nền Hậu ngời ánh Phật, thủ tiêu ma chướng diệt tà mê

Những câu đối đề tại Văn Thánh Miếu ở Vĩnh Long sửa

Văn Thánh Miếu Vĩnh Long thờ đức Khổng Tử tại làng Long Hồ, nay thuộc phường 4, TP Vĩnh Long. Đó là một trong ba Văn Thánh Miếu được xây dựng đầu tiên ở Nam bộ: Văn Thánh Miếu ở Biên Hòa, Gia Định và Vĩnh Long. Công trình này khởi công từ mùa đông năm Giáp Tý (1864) và hoàn thành vào mùa thu năm Bính Dần (1866). Trên gác thờ ba vị Văn Xương Đế Quân (thần Văn học): Bên dưới, gian giữa thờ cụ Võ Trường Toản và Phan Thanh Giản. Khánh thờ chạm trổ khéo léo, sơn son thếp vàng. Phía ngoài có hai câu đối:

Hoàng phong xử sĩ thanh cao lão
Tự hiệu thơ sanh tiết liệt thần

Bên trong Văn Xương Các có các câu đối tiêu biểu như sau:

Công cán tam triều cảnh cảnh điền mô chiêu á thánh
Đức tùy bách tánh dương dương tiết liệt sắc phong thần

Dịch nghĩa:

Ba triều công nghiệp, khuôn mẫu chói chang theo gương á thánh
Trăm họ ơn đức, khí tiết mênh mông đáng được phong thần
Đức hạnh văn chương chiêu Thánh giáo
Thông minh tài liệu dũ Nho phong

Dịch nghĩa:

Văn chương đức hạnh noi gương bậc Thánh
Phẩm chất thông sáng giữ dáng nhà Nho

Khu vực chính của Văn Thánh Miếu gồm Đại Thành điện và hai ngôi miếu ở trước sân đâu mặt nhau gọi là Tả Hữu vưu. Gian chính điện được bài trí đơn giản. Giữa là khánh thờ bài vị: Đại Thành Chí Thánh Tiên sư Khổng Phu tử và bài vị bốn vị đứng vào hàng đệ tử của ngài gọi là Tứ Phối. Cũng trong chính điện, hai bên Tả ban và Hữu ban là khánh thờ: Thập nhị hiền triết. Còn hai bên Tả Hữu vu thờ: Thất thập nhị hiền, mỗi bên ba mươi sáu vị.

Câu đối của Thượng thư Cao Xuân Dục cúng năm 1913 khi ông đến Vĩnh Long:

Xuân thu hà đẳng càn khôn, đạo tại Ngũ Kinh song nhật nguyệt
Thù Tứ biệt thành vũ trụ, đồ qua Lục Tỉnh nhất cung tường

Nghĩa:

Đời Xuân Thu trời đất bậc nào, đạo ở năm kinh đôi nhật nguyệt.
Sông Thù, Tứ, cõi bờ riêng đó, đường qua sáu tỉnh một cung tường.

Câu đối khắc ở Lăng Ông Tiền quân Thống chế Điều bát ở Trà Ôn sửa

Tiền quân Thống chế Điều bát tên thật là Thạch Duồng, quê ở làng Nguyệt Lãng, xã Bình Phú, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh. Do có công với triều Nguyễn nên ông được ban quốc tính - họ Nguyễn và lấy tên là Nguyễn Văn Tồn. Ông được nhân dân Trà Ôn tôn kính như một bậc tiền hiền có công khai hoang mở cõi vùng đất Trà Ôn. Lăng mộ ông được xây dựng hết sức trang nghiêm và cổ kính. Bên ngoài là một cổng cao, lớn, được trang trí rực rỡ với nhiều màu sắc và đôi câu đối trên hai cột trụ cổng:

Đức nghiệp tịnh sơn hà, hinh hương tứ hải
Huân danh chiếu nhật nguyệt, dĩ cập thiên thu

Mộ phần của ông và phu nhân được xây và đặt phía sau lăng. Xung quanh mộ có tường bao bọc, tường hoa, bình phong, trụ liễu... được trang trí hình hoa lá, giao long và có cặp kỳ lân đứng chầu. Trên rặng liễu có câu đối ngắn, thể hiện được đức độ của ông:

Hoa di cộng hưởng
Mân Quảng đồng tri ân

Nghĩa là:

Người Hoa, người Khmer đồng ngưỡng mộ
Người Phúc Kiến, người Quảng Đông đều nhớ ơn
Vì lẽ đó, khi đến Trà Ôn, chúng ta sẽ dễ dàng nghe được câu ca dao: "Lịch thay cuộc địa Trà Ôn, miếu Ông Điều Bát lưu tồn đến nay. Đất giồng Thanh Bạch xưa kia, có đền Ông lớn với bia lưu truyền

Những câu đối khắc tại đình Tân Thạch - Bến Tre sửa

Đình Tân Thạch, trước có tên là đình Thạch Hồ, thuộc thôn Thạch Hồ, tổng Hòa Bình, trấn Vĩnh Tường, tỉnh Định Tường; nay thuộc ấp 9, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, cách trung tâm thành phố Bến Tre (Việt Nam) khoảng 12,5 km về hướng đông nam. Hai bên cổng ra vào có đắp nổi 2 câu đối bằng chữ Việt (do được xây dựng trong mấy năm gần đây):

Cân bằng phong vũ/ mang gió mùa biển cả/ ổn định xã Thạch Hồ
Trợ sức thiên nhiên/ đem châu thổ sông Tiền/ đắp bồi vùng Rạch Miễu

Trước sân đình có bức bình phong bằng đá, chạm nổi hình rồng và hổ theo mô típ "long bàn hổ cứ" (rồng cuộn hổ ngồi) để miêu tả thế đất chắc chắn bền vững, vừa tiện lợi cho việc phòng thủ giữ gìn, vừa phù hợp với việc phát triển phồn vinh, để lại cho con cháu muôn đời. Hai bên có hai câu đối chữ Hán:

Hổ cứ sơn lâm phù xã tắc
Long du nguyệt điện tráng sơn hà

Những câu đối khắc tại Phước Minh Cung tỉnh Trà Vinh sửa

Chùa Ông có tên gọi chính thức là Phước Minh Cung tọa lạc tại số 44, đường Điện Biên Phủ, phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh. Dựa theo bi ký còn lưu lại thì chùa được xây dựng năm 1556, chùa thờ Quan Công nên được gọi là chùa Ông. Cửa chính làm bằng gỗ với bốn cánh, trang trí hình tượng Tần Thúc Bảo, Uất Trì Cung, Từ Mậu Công và Ngụy Trưng. Trên các vì kèo chạm khắc họa tiết long, lân, hoa, lá rất tinh xảo, độc đáo cùng tiểu tượng Hàn Tương Tử, Lam Thái Hòa hai vị tiên trong bát tiên. Gian giữa: thờ Quan Thánh Đế Quân. Gian trái thờ Chúa Xứ Nương Nương: khánh thờ chạm lưỡng long tranh châu, hoa, dơi, điểu... cùng câu đối:

"Chúa chí đào hoa kết thành kim phượng vũ
Sinh hương tự triện thổ xuất ngọc long phi"

Gian phải thờ Phước Đức Chính Thần: khánh thờ với chữ Phước Đức Chính Thần cùng câu đối:

"Phúc đức bảo ngã tử tôn an thả kiết
Thần đàn vi dân phụ mẫu thọ nhi khang"

Những câu đối đề ở ĐÌNH ĐIỀU HÒA sửa

Đình Điều Hòa tọa lạc tại số 101, đường Trịnh Hoài Đức, phường 2, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Do nằm trong địa vực trung tâm thành phố, giữa khu dân cư nên việc đi đến di tích bằng các phương tiện giao thông đường bộ rất thuận tiện. Từ ngã ba Trung Lương trên Quốc lộ I, rẽ vào đường Ấp Bắc chạy thẳng xuống đường Nguyễn Trãi, quẹo qua Hùng Vương chạy về hướng Chợ Gạo, qua khỏi Cầu Quay rẽ trái vào đường Trịnh Hoài Đức khoảng 300m là đến di tích.

Nhìn về tổng thể hiện trạng xây dựng có lối như chử “thập” (+), nhưng theo hiện trạng cũ theo trục Bắc – Nam , đình có cấu trúc theo lối chữ Tam (≡). Trên mặt dựng của cổng có 3 chữ Hán “Đình Điều Hòa”, phía sau trang trí một bức tranh “Thất Hiền Quá Hải”, bên dưới thân trụ cổng có đôi câu đối của ông Cao Xuân Dục viết tặng đình khi về thăm đình vào năm Duy Tân thứ I. Nội dung:

“Tứ hải bổn đồng phùng thuận trị
Nhất thôn phong hóa hảo Điều Hòa ”

Vào trong chánh điện, gian giữa với các mảng chạm khắc bên trên là “Long Phụng tranh châu”. Phía dưới là Bát tiên cởi thú; phía trên bao lam là những khuôn chạm Tứ quý, Tứ linh, Mai Điểu, Tùng Lộc, Liên áp quả (vịt – sen) và trên cùng là tấm hoành được sơn son thiếp vàng và chạm Tứ linh. Trên 2 cột là đôi liễng chạm 2 lớp câu đối có nội dung:

Miếu mạo nguy nga tân cựu tôn ty triêm thánh đức
Oai linh hách diệu sỹ nông công mãi mộc thần ân

Những câu đối khắc tại chùa Minh Tràng ở Tiền Giang sửa

Năm 1840, vợ chồng ông huyện Bùi Công Đạt mua một sở đất rộng trên hai mẫu, tại làng Mỹ Hóa nay là ấp Mỹ An, xã Mỹ Phong, TP Mỹ Tho, đứng ra xây cất một ngôi chùa nhỏ. Mấy năm sau, bá tánh thỉnh Hòa thượng Thích Huệ Đăng từ chùa Giác Lâm (Gia Định) về trụ trì. Thầy Huệ Đăng xúc động trước cảnh chùa suy sụp nên đã vận động tiền bạc và lực lượng lao động trong giới Phật tử xây dựng thành một ngôi đại tự và đặt tên là chùa Vĩnh Trường với ngụ ý mong ước cho chùa được như câu đối sau:

Vĩnh cửu đối sơn hà
Trường tồn tề thiên địa

Dưới đây là đôi câu đối bằng chữ Nho, treo tựa vào hai cột giữa trong gian chính của nhà Tổ tức là chùa Vĩnh Tràng cũ. Hai câu đối nầy của một phật tử tên là Ngô Thành Tất người làng Phú Hội (Phường 8 bây giờ) phụng tặng:

Thảo Thất Đình Tiền Thiên Chi Bạch Vân Hàn Lập Tiết
Huỳnh Mai Lâm Lý Nhất Luân Minh Nguyệt Dạ Truyền Y

Những câu đối liên quan đến Nam Phương Hoàng Hậu tại lăng Nguyễn Hữu Hào ở Tiền Giang sửa

Cung Nam Phương Hoàng hậu nằm ở trục đường Hùng Vương, trên một ngọn đồi khá thoáng đãng, trong khuôn viên Bảo tàng Lâm Đồng, gần với dinh I và dinh II của Vua Bảo Đại. Theo tài liệu lịch sử, cung Nam Phương còn có tên là dinh Nguyễn Hữu Hào – một đại điền chủ xứ Gò Công (nay thuộc tỉnh Tiền Giang), thân phụ của bà Nguyễn Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng hậu (vợ Vua Bảo Đại). Dinh được đại điền chủ Nguyễn Hữu Hào xây tặng cho con gái của mình vào đầu những năm 30 của thế kỷ 20. Những ngày ở Đà Lạt của vị hoàng hậu cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam còn được nhắc nhiều đến việc xây lăng mộ cho bố mình – Quận công Nguyễn Hữu Hào – và tự tay đề hai cặp câu đối ngay lối vào nhất chính đạo (lăng Nguyễn Hữu Hào tọa lạc trên một đồi thông gần thác Cam Ly):

“Dữ quốc đồng hưu thiên cổ hà sơn thư khoán vĩnh
Dưỡng thân dục đãi bách niên phong thụ đỉnh chung bi

Dịch nghĩa:

“Một lòng với nước, ngàn năm sông núi mãi ghi trong sách sử khoán ước
Nuôi dưỡng cha mẹ, trăm năm cây gió khắc ghi nỗi đau buồn trên chuông đỉnh

Và:

Chất giáng trụ thiên phảng phất anh linh quy thổ lạc
Chung trừ túc địa uất thông vượng khí hộ giai thành

có nghĩa là:

Chót vót chống trời, phảng phất khí thiên về nơi an lạc
Đất thiêng tốt lành, bao trùm vượng khí bảo vệ chốn giai thành

Những câu đối khắc ở lăng Tứ Kiệt huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang sửa

Lăng Tứ Kiệt là nơi thờ phụng bốn vị anh hùng (Nguyễn Thanh Long, Trần Công Thận, Trương Văn Rộng, Nguyễn Tấn Đước hay Đức), toạ lạc tại huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Câu đối ở Lăng Tứ Kiệt được khắc trên cột. Bước vào, chúng ta sẽ thấy ngay một cặp đối ở cổng:

Khóa Quốc Dĩ Thành Nhân Huân Danh Lưu Vũ Trụ
Vì Dân Nan Tận Lực Nghĩa Khí Chói Càn Khôn

Bước vào đại sảnh, ta bắt gặp cặp câu đối khác:

Tam Phụ Chuyên Sơn Minh Chiến Tích
Lực Long Hữu Thuỷ Chiêu Hùng Tâm

Hai đôi câu đối tại bàn thờ:

Tả Thánh Chú Minh Phò Lê Thứ
Hữu Thần Bảo Hộ Đắt Vạn Dân

Các câu đối như thay mặt ngừơi dân gửi lòng tôn kính đến bốn ông:

“Tứ trị loạn bất ưu bất cụ,
Kiệt do nghĩa khi đại chí cương”

Tạm dịch:

“Bốn vị trị loạn, chẳng lo, chẳng sợ gì cả,
Sức mạnh ấy có được là do có chính nghĩa”

Khi bước đến cửa vào cửa miếu, ta bắt gặp bốn câu đối, mỗi câu năm chữ, tạo nên hai cặp câu tiểu đối năm chữ, có kết cấu hết sức độc đáo, bốn chữ đầu tiên của bốn câu hợp thành “Tứ Kiệt cổ miếu”. Ngoài ra, ý tứ cũng thật hay và không kém phần tài tình nhằm ca ngợi công đức của bốn ông trong sự nghiệp kháng chiến:

Cổ trì phù Việt quốc,
Miếu nhân tì Nam dân,
Tứ hiển anh phong tướng,
Kiệt tắc vũ dũng quân”

Tạm dịch:

“Trí người xưa đã phò đất Việt,
Miếu thờ người nhân hậu giúp dân Nam,
Bốn vị nổi tiếng là tướng anh hùng,
Là người vũ dũng, là thần linh hiển”
Sức mạnh của câu đối thể hiện ở tính khái quát và hàm súc. Chỉ bằng bốn câu ngắn gọn đã cho ta thấy công ơn lớn lao của bốn vị anh hùng Tứ Kiệt, họ đã “phò đất Việt”, “giúp dân Nam”. Đó là công việc, là trách nhiệm và phận sự của những con người “vũ dũng”, của những “tướng anh hùng”. Dù cho công việc của họ không thành công, nhưng tấm lòng của họ, công đức của họ đối với dân tộc, đối với Tổ quốc này là không có gì có thể sánh bằng; họ xứng đáng cho nhân dân ngàn đời tưởng nhớ, lập “miếu thờ”, và làm “thần hiển linh”.

Câu đối khắc tại Miếu Quan Đế tỉnh An Giang sửa

Miếu Quan Đế tọa lạc tại số 113, đường Trần Hưng Đạo, phường Châu Phú A, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Miếu do một nhóm người Hoa sống tại Châu Đốc lập nên, thờ Quan Đế Thánh Quân (tức Quan Vũ tự Vân Trường) - một nhân vật nổi tiếng về trung nghĩa tiết tháo thời Tam quốc. Giữa chánh điện là tượng thờ Quan Đế. Bên trái là tượng Quan Bình (con nuôi của Quan Đế) và tượng Châu Xương tướng quân (đệ tử của Quan Đế). Câu đối giữa có nội dung như sau:

忠義仰神威丹心貫日
春秋尊正統峻德參天
Trung nghĩa ngưỡng thần uy đan tâm quán nhật
Xuân thu tôn chính thống tuấn đức tham thiên

Dịch nghĩa:

Trung nghĩa uy nghi lòng son xuyên suốt tháng ngày
Thẳng ngay chánh trực đức độ thấu tận trời xanh

Câu đối khắc tại Miếu Bà Chúa Xứ tỉnh An Giang sửa

Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường Núi Sam, trước thuộc xã Vĩnh Tế, thị xã Châu Đốc là một trọng điểm “hành hương và du lịch” của tỉnh An Giang. Theo truyền tụng trong dân gian thì tượng “Bà” đã có lâu đời. Cách đây khoảng 200 năm, “Bà” được dân địa phương phát hiện và được khiêng từ trên đỉnh núi Sam bằng 12 cô gái đồng trinh, theo như lời dạy của “bà” qua miệng “cô đồng”, nên người dân lập miếu để tôn thờ. Có ý kiến khác cho rằng Thoại Ngọc Hầu hoặc vợ là bà Châu Thị Tế xây dựng miếu. Câu đối treo ở miếu Bà có nội dung như sau:

Cầu tất ứng, thí tất linh, mộng trung chỉ thi
Xiêm khả kính, Thanh khả mộ, ý ngoại nan lường

Tạm dịch:

Xin thì được, ban thì linh, báo trong giấc mông
(Người) Xiêm sợ hãi, (Người) Hoa kính mộ, ý tứ khôn lường…

Câu đối khắc ở đình làng Mĩ Luông huyện Chợ Mới tỉnh An Giang sửa

Mỹ Luông là tên gọi một thị trấn của huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Lần theo các chữ Hán trên cổng đình làng, địa danh này được viết là: 隆美 Trong đó chữ 隆 (Luông/Long) nghĩa là sự vươn lên/phát đạt, còn chữ 美 (Mỹ) nghĩa là đẹp. Câu đối được khắc trước cổng đình làng:

隆家興國工農巧述四時新
美俗純風文獻禮儀千古在
“Luông gia hưng quốc công nông xảo thuật tứ thì tân
Mỹ tục thuần phong văn hiến lễ nghi thiên cổ tại”

Tạm dịch:

Nhà sang, nước mạnh, công, nông khéo thì bốn phía đổi đời
Thuần phong mỹ tục, văn hiến lễ nghi xưa nay phải giữ

Liên kết sửa